Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tháng trước, Human Rights Watch, một tổ chức nhân quyền quốc tế lớn của Mỹ, công bố một báo cáo dài 96 trang nói về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc chi phối và phá hoại các cơ chế nhân quyền chủ chốt của Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc làm vậy vừa để tránh bị chỉ trích về nhân quyền, vừa để bảo vệ các đồng minh của mình.
Bản báo cáo, có tên là Cái giá của vận động quốc tế: Sự can thiệp của Trung Quốc vào các cơ chế nhân quyền Liên Hợp Quốc, không được nhiều người chú ý, có lẽ một phần vì nó phải cạnh tranh với cái máy nổ có tên là Nhà Trắng vốn dĩ ồn ào hơn bất cứ chính quyền nào từng có trong lịch sử Mỹ.
Dù lý do là gì đi nữa, thật tệ hại khi bản báo cáo này không được khai thác nhiều hơn. Nó nói đến một vấn đề quan trọng. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã bày binh bố trận để đẩy lùi những chỉ trích đối với thành tích nhân quyền ngày càng xấu đi của họ.
Đáng kể nhất là việc các nhân viên an ninh của chính quyền thường xuyên cảnh báo các nhà hoạt động Trung Quốc không được làm việc với các viên chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc ở Geneva (Thuỵ Sĩ), kể cả liên lạc cũng không được. Chính quyền thậm chí đã giam giữ một số người để ngăn họ tham dự các cuộc họp của Liên Hợp Quốc. Những nhà hoạt động nào mà xoay xở đến được Geneva thì cũng bị trừng phạt khi trở về.
Hậu quả của những chiến thuật này là nhiều nhà hoạt động Trung Quốc ngần ngại làm việc với các quan chức của Liên Hợp Quốc hay các tổ chức phi chính phủ quốc tế vốn thường cung cấp thông tin cho LHQ. Các chuyên gia của LHQ cũng gặp khó khăn khi tìm cách thu thập thông tin trực tiếp từ các nhà hoạt động nhân quyền.
Đồng thời, đối với các tổ chức phi chính phủ quốc tế hay chỉ trích mình, Beijing sử dụng cả ảnh hưởng chính trị lẫn những động thái quan liêu để ngăn chặn họ được cấp quy chế quan sát viên của LHQ (quy chế này dành cho các tổ chức xã hội dân sự, giúp họ dễ dàng tham dự các sự kiện của LHQ hơn). Trong một số trường hợp, những NGO nộp đơn xin quy chế này bị ngăn trở hàng năm trời khi Trung Quốc đặt ra những câu hỏi vô nghĩa về hồ sơ của họ, vốn phải được trả lời trước khi hồ sơ được xử lý.
Trung Quốc cũng tìm cách gây ảnh hưởng lên các cuộc tranh luận ở các cơ quan nhân quyền chủ chốt của LHQ, trong đó có cả Hội đồng Nhân quyền.
Bất kể thành tích nhân quyền của Trung Quốc được đưa ra trước Hội đồng như thế nào, Trung Quốc đều nhờ các nước bạn bè của mình làm công tác “tuyên giáo” hộ. Bởi vì các nước này hiểu rằng Trung Quốc sẽ “đáp lễ” khi đến lượt họ bị kiểm điểm về nhân quyền trước Hội đồng.
Chẳng hạn như năm 2013, phái đoàn Cuba ở Hội đồng Nhân quyền đã công khai khen ngợi Trung Quốc trong việc đàn áp những người bất đồng chính kiến, rằng họ “đánh giá cao các biện pháp chống tội phạm và khuyến khích Trung Quốc tiếp tục bảo vệ chủ quyền của mình”. Trung Quốc về sau trả ơn bằng cách tuyên bố “chúc mừng Cuba về những tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền”.
Bản báo cáo của Human Rights Watch là tài liệu phải đọc vì nó giúp chúng ta hình dung xem một trật tự thế giới do Trung Quốc lãnh đạo sẽ như thế nào: đó sẽ là một thế giới nơi mà các giá trị quốc tế, bao gồm cả việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, sẽ hết lần này đến lần khác bị coi là phá vỡ lợi ích quốc gia, và chỉ những nước nào hoàn toàn không có khả năng mặc cả ngoại giao với những nước như Trung Quốc thì mới bị soi xét một cách thích đáng.
Tuy vậy, không có chiến thuật nào của Trung Quốc mà Human Rights Watch nêu ra mới mẻ gì cho lắm. Kể từ vụ thảm sát ở quảng trường Tiananmen (Thiên An Môn) năm 1989, Trung Quốc đã tìm cách bào chữa cho những chỉ trích về nhân quyền một cách quyết liệt, và phần lớn là họ đã thành công. Trong hơn hai thập niên qua, họ thường, mặc dù không phải lúc nào cũng vậy, che chắn cho những đồng minh thân cận khỏi những lời chỉ trích, trong đó có cả Bắc Triều Tiên và Myanmar thời kỳ tiền dân chủ hoá. Và thật đáng buồn là sự đe doạ đối với các nhà hoạt động Trung Quốc nhằm ngăn họ làm việc với các quan chức của LHQ ở Geneva cũng là một hiện tượng đã kéo dài dai dẳng.
