Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Google đã từng tìm cách thỏa hiệp với chính quyền Trung Quốc như thế nào trong vấn đề đặt máy chủ và kiểm duyệt thông tin?
Google đã từng tìm cách thỏa hiệp với chính quyền Trung Quốc như thế nào trong vấn đề đặt máy chủ và kiểm duyệt thông tin?
Chúng ta hãy cùng lướt qua lịch sử hoạt động dai dẳng của Google tại Trung Quốc qua bài viết sau đây.
Bộ đôi Sergey Brin – Larry Page của Google, và Robin Li của Baidu. Ảnh: Bloomberg.com, Fortune.com
Trang Google.com cung cấp phương tiện tìm kiếm thông tin trên Internet được hai kỹ sư phần mềm Sergey Brin và Larry Page (ảnh trên) lập ra tại Mỹ năm 1997.
Cùng giai đoạn đó tại Trung Quốc, một kỹ sư phần mềm tên là Robin Li (ảnh dưới) cũng đang phát triển một phương tiện tìm kiếm thông tin trên Internet. Trang Baidu.com được Robin Li thành lập năm 2000.
Cùng năm 2000, Google.com bắt đầu cung cấp phiên bản bằng tiếng Hoa của trang này cho người dùng tại Trung Quốc. Tuy nhiên, bản tiếng Hoa này chậm và hay gặp vấn đề kỹ thuật (được cho là do nhà nước Trung Quốc dùng biện pháp kỹ thuật quấy phá).
Thị trường khổng lồ của Trung Quốc là thứ ít ai cưỡng lại được. Ảnh: Greg Baker/AP Photo.
Cuộc chiến giành thị phần phương tiện tìm kiếm thông tin trên mạng Internet tại Trung Quốc những năm đầu thế kỷ diễn ra khá gay cấn với lợi thế nghiêng về Google, khi họ thu hút được một lượng lớn người dùng là giới trung lưu thành thị.
Trong lúc đó, chính phủ Trung Quốc phát triển chiến lược kiểm duyệt thông tin truyền thông trong nước.
Dự án Chiếc Khiên Vàng – Kim Thuẫn công trình (The Golden Shield Project – 金盾工程) được chính phủ tập trung phát triển từ năm 1998, đến năm 2002 thì đưa vào hoạt động. Dự án này xây dựng các phương tiện quản lý và giám sát thông tin kỹ thuật số nhằm phong tỏa mạng Internet trong khu vực lãnh thổ Trung Quốc.
Chiếc Khiên Vàng “dằn mặt” Google lần đầu tiên năm 2002 bằng cách chặn Google.com hoàn toàn tại Trung Quốc trong hai tuần.
Cuối năm 2003, Google.com hoàn toàn bị chặn tại Trung Quốc.
Biểu đồ trên cho thấy mức độ tăng trưởng thị phần phương tiện tìm kiếm thông tin mạng tại Trung Quốc của trang Baidu.com sau 14 năm tính từ khi dự án Chiếc Khiên Vàng chính thức chặn hoàn toàn Google.com năm 2003. Ảnh: ChinaInternetwatch.com
Vào năm 2002, thị phần phương tiện tìm kiếm thông tin mạng tại Trung Quốc của Baidu.com là 3.5%. Năm 2017, còn số này đã tăng lên thành 76.05%.
Vậy chuyện gì đã xảy ra trong khoảng 15 năm đó?
Từ lúc bị chặn hoàn toàn ở Trung Quốc năm 2003, Google phát triển nhanh chóng và trở thành phương tiện tìm kiếm thông tin trên Internet được nhiều người sử dụng nhất trên thế giới. Bước sang năm 2006, họ chiếm khoảng 53% thị phần tìm kiếm toàn cầu.
Google không muốn bỏ cuộc ở Trung Quốc. Họ tìm cách để vào lại thị trường này bất kể vòng kiềm tỏa của dự án Chiếc Khiên Vàng, vốn bây giờ được truyền thông thế giới gọi bằng một cái tên ‘kêu’ hơn: Vạn Lý Tường Lửa (The Great Firewall).
Lee Kai-Fu (giữa) cùng Giám đốc Điều hành Google Eric Schmidt (bên trái) tại Trung Quốc năm 2006. Ảnh: en.internet.cn.
