Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Cảnh sát trưởng Byron Allatog của thành phố Bogo City năm nay 39 tuổi, và suốt buổi phỏng vấn, anh luôn miệng nhắc đi nhắc lại, tôi chỉ là một viên cảnh sát bình thường.
Điều đó có lẽ đúng ở một thời điểm khác, và nếu chúng ta đang ở một đất nước nào khác, chứ không phải là Philippines.
Byron Allatog là người đứng đầu một sở cảnh sát của một thành phố nhỏ với những ruộng mía bao phủ trên đảo Cebu – nằm phía Nam Philippines. Người dân ở đây làm ruộng và đánh cá. Họ thích hát karaoke. Và một số thì “khoái” món “shabu” – một chất gây nghiện thuộc nhóm methamphetamin.
Và trong những ngày của một thời đại không bình thường ở Philippines.
Từ khi Rodrigo Duterte trở thành tổng thống vào tháng 5/2016, cảnh sát ở khắp các thành phố của Philippines đã thực thi chính sách bài trừ ma tuý đẫm máu và vô pháp của Duterte. Họ sẵn sàng giết dân ngay tại chỗ nếu những người đó bị nghi ngờ là buôn bán hoặc sử dụng chất gây nghiện.
Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Philippines (Philippine National Police – PNP) – đơn vị được nhận hỗ trợ tài chính và huấn luyện từ Hoa Kỳ – đã nổ súng giết chết hàng nghìn người dân trong những vụ bố ráp giữa đêm, mà nhìn bề ngoài thì chúng giống như là kiểu xử bắn tại chỗ. Hàng nghìn người khác thì đã bị giết chết bằng những vụ ám sát ngụy tạo, với các nạn nhân thường xuyên bị cáo buộc là đang sử dụng ma tuý.
Nhưng trong hàng nghìn người dân Philippines bị giết chết trong “cuộc chiến chống ma túy” tự xưng của Duterte, không có bất kỳ người nào nằm trong khu vực mà Cảnh sát trưởng Allatog quản lý theo thống kê của cơ quan địa phương.
Chiến lược phi thường của Allatog để đạt được điều này là gì?
“Tôi chỉ bảo các viên chức cảnh sát của mình: ‘Đừng giết người'”, Allatog trầm ngâm.
Đừng giết người. Đó vốn là điều hiển nhiên trong xã hội.
Tuy nhiên, tại Philippines ngày nay, Duterte và người đứng đầu lực lượng cảnh sát, Tướng Ronald dela Rosa, luôn miệng kêu gọi tàn sát, thậm chí cả giết người hàng loạt cũng được xem là cần thiết – và là hành vi công chính.
Bạo lực từ phía cảnh sát trong cuộc chiến này có phạm vi rộng lớn đến mức mà Tòa Hình sự Quốc tế đã cảnh cáo là họ có thể sẽ điều tra những cáo buộc về tội ác chống lại nhân loại đối với Duterte và những người liên quan.
Thế nhưng, con số ít ỏi các quan chức cảnh sát phản đối chính sách của Duterte cũng chỉ dám âm thầm làm điều đó, chứ ít người dám thể hiện ra trước công chúng.
Người dân có cảm giác rằng, chẳng có ai kiểm soát được lực lượng cảnh sát quốc gia nữa cả. Và đó là lý do để Allatog cảm thấy rất khó chịu, khi lực lượng này đang thiếu sót một trách nhiệm giải trình với người dân.
Là một người tốt nghiệp từ Học viện Cảnh sát Quốc gia danh tiếng và được huấn luyện bởi Cơ quan Điều tra Liên Bang FBI của Mỹ, Allatog xem trọng những giá trị về quy trình, thủ tục, và kỷ luật. Tại FBI, anh đã từng được dạy: “không đi tắt đón đầu, lấy chuẩn mực tố tụng, và nhà nước pháp quyền” làm tiêu chuẩn cho nghề nghiệp của mình.
Làm nhân viên cảnh sát đối với anh không phải là tham gia chính trị, mà đó là vấn đề nguyên tắc.
“Tôi chả có gì phải chống hay không chống tổng thống Duterte. Tôi chỉ cố gắng làm điều đúng đắn mà thôi.”
