Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Không có gì có thể giúp chúng ta nhìn rõ thực trạng ở Trung Quốc cho bằng việc ngồi xem truyền hình phiên tòa chính quyền Beijing xét xử một nhà hoạt động nhân quyền quốc tịch Đài Loan.
Giữa tháng 9/2017, một công dân Đài Loan – Lee Mingche – đã đứng giữa một tòa án miền Trung bộ Trung Quốc và thừa nhận tội danh “chống chính quyền“. Các đoạn video về phiên xử này lập tức được đăng tải trực tiếp trên trang Weibo của tòa án địa phương đó. Thậm chí là một vài trích đoạn còn được chiếu trên đài truyền hình quốc gia CCTV.
Phiên tòa trên truyền hình của ông Lee là tập phim mới nhất trong bộ phim nhiều tập được dàn dựng bởi chính quyền cộng sản tại đây.
Bộ phim này bắt đầu từ một chuỗi các đoạn tin về các nhà bất đồng chính kiến “nhận tội” trên truyền hình quốc gia, lần lượt được trình chiếu từ năm 2013 – khi Xi Jinping chính thức đăng vị. Cho đến gần đây nhất, là những hình ảnh đau đớn cuối đời vì căn bệnh ung thư của nhà văn bất đồng chính kiến, chủ nhân giải Nobel Hòa bình – Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba) – cùng đám tang của ông vào hồi tháng Bảy này.
Việc chính quyền công khai sỉ nhục người bất đồng chính kiến vốn đã chấm dứt ở Trung Quốc sau triều đại Mao Zedong (Mao Trạch Đông). Nhưng Xi Jinping đã làm cho nó hồi sinh với sự trợ giúp của công nghệ thông tin trong thời đại mới.
Khi Bắc Hàn, Iran và một số chính quyền “vô lại” khác cho trình chiếu những phiên tòa làm cảnh cùng một kiểu, thì chúng luôn nhận được thái độ căm phẫn mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Nhưng ngược lại, phiên tòa của ông Lee chỉ nhận được một vài phản ứng yếu ớt.
Trong đoạn video do chính quyền phát sóng, hai viên công an mang găng tay trắng, hướng dẫn ông Lee đến vị trí ngay giữa tòa. Người đàn ông to béo, mập mạp này vốn là một nhân viên của một trường đại học cộng đồng, và là một nhà vận động cho dân chủ lâu năm tại Đài Loan. Hôm ấy, tại tòa, ông Lee Mingche mặc một chiếc sơ mi sáng màu vừa được là thẳng cứng, tóc thì vừa được cạo theo đúng kiểu “tù mới trình diện”, và mang kính. Ông Lee năm nay 42 tuổi, nhưng giờ đây, khi đứng giữa tòa án thì ông nhìn không khác gì một cậu học sinh đang chết khiếp vì sợ hãi.
Trong các đoạn phim đăng tải trên mạng, ông Lee và đồng bị cáo của vụ án – Peng Yuhua – được cho ăn mặc tươm tất với quần tây, áo sơ mi, và phiên xét xử thì ở một tòa án trang nghiêm, có các bảng tên bằng đồng, và các vị thẩm phán thì cũng áo thụng đen, tay gõ búa uy nghi. Thế nhưng, nếu chỉ có thế mà được xem là một phiên xử công minh thì chưa chắc.
Ngược lại, phiên tòa của ông Lee Mingche tại Tòa án Trung cấp Yueyang ngày hôm đó cũng mang đầy nỗi oan ức, bất công – xem ra không khác gì mấy nếu so với bất kỳ phiên luận tội nào dưới thời Cách mạng Văn hoá.
Nhìn theo một vài khía cạnh nào đó, thì phiên tòa của ông Lee còn tệ hại hơn, khi mà nó được che đậy bằng một lớp vỏ bọc “văn minh”.
Cho phạm nhân ăn mặc tử tế một chút và thế là các phiên xử nhìn như là đã đúng chuẩn mực tố tụng (due process). Thêm một vài đoạn phim cũ rích của những bài tuyên truyền chống “thế lực thù địch”, rồi nhét chung chúng với những khẩu hiệu ủng hộ đảng cộng sản và thế là đủ. Không, phải nói là quá đủ để cộng đồng mạng ở Trung Quốc reo hò hoan hô nhà nước ta có một hệ thống tòa án minh bạch, công khai, và chính quyền thì lại một lần nữa bảo vệ được tổ quốc.
Vào đầu năm nay, tôi đã hoàn thành một công trình nghiên cứu 40 đoạn phim “nhận tội” trước xét xử của người bất đồng chính kiến từ năm 2013 đến 2016 được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia và một số hệ thống truyền thông của đảng.
Đem so sánh câu chữ của lời thú tội mà ông Lee đã đọc tại tòa với các bản thú tội trong bài nghiên cứu của tôi, thì nội dung gần như là y hệt nhau của chúng khiến người ta phải rùng mình. Điều khác biệt duy nhất, là phiên bản “nhận tội” của ông Lee có kèm theo những lời ủng hộ Đài Loan trở về với đất mẹ Trung Hoa.