Tháng 7/2005, Google tuyển dụng Lee Kai-Fu, một cựu giám đốc của Microsoft tại Trung Quốc. Lee được bổ nhiệm làm Chủ tịch sáng lập trang Google.cn – phiên bản Google bằng tiếng Hoa mới sẽ được đưa vào hoạt động.
Tháng 1/2006, sau một thời gian dài thương lượng, Google đã thỏa hiệp thành công và được chính phủ Trung Quốc chấp nhận không chặn trên mạng Internet nước này nữa.
Chi tiết thỏa thuận giữa Google và Trung Quốc năm 2006 không được công khai, nhưng có thể suy ra một vài điều khoản của thỏa thuận đó qua việc nhìn vào các phát biểu của giới lãnh đạo Google.
Năm 2008, Lee Kai-Fu trả lời với kênh truyền hình PBS (Mỹ) rằng “để vào được thị trường Trung Quốc, chúng tôi phải tuân thủ luật pháp sở tại, có nghĩa là các máy chủ (servers) của chúng tôi cần được đặt ở Trung Quốc, và các nội dung, kết quả tìm kiếm của chúng tôi phải được lọc, thể theo luật và quy định địa phương”.
Đây là một xác nhận công khai về việc chính phủ Trung Quốc bắt Google phải đặt máy chủ tại nước này và phải chịu kiểm duyệt thông tin thì mới được tiếp cận thị trường.
Giao diện Google.cn khi hiện các kết quả bị kiểm duyệt. Ảnh: Zonaeuropa.com, Hrw.org.
Thỏa hiệp giữa chính phủ Trung Quốc và Google còn thể hiện rõ nhất qua kết quả tìm kiếm thông tin trên trang Google.cn: tất cả các trang nào bị nhà nước Trung Quốc chặn đều không hiện link trên kết quả tìm kiếm.
Người dùng chỉ có thể thấy thông báo chung chung rằng một số kết quả tìm kiếm không hiện lên để đáp ứng nhu cầu tuân thủ pháp luật và quy định địa phương của Google, một cách nói giảm nói tránh của việc tự kiểm duyệt.
Màn thỏa hiệp của Google tại Trung Quốc đã hiện rõ: đổi lấy việc tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc, Google phải tự kiểm duyệt. Theo nhiều nhà phê bình, việc này nghĩa là Google đi ngược lại chính câu khẩu hiệu của công ty họ: “Don’t Be Evil” (Không làm điều ác).
Những người ủng hộ Google thì chỉ ra rằng việc Google cho người dùng Trung Quốc biết một số thông tin đang bị nhà nước kiểm duyệt ít ra vẫn tốt hơn các phương tiện tìm kiếm khác ở Trung Quốc vốn chỉ lẳng lặng giấu giếm các trang bị chặn mà không nói gì thêm.
Màn thỏa hiệp đó giữa Google và nhà nước Trung Quốc đã tiếp diễn những năm sau đó theo một cách không hề êm thắm.
Thay đổi giao diện (trên-trước, dưới-sau) của trang Google.cn khi bị chính quyền Trung Quốc can thiệp năm 2009. Ảnh: advox.globalvoices.org
Năm 2009 được xem là một năm căng thẳng cho mối quan hệ Google – Trung Quốc.
Năm đó, dự án Chiếc Khiên Vàng tiếp tục hoạt động mạnh: chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách mới bắt tất cả máy tính mới ở Trung Quốc phải lắp phần mềm kiểm duyệt tự động Green Dam. Google cũng bị ép phải đầu tư mua phần mềm này.
Chính phủ Trung Quốc cũng bắt Google.cn phải bỏ nhiều tính năng tìm kiếm, như tính năng tìm kiếm thêm thông tin từ các nguồn nước ngoài và tìm kiếm dựa trên các từ có liên quan. Hình trên cho thấy trang Google.cn trước và sau thay đổi này.
Chính phủ Trung Quốc quyết định chặn kênh video Youtube.com – một sản phẩm ‘đinh’ của Google. Họ cũng liên tục phàn nàn cáo buộc Google dẫn quá nhiều link đến các trang web khiêu dâm. Danh sách các từ khóa bị kiểm duyệt cũng tăng đột biến.
