Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Cái ôm thân mật đầy tình hữu nghị giữa Thủ tướng Hun Sen và Tướng Prayut Chan-o-cha, người đang đứng đầu chính quyền quân đội Thailand – vào đầu tháng Chín ở Phnom Penh, chính là hình ảnh đại diện cho tình hình chính trị tại Đông Nam Á hiện nay. Các thể chế chuyên chế (authoritarian regime) đang trỗi dậy khắp khu vực, và chẳng chút e dè, sẵn sàng thách thức các giá trị nhân quyền và dân chủ.
Trong đó, Cambodia là nhà nước chuyên chế nhất, và Thailand thì theo bén gót.
Cambodia: từ quá trình hoàn thiện dân chủ quay ngược về chế độ chuyên chế
Đã từng có một thời gian, Cambodia đã đưa ra vài tín hiệu đầy hứa hẹn là đất nước này đang chuyển mình sang thể chế dân chủ. Một cuộc tổng tuyển cử được Liên Hiệp Quốc tổ chức và giám sát năm 1993 tưởng như đã thay đổi Cambodia.
Mặc dù chính trường nước này cũng khá ba chìm bảy nổi từ đó cho đến nay, nhưng nhìn bề ngoài thì tình hình trông khá ổn. Khi mà một cơ chế cử tri đoàn tương đối chính danh và những chiêu bài dân chủ chống lưng cho nó. Nhưng bất kể là cơ chế chính trị ở Cambodia đã tiến được bao nhiêu bước trong vòng hai thập niên qua, mọi thứ hiện nay đều bị chặn đứng và đảo ngược hoàn toàn.
Hun Sen, nhà lãnh đạo mạnh mẽ được dân chúng bầu lên năm nào, giờ đây đã thẳng thừng xé toạc lớp mặt nạ của cái gọi là một nền chính trị tự do và công bằng tại Cambodia. Ông ta vừa bỏ tù lãnh đạo lực lượng đối lập – Kem Sokha – của Đảng Cambodia National Rescue Party – CNRP (Đảng Cứu nguy Dân tộc) với tội “phản quốc” – vì một bài diễn văn cổ xúy dân chủ mà Kem Sokha đã diễn thuyết ở Melbourne mãi từ năm 2013. Sau khi bị bắt giam, không một người nào thuộc đảng CNRP được gặp mặt Sokha.
Ngoài ra, Hun Sen như là phát rồ lên khi ra lệnh đóng cửa hàng loạt các đài phát thanh hay lên tiếng chỉ trích chính quyền, đuổi cổ đại diện tổ chức phi chính phủ National Democratic Institute của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây. Ông ta còn dồn tờ Cambodia Daily vào chân tường, khi tuyên bố tờ báo này thiếu chính phủ gần 6.3 triệu đô la tiền thuế, khiến cho nó phải đóng cửa sau 24 năm hoạt động.
Trong qua khứ, những nhân vật lãnh đạo đảng phái chính trị đối lập thì thường xuyên bị sách nhiễu, kể cả bị đánh đập. Qua những hành động này, Hun Sen đã thẳng thừng tuyên bố: không cần biết điều gì sẽ xảy ra, ông ta vĩnh viễn là thủ tướng Cambodia.
Cách hành xử côn đồ của Hun Sen có thể sánh cùng lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un. Điểm khác biệt giữa hai người đó là Hun Sen được Trung Quốc hậu thuẫn và cả khối ASEAN thì ngầm đồng tình trong im lặng.
Nếu nhìn vào bối cảnh cuộc bầu cử năm tới ở Cambodia, người đang nắm thế thuợng phong tại các khu vực cử tri hiện nay chính là Kem Sokha và đảng CNRP.
Trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 6/2017, đảng CPP nhận được 50% số phiếu bầu phổ thông (popular vote), còn CNRP nhận được 44%. Đó là một kết quả cực tốt cho đảng CNRP, một đảng chính trị chỉ vừa được thành lập năm năm trước. Cũng từ chính kết quả này mà Hun Sen bắt buộc phải chú ý đến tình cảnh ngặt nghèo cho tương lai chính trị của cả bản thân lẫn đảng CPP. Rất có thể ông ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi khi tổng tuyển cử được tiến hành vào năm tới, 2018.
Và mặc dù là lãnh đạo của họ đang ngồi tù, CNRP vẫn không nhượng bộ, cũng như tỏ vẻ rất kiên định. Tuy vậy, một lãnh đạo cao cấp của CNRP gần đây đã thừa nhận một sự thật khiến người ta phải “lạnh người”. Tại một buổi hội thảo dành cho giới học giả, các nhà hoạt động và những đại biểu Quốc hội, vị này đã cho biết, trách nhiệm của đảng CNRP là phải bảo đảm “tính mạng” cho các đảng viên của họ. Phát biểu trên bắt buộc chúng ta phải ôm lòng hoài nghi về tính chính danh của cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/2018.
