Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Có thể sẽ rất khó để đếm hết tất cả các con đường mang tên Tôn Trung Sơn (Sun Zhongshan) – tức Tôn Dật Tiên (Sun Yatsen) – ở Trung Quốc, vì chúng còn nhiều hơn cả những con đường có tên “Cách mạng” tại đây. Oái ăm là tại Đài Loan, các lãnh đạo Quốc dân đảng (Kuomintang – KMT) cũng vô cùng sùng bái Sun Yatsen trong suốt 70 năm qua. Đối với cả hai phe, họ đều tôn vinh ông là “Quốc phụ”.
Thế nhưng, cũng thật rất bi ai cho vị quốc phụ của dân tộc Trung Hoa. Vì tuy rằng ông được suy tôn ở ngoài mặt, nhưng chủ thuyết Tam dân Chủ nghĩa – dân tộc, dân quyền, và dân sinh – của Sun Yatsen đã chẳng được đảng cộng sản hay Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) xem trọng gì mấy xuyên suốt cả thế kỷ trước.
Và giờ đây, khi Trung Quốc ngày càng củng cố một chế độ chuyên chế và người dân Đài Loan thì ngày càng khẳng định độc lập của đảo quốc, sức ảnh hưởng của Sun Yatsen có vẻ chỉ là một thứ ánh sáng le lói cuối ngày.
Một “Quốc phụ”, hai thể chế
Sau khi thất thủ trước quân đội cộng sản năm 1949, Chiang Kaishek đã gầy dựng sự nghiệp của Quốc dân đảng KMT ở Đài Loan với Sun Yatsen là “Quốc phụ”. Sau khi thiết lập thể chế cai trị tại đây, KMT vẫn giữ ngày 10/10/1911 làm ngày Quốc khánh (National Day) cho Đài Loan.
Trước đây, hằng năm vào những dịp lễ kỷ niệm, các nhà lãnh đạo của KMT hướng về Nanjing (Nam Kinh) – thủ đô cũ của Quốc dân đảng ở Trung Quốc – và bái lạy Sun Yatsen.
Điều này chắc cũng không có gì là khó hiểu, khi mà Sun Yatsen được sử sách ghi nhận là người sáng lập ra KMT tại Trung Hoa lục địa vào thập niên 1910. Ông cũng được xem là tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China), sau khi Cách mạng Tân Hợi nổ ra tại Wuchang (Vũ Xương) ngày 10/10/1911.
Không chỉ được tôn vinh ở Đài Loan, cuộc đời và sự nghiệp của Sun Yatsen còn được trưng bày một cách đầy trang trọng tại các bảo tàng ở Hong Kong, Macau, Singapore, và cả ở Penang. Tại bang Hawaii – Hoa Kỳ, người Hoa Kiều đã lập ra một công viên tưởng niệm Sun nhằm ghi nhớ địa phương mà người cha già của dân tộc Trung Hoa đã sống quãng đời niên thiếu.
Nhưng khiến cho người ta cảm thấy kinh ngạc nhất, thì chính là khi người Cộng sản – những người đã “giải phóng” quốc gia khỏi sự cai trị của Quốc dân đảng năm 1949 – cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với ông.
Trong đại tự sự của đảng Cộng sản Trung Quốc, Sun Yatsen vẫn được tôn vinh là “người tiên phong cho cuộc cách mạng dân chủ” ở Trung Hoa, là nhật nguyệt tinh hoa của đất trời, là “quốc phụ duy nhất của đất nước”.
Không chỉ đặt rất nhiều tên đường “Trung Sơn”, mà vào dịp kỷ niệm 150 ngày sinh của Sun Yatsen, Trung Quốc còn ban hành một số đơn vị tiền tệ đặc biệt, trong đó có đến 300 triệu đồng xu với mệnh giá 5 yuan. Đó là một vinh dự rất lớn lao cho một nhân vật “phi Cộng sản”. Đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, Sun Yatsen là một nhân tố thuỷ tổ của cách mạng.
Sun Yatsen – Không hề dự đoán mình sẽ trở thành “Anh hùng cách mạng”
Những vinh quang hào nhoáng mà cả đảng Cộng sản lẫn Quốc dân đảng choàng lên sự nghiệp của Sun Yatsen sau khi ông qua đời vốn không phải là những gì mà bản thân ông mong chờ sẽ xảy ra.
Sun vốn sống ở hải ngoại phần lớn cuộc đời, chứ không hề “nằm gai nếm mật” cùng anh em hoạt động trong nước. Có đến hơn phân nửa những cuộc nổi dậy chống lại nhà Thanh do ông giúp tổ chức đã thất bại trước khi có Cách mạng Tân Hợi.
