Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Khi phát biểu trước Quốc hội ủng hộ việc chặn, lọc, và hạn chế Internet, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có thể không biết hoặc đã quên một chuyện mới xảy ra hơn một năm trước đây.
Khi đó, vào tháng 7/2016, với tư cách là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã đồng thuận với các thành viên khác cho thông qua một nghị quyết coi việc sử dụng Internet và biểu đạt trên Internet là một quyền con người.
Cụ thể, nghị quyết này coi “những quyền mà con người được hưởng offline cũng phải được bảo vệ trên môi trường online”.
Nghị quyết này nhấn mạnh quyền tự do biểu đạt trên mạng cũng được bảo vệ theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, bất kể con người ở nơi đâu trên thế giới và chọn sử dụng công cụ nào.
Nếu PTT Đam chưa thoả mãn với nội dung trên thì ông có thể đọc thêm nội dung thứ 10 của nghị quyết, theo đó, Hội đồng Nhân quyền “lên án một cách dứt khoát những biện pháp được cố ý dùng để ngăn chặn hoặc làm gián đoạn việc truy cập hay phổ biến thông tin trên mạng” và “kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên gỡ bỏ và không tiến hành các biện pháp đó”.
Không những thế, nghị quyết còn lên án tất cả những hành vi bắt giữ, sách nhiễu và trừng phạt một người vì những gì họ biểu đạt trên Internet.
Những gì PTT Đam nói, rất đáng tiếc cho ông, đi ngược lại hoàn toàn với những gì mà chính Việt Nam đã đồng ý thông qua tại diễn đàn nhân quyền quan trọng nhất toàn cầu – Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Tại thời điểm đó, Việt Nam hãy còn là “tân binh” ở Hội đồng Nhân quyền. Nhiệm kỳ của Việt Nam ở Hội đồng kéo dài từ đầu 2014 đến hết 2016. Nhiều người có thể thắc mắc tại sao một nước có thành tích nhân quyền kém cỏi như Việt Nam lại có chân trong Hội đồng 47 thành viên này, nhưng đó là câu chuyện chính trị quốc tế và có thể được bàn trong một bài viết khác.
Cũng cần phải nhắc PTT Đam về một phát biểu của ông hồi tháng Ba năm ngoái, khi ông tới dự một hội thảo của Ngân hàng Thế giới:
“Tôi chỉ muốn nói rằng, giờ không phải lúc bàn lợi ích của công nghệ số là thế nào mà phải khẳng định: Bản thân công nghệ số có những mặt trái, nhưng không phải do công nghệ mà do người sử dụng công nghệ. Vì thế, không có lý gì vì tác động mặt trái của nó mà kìm hãm nó, mà phải tìm mọi cách để nó phát triển”.
PTT Vũ Đức Đam được Thủ tướng Chính phủ giao phụ trách quản lý ngành thông tin – truyền thông. Ông cũng là người được cho là thân thiện với giới công nghệ khi từng công tác lâu năm ở Tổng cục Bưu Điện và từng làm đến chức Thứ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông.
Mới tháng Hai đầu năm nay thôi, khi nói chuyện với sinh viên đại học FPT, ông Đam còn kể rằng, ông đã triệu tập những bộ óc hàng đầu Việt Nam để khái quát bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư trong một từ, thế mà không ai trả lời được.
Và chính ông đã tự mình nghĩ ra từ đó:
“Nếu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất gắn với ‘hơi nước’, cuộc cách mạng lần thứ hai là ‘điện’, lần thứ ba là ‘số hóa’ thì đa phần những người tích cực cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng là ‘kết nối’”.
Ông còn nhấn mạnh thêm: “Đó là việc kết nối tám tỷ thiết bị, kết nối ở mọi tầng lớp, mọi giác độ, sự kết nối không chỉ ở một mái trường, một tỉnh, một đất nước mà là sự kết nối toàn cầu. Cuộc cách mạng ấy liên quan mật thiết đến công nghệ thông tin”.
Vậy thì cái gì làm cho ông Đam đi từ một người coi “kết nối” con người trên toàn cầu là bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đến một con người cổ xuý cho việc xây dựng một mạng biệt lập như Trung Quốc và đề xuất kiểm soát để người dân ít dùng mạng xã hội hơn?
Không những thế, ông còn muốn “dùng biện pháp kỹ thuật chặn, lọc làm chậm lại khi cần thiết”.
Đâu mới là quan điểm thật, con người thật của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam?
Nhẽ phải nhắc lại cho ông tất cả những điều này kẻo ông quên.