Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Bài xã luận “Chỉ trích bộ trưởng là quyền, không phải tội” của tác giả Trịnh Hữu Long đăng trên Luật Khoa hôm 22/10 vừa qua đã làm dấy lên nhiều tranh luận trên mạng xã hội.
Tôi đặc biệt chú ý đến ý kiến của một độc giả (mà tôi sẽ trình bày ở phần dưới). Bài xã luận này của tôi là một nỗ lực đối thoại với độc giả về một số luận điểm trong phần comment đó. Tôi không có ý định thanh minh hay giải thích gì thay mặt tác giả Trịnh Hữu Long. Tôi chỉ thấy vấn đề độc giả đề cập rất thú vị và xứng đáng được bàn luận thêm, cho dù việc trả lời rõ ràng cho các khúc mắc trong vấn đề này có khó khăn đến mấy, và cho dù bài xã luận ngắn này có thể không giúp gì thêm cho việc trả lời các khúc mắc đó.
Các vấn đề độc giả đặt ra
Tôi mạn phép tóm tắt lại luận điểm của độc giả theo cách hiểu của tôi như sau:
Luật Khoa có hồi đáp cho độc giả rằng bác sỹ Truyện “là nhân viên của bệnh viện huyện Phong Điền, cấp trên trực tiếp của ông ấy là Giám đốc bệnh viện. Xét về cơ cấu tổ chức, bệnh viện này trực thuộc sự quản lý trực tiếp của Sở Y tế Thừa Thiên – Huế và sự quản lý nhà nước của UBND huyện. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế không phải là cấp trên trực tiếp của ông ấy”.
Đồng thời, Luật Khoa cũng giải thích thêm rằng dựa trên nội dung văn bản pháp luật có liên quan thì bác sỹ Truyện (cụ thể là việc tuyển dụng, bổ nhiệm vị bác sỹ này) không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.
Hồi đáp của tôi với các luận điểm của độc giả
Có hai vấn đề trong luận điểm này:
1. Quản lý y tế dọc hay ngang: chưa chắc là dọc.
Độc giả cho rằng bản chất của hình thức quản lý trong ngành y tế Việt Nam là “quản lý ngành dọc”.
Ở điểm này độc giả có lẽ thuần túy nghĩ rằng vì ngành y tế là một chuyên ngành đặc biệt, có tính chuyên môn cao nên phương thức quản lý cũng phải phù hợp, quản lý hoàn toàn dựa vào chuyên môn.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn thì có thể thấy rằng bản chất phương thức quản lý ngành y tế của Việt Nam là một vấn đề mà bản thân ngành này có vẻ còn chưa giải quyết được.
Một bài báo năm 2014 có tựa đề “Quản lý y tế dọc hay ngang?” giải thích:
“Hiện nay, mô hình tổ chức hệ thống y tế Việt Nam được tổ chức theo bốn cấp phụ thuộc vào hệ thống tổ chức nhà nước (trung ương, tỉnh, huyện, xã). Theo đó, Bộ Y tế quản lý theo ngành, chính quyền địa phương quản lý theo địa bàn. Nhưng hiện nay, trong một tỉnh lại có các phương thức quản lý khác nhau, nơi quản lý theo ngành dọc, nơi thì vẫn quản lý theo ngành ngang, có nơi thì kết hợp quản lý cả ngang và dọc. Các cơ sở y tế vừa chịu sự quản lý về chuyên môn y tế do Bộ Y tế ban hành, vừa chịu sự lãnh đạo của địa phương về tổ chức, nhân lực y tế. Chính vì việc xác định trách nhiệm công vụ chưa rõ ràng, cụ thể, minh bạch nên khi có vấn đề xảy ra, việc quy trách nhiệm không dễ.”
Năm 2013 cũng đã diễn ra một hội thảo khoa học về vai trò của chính quyền địa phương trong công tác y tế do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội. Tại đó, vị Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế xác nhận: “hiện nay mô hình quản lý y tế nước ta theo nguyên tắc song trùng. Bộ Y tế quản lý ngành, chính quyền địa phương quản lý theo lãnh thổ”.
Đồng thời, theo vị này:
“[V]iệc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật công chức, viên chức y tế tuyến tỉnh đều thuộc về chính quyền địa phương và Bộ Y tế nếu có phát hiện cán bộ, nhân viên y tế cấp tỉnh trở xuống vi phạm thì cũng chỉ được đề nghị xử lý.”
Địa vị pháp lý nói trên cũng được bản thân cổng thông tin Bộ Y tế xác nhận.
Hội thảo khoa học nói trên kết thúc với ý kiến được đa số các đại biểu đưa ra, đó là “nên thống nhất quản lý y tế theo ngành dọc.”