Dân chủ hóa ở ASEAN đã bị các nhà nước chuyên chế “vượt mặt”
Cuộc chạy đua điên cuồng của Hun Sen để trở thành nhân vật lãnh đạo chuyên chế số một ở Đông Nam Á dự báo một tương lai mờ mịt cho việc thực thi nhân quyền và chuyển đổi dân chủ trong khu vực. Ông ta đã khiến cho những lãnh đạo chuyên chế khác – như Tướng Prayut – nhìn yếu ớt hơn rất nhiều.
Tổng thống Duterte của Philippines cũng chỉ dám sử dụng quyền đề xuất chi tiêu ngân sách và các thủ tục lập pháp để “bỏ đói” Ủy ban Nhân quyền và không cấp ngân sách cho họ (tuy rằng ông này phải chịu trách nhiệm cho hàng nghìn cái chết của thường dân và các vụ vi phạm quyền con người trong cuộc chiến với chất gây nghiện).
Không quá lâu trước đây, các nhà nước ở ASEAN có thể được tạm chia làm ba nhóm. Những nước đang trong tiến trình hoàn thiện nền dân chủ là Indonesia, Philippines, và Myanmar. Những nước nằm trong nhóm dân chủ thoái trào là Thailand, Malaysia, và Cambodia. Ba quốc gia nhất quyết không chuyển đổi dân chủ gồm có: nhà nước quân chủ ở Brunei, cùng Laos và Việt Nam – là hai nước vẫn tiếp tục uốn mình trong mô hình toàn trị của đảng cộng sản. Singapore là một trường hợp ngoại lệ khi là một nước độc đảng, nhưng vẫn tiến hành thủ tục bầu cử tự do.
Tuy nhiên, phép toán này hiện nay đã bị phân chia lại, và dân chủ đã bị các chính quyền chuyên chế vượt mặt. Cambodia và Philippines giờ đây đã vững bước trên con đường quay về mô hình nhà nước chuyên chế. Thailand thì vẫn do các thế lực quân đội cai trị sau lần đảo chánh ba năm về trước. Myanmar thì đang đắm chìm trong cuộc khủng hoảng người Rohingya ở bang Rakhine. Có lẽ chỉ còn Indonesia là họa may vẫn cầm cự nổi cho một nền dân chủ.
Có tương lai nào cho dân chủ hóa ở khu vực Đông Nam Á hay không?
Lối thoát cho dân chủ hóa ở Đông Nam Á có thể phải bắt đầu từ Indonesia, nếu nước này đồng ý lên tiếng ủng hộ một xã hội minh bạch, tôn trọng các quyền căn bản và các quyền tự do của người dân. Điều này sẽ mang đến một chút hung hiểm cho Indonesia, nhưng đó cũng là cơ hội cho quốc gia này có được vị trí lãnh đạo trong khu vực.
Cộng đồng quốc tế thì cần phải tiếp tục lên tiếng về tình hình tại đây, đặc biệt là Liên minh Châu Âu (European Union) và cả Hoa Kỳ nữa. Cho dù giờ đây, nếu muốn vẫn được xem là thành lũy cuối cùng của nền dân chủ toàn cầu, thì Mỹ cần phải bắt đầu hành xử cho đúng với vị trí đó – trước khi họ lại có được sự nể trọng của khối ASEAN.
Chúng ta cũng cần nói rõ với Trung Quốc rằng, ủng hộ một nhà cai trị chuyên chế như Hun Sen chỉ khiến cho hình ảnh chính quyền Bejing ngày càng trở nên tồi tệ hơn trên thế giới. Muốn trở thành một “đại ca” siêu cường quốc toàn cầu, thì Trung Quốc không thể tiếp tục bảo kê cho những hành vi côn đồ như kiểu Hun Sen. Trung Quốc có thể khống chế Cambodia dễ dàng hơn Bắc Hàn rất nhiều, và họ cần phải làm điều này để chứng minh rằng, họ tôn trọng và có thiện ý đối với những người bị bức hại tại đây.
Cuối cùng, các loại chính quyền như kiểu của Hun Sen cần biết, một khi họ đàn áp quá mức người dân thì chính họ đang biến nhân dân thành một lực lượng quá khích.
Nếu như người dân cứ bị đàn áp một cách có hệ thống trong một xã hội – nơi mà họ không thể có hy vọng gì chấm dứt được nỗi thống khổ đó – thì họ không còn chọn lựa nào khác mà bắt buộc phải đứng lên chống lại kẻ cầm quyền. Vì chỉ như thế, người dân mới có thể lấy lại tiếng nói trong xã hội và giành lại những quyền căn bản của mình.