Còn nếu nói đến Cách mạng Tân Hợi và cuộc nổi dậy ở Wuchang tháng 10/1911 – dấu mốc chính thức cho ngày tàn của triều đại phong kiến Mãn Châu – thì Sun Yatsen phải nhờ đọc tin trên một tờ báo khi đang ở Denver, một thành phố bang Colorado, Hoa Kỳ, thì mới biết được.
Đúng là ngay sau ngày 10/10/1911, Sun đã lập tức trở về Trung Hoa và trở thành người đứng đầu chính phủ cộng hòa đầu tiên tại đây. Thế nhưng, ông chỉ là “tổng thống tạm thời” mà thôi. Không có sức mạnh quân đội để vực dậy một nước Trung Hoa đang tan nát vì chiến loạn khi đó nên Sun đã tự nhận, mình chỉ là kẻ “làm ấm chỗ” cho một lãnh đạo có thực lực – Yuan Shikai (Viên Thế Khải).
Và rồi nền cộng hòa vừa nảy mầm ở Trung Hoa đã nhanh chóng bị nghiền nát khi Yuan tự xưng hoàng đế. Áp lực từ các thế lực Tây phương và Nhật Bản còn khiến cho tình hình vốn bi đát của Trung Hoa lúc ấy lại càng trầm trọng hơn.
Đến năm 1916, Sun Yatsen lại một lần nữa phải lưu vong ở hải ngoại, khi đào thoát sang Nhật Bản.
Nhưng bỏ mặc tất cả, Sun Yatsen vẫn được sử sách Trung Hoa cận đại ghi nhận là người đã lật đổ một vương triều phong kiến thối nát.
Sự nghiệp cách mạng của ông xoay quanh việc bản thân đã dành rất nhiều năm cảnh tỉnh người Trung Hoa về thực trạng quốc gia, cũng như đường hướng sai lầm của triều đình Mãn Châu và những mối nguy từ dã tâm của ngoại bang.
Cả cuộc đời, Sun Yatsen luôn đấu tranh cho một nền cộng hòa, với mục tiêu thay đổi một nước Trung Hoa lạc hậu trở thành một quốc gia hiện đại.
Tuy những tư tưởng của Sun Yatsen không hoàn toàn có hệ thống, nhưng ông cũng chưa bao giờ tách mình ra khỏi các mệnh đề chính: Đoàn kết dân tộc, cổ xúy dân chủ, và cải thiện đời sống người dân – của “Chủ nghĩa Tam dân” (三民主義 – Three Principles of the People).
Ông một mặt kiên quyết chống lại những cuộc xâm lăng của ngoại bang, nhưng một mặt khác, luôn kêu gọi người dân Trung Hoa hãy biết nắm bắt các giá trị về tự do và dân quyền của Tây phương. Trong một khía cạnh nào đó, tư tưởng của Sun Yatsen mang một tầm nhìn của thế giới chủ nghĩa (cosmopolitanism) hơn là bất kỳ một nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay.
Thế nhưng, dấu ấn sâu đậm nhất của Sun Yatsen trong toàn cảnh bức tranh chính trị đầu thế kỷ 20 ở Trung Hoa gắn liền với một sự kiện khác.
Vào những năm đầu của thập niên 1920, Sun đã nghe theo ý kiến của một số cố vấn đến từ Liên Xô – một nhà nước cộng sản gây được cảm tình với ông khi đưa ra tuyên bố không tranh chấp lãnh thổ với Trung Hoa nữa.
Sun Yatsen đã tổ chức lại Quốc dân đảng – KMT theo ý thức hệ Lenin (Leninist lines) và cho phép bản thân hầu như là có quyền lực tuyệt đối. Nói theo ngôn ngữ của tư tưởng Leninist, thì Sun Yatsen đã cho thực thi “dân chủ tập trung” (democratic centralism).
Hiệu ứng của việc làm này khiến người ta phải bàng hoàng. Một liên minh nhanh chóng được thành lập giữa Quốc dân đảng và đảng Cộng sản để cùng chiến đấu trong chiến dịch Bắc tiến năm 1926, dưới sự lãnh đạo của Chiang Kaishek – người thừa kế của Sun Yatsen. Chiến dịch đó đã hoàn toàn tiêu diệt được lực lượng của những lãnh chúa quân đội, vốn đã cát cứ và hoành hành tại các địa phương này trong nhiều năm.
Tuy nhiên, Sun Yatsen đã qua đời năm 1925, trước chiến dịch Bắc tiến một năm. Ông đã không thể nhìn thấy quốc gia có được một giai đoạn đoàn kết thật ngắn ngủi.