Một điểm tương tự khác khiến chúng ta càng phải quan ngại, đó là việc sử dụng một nhân vật “đồng lõa” cùng thú tội. Đây là một bị cáo khác, mà vai trò của người này chỉ là để làm “cò mồi” để càng bôi nhọ thêm hình ảnh của “nhân vật chính”. Tuỳ từng lúc, “nhân vật chính” có thể là người bị cáo buộc là đồng phạm trong một vụ án, hoặc hoàn toàn nằm ngoài vụ việc.
Ví dụ như vào năm 2014, đoạn video thú tội của ba sinh viên từng theo học với giáo sư người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) – Ilham Tohti – toàn bộ là nhắm đến các “tội lỗi” của người thầy đang nằm trong tù của họ. Những bản thú tội kiểu “đồng lõa” như thế này đã được dùng trong 17/40 đoạn phim tự thú từ năm 2013 đến 2016
Ngay trong vụ án của ông Lee Mingche thì cũng thế, khi cũng có một bản tự thú của đồng phạm được đi kèm. Tuy cả vụ án tập trung trên người nhà hoạt động Đài Loan, nhưng bên cạnh ông Lee đã xuất hiện một công dân Trung Quốc tên là Peng Yuhua. Các nhà hoạt động Trung Quốc khẳng định họ không biết nhân vật này là ai, và hoài nghi là Peng đã được sắp đặt xuất hiện nhằm gia tăng áp lực cho Lee.
Ngoài việc nghiên cứu các bản thú tội, tôi còn phỏng vấn một số người đã từng xuất hiện trong các đoạn phim được nhà nước Trung Quốc phát sóng trên truyền hình.
Từ các câu trả lời của họ, tôi phát hiện rằng, quy trình nhận tội thông thường gồm có: học thuộc “lời thoại”, chọn “phục trang” phù hợp, và cứ thế bắt đầu “diễn xuất” trước ống kính. Có khi, họ phải “diễn” hàng chục lần mới đạt yêu cầu. Tất cả các đoạn “tự thú” đều có kịch bản và được dàn dựng; những hành vi bị cưỡng ép đóng kịch này vừa giúp cho ban tuyên giáo nhà nước, mà cũng là một loại trừng phạt.
Công trình nghiên cứu của tôi đã đi đến kết luận rằng, các bản “thú tội” này không chỉ là hành vi trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền, mà mục đích chính của chúng là kêu gọi công chúng ủng hộ chính quyền. Đảng Cộng sản đã làm điều này qua việc kêu gọi người xem hãy nhận thức các giá trị của Tây phương đều là các tư tưởng “chống lại Trung Quốc”.
Việc cho phép phát sóng các đoạn phim này đã giúp chính quyền hình sự hóa những nỗ lực kêu gọi hoặc bảo vệ các giá trị phổ quát của phương Tây – bằng cách tô vẽ cho chúng cái mũ “chống chính quyền Trung Quốc”.
Các luật sự nhân quyền “thú nhận” tội bảo vệ quyền con người là một hành vi vi phạm pháp luật và “chống chính quyền”. Ông chủ các hiệu sách ở Hong Kong “thú nhận” tội thực thi tự do báo chí là hành vi trái luật, và cũng là “chống chính quyền”. Lee Mingche thì “thú nhận” tội cổ xúy cho dân chủ là vi phạm pháp luật – và có thể là gì khác ngoài lại là hành vi “chống chính quyền” nốt.
Vâng, chính cái tinh thần thúc đẩy cho một thể chế chống lại tất cả các giá trị phổ quát về quyền tự do mới là điều mà tất cả chúng ta phải quan ngại. Chúng ta đang sống trong một thế giới, nơi mà Trung Quốc ngày càng chiếm cứ một không gian ảnh hưởng rộng lớn hơn. Đảng Cộng sản có hẳn một nghị trình chính trị, nhắm thẳng vào việc gặm nhấm các nền dân chủ để xuất khẩu hình thức kiểm duyệt của họ ra khỏi lãnh thổ quốc gia này.
Đối mặt với việc đảng Cộng sản Trung Quốc đang làm mọi cách để toàn cấu hóa chương trình truyền thông của ban tuyên giáo, thì liệu chúng ta có đủ can đảm để ngó lơ hay không? Vậy thì vì sao phiên tòa xử ông Lee chỉ nhận được một chút quan tâm ngắn ngủi của truyền thông quốc tế, và không có bất kỳ một lời tuyên bố quan ngại nào về nó được đưa ra?
Nếu như chúng ta thật muốn thấu hiểu Trung Quốc, cũng như thật lòng quan tâm rằng, một khi Trung Quốc thật sự trỗi dậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mỗi người chúng ta – thì các đoạn phát sóng về những lời “thú tội” trên truyền hình sẽ nói lên rất nhiều điều.
Phiên xử ông Lee Mingche là thêm một lần hồi chuông cảnh báo về Trung Quốc được gióng lên. Nhưng tại sao, chúng ta vẫn như là chưa nghe được tiếng chuông này đang nguyện cho ai?