Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Hai ngày qua, dư luận phản ứng khá mạnh mẽ với thông tin cán bộ TQH – phó phòng một đơn vị của Cục An toàn và bức xạ hạt nhân (Bộ KH&CN) – đã “gặp sự cố” trong một vụ nghi vấn trộm cắp tại Nhật Bản. Đa số các ý kiến trên mạng đều không chấp nhận hành vi này của ông TQH, nếu nó thật đã xảy ra. Thậm chí, rất nhiều người còn cảm thấy ông TQH đã làm mất thể diện quốc gia.
Nhưng cái “tội” của cán bộ TQH nào đó đang bị cáo buộc có vẻ không phải là điều gì to tát cho lắm, nếu mang ra so sánh với một “sự cố” ngoại giao khác lớn gấp mấy trăm lần mà cả chính phủ Việt Nam đang vướng phải.
Vụ việc đó đã khiến Cộng hòa Liên bang Đức thẳng tay “đuổi” – không phải chỉ một, mà là hai – nhân viên trong ngoại giao đoàn của chúng ta về nước trong vòng một tháng rưỡi: “sự cố” Trịnh Xuân Thanh.
Trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh, Bộ Ngoại giao CHLB Đức từ tháng 8/2017 đến nay, liên tục cáo buộc Đại Sứ quán và nhân viên an ninh Việt Nam tham gia vào một vụ bắt cóc ở Đức.
Cáo buộc của vụ bắt cóc có tổ chức này đã khiến cho mối bang giao hai nước hóa đông, khi CHLB tạm đình chỉ quan hệ chiến lược với Việt Nam vào cuối tháng 9/2017. Kế đến, hàng loạt Đại Sứ quán của các nước thành viên Liên minh Châu Âu – EU – như, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan đồng lên tiếng ủng hộ Đức trong vụ việc.
Nhưng hình như, có ít nhất là một nửa dân chúng Việt Nam không xem điều đó là một hành vi làm mất thể diện quốc gia gì cả. Dư luận có vẻ là 50/50 trong vụ việc này, vì có người cho là chỉ cần Trịnh Xuân Thanh – bằng một cách nào đó đã về đến Việt Nam đầu thú – là được.
Chắc chắn sẽ có ý kiến rằng, chỉ có một mình phía Đức đưa ra cáo buộc thôi, chứ làm gì có bằng chứng là Đại Sứ quán Việt Nam tham gia!
Đúng vậy, chỉ là cáo buộc của Đức. Cũng như, chỉ có cáo buộc của cảnh sát Nhật Bản thôi, chứ có tòa nào kết án ông cán bộ TQH đi ăn trộm đâu?
Vậy tại sao đối với ông TQH thì hầu như là toàn bộ dư luận lại cảm thấy hành vi của ông này – một khi được xác minh – sẽ làm mất mặt người Việt, nước Việt? Còn ngược lại, hết ý kiến này đến ý kiến khác được đưa ra để bao biện cho nhân viên an ninh Đại Sứ quán Việt Nam ở Berlin – ngay cả khi có bằng chứng là họ thật sự đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?
Lâu nay, chúng ta vẫn luôn lên án rất dữ dội hành vi trộm cắp của người Việt ở nước ngoài. Từ việc chia sẻ những hình ảnh các bảng thông báo được dán ở siêu thị các nước bằng tiếng Việt, cảnh cáo người ta đừng ăn cắp, cho đến việc dư luận luôn làm ầm ĩ những vụ bắt tại trận như ông TQH.
Trong khi đó, tội bắt cóc trong luật hình sự của nước nào cũng là một tội đại hình cao gấp mấy lần tội trộm cắp – vì nó gây nguy hiểm đến thân thể của một con người, chứ không đơn giản là những tội chỉ liên quan đến tài sản của người khác nữa.
Thế nhưng, trước những cáo buộc ngày một mạnh mẽ từ phía CHLB Đức, thì không chỉ là chính phủ Việt Nam hoàn toàn im lặng – mà cả dư luận Việt Nam cũng không thể có được một tiếng nói chung về vụ việc này. Khoan nói đến việc lên án hành vi bắt cóc, ngay cả đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải có phản ứng ngoại giao với Đức cũng là hầu như không có.
Phía Đức vốn đâu chỉ cáo buộc suông, mà qua mỗi lần họp báo với truyền thông quốc tế, họ luôn đưa ra ngày một nhiều bằng chứng về kế hoạch bắt cóc, ví dụ như thông tin của những người tham gia, phương pháp tổ chức, v.v. Và đồng thời, biện pháp chế tài ngoại giao của chính phủ Đức đối với Việt Nam cũng ngày càng tăng.
Vì sao chúng ta rất sẵn sàng đồng loạt lên án một công dân, thậm chí là một cán bộ bị nghi trộm cắp – nhưng lại tỏ vẻ im lặng trong đồng lõa với một nhà nước bị nghi tổ chức bắt cóc công dân mình ở nước ngoài? Ít nhất, chúng ta cũng nên lên tiếng rằng, nếu cáo buộc của chính phủ Đức là thật, thì hành vi của Đại Sứ quán Việt Nam ở Berlin cũng sẽ bị lên án không kém gì với vụ việc ông TQH ở Nhật.
Tội ăn trộm đúng là không thể dung tha được, và tội bắt cóc cũng vậy. Chưa kể đến, một cá nhân đi ăn trộm thì thường cũng chẳng khiến cho chính phủ nước bạn lên tiếng đe dọa xóa bỏ tình hữu nghị giữa hai nước, hay tạm đình chỉ các mối quan hệ chiến lược. Ngay cả tên họ đầy đủ hay hình ảnh của người bị bắt cũng chẳng hề bị tung lên truyền thông.