Bảo nghi phạm đưa tay lên, và không nổ súng bắn người.
Allatog chưa bao giờ có kế hoạch – dù là ở Bogo City hay là ở đâu khác – để sắm vai trò tiếng nói đối lập.
Ra trường năm 2001, Allatog đã được điều đến các đơn vị khác nhau trên khắp Philippines và dần dần đi lên trong sự nghiệp. Năm 2014, anh được vinh danh là một trong những sĩ quan ưu tú nhất cả nước.
Sau khi trở về từ khóa huấn luyện ở Mỹ, Allatog tưởng rằng mình sẽ ở lại một đơn vị đặc nhiệm nào đó tại Manila. Nhưng không, anh được bổ nhiệm về Cebu. “Tôi thậm chí là còn chưa bao giờ nghe nói đến Bogo City,” anh kể lại. “Tôi đã phải tra xem nó là địa phương nào.”
Khi Allatog bắt đầu nhiệm kỳ của mình ở Bogo City, cảnh sát cả nước đã giết hàng nghìn người. Phóng viên, cũng như các tổ chức nhân quyền, chính phủ các nước, đã gom đủ hàng loạt bằng chứng là cảnh sát Philippines lạm quyền, từ dàn dựng hiện trường hung án, cho đến thành lập danh sách giết người bí mật.
Allatog tự nhận là rất khó để kiểm soát được các nhân viên cấp dưới. Họ đều biết tổng thống đã hứa sẽ ân xá bất kỳ cảnh sát nào nổ súng vào những kẻ bị tình nghi. Họ cũng nghe đồn thổi là những viên cảnh sát tham gia vào cách hành động giết người ngoài giờ làm việc kiếm được 5.000 – 10.000 pesos (khoảng 100 – 200 đô la).
Anh chỉ có thể nói với các nhân viên đồng nghiệp rằng, tại sở cảnh sát của anh, thì họ cần ứng xử theo một cách khác. Nếu họ giết người một cách không cần thiết, hoặc vì tiền mà giết người, thì Allatog sẽ không bảo vệ cho những hành vi đó. Anh cũng cảnh báo thêm với họ, đừng có đặt quá nhiều niềm tin vào những lời hứa hẹn của Duterte.
“Đó là lời hứa của các chính trị gia. Họ vốn -éo quan tâm đến các anh,” Allatog đã chỉ thẳng điều này với các nhân viên cấp dưới. “Các anh chỉ là những viên cảnh sát quèn. Bỏ tù các anh cũng chả ảnh hưởng gì đến kinh tế quốc gia. Họ chả quan tâm đến các anh đâu”.
Allatog tin rằng, một chiến dịch bài trừ ma tuý cần nhắm vào nguồn cung ứng – là những tên trùm buôn bán độc phẩm – và cả nhu cầu của những người sử dụng. Từ quan điểm của một cảnh sát nhiều kinh nghiệm thực tế, bắn giết ở đường phố sẽ chẳng mang lại hiệu quả gì cả.
Và giết người thì càng không phải là một hành vi mà một tín đồ Công giáo như Allatog có thể chấp nhận. “Tôi không phải là một tín đồ ngoan đạo nhất, nhưng tôi ít ra biết được cái gì đúng, cái gì sai. Và giết người thì không bao giờ là một hành vi đúng đắn cả”, anh chia sẻ.
“Đó là một hành vi bị nghiêm cấm trong Mười điều răn của Thiên Chúa mà tôi đã thuộc nằm lòng từ lớp một”, Allatog nói tiếp.
Thế nên, khi Tướng dela Rosa nói về “vô hiệu hóa” những kẻ bị cáo buộc buôn ma túy, Allatog đã diễn giải từ này theo một hướng hoàn toàn khác với các đồng nghiệp của mình. “Khi chúng ta nói về ‘vô hiệu hóa’ nghi phạm, thì chúng ta phải đảm bảo là họ vẫn còn sống – và sẽ bị bỏ vào tù. Nếu các cảnh sát viên khác không hiểu định nghĩa của từ này, thì họ không biết lên Google mà tìm hiểu hay sao”?