Việc thống nhất phương thức quản lý sẽ giúp phân định rõ ràng hơn trách nhiệm của Bộ Y tế trong các vụ bê bối nóng hổi vốn thường diễn ra tại các địa phương khác nhau. Nếu sai sót là của địa phương thì trách nhiệm Bộ Y tế là tới đâu? Đó là một câu hỏi nên được luật pháp và chính sách nhà nước trả lời rõ ràng, thay vì để cho lương tâm mỗi người Việt Nam tự quyết.
Đây là một vấn đề hay mà theo quan sát hạn hẹp của tôi thì báo chí Việt Nam gần đây không nhắc đến. Rất cảm ơn những nỗ lực đẩy tranh luận đi tiếp của độc giả để giúp phát hiện ra vấn đề này.
Tuy nhiên, có thể gút lại một phản hồi của tôi với tranh luận của độc giả: Việc độc giả cho rằng quản lý y tế Việt Nam hiện nay đang theo phương thức quản lý ngành dọc là không có cơ sở chắc chắn.
2. Người trong hệ thống không có tư cách phê bình hệ thống?
Tôi cảm thấy khó đồng ý nhất với luận điểm của độc giả rằng vì bác sỹ Truyện là “nhân viên Bộ Y tế”, nên bác sỹ Truyện “cũng đang đóng góp vào sự yếu kém của tổ chức do ông chỉ trích”. Trên cơ sở đó, việc bác sỹ Truyện trách cứ hay kết tội Bộ Y tế thông qua việc trách cứ hay kết tội bà Nguyễn Thị Kim Tiến, là một hành vi không ổn thỏa về mặt đạo đức.
Vì sao có thể phán xét như đinh đóng cột rằng hễ một con người là một phần bên trong một hệ thống nào đó thì bản thân con người đó chắc chắn là “đang đóng góp vào sự yếu kém” của hệ thống đó?
Tôi cho rằng phán xét này có vấn đề đạo đức của chính nó. Vì nó áp đặt một mức truy cứu trách nhiệm rất cao lên mọi cá nhân bên trong một hệ thống mà không xét đến hoàn cảnh riêng biệt của mỗi cá nhân cũng như của bản thân hệ thống.
Ở đây tôi không thể biện minh cho cá nhân bác sỹ Truyện vì tôi không biết gì về sự nghiệp của ông. Tôi đang nói trên cơ sở dùng đúng tiêu chuẩn của độc giả để phán xét bất kỳ thành viên nào trong bất kỳ hệ thống nào, và đang dùng thứ ngôn ngữ về đạo đức chung chung, thay vì pháp lý chính xác.
Nếu một cá nhân đã làm hết sức mình để giúp cho hệ thống vận hành hiệu quả, nhưng có các vấn đề cố hữu bên trong hệ thống, vốn chịu ảnh hưởng của rất nhiều thành viên khác, lại nằm ngoài tầm kiềm soát của cá nhân đó thì sao? Cá nhân đó vẫn không có quyền lên tiếng, phê phán, cảnh tỉnh để giúp mọi người bên ngoài và bên trong hệ thống nhìn ra vấn đề ư?
Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới có các điều luật, án lệ đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi những người thổi còi (whistleblower), những người bên trong một hệ thống, tổ chức, công ty nào đó can đảm lên tiếng tiết lộ các hành vi sai trái, phạm pháp của chính các hệ thống, tổ chức, hay công ty mà họ là thành viên.
Các tiết lộ đó giúp nhà nước phát hiện và trừng phạt các hành vi phạm pháp, ảnh hưởng nặng đến quyền lợi công cộng của các tổ chức lớn.
Trong nhiều tình huống, các hành vi phạm pháp, hay “yếu kém” nói chung, của một hệ thống không thể bị quy trách nhiệm, dù là pháp lý hay đạo đức, cho một cá nhân chỉ đơn giản vì cá nhân đó là thành viên trong hệ thống đó.
Việc quy trách nhiệm pháp lý về hành vi của một hệ thống phải dựa vào luật pháp, cơ cấu tổ chức, quy trình ra quyết định của hệ thống đó. Và nên dựa trên nguyên tắc cá nhân: ai sai người ấy chịu.
Còn nếu muốn quy trách nhiệm đạo đức, có lẽ nên quy trách nhiệm cho những ai là thành viên của một hệ thống, biết nó phạm pháp, “yếu kém” mà vẫn im lặng bất kể những tác hại công cộng của các hành vi phạm pháp, của những “yếu kém” đó.
Tôi cho rằng, nếu đẩy xa hơn luận điểm của độc giả theo cách tôi đã hiểu như trên, rằng bất kỳ ai là người trong hệ thống thì không có tư cách phê bình hệ thống, thì sẽ dẫn đến việc biện minh hay cổ súy cho sự im lặng thụ động của những cá nhân bên trong những hệ thống đầy “yếu kém” và sai phạm vẫn đang tồn tại.
—
Ghi chú của Ban biên tập: Ở phiên bản trước của bài này, Luật Khoa có nêu tên của vị độc giả mà chưa xin phép trước. Chúng tôi xin lỗi vì sự khiếm nhã này và đã sửa lại bài.