Để rồi gần như là ngay sau đó, ý thức hệ của KMT và đảng Cộng sản đã trở thành cừu địch trong một cuộc nội chiến đẫm máu. Sun Yatsen càng không thể ngờ rằng, cả hai phe vẫn tiếp tục tranh giành ngay cả một chút hào quang còn sót lại từ chính sự nghiệp của ông trong nhiều năm sau.
Sự nghiệp Sun Yatsen sống mãi với dân tộc Trung Hoa?
Nếu nói đến Chủ nghĩa Tam dân, thì xuyên suốt thế kỷ 20, cả Mao Zedong (Mao Trạch Đông) và Chiang Kaishek chỉ xem trọng một điều duy nhất trong đó: Đoàn kết dân tộc. Ngoài điều đó thì họ mặc kệ tất cả các lý thuyết khác.
Thế nhưng, ngay đối với mục tiêu đoàn kết dân tộc thì cả hai cũng đều đã thất bại. Việc Sun Yatsen tổ chức lại Quốc dân đảng theo đường lối Leninist gây ra những tác động sâu xa đến cả hai thể chế độc tài này, mà sức ảnh hưởng của chúng vẫn đeo bám các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay.
Tại Đài Loan, chế độ độc tài của Chiang Kaishek đã sụp đổ vào năm 1987, 12 năm sau khi Chiang Kaishek qua đời vào năm 1975. Công cuộc dân chủ hóa đất nước đã bùng lên mạnh mẽ với một không gian xã hội dân sự ngày càng phát triển. Hai điều này có vẻ nằm đúng hướng với hai mục tiêu sau của Chủ nghĩa Tam dân, nhưng còn điều đầu tiên thì thế nào?
Người Đài Loan ngày nay không còn mặn mà với “đoàn kết dân tộc”.
Quốc dân đảng-KMT lần đầu tiên – kể từ khi thành lập – đã mất quyền kiểm soát nhánh lập pháp, sau khi thua đậm trong kỳ bầu cử năm 2016. Chiến thắng của đảng Dân tiến ở Đài Loan năm ngoái đã thể hiện ý chí độc lập khỏi Trung Quốc của người dân, đặc biệt là người trẻ, tại đây.
Tuy là chân dung của Sun Yatsen vẫn được treo ở một số trường học và các văn phòng chính phủ, và ngay cả ở Viện Lập pháp – nơi mà thỉnh thoảng các vị dân cử vẫn “so găng” với nhau – nhưng sức ảnh hưởng của KMT tại Đài Loan ngày càng suy yếu.
Nếu có bất kỳ điều gì còn mang chút dấu ấn của lý tưởng Sun Yatsen năm xưa, thì đó chính là tinh thần dân chủ của các phong trào sinh viên, mà điển hình nhất là cuộc Cách mạng Hoa hướng dương năm 2014 – khi sinh viên đã chiếm Viện Lập pháp trong nhiều tuần lễ, phản đối ý đồ nhích lại gần Trung Quốc của KMT.
Đối với đại bộ phận người dân Đài Loan, thì cái tên Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China) chỉ còn mang tính biểu tượng. Sun Yatsen giờ đây chỉ là một bóng ma vô lực tại đảo quốc này. Tổng thống Tsai Yingwen (Thái Anh Văn) của đảng Dân tiến dĩ nhiên không có ý định dẫn đầu lãnh đạo quốc gia bái vọng Nanjing, để tưởng niệm ông nữa.
Còn tại Trung Quốc thì sao?
Mô hình “dân chủ tập trung” vẫn thắng thế. Và nó được thể hiện rõ nét qua tính độc quyền chính trị của đảng Cộng sản, cũng như những cuộc trấn áp người bất đồng chính kiến của chính quyền chuyên chế Xi Jinping ngày nay.
Nếu hồn ma của Sun Yatsen có thể trò chuyện đôi lời, ông ta hẳn nên nhắc nhở Xi Jinping, là đừng chỉ tôn vinh một ông “Trung Sơn” nào đấy mà bỏ mặc quyền thực thi dân chủ của người dân.
Sun có lẽ cần nói một lần cho rõ ràng, là ông ấy đã dùng tư tưởng Leninist như một thế cờ chính trị để Chủ nghĩa Dân sinh được phát triển, chứ không phải là khiến cho nó bị triệt tiêu.
Sun Yatsen đã từng viết: “Cuộc cách mạng này vẫn chưa phải là chấm dứt”. Nhưng trước những gì đang xảy ra tại Trung Quốc ngày nay, có lẽ ông ấy nên thêm vào một câu, “Nhưng than ôi, liệu ta lại có thể nghĩ ra phương pháp nào khác hay không”?