Nhưng giọt nước làm tràn ly lại không phải là một từ khóa hay một link khiêu dâm nào đó.
Dữ liệu lập trình phần mềm cho thấy dấu vết của những kẻ đã hack Google năm 2009, và đường đi của chúng. Ảnh: Secureworks.com, Fireeye.com.
Từ tháng 6 đến tháng 9/2009, hệ thống máy chủ tại Trung Quốc của Google bị hacker tấn công. Một nhóm hacker đã tìm cách cài phần mềm ác ý (malware) vào hệ thống máy chủ của Google để ăn cắp dữ liệu và tìm cách kiểm soát dữ liệu của công ty này từ xa.
Điều tra của một số công ty an ninh mạng hàng đầu của Mỹ cho thấy nhóm hacker đã tấn công Google trong vụ này là Elderwood, một nhóm liên kết hoạt động cùng Đơn vị 61398 – một đơn vị bí mật chuyên tiến hành chiến tranh mạng của quân đội Trung Quốc.
Các chuyên gia an ninh mạng gọi cuộc tấn công này là Chiến dịch Aurora (Aurora Operation), đặt theo tên của một tập tin được tìm thấy trong các phần mềm ác ý được sử dụng. Họ cũng phân tích dựa theo các dữ liệu lập trình đó rằng cuộc tấn công này đã được chuẩn bị từ lâu, ít nhất là từ năm 2006.
Người dùng đặt hoa trước trụ sở Google đầu năm 2010, sau khi công ty này tuyên bố sẽ rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc nếu cần thiết. Ảnh: Csmonitor.com
Google đồng thời cũng phát hiện ra cuộc tấn công có chủ đích nhắm vào một số mục tiêu nhất định trong dữ liệu của họ: tài khoản Gmail của những nhà hoạt động nhân quyền và giới bất đồng chính kiến Trung Quốc. Chi tiết này giúp cho Google nhìn ra rõ hơn ai đứng đằng sau Chiến dịch Aurora: chính phủ Trung Quốc.
Google quyết định phản ứng gay gắt với việc bị tấn công lần này (quyết định này được nhiều nguồn tin cho là đến thẳng từ cấp cao nhất – Sergey Brin, một trong những người sáng lập Google).
Đầu năm 2010, Google tuyên bố sẽ không kiểm duyệt trang Google.cn nữa. Trang này sẽ tự động dẫn người dùng đến các kết quả tìm kiếm của trang Google Hong Kong, vốn chưa bị kiểm duyệt. Google cũng nói rằng họ sẽ rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc nếu cần thiết.
Tranh cãi giữa Google và chính phủ Trung Quốc ảnh hưởng đến cả ngoại giao Mỹ – Trung năm 2010.
Tài liệu nội bộ Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc sau này cho thấy các nhân viên ngoại giao Mỹ phải vất vả với sự kiện này như thế nào. Đặc biệt, một cuộc điều tra của họ cho thấy chiến dịch Aurora được “đích thân một nhân vật trong Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc cho phép tiến hành”.
Hiện trạng Google.cn sau khi ngừng hoạt động năm 2010. Ảnh chụp màn hình ngày 03/11/2017.
Tháng 3/2010, chính phủ Trung Quốc chặn toàn bộ dịch vụ tìm kiếm thông tin của Google trên toàn quốc, đồng thời đe dọa sẽ tước giấy phép cung cấp nội dung trên Internet của Google tại nước này.
Tháng 6/2010, Google ngừng dẫn link trực tiếp từ Google.cn sang Google Hong Kong để giữ giấy phép. Tuy nhiên, họ vẫn để một link dẫn riêng đến trang Google Hong Kong trên giao diện trang Google.cn.
Từ 2010 đến nay, trang Google.cn vẫn giữ nguyên hiện trạng: người dùng không thể nhập dữ liệu gì vào thanh tìm kiếm Google.cn, mà chỉ có thể chọn nhấn vào một link ngoài dẫn sang Google Hong Kong, vốn dĩ nhiên bị chặn trong Trung Quốc.
Một người phụ nữ trước trụ sở cũ của Google tại Trung Quốc năm 2010. Ảnh: Reuters/Alfred Jin.