Cá nhân ông TQH thì cũng chỉ phải lẳng lặng gom đồ về nước mà thôi. Là cán bộ đi công tác, ông ấy hẳn đã nhập cảnh bằng hộ chiếu ngoại giao (diplomatic passport), và cảnh sát Nhật đến cuối cùng thì cũng phải thả ông ta. Đó là quy tắc của luật ngoại giao quốc tế theo Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao 1961.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản chắc chẳng cần tổ chức họp báo và tuyên bố gì về vụ việc này, và chắc là cũng sẽ không thẳng thừng “mắng” Đại Sứ quán nước ta câu nào trước phóng viên quốc tế. Hậu quả cho mối quan hệ giữa hai nước vì vụ việc này là hầu như không có. Chỉ là có thể, dân chúng Việt Nam lại thêm một lần cảm thấy bị “mất thể diện” vì vụ cáo buộc trộm cắp của quan chức ở nước ngoài như thế này.
Trong khi đó, non nửa hai tháng qua, các bản tuyên bố báo chí của Bộ Ngoại giao Đức từ tháng 8/2017 đến nay, ngày càng nặng nề hơn. Khi hết lần này đến lần khác, họ chỉ đích danh Đại Sứ quán Việt đã tham gia, tổ chức bắt cóc. Vậy mà có người trong chúng ta vẫn cảm thấy điều này chả có gì phải “mất thể diện” cả?
Nhưng “mất thể diện” hay không thì hậu quả của vụ việc Trịnh Xuân Thanh vốn nghiêm trọng hơn “sự cố” của ông TQH rất nhiều. Việc Đại Sứ quán – là cơ quan đại diện cho nhà nước Việt Nam – bị cáo buộc tham gia bắt cóc có tổ chức ở một nước đặt rất nặng chuẩn mực luật pháp của nhà nước pháp quyền (rule of law) như CHLB Đức, thì ảnh hưởng của nó sẽ lan đến toàn bộ quốc gia.
Việt Nam, sau khi thất bại trong việc tham gia Hiệp định thương mại TPP với Hoa Kỳ, thì hiện nay rất cần thương thảo cho xong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) với Liên minh Châu Âu. Nếu như chúng ta không thể khiến các nước trong khối EU tin rằng, nhà nước Việt Nam là một thể chế tôn trọng luật pháp – đặc biệt là luật pháp quốc tế và luật của nước khác – thì làm sao họ có thể ký kết bất kỳ hiệp nghị gì với chúng ta được?
Ở đây, CHLB Đức không chỉ là một nước thành viên EU – mà họ chính là nước lãnh đạo khối này. Hãy xem cách mà các Đại Sứ quán khối EU đồng loạt đứng về phía Đức trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh là đủ để thấy rất rõ vị trí “đại ca” của CHLB Đức.
Chúng ta lên án, cảm thấy bị mất mặt, hoặc thậm chí là một chút mặc cảm “nhục quốc thể” khi hành vi trộm cắp của người Việt bị bêu riếu ở nước ngoài. Nhưng tôi tin là mỗi người chúng ta đều có thể dễ dàng chứng minh khi du lịch sang nước khác, hay khi giao tiếp với bạn bè quốc tế, rằng chúng ta không phải ai cũng thế. Chúng ta sẽ dễ dàng chứng minh cá nhân mình là một người tử tế, biết tôn trọng luật pháp ở bất kỳ nơi đâu.
Thế nhưng, khi toàn bộ ban bệ nhà nước Việt Nam đang bị cáo buộc là “hành xử như điệp viên thời Chiến tranh Lạnh”, vì đã tổ chức bắt cóc người ban ngày ban mặt ở giữa thủ đô nước Đức, thì lại khác. Không một cá nhân nào trong chúng ta có thể bao biện hay giải thích nổi cho những hành vi đó của chính phủ. Không một ai trong chúng ta sẽ có đủ bản lĩnh để giải thích với quốc tế rằng, Việt Nam là một đất nước tôn trọng pháp quyền và luật quốc tế cả.
Cái mà chúng ta có thể làm, nếu muốn giữ thể diện quốc gia trong những vụ việc liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật ở nước ngoài của công dân Việt Nam, là đừng chỉ dừng lại ở việc phê phán hay lên án một cán bộ TQH nào đó bị nghi ngờ trộm cắp. Muốn lên án, thì hãy chứng tỏ rằng chúng ta sẵn sàng lên án cách hành xử trái ngược với nguyên tắc nhà nước pháp quyền của chính phủ nước mình, một khi có đầy đủ thông tin.
Mà muốn có đầy đủ thông tin, thì chính chúng ta trước hết phải yêu cầu chính phủ Việt Nam phúc đáp thật rõ ràng vụ việc Trịnh Xuân Thanh bằng công hàm đến CHLB Đức, chứ đừng dễ dàng chấp nhận một bản tin cắt ghép từ truyền thông nhà nước làm kết luận cho vụ việc.
Hãy đòi hỏi phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh được diễn ra theo chuẩn mực tố tụng của thế giới, với các luật sư biện hộ – kể cả luật sư người nước ngoài – truyền thông độc lập, và các giám sát viên quốc tế tham gia.
Đừng chỉ lên án một cá nhân vi phạm luật pháp ở đâu đó, mà hãy cùng đấu tranh đòi hỏi một thể chế thật sự biết thượng tôn luật pháp ngay tại Việt Nam.