Tiến bộ, chứ không hoàn hảo
Khi Allatog bắt đầu tiếp quản công việc ở Bogo City, anh đã may mắn tìm được đồng minh từ thị trưởng và phó thị trường Carlo và Maria Cielo Martinez – là hai anh chị em ruột đã thành lập liên danh tranh cử tại đây. Cũng như Allatog, họ tin rằng muốn chống ma túy thì phải kết hợp công việc của cảnh sát với việc giáo dục cộng đồng về sức khoẻ.
“Hãy cho họ (ND-con nghiện) thời gian, trò chuyện với họ, hãy để họ chọn thay đổi vì chính bản thân của mình,” Thị trưởng Carlo Martinez chia sẻ. “Bạo lực là một con đường tắt. Nó sẽ không giải quyết được vấn nạn này”.
Thay vì bắn chết các nghi phạm, thành phố tạo điều kiện cho họ tham gia những chương trình cai nghiện do cộng đồng tổ chức, bao gồm mỗi tuần hai lần kiểm tra việc sử dụng chất kích thích và kết nối họ với những buổi gặp gỡ các vị y tá thiện nguyện.
Quy mô của chương trình thì nhỏ, và kinh phí cũng hạn hẹp. Thiếu bác sĩ và những cố vấn có chuyên môn về phòng chống ma túy, chính quyền thành phố đã linh động ứng phó bằng cách tập trung vào việc giúp đỡ lần lượt từng nhóm nhỏ.
Tại một buổi gặp gỡ gần đây, trên dưới một tá người cai nghiện thành công đã tập trung tại một phòng thay quần áo của một trung tâm thể thao ở thành phố. Đa số họ là nam giới. Đa số họ đều nghèo. Một người chỉ là thanh thiếu niên – cũng là thành phần dân số chết nhiều nhất trong trận chiến chống ma túy của Duterte khắp cả nước.
Aldwin Aburo, 45 tuổi, một người cai nghiện thành công và khoác trên người chiếc áo phông có dòng chữ “Tiến bộ, chứ không hoàn hảo” cho biết bản thân ông đã bỏ phiếu cho Duterte và ủng hộ phải chấm dứt việc sử dụng ma túy. Tuy nhiên, ông nói thêm, người dân đáng lý phải được cho một cơ hội để thay đổi và từ bỏ nó, thay vì bị giết chết.
“Những người (đã chết) vốn đều có thể chứng minh rằng họ có thể thay đổi”, ông giải thích. “Chúng ta phải đặt giá trị của sinh mạng lên trên việc tùy ý tước đoạt đi nó”.
Mặc dù gần đây, bởi vì ngày càng có nhiều tiếng nói phản đối mạnh mẽ hơn sau khi báo chí phanh phui vụ việc ba thiếu niên bị xử bắn, nên ngay cả Duterte cũng phải bắt đầu tập lên tiếng đây đó về “chuẩn mực tố tụng”. Tuy nhiên, các thông điệp của ông ta vẫn lẫn lộn cùng với những lời kêu gọi gia tăng bạo lực.
Lực lượng cảnh sát quốc gia PNP thì cũng tương tự như Duterte. Tháng 8/2017, ngay giữa tuần lễ kỷ lục về con số người chết trong cuộc chiến ma túy, thì PNP đã trao giải thưởng cho các quận hạt đứng đầu trong các danh sách về hành vi lạm quyền và sử dụng bạo lực của cảnh sát.
Tất cả những điều này có làm cho Allatog cảm thấy áp lực phải phục tùng hệ thống đó hay không?
“Đương nhiên là tôi cảm giác được áp lực đó chứ. Nhưng tôi -éo quan tâm” anh thẳng thắn chia sẻ. Mới đây thôi, anh đã đứng tên trong một kiến nghị thư yêu cầu lực lượng PNP hãy tập trung vào những chương trình cai nghiện cộng đồng.
“Chúng tôi ra lệnh cho các đồng nghiệp của mình hãy đứng cùng một chiến tuyến. Phục vụ (tổ quốc và nhân dân) bằng Danh dự và Công lý” – đó là những lời lẽ trên lá đơn ấy.
Và bản thân Allatog thì vẫn tận trung chức vụ một cách bình đạm, chậm rãi, nhưng vững chắc.
“Tôi chưa hề phải giết bất kỳ ai, nhưng đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ của mình”.