Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ở Philippines, chính trị về cơ bản là trò chơi quyền lực của một nhóm nhỏ gồm những chính trị gia giàu có. Người ta gọi đó là nền chính trị đầu sỏ (oligarchy politics).
Trong lịch sử Philippines, có lẽ chưa ai từng mang đến hy vọng cho người dân bằng diễn viên điện ảnh Joseph Estrada. Và cũng chưa ai khiến họ thất vọng hơn vị cựu tổng thống này.
Kể từ cuộc cách mạng năm 1986 loại bỏ những tay chính khách cướp bóc, những tưởng đời sống người dân Philippines sẽ cải thiện nhưng rồi người ta lại quá ngán ngẩm với tình trạng bất bình đẳng không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Thế rồi tới năm 1998, ứng cử viên Estrada kia giương cao khẩu hiệu tranh cử “vì người nghèo”. Điều đó khiến dân chúng Philippines đứng về phía ông với mức tín nhiệm cao chưa từng có.
Nhưng rồi, Estrada bị lật đổ khi chưa hết nhiệm kỳ và ra tòa với tội danh tham nhũng. Cáo trạng cho thấy ông biển thủ từ 78 tới 80 triệu đô-la Mỹ. Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines giai đoạn 1972 – 1986 cũng ước tính biển thủ khoảng năm tới mười tỷ đô-la.
Ở Philippines, chính trị về cơ bản là trò chơi quyền lực của một nhóm nhỏ gồm những chính trị gia giàu có như Marcos hay Estrada. Người ta gọi đó là nền chính trị đầu sỏ (oligarchy politics).
Cựu tổng thống Estrada, từng được dân chúng ủng hộ với mức tín nhiệm trên 60%, lại là vị lãnh đạo tham nhũng hạng mười trên thế giới. Ảnh: không rõ nguồn.
Các gia tộc chính trị (political dynasty)
Từ thời Philippines còn là thuộc địa của Tây Ban Nha (1565-1898), giới địa chủ kiểm soát phần lớn đất đai và chi phối luôn nền chính trị nước này.
Dưới thời kỳ thuộc địa của Mỹ (1898-1946), quyền lực của những người này không những không bị phá hủy mà còn được củng cố. Họ có thể sử dụng địa vị của mình trong chính quyền thuộc địa để mở rộng kiểm soát sang các lĩnh vực khác như công nghiệp, thương mại, và ngân hàng.
Bằng việc nắm quyền trong một thời gian dài, nhiều chính trị gia đã coi chức vụ chính trị như thuộc về gia đình để truyền từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp. Điều đó có nghĩa là quyền lực chính trị được vĩnh viễn hóa, dẫn đến sự xuất hiện của các gia tộc chính trị.
Từ khi độc lập năm 1946 tới trước thời của Tổng thống Marcos, Philippines đã trải qua nhiều thay đổi. Các thiết chế dân chủ đại diện theo mô hình phương Tây được thiết lập. Tuy nhiên, cấu trúc quyền lực thực tế vẫn như cũ, khi mà quyền lực luôn nằm trong tay các gia tộc giàu có ấy.
Năm 1965, Marcos lên nắm quyền, và điều hành đất nước bằng thiết quân luật từ năm 1972 đến năm 1981. Dựa vào đó, ông thay thế những tay đầu sỏ thời hậu chiến bằng nhóm của riêng mình, gọi là Marcoses. Nhưng rồi ông bị lật đổ trong cuộc cách mạng Quyền lực Nhân dân (EDSA) sau 21 năm tại vị, nhường chỗ cho giới giàu có quay trở lại và tái lập sự cai trị mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Giờ đây, nhìn con số thu nhập quốc gia gia tăng hàng năm của Philippines, ít ai nghĩ rằng hết ba phần tư số này nằm trong tay 40 người giàu nhất đất nước.
Cựu Tổng thống độc tài Ferdinand Marcos (1917-1989) đã dùng thiết quân luật để nỗ lực loại bỏ các gia tộc chính trị ra khỏi chính phủ trong suốt thời gian tại nhiệm của mình, song không thành. Ảnh: Quartz.
Chính trị như một trò chơi riêng của giới chính khách
Theo số liệu năm 2013, Philippines có khoảng 178 gia tộc chính trị. Những cái tên như Aquinos, Cojuangcos, Aranetas hay là Lopezes không có gì là xa lạ với người dân xứ này.
Họ chi phối nền chính trị của Philippines bằng cách đưa người trong gia tộc hoặc có quan hệ với gia tộc vào trong các thiết chế quan trọng như quốc hội, đảng phái. Họ còn ra sức chiếm giữ các chức vụ địa phương.
Trong một bài báo đăng trên tờ Rappler, nhà nghiên cứu Ronald U. Mendoza đưa ra những con số đáng kinh ngạc. Tính tới năm 2012, người của các gia tộc chính trị chiếm tới 68% số hạ nghị sĩ và 80% số thượng nghị sĩ tại Quốc hội.
Thành viên của họ cũng chi phối các đảng chính trị lớn: 76% trong đảng Lakas-Kampi, 57% của Liberal Party, 74% của Nationalist People’s Coalition, và 81% của Nacionalista Party.
Còn ở cấp độ địa phương, 85% thống đốc, 75% phó thống đốc, 74% nghị sĩ quận, 66% thị trưởng, 50% phó thị trưởng là người thuộc các gia tộc này.
Gia đình Aquinos, một trong những gia tộc chính trị lớn nhất tại Philippines. Ảnh: Wallpart.
Người nghèo gần như không có đại diện trong các đảng. Vì lẽ đó mà họ không có tiếng nói trong quá trình ra quyết sách của chính phủ.
Có thể mô tả nền chính trị Philippines như một cuộc đấu tranh quyền lực trong giới đầu sỏ, những người quan tâm nhiều đến quyền lợi của cá nhân và giai tầng riêng của họ thay vì quyền lợi của đa số người nghèo. Chức vụ trở thành tài sản gia đình, được giới này dùng để bảo vệ các lợi ích kinh doanh và các lợi ích khác của các gia tộc, và bảo vệ họ khỏi các đe dọa chính trị.
Điều đáng tiếc là tuy quyền lực ngày càng tập trung, nhưng lại không được dùng để thúc đẩy chính sách quốc gia như các quốc gia tập quyền kiểu Trung Quốc hay Singapore, mà nó bị gom vào tay các nhóm chính trị có khuynh hướng khư khư lo giữ ghế của mình. Philippines tự thể hiện mình như một quốc gia dân chủ, còn cơ cấu quyền lực như một quốc gia độc tài, song lại chẳng mang được chút ưu điểm nào của cả hai thể chế.
Chú thích