Nhà hoạt động dân chủ Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba), Khôi nguyên Nobel Hoà Bình, mắc bệnh ung thư trong trại giam và qua đời ngày 13/7/2017 trong một bệnh viện được an ninh Trung Quốc canh phòng cẩn mật mà không có áp lực quốc tế nào can thiệp được. Ảnh: Lam Yik Fei/The New York Times.
Cái khác của hôm nay so với 10 hay 20 năm trước là mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc, và một số nước thì ngày càng e dè trong việc chống lại sự chi phối và đe doạ của Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc có thể sử dụng các chiến thuật của mình một cách hiệu quả hơn mà lại chịu ít thiệt hại về uy tín hơn. Các quan chức ở Washington, London, và Brussels nên lưu ý và tìm cách chống đỡ cho hệ thống nhân quyền của LHQ một cách toàn diện.
Tiếc thay, chẳng có bằng chứng nào cho thấy là chính phủ Mỹ sẽ hành động để đối lại với Trung Quốc ở LHQ. Thay vào đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump lại từng bước huỷ hoại LHQ nói chung và cơ chế nhân quyền LHQ nói riêng bằng những cách thực ra là rất ăn khớp với những nỗ lực của Trung Quốc.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc sẽ chống lại hoặc thậm chí là phá vỡ các cơ chế nhân quyền toàn cầu.
Cái đáng ngạc nhiên, và đáng buồn, là chính phủ Mỹ, và nhiều lãnh đạo của một trong hai đảng chính trị lớn của Mỹ, cũng đang tìm cách làm suy yếu các thiết chế toàn cầu quan trọng mà nước Mỹ đã giúp xây dựng nên này. Cả trước và sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã chỉ trích LHQ một cách không thương tiếc. Trong bài phát biểu hồi tháng Ba năm 2016 ở một tổ chức vận động hành lang thân Israel, Trump đã than thở về “sự kém cỏi toàn diện của LHQ”. Vào tháng 12, Tổng thống tân cử Trump đưa ra một cái nhìn đầy đủ hơn: ông thừa nhận “tiềm năng lớn” của LHQ nhưng cũng cho rằng “lúc này nó chỉ là một câu lạc bộ của những người tụ tập, nói chuyện suông và vui vẻ với nhau”.
Trong không đầy một năm sau khi nhậm chức, cuộc chiến giữa chính quyền Trump và các cơ quan nhân quyền LHQ đã bắt đầu, và có thể sẽ còn leo thang trong những năm tới. Nhiều cơ quan LHQ đã đúng khi chỉ trích Trump về lệnh cấm nhập cảnh đối với một số nước Hồi giáo, hay những tuyên bố lập lờ của ông ta về bạo lực của những người da trắng thượng đẳng ở Charlottesville, hay cả những đòn tấn công liên tiếp của Trump đối với cánh báo chí Mỹ. Các quan chức Nhà Trắng hầu như bác bỏ hết các chỉ trích này.
Đối với đảng Cộng hoà, Trump không phải người khởi xướng ra việc công kích LHQ. Họ đã làm việc này hàng chục năm qua rồi. Chẳng hạn vào năm 2012, các thượng nghị sĩ Cộng hoà đã ngăn chặn thành công việc Mỹ phê chuẩn Công ước LHQ về quyền của người khuyết tật. Cũng trong năm đó, 34 thượng nghị sĩ Cộng hoà gửi thư cho Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện John Kerry bày tỏ ý định chống lại việc phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển 1982, vốn được Tổng thống Bill Clinton lần đầu tiên trình phê chuẩn vào năm 1994. Đây là hai trong số những công ước quốc tế đã mốc meo ở Thượng viện do bị đảng Cộng hoà chống đối.
Công bằng mà nói, cũng chẳng có bao nhiêu đảng viên Dân chủ dành thời gian ủng hộ LHQ và các cơ quan nhân quyền của nó. LHQ có một vấn đề rất lớn về hình ảnh ở Mỹ: người ta chú ý nhiều đến điểm yếu hơn là điểm mạnh của nó, khiến cho việc ủng hộ LHQ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Hơn nữa, ủng hộ các cơ chế nhân quyền của LHQ chẳng mang lại được cho các chính trị gia bao nhiêu phiếu, nhất là ở những địa hạt hay thay đổi ở Ohio, Florida hay Iowa. Cùng lắm thì nó chỉ là một vấn đề vô hại với hầu hết cử tri, còn nếu không may thì nó có thể lấy đi của các ứng cử viên vài phiếu bầu cần thiết.
Còn người dân Trung Quốc hiển nhiên chẳng có vai trò gì trong việc quyết định cách tiếp cận của chính phủ đối với những vấn đề đối ngoại căn bản. Điều này sẽ không thể thay đổi một sớm một chiều. Beijing sẽ chẳng đoái hoài gì đến những chỉ trích trong nước đối với những nỗ lực làm suy yếu các tổ chức nhân quyền của LHQ.
Thomas Kellogg là Giám đốc Điều hành của Trung tâm Luật Châu Á thuộc Đại học Georgetown (Mỹ).