Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Vào 9h30 sáng thứ Năm, 16/11, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU Delegation) ở Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ tham vấn một số đại diện của xã hội dân sự, để nghe các ý kiến đánh giá của họ về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam trước kỳ Đối thoại Nhân quyền thường niên giữa Việt Nam và EU.
Tham dự ở phía EU là quan chức của đại sứ quán một số nước thành viên EU, như Đức, Pháp, Thụy Điển, Bỉ… Phía Việt Nam là vài nhà hoạt động vẫn còn… trụ lại được, chưa bị bắt hoặc chưa buộc phải chạy trốn ra nước ngoài, sau những đợt đàn áp, bắt bớ của công an trong suốt hai năm 2016-2017.
Thông thường, các cuộc tiếp xúc với khối XHDS độc lập – mà nhiều người còn gọi là “giới đấu tranh”, “giới hoạt động nhân quyền-dân chủ”, “giới đối kháng” – chỉ diễn ra sau kỳ Đối thoại, nên có tính chất giống như một sự thông báo lại tình hình, kết quả cuộc đối thoại cho XHDS. Tuy nhiên, lần này, cuộc gặp lại diễn ra trước Đối thoại với mục đích được nêu rõ là để tham vấn XHDS.
(Có lẽ vì thế nên Bộ Công an cũng đã chuẩn bị rất kỹ càng, nhưng không phải để dự họp mà là cho việc… bắt giữ các vị khách phía Việt Nam).
Tại cuộc gặp, đại diện Phái đoàn EU cho biết Đối thoại Nhân quyền năm nay dự kiến diễn ra vào ngày 1/12 sắp tới. Nội dung sẽ xoay quanh năm phần chính, trong đó phần một nói về tình hình gia tăng bắt bớ, đàn áp giới hoạt động dân chủ trong năm qua; phần hai bàn về những vấn đề lớn mà EU mong muốn Việt Nam cải thiện, như: xây dựng nhà nước pháp trị, cải cách tư pháp, phát triển bền vững, bảo vệ nhân quyền.
Riêng trong nội dung về nhân quyền, hai bên đối thoại sẽ đề cập tới các quyền quan trọng đang bị áp chế mạnh, như quyền lao động, quyền đất đai, quyền được xét xử công bằng, và các vấn nạn bắt giữ tùy tiện, tình trạng giam giữ trong các trại giam, nhà tù, v.v.
Ba vấn đề nhức nhối của Việt Nam
Phía các nhà hoạt động XHDS Việt Nam cho biết, họ cũng đề cao và kỳ vọng sự thịnh vượng mà Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có thể mang lại, nhưng điều chắc chắn là nếu Hiệp định không thực thi cùng những cải thiện rõ ràng, cụ thể về nhân quyền, thì sự thịnh vượng đó sẽ không đến với người dân mà chỉ vào tay một số ít nhóm lợi ích.
Ba vấn đề lớn nhất còn tồn đọng trong quá trình thương thảo để phê chuẩn EVFTA là lao động, môi trường và nhân quyền ở Việt Nam. Đây cũng là ba vấn đề gay gắt nhất hiện nay đối với chính Việt Nam.
Về lao động, Việt Nam chưa ký kết ba công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền đàm phán tập thể, quyền hiệp hội, và xóa bỏ nạn cưỡng bức lao động. Liên quan tới quyền hiệp hội, các nhà hoạt động cũng cho biết, dự thảo Luật về Hội vẫn chưa được thông qua sau nhiều năm, nhưng đó lại cũng là điều may mắn cho giới hoạt động XHDS, bởi nếu luật ấy được thông qua thì họ sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn nữa (ngôn ngữ văn bản mà Nhà nước thường dùng là “quản lý” – management – nhưng thật ra đó là “kiểm soát” – control).
Về môi trường, tình hình ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ngày càng trầm trọng thêm trong vòng 5 năm qua, mà cột mốc nổi lên là thảm họa biển miền Trung xảy ra vào tháng 4/2016. Điều đáng nói, như bản báo cáo vắn tắt về thảm họa chỉ ra, là không thấy chính quyền đưa ra các giải pháp khoa học cụ thể để làm sạch biển, cải thiện môi trường, bảo đảm hải sản an toàn và bảo vệ sinh kế cho người dân địa phương; mà chỉ thấy họ đàn áp rất mạnh mẽ mọi ý kiến phản biện, bất đồng, bất mãn.
Về nhân quyền, cả EU lẫn các nhà hoạt động Việt Nam đều thấy rõ 2017 là một năm rất đen tối cho quyền con người ở Việt Nam. Đặc biệt, như bà Bùi Thị Minh Hằng phản ánh, mặc dù quyền lập hội là một khía cạnh của vấn đề lao động, nhưng các tổ chức XHDS độc lập ở Việt Nam, cho dù ôn hòa đến mấy, cũng dễ dàng bị gắn nhãn “có hành động lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự, và “bị đàn áp dã man như Hội Anh Em Dân Chủ”.
Trong khi đó, lại xuất hiện một kiểu hội nhóm khác, cũng không đăng ký, nhưng lại được công khai có các hoạt động khiêu khích, gieo rắc thù hận, chia rẽ tôn giáo, tấn công người bảo vệ nhân quyền ôn hòa. Đó chính là những hội nhóm dư luận viên, Cờ Đỏ… ra đời trong ba năm qua.
EU: “Đây là một quá trình lâu dài”
Đại sứ của Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet, cảm ơn sự có mặt của các vị khách và tỏ ý đánh giá cao những nỗ lực thúc đẩy nhân quyền của họ. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng việc yêu cầu nhà nước Việt Nam cải thiện nhân quyền là một quá trình lâu dài, sự thay đổi không thể diễn ra trong một đêm, và cộng đồng quốc tế nói chung, Phái đoàn EU nói riêng đang rất cố gắng, các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam cũng vậy, “chúng ta đều cần cố gắng”.
Phía XHDS độc lập đưa ra một số đề xuất cụ thể, trong đó có việc tăng cường sự tham gia của khối XHDS độc lập vào hoạt động giám sát tiến trình thực thi các tiêu chuẩn và quy định của EVFTA. Bản tuyên bố chung (của Con Đường Việt Nam, Hội Nhà báo Độc lập, Green Trees, NXB Giấy Vụn, Nhật Ký Yêu Nước, và Phong trào Lao động Việt) yêu cầu phải có một cơ chế khuyến khích sự tham gia của các tổ chức độc lập vào vai trò “nhóm tư vấn nội địa” (DAG) chứ công việc giám sát đó không chỉ dành riêng cho các tổ chức có giấy phép, thân chính quyền, do chính quyền chỉ định.
Đại diện Phái đoàn EU lấy làm tiếc rằng thật sự cũng khó có thể biết tổ chức nào là chính quyền chỉ định, tổ chức nào thật sự độc lập.
Đôi bên đều nhất trí rằng sự thay đổi từ phía nhà nước sẽ không diễn ra nhanh chóng, và cả cộng đồng quốc tế cũng như khối XHDS ở Việt Nam đều phải cố gắng hơn nữa.