Từ năm 2010 trở đi, Google cắt giảm nhiều dịch vụ của họ tại Trung Quốc nhưng vẫn duy trì văn phòng nghiên cứu và phát triển tại đây.
Trong khi Google khẳng định quyết định cắt giảm dịch vụ này đều là để đáp lại cuộc tấn công mạng năm 2009, nhiều đối thủ cạnh tranh của Google và một số nhà bình luận lại cho rằng Google rút khỏi Trung Quốc đơn giản vì không địch lại Baidu.com về mặt chất lượng. Baidu.com vốn cung cấp nhiều tính năng dịch vụ thu hút người dùng Trung Quốc hơn.
Thị phần dịch vụ tìm kiếm thông tin của Google tại Trung Quốc giảm từ 29% năm 2010 xuống 1.84% năm 2017, trong khi Baidu.com vươn lên nắm 76.05% thị phần, như đã nêu.
Danh sách các trung tâm dữ liệu (data centers) hiện có của Google không cho thấy họ có đặt máy chủ tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, có thể thấy năm 2016 đánh dấu nhiều nỗ lực khôi phục hoạt động tại Trung Quốc của Google. Họ đổi trụ sở văn phòng sang một địa điểm mới, thuê thêm một loạt 50 nhân viên mới, và tiến hành thương lượng thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc để xin phép cho Google mở một app store (trang web bán ứng dụng điện toán trực tuyến) tại nước này.
Một cửa hàng Apple ở Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Reuters/Carlos Barria.
Tháng 6/2017 vừa qua, công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ là Apple chấp nhận đặt một số máy chủ cho dịch vụ của họ ngay tại Trung Quốc, nhằm đảm bảo tuân theo bộ luật An ninh mạng mới vừa được Trung Quốc ban hành năm ngoái và có hiệu lực từ ngày 01/06/2017.
Dự án lắp đặt máy chủ này tiêu tốn một tỷ đô-la Mỹ. Trung tâm đặt máy chủ của Apple sẽ được điều hành phối hợp với một công ty Trung Quốc. Các lãnh đạo của Apple đã lên tiếng bảo đảm rằng họ sẽ bảo mật thông tin khách hàng kỹ càng, không cho phép chính phủ Trung Quốc có “cửa sau” vào dữ liệu người dùng.
Có vẻ là Apple cũng đang đi một con đường giống con đường Google đã chọn đi năm 2006.
Liệu con đường đó có suôn sẻ hơn con đường của Google hay không thì còn phải chờ.
Các ông lớn công nghệ lựa chọn gì khi đối mặt với kiểm duyệt nhà nước? Ảnh: Andy Wong/AP.
Đối với Google, hiện tình hình không cho thấy rõ là họ vẫn đang nằm chờ thời, hay thực sự đã suy tính tới việc nhún nhường với chính phủ Trung Quốc để tiếp tục hoạt động bình thường như trước đây.Thị trường khổng lồ với 731 triệu người dùng Internet của Trung Quốc là miếng mồi béo bở cho mọi công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Lịch sử hoạt động tại Trung Quốc của Google cho thấy một thực tế: các công ty công nghệ hàng đầu sẵn sàng vì mục tiêu kinh doanh mà nhún nhường, hy sinh (tương đối hay toàn bộ) các giá trị tự do ngôn luận để tuân thủ các luật lệ và quy định kiểm duyệt thông tin gay gắt của Trung Quốc.
Vậy đây phải chăng sẽ là xu hướng chung cho tất cả các công ty công nghệ hàng đầu, ngay cả tại những thị trường khác như Việt Nam?
Kinh nghiệm của Google, và lựa chọn mới đây của Apple, chắc chắn sẽ được một công ty công nghệ khác là Facebook học tập.
Thử thách cho những người bảo vệ tự do ngôn luận trên thế giới có lẽ không chỉ là những bộ luật khắt khe, ngược ngạo, “chống lại loài người”, mà còn chính là những ông khổng lồ công nghệ thế giới – vốn về bản chất cuối cùng vẫn là những công ty phải trả lương mỗi tháng cho nhân viên và chia cổ tức mỗi kỳ cho các cổ đông.
Tài liệu tham khảo: