Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Dân chủ là ý tưởng chính trị thành công nhất của thế kỷ 20. Nhưng tại sao giờ đây nó lại rơi vào tình trạng rối loạn, và phải làm sao để nó hồi sinh?
Dân chủ là ý tưởng chính trị thành công nhất của thế kỷ 20. Nhưng tại sao giờ đây nó lại rơi vào tình trạng rối loạn, và phải làm sao để nó hồi sinh?
Dân chủ thoái lui
Những người biểu tình lật đổ chính phủ Ukraine mang trong mình nhiều ước vọng quốc gia. Họ giăng những tấm áp phích kêu gọi quan hệ thân thiết hơn với Liên minh châu Âu, chấm dứt hành động can thiệp của Nga vào nền chính trị Ukraine, và thành lập một chính phủ trong sạch để thay thế cho cái chính quyền cướp bóc của Tổng thống Viktor Yanukovych. Động lực thúc đẩy người dân Ukraine chống lại các chính quyền tham nhũng, lạm dụng và độc tài trong suốt nhiều thập kỷ chính là từ nhu cầu cơ bản nhất của họ: Họ muốn có một nền dân chủ pháp quyền.
Cũng không có gì là khó hiểu. So với các quốc gia phi dân chủ, thì các nền dân chủ thường giàu hơn, ít chiến tranh hơn, và chống tham nhũng tốt hơn.
Quan trọng hơn, thiết chế dân chủ cho phép người ta nói lên suy nghĩ của họ, cũng như định hướng tương lai cho chính họ và con cái họ. Rất nhiều người ở rất nhiều nơi trên thế giới sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì ý tưởng dân chủ, rõ ràng đây chính là minh chứng cho sức hấp dẫn trường cửu của nó.
Tuy nhiên, những sự kiện sôi động như ở thủ đô Kiev gần đây [đầu năm 2014] lại khiến người ta phải lo lắng, vì xứ này cứ liên tục lâm vào tình trạng bất ổn. Người dân tập trung khắp các quảng trường. Những kẻ côn đồ được chính quyền ủng hộ đang cố chiến đấu nhưng rồi lại nhụt chí khi đối mặt với sự bất khoan nhượng của người dân trong vòng vây tin tức toàn cầu.
Những người biểu tình chống chính phủ Ukraine ở trung tâm Kiev trong cuộc cách mạng Euromaidan năm 2014. Ảnh: AFP/ Dmitry Serebryakov/Getty Images.
Thế giới tán thưởng khi chế độ Ukraine sụp đổ và đề nghị giúp xây dựng một nền dân chủ. Tuy nhiên, việc tống cổ một chế độ chuyên quyền hóa ra dễ dàng hơn nhiều so với việc thiết lập một chính phủ dân chủ có năng lực. Chế độ mới kém cỏi, nền kinh tế gặp khó khăn và đất nước này rơi vào trạng thái tồi tệ chẳng kém gì so với trước đây. Chuyện này cũng từng xảy ra ở nhiều nước trong sự kiện Mùa xuân Ả Rập, hay như trong cuộc cách mạng Cam ở Ukraine cách đây một thập kỷ. Năm 2004, Yanukovych đã bị lật đổ sau những cuộc biểu tình rộng khắp, song lại tái đắc cử chức vụ tổng thống vào năm 2010 (Nga đã hỗ trợ ông rất nhiều tiền trong vụ này), sau khi các chính trị gia đối lập thay thế ông hóa ra cũng chẳng mang lại hy vọng gì.
Dân chủ đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Nơi đâu mà các nhà lãnh đạo độc tài bị lật đổ, các đối thủ của họ cũng hầu như không thể tạo lập nên một chế độ dân chủ đủ vững. Ngay cả trong các nền dân chủ lâu đời, những khiếm khuyết trong hệ thống ngày càng trở nên đáng lo ngại còn tình trạng vỡ mộng chính trị lại lan tràn. Trong khi mới vài năm trước đây, người ta còn tưởng rằng dân chủ sẽ thống trị thế giới.
Vào nửa sau thế kỷ 20, dân chủ đã bén rễ ở những xứ tưởng như khó khăn nhất: nước Đức nơi trải qua chủ nghĩa phát xít, Ấn Độ nơi có nhiều người nghèo nhất thế giới, và trong những năm 1990 ở Nam Phi nơi từng trải qua chế độ phân biệt chủng tộc. Nhờ bãi bỏ chủ nghĩa thực dân, một loạt các nền dân chủ mới đã nảy sinh ở châu Phi và châu Á, và các chế độ độc tài cũng đã nhường đường cho các chế độ dân chủ ở Hy Lạp (1974), Tây Ban Nha (1975), Argentina (1983), Brazil (1985) và Chile (1989). Sự kiện Liên Xô sụp đổ đã tạo ra nhiều nền dân chủ non trẻ ở Trung Âu. Vào năm 2000, Freedom House, một tổ chức think-tank của Mỹ, đã xếp 120 quốc gia hay 63% tổng số nước trên thế giới vào danh sách các nền dân chủ.
Đại diện của hơn 100 quốc gia đã tụ họp tại Diễn đàn Dân chủ Thế giới ở Warsaw năm đó để tuyên bố rằng “ý chí của nhân dân” là “cơ sở cho tính chính danh của chính quyền”. Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã tuyên bố rằng sau “những thử nghiệm thất bại” của các chế độ độc tài và toàn trị thì “dường như giờ đây, dân chủ đã chiến thắng”.
Sau khi được trả tự do năm 1990, Nelson Mandela đã dẫn dắt đảng Đại hội Dân tộc Phi của Nam Phi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ năm 1994. Ảnh: Nivile.
Tâm lý tự mãn như vậy là hoàn toàn dễ hiểu sau những thành công của dân chủ. Nhưng khi nhìn rộng ra thì chiến thắng của dân chủ chưa hẳn là điều tất yếu. Sau khi Athens sụp đổ – tức cái nôi khai sinh ra nền dân chủ, thì mô hình chính trị này đã biến mất cho đến tận thời kỳ Khai sáng hơn 2.000 năm sau đó. Vào thế kỷ 18, chỉ có cách mạng Mỹ là tạo ra được một nền dân chủ bền vững. Trong thế kỷ 19, những người theo chế độ quân chủ đã trường kỳ chiến đấu chống lại các lực lượng dân chủ. Tới nửa đầu thế kỷ 20 các nền dân chủ non trẻ sụp đổ ở Đức, Tây Ban Nha và Ý. Và vào năm 1941, trên thế giới chỉ còn lại 11 nền dân chủ, tới nỗi Franklin Roosevelt lo lắng rằng không thể che chắn cho “ngọn lửa dân chủ vĩ đại khỏi bị chủ nghĩa man rợ dập tắt”.
Những tiến bộ đạt được từ cuối thế kỷ 20 đã bị đình trệ trong những năm đầu thế kỷ 21. Mặc dù khoảng 40% dân số thế giới được sống ở các quốc gia có các cuộc bầu cử tự do và công bằng – một con số nhiều hơn bao giờ hết, song tiến bộ của dân chủ trên toàn cầu đã bị đình trệ, và thậm chí có thể bị đảo ngược. Freedom House cho biết rằng năm 2013 là năm thứ tám liên tiếp mà tự do toàn cầu suy giảm. Từ năm 1980 đến năm 2000 chỉ một vài quốc gia thụt lùi về dân chủ, nhưng từ năm 2000 lại có nhiều trường hợp. Và các vấn đề của nền dân chủ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn so với những gì mà các con số thể hiện. Nhiều chế độ dân chủ thực thụ đã quay trở lại chế độ độc tài, dù duy trì vẻ ngoài dân chủ thông qua các cuộc bầu cử, nhưng lại thiếu vắng các quyền và các thiết chế – vốn là những khía cạnh quan trọng không kém để một hệ thống dân chủ có thể vận hành.
Niềm tin vào dân chủ bùng lên trong những thời khắc chiến thắng, như khi lật đổ các chế độ độc tài ở Cairo hoặc Kiev, nhưng rồi cũng chóng qua. Bên ngoài phương Tây, nền dân chủ tiến lên xong rồi lại thoái lui. Còn ở phương Tây, chế độ dân chủ thường gắn liền với nợ nần và rối loạn từ trong nước cho tới nước ngoài.
Dân chủ luôn bị chỉ trích, nhưng bây giờ những mối hoài nghi cũ lại tiếp tục bị chú ý khi dân chủ ngày càng tỏ ra kém cỏi trong thành trì phương Tây đồng thời sức ảnh hưởng của nó ở những nơi khác lại yếu ớt. Câu hỏi đặt ra là, tại sao dân chủ lại đánh mất đi cái động lực trước đó?
Nhìn lại lịch sử
Hai lý do chính yếu là cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 và sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Mỹ khi Lehman Brothers tuyên bố phá sản với khoản nợ hơn 600 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Ảnh: Oli Scarff/Getty Images.
Cuộc khủng hoảng này gây ra thiệt hại cả về tâm lý lẫn tài chính. Nó đã làm lộ ra những khuyết điểm căn bản trong hệ thống chính trị của phương Tây, bào mòn sự tự tin vốn từng là một trong những tài sản lớn của họ.
Các chính phủ liên tục nới rộng quyền hành trong nhiều thập kỷ, khiến cho nợ ngày càng gia tăng tới mức nguy hiểm, còn các chính trị gia lại cứ tin rằng họ đã loại bỏ được chu trình lúc lên cao lúc xuống thấp cũng như kiểm soát được rủi ro. Nhiều người đã vỡ mộng với cái cách vận hành của hệ thống chính trị – nhất là khi các chính phủ giải cứu các ngân hàng bằng tiền thuế của người dân và rồi bất lực khi chứng kiến các nhà tài phiệt tiếp tục tự trả cho mình những khoản tiền lớn. Cuộc khủng hoảng đã làm cho Washington mất uy tín trong thế giới mới nổi.
Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phá vỡ thế độc quyền của thế giới dân chủ về tiến bộ kinh tế. Giáo sư Larry Summers của Đại học Harvard quan sát thấy rằng vào cái thời nước Mỹ phát triển nhanh nhất, mức sống của người dân tăng gấp đôi sau mỗi 30 năm. Thú vị là trong 30 năm qua, Trung Quốc đã có thể tăng gấp đôi mức sống sau từng thập kỷ.
Giới tinh hoa Trung Quốc cho rằng mô hình của họ – với sự kiểm soát chặt chẽ của đảng Cộng sản, cùng với nỗ lực không ngừng khi tuyển những người tài năng vào các vị trí cấp cao – là hiệu quả hơn dân chủ và ít rơi vào bế tắc chính trị. Ở Trung Quốc, giới lãnh đạo chính trị thay đổi mỗi thập kỷ hoặc lâu hơn, và luôn có nguồn cung nhân tài cho đội ngũ cán bộ đảng dựa trên năng lực đạt được mục tiêu của họ.
Các containers nằm ở một cảng thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ảnh chụp năm 2013. Ảnh: AP.
Các nhà phê bình Trung Quốc lên án rằng chính phủ nước này kiểm soát công luận bằng nhiều cách khác nhau, từ bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến đến kiểm duyệt các cuộc thảo luận trên internet. Tuy nhiên, việc chế độ ám ảnh với sự kiểm soát lại ngầm cho thấy cái nghịch lý rằng nó có quan tâm đến công luận. Đồng thời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã xử lý được những vấn đề lớn trong việc xây dựng nhà nước, công việc mà một nền dân chủ có khi phải mất tới hàng thập kỷ để giải quyết. Chỉ trong hai năm, Trung Quốc đã mở rộng bảo hiểm hưu trí cho hơn 240 triệu cư dân nông thôn – nhiều hơn toàn bộ số người đang hưởng trợ cấp của Mỹ.
Nhiều người Trung Quốc sẵn lòng chấp nhận hệ thống của họ nếu nó mang lại tăng trưởng. Một khảo sát về Thái độ Toàn cầu của Pew năm 2013 cho thấy 85% người Trung Quốc “rất hài lòng” với đường hướng của đất nước, so với 31% người Mỹ.
Một số trí thức Trung Quốc đã trở nên tự tin hơn. Zhang Weiwei của Đại học Fudan cho rằng nền dân chủ đang phá hủy phương Tây, và đặc biệt là Mỹ, bởi vì nó thể chế hóa sự bế tắc, tầm thường hóa việc ra quyết định và tạo ra những vị tổng thống hạng hai như George Bush con. Yu Keping của Đại học Bắc Kinh lập luận rằng chế độ dân chủ làm cho những điều đơn giản trở nên “quá phức tạp và phù phiếm” và cho phép “một số chính trị gia biết cách nói chuyện ngọt ngào dẫn dắt người dân tới chỗ sai lầm”.
Wang Jisi, cũng thuộc Đại học Bắc Kinh, đã quan sát thấy rằng “nhiều nước đang phát triển áp dụng các giá trị và hệ thống chính trị phương Tây đang gặp phải bất ổn và hỗn loạn”, và rằng Trung Quốc có thể cho họ thấy một mô hình khác. Các quốc gia từ châu Phi (Rwanda) sang Trung Đông (Dubai) đến Đông Nam Á (Việt Nam) đang thực hiện nghiêm túc lời khuyên này.
Sự tiến bộ của Trung Quốc trở nên ngày càng có uy lực trong bối cảnh người ta liên tục thấy thất vọng về các nhà dân chủ từ hồi năm 2000.
Đầu tiên là bước thụt lùi của Nga. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, dân chủ hóa Liên Xô cũ dường như là điều đương nhiên. Trong những năm 1990, Nga đã loạng choạng bước được vài bước theo hướng dân chủ hóa dưới thời Boris Yeltsin. Nhưng vào cuối năm 1999, ông này lại từ chức và trao quyền cho Vladimir Putin, một cựu điệp viên KGB, người cho đến giờ đã từng một lần giữ chức thủ tướng và ngồi ghế tổng thống đến hai lần.
Boris Yeltsin (phải) rời khỏi vũ đài chính trị Nga vào đúng ngày cuối cùng của thế kỷ 20, để lại chiếc ghế tổng thống cho một nhà độc tài rất tiềm năng: cựu trung tá tình báo Xô-viết Vladimir Putin. Ảnh: RBTH.
Sa hoàng hậu hiện đại này đã hủy hoại nền tảng của dân chủ ở Nga, cấm đoán báo chí và bỏ tù các đối thủ, trong khi vẫn trình diễn cái trò rằng tất cả mọi người đều có quyền bỏ phiếu, miễn là Putin thắng cử. Các nhà lãnh đạo độc tài ở Venezuela, Ukraine, Argentina và các nước khác cũng bắt chước, duy trì một mô hình dân chủ hóa giả tạo hơn là xóa bỏ nó hoàn toàn, và do đó làm cho dân chủ bị mất uy tín hơn nữa.
Thất bại lớn tiếp theo là cuộc chiến tranh Iraq. Khi không thể chứng minh rằng Saddam Hussein có sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt để biện minh cho cuộc xâm chiếm do Mỹ dẫn đầu vào năm 2003, Bush đã chuyển sang biện hộ cho chiến tranh như là một cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ. “Những nỗ lực của các quốc gia tự do trong việc thúc đẩy dân chủ chính là màn mở đầu chuỗi thất bại của kẻ thù của chúng ta”, ông nói trong bài phát biểu nhậm chức lần thứ hai của mình. Điều này không đơn thuần đến từ chủ nghĩa cơ hội: có vẻ Bush một lòng tin tưởng rằng chừng nào Trung Đông còn bị chi phối bởi các nhà độc tài thì chừng đó nó sẽ vẫn là nơi sản sinh ra khủng bố.
Nhưng niềm tin này đã gây ra những thiệt hại lớn cho dân chủ. Những người cánh tả coi nó như là bằng chứng cho thấy nền dân chủ chỉ là bình phong của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Các nhà chính sách đối ngoại duy thực coi sự hỗn loạn ngày càng tăng của Iraq như là bằng chứng cho thấy việc thúc đẩy dân chủ hóa do Mỹ dẫn đầu là một công thức tạo ra bất ổn. Và các nhà tân bảo thủ như Francis Fukuyama, một nhà khoa học chính trị Mỹ, coi đó như là bằng chứng cho thấy nền dân chủ không thể bén rễ ở những mảnh đất khô cằn.
Thất bại nghiêm trọng thứ ba là Ai Cập. Khi chế độ của Hosni Mubarak sụp đổ vào năm 2011, giữa những cuộc biểu tình rầm rộ, đã làm dấy lên hy vọng rằng nền dân chủ sẽ lan rộng khắp Trung Đông. Nhưng niềm phấn khích này nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng. Người chiến thắng trong các cuộc bầu cử sau đó của Ai Cập không phải là các nhà hoạt động tự do (những người đã bị chia rẽ trong vô vọng thành vô số các đảng phái kì quái), mà lại là phong trào Anh em Hồi giáo của Muhammad Morsi. Morsi coi nền dân chủ là một hệ thống được ăn cả ngã về không. Ông đưa hết người của phong trào vào trong chính phủ, thâu tóm về phần mình một quyền lực gần như không giới hạn và tạo ra một Thượng viện với đa số là người Hồi giáo.
Người hâm mộ mừng Morsi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập 2012. Ảnh: Daniel Berehulak/ Getty Images
Vào tháng 7 năm 2013, quân đội đảo chính, bắt giữ vị tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ của Ai Cập, bỏ tù các thành viên lãnh đạo của phong trào Anh em Hồi giáo và giết chết hàng trăm người biểu tình. Cùng với chiến tranh ở Syria và tình trạng hỗn loạn ở Libya, sự kiện này đã đập tan niềm hy vọng rằng mùa xuân Ả Rập sẽ làm cho dân chủ nở rộ khắp Trung Đông.
Trong khi đó một số quốc gia mới gia nhập thế giới dân chủ đã đánh mất vẻ lừng lẫy của chúng. Kể từ khi dân chủ hóa hồi năm 1994, Nam Phi liên tục chịu sự cai trị của chỉ một đảng, đảng Đại hội các dân tộc Phi châu, vốn ngày càng trở nên tư lợi. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có vẻ muốn kết hợp Hồi giáo ôn hòa với thịnh vượng và dân chủ, lại rơi vào tham nhũng và độc tài. Tại Bangladesh, Thái Lan và Cambodia, các đảng đối lập gần đây đã tẩy chay bầu cử hoặc từ chối chấp nhận kết quả bầu cử.
Tất cả những điều này đã chứng minh rằng việc xây dựng các thể chế thiết yếu để duy trì nền dân chủ quả thực đang diễn ra rất chậm chạp, và thực tế này cũng xua tan đi cái ý tưởng đại chúng rằng dân chủ sẽ lan tràn nhanh chóng rồi nảy mầm khi hạt giống được gieo. Mặc dù dân chủ có thể là một “khát vọng phổ quát”, như Bush và Tony Blair từng nhấn mạnh, song nó vẫn là một thực tiễn bắt rễ từ văn hoá. Ở hầu hết tất cả các quốc gia phương Tây, phải mất rất lâu họ mới có thể mở rộng quyền bầu cử sau khi đã thiết lập các hệ thống chính trị phức tạp, với các dịch vụ dân sự mạnh và các quyền hiến định vững chắc, trong những xã hội biết nuôi dưỡng những ý niệm về các quyền cá nhân và tư pháp độc lập.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính những thiết chế hình mẫu cho các nền dân chủ mới dường như đã lỗi thời và ngưng trệ ở những nền dân chủ lâu đời. Nước Mỹ đã trở thành một “tấm gương” về tình trạng bế tắc, lại bị ám ảnh với việc ghi điểm trong lòng người ủng hộ tới nỗi nó đã đến gần bờ vực vỡ nợ hai lần trong hai năm qua.
Nền dân chủ của nước này cũng bị phá hoại bởi các vụ sắp xếp bầu cử – tức một thủ thuật dàn xếp ranh giới khu vực bầu cử nhằm cố thủ quyền lực cho những người đương nhiệm. Điều này khuyến khích chủ nghĩa cực đoan, bởi các chính trị gia phải chỉ kiếm cách vận động cho những người ủng hộ đảng của mình, và vì vậy tước đi quyền lợi của rất nhiều cử tri khác.
Tiền bạc lại càng là vấn đề ầm ĩ hơn bao giờ hết trong nền chính trị Mỹ. Hàng ngàn người vận động hành lang (trung bình cứ mỗi nghị sỹ lại có hơn 20 người đi vận động) làm kéo dài thời gian và làm tăng tính phức tạp của hoạt động lập pháp. Tất cả những điều này tạo ra một cảm tưởng rằng nền dân chủ Mỹ đang được đem ra đổi chác, và người giàu sở hữu nhiều quyền lực hơn người nghèo, ngay cả khi các nhà vận động hành lang và giới tài trợ nhấn mạnh rằng việc chi tiêu chính trị đơn thuần là một hành động tự do biểu đạt. Kết quả là hình ảnh của Mỹ – và nói rộng ra là bản thân nền dân chủ – đã phải hứng chịu cơn bão chỉ trích thậm tệ.
Tiền bạc ngày càng chi phối nền chính trị Mỹ. Ảnh: Chip Somodevilla/ Getty Images.
Châu Âu cũng không còn là một hình mẫu dân chủ. Quyết định đưa đồng euro vào lưu hành hồi năm 1999 được đưa ra bởi các nhà kỹ trị; chỉ có hai nước Đan Mạch và Thụy Điển tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này (và cả hai đều nói không). Trong những ngày đen tối nhất của cuộc khủng hoảng đồng euro, giới tinh hoa ủng hộ đồng euro đã buộc Ý và Hy Lạp phải thay thế các nhà lãnh đạo từng được bầu lên một cách dân chủ bằng các nhà kỹ trị. Nghị viện châu Âu – một nỗ lực bất thành của việc cố khắc phục tình trạng suy giảm dân chủ ở châu Âu – cũng bị họ phớt lờ và coi thường.
Châu Âu đã trở thành nơi sản sinh các đảng phái dân túy, như Đảng Tự do của Geert Wilders ở Hà Lan và Đảng Mặt trận Quốc gia của Marine Le Pen ở Pháp, tuyên bố bảo vệ người dân thường chống lại giới tinh hoa kiêu căng và bất tài. Đảng Bình minh Vàng của Hy Lạp đang thách thức xem thể chế dân chủ có thể dung hợp được các đảng theo kiểu Đức Quốc xã tới mức nào. Cái thiết chế vốn được thiết kế nhằm thuần hóa con quái vật chủ nghĩa dân túy châu Âu, thì nay hóa ra lại dung dưỡng cho con quái vật ấy.
Dân chủ hỗn loạn
Ngay cả ở vùng trung tâm dân chủ, thì rõ ràng kiểu thể chế này cũng đang gặp phải những vấn đề cơ cấu nghiêm trọng chứ không đơn giản là vài cơn đau lắt nhắt. Kể từ buổi bình minh của kỷ nguyên dân chủ hiện đại từ cuối thế kỷ 19, nền dân chủ đã bắt đầu vận hành thông qua các nhà nước và nghị viện quốc gia. Người dân đề bạt ra những đại diện cho mình để dẫn dắt quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định. Song giờ đây, sự dàn xếp này đang bị tấn công cả trên lẫn dưới.
Từ bên trên, toàn cầu hóa đã làm thay đổi sâu sắc nền chính trị quốc gia. Các chính trị gia theo đường hướng dân tộc đã đánh mất quyền lực vào tay các thị trường toàn cầu và các tổ chức siêu quốc gia hơn bao giờ hết, ví dụ như trong thương mại và dòng chảy tài chính. Qua đó có thể thấy rằng họ khó có thể giữ lời hứa với cử tri. Các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới và Liên minh châu Âu đã mở rộng tầm ảnh hưởng của họ.
Một lập luận đáng suy ngẫm ở đây là: một quốc gia có thể tự giải quyết những vấn đề như biến đổi khí hậu hay trốn thuế như thế nào? Các chính trị gia theo đường hướng dân tộc cũng đã phản ứng lại với toàn cầu hoá bằng cách giới hạn quyền hành của mình và trao bớt cho các nhà kỹ trị. Ví dụ, số quốc gia có các ngân hàng trung ương độc lập đã tăng từ 20 nước hồi năm 1980 lên tới trên 160 nước ngày nay.
Những thách thức từ bên dưới cũng gây trở ngại không kém: từ những dân tộc muốn ly khai như Catalans và Scots, từ các bang ở Ấn Độ, rồi từ những thị trưởng thành phố Mỹ. Tất cả đều đang cố gắng giành lại quyền lực từ các chính quyền trung ương. Ngoài ra còn một loạt những thách thức mà Moisés Naim của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie gọi là “quyền lực vi mô”, chẳng hạn như các tổ chức phi chính phủ và các nhà vận động hành lang, vốn đang làm phá vỡ nền chính trị truyền thống và khiến cho các nhà lãnh đạo cả dân chủ lẫn độc tài ngày càng gặp trở ngại.
Hàng ngàn người giương cờ ly khai tại Barcelona đòi độc lập cho Catalonia, tháng 6 năm 2017. Ảnh: Albert Gea/Reuters.
Ngày nay, Internet giúp người ta dễ dàng tổ chức và tranh luận. Trong một thế giới mà ai cũng có thể tham gia bình chọn trên truyền hình thực tế mỗi tuần hoặc ủng hộ một đơn kiến nghị chỉ bằng một cú nhấp chuột, thì bộ máy và các thiết chế của nền dân chủ nghị viện – nơi mà vài năm mới có một lần bầu cử – đã ngày càng trở nên lỗi thời. Douglas Carswell, một nghị sỹ của Anh, đã ví von nền chính trị truyền thống với HMV, một chuỗi cửa hàng bán băng đĩa ở Anh bị phá sản trong cái thế giới mà người ta có thể nghe bất cứ bản nhạc nào họ muốn bằng Spotify, một dịch vụ âm nhạc số trực tuyến.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của nền dân chủ không phải là từ phía trên hay dưới mà từ bên trong – tức là từ chính các cử tri. Cái nỗi lo của Plato về dân chủ rằng các công dân sẽ “sống ngày này qua ngày khác, nuông chiều những khoái lạc nhất thời”, đã tỏ ra thuyết phục. Các chính phủ dân chủ quen gây ra những khoản thâm hụt lớn về cơ cấu như là một chuyện tất nhiên, vay vốn để cung cấp cho cử tri những gì họ muốn trong ngắn hạn, đồng thời bỏ qua đầu tư dài hạn. Pháp và Ý đã không cân đối được ngân sách của họ trong hơn 30 năm. Cuộc khủng hoảng tài chính đã vạch rõ tính thiếu bền vững của những nền dân chủ vốn sống sót nhờ nợ nần.
Khi mà những tác nhân kích thích thời hậu khủng hoảng dần nguôi lại, thì các chính trị gia phải đối mặt với những khó khăn mà họ từng né tránh trong những năm tăng trưởng ổn định và vay nợ dễ dàng. Nhưng việc thuyết phục cử tri thích ứng với một kỷ nguyên mới đầy khắc khổ sẽ chẳng lôi kéo được mấy ai. Tăng trưởng chậm và ngân sách khan hiếm sẽ gây ra mâu thuẫn khi các nhóm lợi ích cạnh tranh giành lấy nguồn lực hạn chế.
Vấn đề càng tồi tệ hơn khi cuộc cạnh tranh này diễn ra lúc dân số phương Tây đang già hóa. Những người lớn tuổi luôn dễ được lắng nghe hơn là người trẻ, chiếm phần lớn số phiếu hơn và có thể tổ chức các nhóm gây áp lực như AARP của Mỹ. Họ ngày càng có thể giành lợi thế về phía mình. Nhiều nền dân chủ đang đối mặt với cuộc chiến giữa quá khứ và tương lai, giữa những quyền lợi kế thừa và những khoản đầu tư sắp tới.
Những người trẻ nước Anh giương biểu ngữ “các người đang lấy đi tương lai của chúng tôi” sau kết quả Brexit khi những người già chiếm phần đông dân số đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi châu Âu, 2016. Ảnh: London News Pictures LTD.
Mọi chuyện càng trở nên khó khăn hơn khi người ta ngày càng xa lánh chính trị. Lượng người tham gia vào các đảng phái đang suy giảm ở các nước phát triển: chỉ có 1% người Anh hiện nay là thành viên của các đảng chính trị so với 20% vào năm 1950. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cũng giảm: một nghiên cứu về 49 nền dân chủ cho thấy rằng lượng cử tri đi bầu đã giảm 10 phần trăm giữa hai giai đoạn 1980-84 và 2007-13. Một cuộc khảo sát bảy nước châu Âu vào năm 2012 cho thấy hơn một nửa số cử tri “không tin tưởng ở chính phủ” bất cứ điều gì. Một cuộc thăm dò ý kiến của cử tri Anh vào năm đó cũng cho thấy 62% số người được hỏi cho rằng “các chính khách luôn luôn dối trá”.
Trong năm 2010, đảng Best của Iceland đã giành được đủ số phiếu bầu để đồng điều hành trong hội đồng thành phố Reykjavik bằng cách hứa hẹn minh bạch hóa việc tham nhũng. Và vào năm 2013, một phần tư người Ý đã bỏ phiếu cho đảng của Beppe Grillo, một diễn viên hài. Hết thảy những mối hoài nghi chính trị này vẫn có thể trở nên lành mạnh nếu người dân bớt yêu sách chính phủ, nhưng rốt cuộc họ vẫn tiếp tục đòi hỏi. Kết quả là một tình trạng pha trộn giữa tính độc hại và sự bất ổn: một mặt người ta phụ thuộc vào chính phủ, mặt khác họ lại tỏ thái độ khinh bỉ nó. Sự phụ thuộc buộc chính phủ trở nên mở rộng quá mức và vận hành quá sức, trong khi thái độ khinh thị lại làm nó mất đi tính chính danh. Vì vậy, dân chủ giờ đây vừa bất ổn vừa hỗn loạn.
Những vấn đề của dân chủ ngay tại vùng trung tâm này đã làm sáng tỏ lý do thất bại của nó ở những nơi khác. Dân chủ đã có thể vận hành tốt trong thế kỷ 20 một phần nhờ sức mạnh dẫn dắt của Mỹ: các nước khác tự nhiên muốn bắt chước quyền lực của quốc gia mạnh hàng nhất thế giới. Nhưng khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng lên, Mỹ và châu Âu đã mất đi sức hấp dẫn hình mẫu của họ và cũng mất luôn niềm khao khát cổ xuý dân chủ.
Chính quyền Obama dường như bị tê liệt trong nỗi sợ hãi rằng dân chủ sẽ tạo ra các chế độ lừa đảo hoặc tạo ra những cuộc thánh chiến. Và làm sao mà các nước đang phát triển có thể coi dân chủ là hình mẫu chính phủ lý tưởng khi mà chính nước Mỹ còn không thể thông qua nổi ngân sách, rồi phó mặc mọi kế hoạch cho tương lai? Làm sao mà các nhà độc tài chịu nghe những lời dạy dỗ về dân chủ từ châu Âu, khi mà giới tinh hoa xứ này lại đi loại bỏ các nhà lãnh đạo được dân bầu để đạt được chính sách tài khóa?
Đồng thời, các nền dân chủ mới nổi cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Họ cũng đã quá chú tâm vào chi tiêu ngắn hạn hơn là đầu tư dài hạn. Brazil cho phép giới chức nhà nước nghỉ hưu ở tuổi 53 nhưng lại không chịu làm gì mấy để xây dựng một hệ thống sân bay hiện đại. Ấn Độ ưu đãi quá nhiều cho các nhóm khách hàng nhưng lại đầu tư quá ít vào cơ sở hạ tầng.
Các hệ thống chính trị đã bị các nhóm lợi ích thâu tóm và bị xói mòn bởi những thói quen phản dân chủ. Patrick French, một nhà sử học Anh, chỉ ra rằng mọi thành viên Hạ viện dưới 30 tuổi của Ấn Độ đều là người của các gia tộc chính trị. Ngay cả trong tầng lớp tinh hoa tư bản, thì tinh thần ủng hộ dân chủ cũng đang nhạt dần: các nhà kinh doanh Ấn Độ luôn phàn nàn rằng nền dân chủ hỗn loạn ở nước này đã tạo ra thứ cơ sở hạ tầng thối nát trong khi hệ thống độc tài của Trung Quốc lại đem tới đường xá rộng rãi, sân bay sáng sủa và những con tàu cao tốc.
Cơ sở hạ tầng của Ấn Độ ngày càng nghèo nàn trong khi dân số liên tục gia tăng. Ảnh: Stringer India/ Reuters.
Dân chủ đã thụt lùi một bước. Trong những năm 1920 và 1930, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít có vẻ cũng giống những gì sắp xảy tới: khi Tây Ban Nha tạm phục hồi chính phủ nghị viện vào năm 1931, thì Benito Mussolini mỉa mai rằng nước này đang quay lại xài đèn dầu trong thời đèn điện. Vào giữa những năm 1970, cựu thủ tướng Đức Willy Brandt tuyên bố rằng “Tây Âu chỉ còn chừng 20 hoặc 30 năm dưới chế độ dân chủ nữa thôi; sau đó nó sẽ trượt dốc không phanh xuống một biển những nền chuyên chế vây quanh”. Giờ đây mọi chuyện chưa tệ tới mức đó, nhưng Trung Quốc đang đặt ra một mối đe dọa đáng lo hơn nhiều so với những gì chủ nghĩa cộng sản từng làm với cái ý tưởng rằng dân chủ vốn đã vượt trội và tất thắng.
Tuy nhiên những tiến bộ vượt bậc của Trung Quốc lại che giấu những vấn đề hiểm hóc. Giới tinh hoa đang tự biến mình thành một bè lũ thủ cựu và ích kỷ. 50 thành viên giàu nhất của Quốc hội nước này đang nắm giữ lượng tài sản có giá trị 94,7 tỷ đô la – gấp 60 lần so với 50 thành viên giàu nhất của Quốc hội Mỹ. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm từ 10% xuống dưới 8% và dự kiến sẽ còn giảm nữa – một thách thức to lớn cho cái chế độ mà tính chính danh của nó phụ thuộc vào khả năng phát triển bền vững.
Đồng thời, như Alexis de Tocqueville đã chỉ ra vào thế kỷ 19, các nền dân chủ luôn thoạt trông yếu ớt hơn bản chất của chúng: nhìn bề ngoài thì hết thảy các nền dân chủ trông có vẻ hỗn loạn nhưng bên trong lại ẩn giấu những sức mạnh tiềm tàng. Nhờ sở hữu giới lãnh đạo thay phiên để cung cấp các chính sách đa dạng mà chế độ dân chủ trở nên tốt hơn so với chế độ chuyên chế trong việc tìm kiếm giải pháp sáng tạo và đối mặt với những thách thức sống còn, dù rằng chúng thường mất nhiều thời gian lần mò ra được các chính sách đúng đắn. Song để thành công, những nền dân chủ cả non trẻ lẫn lâu đời đều phải bảo đảm rằng chúng được xây dựng trên những nền móng vững chắc.
Tái lập dân chủ
Điểm đáng chú ý nhất ở những người sáng lập nền dân chủ hiện đại như James Madison và John Stuart Mill là tính thực tế của họ. Họ coi chế độ dân chủ là một cơ chế mạnh mẽ nhưng không hoàn hảo: cần phải được thiết kế cẩn thận, không chỉ nhằm khai thác sức sáng tạo mà còn phải kiểm soát được tính trái thói của con người, sau đó đưa tất cả vào trong trật tự, liên tục bôi trơn, điều chỉnh và tiến tới.
Tính thực tế là một điểm cần đặc biệt lưu tâm khi thiết lập một nền dân chủ mới. Một trong những lý do giải thích tại sao rất nhiều thử nghiệm dân chủ bị thất bại trong thời gian gần đây là bởi họ đã đặt quá nhiều tâm huyết vào các cuộc bầu cử song lại lơ là những đặc tính cơ bản khác của dân chủ. Cần phải kiểm soát sức mạnh của nhà nước, và phải đảm bảo các quyền cá nhân như tự do ngôn luận và tự do lập hội.
Các nền dân chủ non trẻ thành công nhất đã chú tâm tới đa dạng các vấn đề bởi họ tránh được sức cám dỗ của chủ nghĩa đa số – một khái niệm cho rằng hễ cứ chiến thắng trong cuộc bầu cử thì phe đa số muốn làm gì cũng được. Ấn Độ đã được định hình như một nền dân chủ kể từ năm 1947 (ngoại trừ hai năm trong tình trạng khẩn cấp), còn Brazil cũng dân chủ hóa từ giữa những năm 1980 nhờ những lý do tương tự: cả hai đều đặt ra giới hạn cho quyền lực chính phủ và đảm bảo được các quyền cá nhân.
Brazil tuy là quốc gia dân chủ nhưng vẫn chìm sâu trong tham nhũng. Trong ảnh là những người biểu tình đòi phế truất Tổng thống Dilma Rousseff vì bê bối tham nhũng chính trị, 2016. Ảnh” Andre Penner/AP.
Những thiết chế mạnh mẽ không chỉ thúc đẩy sự ổn định dài lâu, giảm thiểu cái khả năng những nhóm thiểu số bất mãn sẽ chống lại chế độ. Mà chúng còn có thể đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng – mối nguy tiềm tàng của các nước đang phát triển. Ngược lại, dấu hiệu đầu tiên cho thấy một nền dân chủ non trẻ đang lao đầu vào đá là khi giới cai trị được dân bầu lại đang cố gắng mài mòn những rào cản quyền lực của họ – thường là trên danh nghĩa của nguyên tắc đa số.
Morsi đã cố gắng đóng cửa nhà tù ở Ai Cập nhờ có sự ủng hộ của Phong trào Anh em Hồi giáo. Yanukovych cắt giảm quyền lực của Quốc hội Ukraine. Putin đã áp chế các tổ chức độc lập của Nga trên danh nghĩa vì nhân dân. Một số nhà lãnh đạo châu Phi cũng học theo cái chủ nghĩa đa số còn thô sơ – như là bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống hoặc gia tăng các hình phạt đối với hành vi đồng tính luyến ái, như những gì mà Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đã làm hồi đầu năm 2014.
Đáng ra các nhà lãnh đạo nước ngoài nên sẵn lòng lên tiếng khi giới cai trị có những hành vi bất chính như vậy, ngay cả khi giới này được đa số người dân ủng hộ. Nhưng những người cần đến bài học này nhất chính là những kiến trúc sư kiến tạo các nền dân chủ mới: họ phải thừa nhận rằng, để thiết lập nền dân chủ lành mạnh, thì một cơ chế kiểm soát và đối trọng nghiêm ngặt cũng quan trọng ngang ngửa với quyền bỏ phiếu.
Điều ngược đời là thậm chí các nhà độc tài cũng có thể học hỏi rất nhiều từ các sự kiện ở Ai Cập và Ukraine: Morsi sẽ không phải phí cả đời để chạy qua chạy lại giữa nhà tù và phòng kính tòa án Ai Cập và Yanukovych sẽ không phải trốn chạy để toàn mạng, nếu hai vị này đừng chọc giận người dân khi thâu tóm quá nhiều quyền lực.
Ngay cả những người may mắn sống trong những nền dân chủ trưởng thành cũng cần chú ý tới kiến trúc hệ thống chính trị của họ. Sự kết hợp của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng kỹ thuật số đã làm cho những thiết chế hấp dẫn nhất của dân chủ trở nên lạc hậu. Các nền dân chủ lâu đời cần phải hiện đại hóa hệ thống chính trị của họ để giải quyết những vấn đề mà họ phải đối mặt trong nước, và để khôi phục hình ảnh của dân chủ ở nước ngoài.
Vài quốc gia đã bắt tay vào quá trình này. Thượng viện Mỹ đã tìm cách làm cho các thượng nghị sĩ khó cản trở việc bổ nhiệm chức vụ hơn. Một số tiểu bang đã tổ chức các cuộc tranh cử sơ bộ công khai và nhường việc tái phân chia khu vực bầu cử cho các ủy ban biên giới độc lập.
Những thay đổi rõ ràng khác sẽ cải thiện tình hình. Việc cải cách tài chính của các đảng phái, khi công khai tên tất cả các nhà tài trợ, có thể làm giảm ảnh hưởng của các nhóm lợi ích. Nghị viện châu Âu có thể yêu cầu các nghị sĩ của mình giải trình các khoản thu chi. Trong khi đó, Nghị viện Ý hiện có quá nhiều thành viên được trả lương quá cao, và hai viện sở hữu quyền lực ngang nhau, nên khó có thể cải tổ được gì.
Cựu tổng thống Yanukovich của Ukraine đang phải trốn sang Nga để tránh án truy nã của Interpol. Ảnh: Sergei Karpukhin/Reuters.
Nhưng các nhà cải cách cần tham vọng hơn nữa. Cách tốt nhất để hạn chế quyền lực của các nhóm lợi ích đặc biệt là phải giảm thiểu những món hời mà nhà nước có thể ban phát. Và cách tốt nhất để giải quyết tâm trạng vỡ mộng của quần chúng đối với các chính trị gia là phải bớt hứa hẹn lại.
Nói tóm lại, chìa khóa của một nền dân chủ lành mạnh là một nhà nước hẹp hơn – ý tưởng vốn bắt nguồn từ cuộc cách mạng Mỹ. Madison cho rằng: “Trong việc xây dựng một chính quyền mà ở đó con người quản trị con người, khó khăn lớn nhất nằm ở chỗ: trước tiên ta phải làm sao để chính quyền có thể kiểm soát được giới cai trị, và bước tiếp theo là buộc chính quyền tự kiểm soát chính nó”.
Khái niệm về chính phủ hạn chế cũng là một phần không thể thiếu trong việc tái thiết nền dân chủ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Hiến chương Liên hiệp quốc (1945) và Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát (1948) đã thiết lập các quyền và chuẩn mực mà các quốc gia không thể vi phạm, bất chấp ý muốn của đa số người dân.
Những thiết chế kiểm soát và đối trọng này từng được thúc đẩy dưới nỗi sợ bạo quyền. Nhưng ngày nay, đặc biệt ở phương Tây, những mối nguy đối với nền dân chủ lại khó có tính thúc đẩy bằng.
Thứ nhất là do quy mô ngày càng lớn của nhà nước. Các chính phủ mở rộng không ngừng đang làm giảm thiểu tự do và trao quyền ngày càng nhiều cho các nhóm lợi ích. Thêm nữa, xuất phát từ thói quen hứa hẹn của chính phủ mà rồi lại không thể thực hiện được, hoặc từ việc tạo ra các khoản ưu đãi mà nó không thể chi trả, hoặc khi tiến hành những cuộc chiến mà vốn dĩ nó không có khả năng giành chiến thắng, chẳng hạn như cuộc chiến chống ma túy.
Cả cử tri và chính phủ cần phải hiểu được giá trị của việc đặt ra các hạn chế trước khuynh hướng chi tiêu quá đà của nhà nước. Ví dụ, nhờ kiểm soát chính sách tiền tệ đối với các ngân hàng trung ương độc lập mà người ta đã chế ngự được cuộc lạm phát lan tràn trong những năm 1980. Đã đến lúc áp dụng cùng một nguyên tắc về chính phủ giới hạn cho những phạm vi chính sách rộng hơn. Các nền dân chủ dù trưởng thành hay non trẻ đều cần phải có cơ chế kiểm soát và đối trọng thích hợp đối với quyền lực của chính phủ được bầu.
Chính phủ các nước có thể tự giới hạn bằng các cách khác nhau. Họ có thể tự trói mình bằng cách áp dụng các luật lệ tài chính chặt chẽ như Thụy Điển từng làm bằng cách cam kết sẽ cân đối ngân sách qua chu kỳ kinh tế. Họ có thể đặt ra “điều khoản hoàng hôn” mà theo đó các chính trị gia buộc phải đổi mới pháp luật mỗi mười năm. Họ cũng có thể đề nghị các ủy ban phi đảng phái phải đề ra những cải cách dài hạn. Thụy Điển từng giải cứu hệ thống lương hưu của họ khỏi tan tành khi một ủy ban độc lập đề xuất cải cách bằng việc sử dụng lương hưu khu vực tư nhân, và đặt ra mức tuổi nghỉ hưu dựa trên tuổi thọ. Chile cũng đã thành công khi vừa phải đối phó một thị trường đồng biến động, vừa chịu áp lực sử dụng thặng dư đúng lúc. Nó đã áp dụng những quy tắc nghiêm ngặt để đảm bảo việc sử dụng thặng dư qua chu kỳ kinh tế, và bổ nhiệm một ủy ban gồm các chuyên gia để xác định cách đối phó với biến động kinh tế.
Một trong những biện pháp cải tổ chính sách nghỉ hưu của Thụy Điển là tăng lương cho những ai chọn về hưu muộn. Ảnh: CBC.
Đây chẳng phải là một công thức làm suy yếu nền dân chủ bằng cách trao thêm quyền lực cho những kẻ mạnh lẫn kẻ thông thái ư? Không hẳn vậy. Những nguyên tắc tự giới hạn có thể củng cố dân chủ bằng hai cách, một là ngăn chặn người dân khỏi bỏ phiếu cho hành động chi tiêu chính sách gây phá sản và gãy vỡ xã hội, hai là bảo vệ thiểu số khỏi bị ngược đãi. Song chắc hẳn các chế độ kỹ trị có nguy cơ đi quá xa. Quyền lực phải được phân chia một cách dè xẻn, trong một vài phạm vi rộng như chính sách tiền tệ và cải cách đãi ngộ, và tiến trình này phải được công khai và minh bạch.
Và việc ủy quyền cho các chính trị gia và các nhà kỹ trị phải được cân bằng bởi việc trao quyền cho người dân, tức là để dân thường được quyết định một số vấn đề nào đó. Đây là mánh lới nhằm khai thác ưu thế kép của chủ nghĩa toàn cầu và chủ nghĩa cục bộ, chứ không phải để phớt lờ hay chống lại chúng. Từ sự cân bằng của hai cách tiếp cận này, các lực lượng đang hăm dọa nền dân chủ từ bên trên thông qua toàn cầu hóa, và từ bên dưới thông qua gia tăng quyền lực vi mô, sẽ quay sang củng cố dân chủ chứ không còn làm suy yếu nó nữa.
Tocqueville lập luận rằng dân chủ cục bộ thường là đại diện tốt nhất của dân chủ: “Những cuộc họp địa phương có ích cho tự do như thể những trường tiểu học có ích cho khoa học; chúng đem dân chủ vào trong tầm tay của người dân, chúng dạy cho con người cách sử dụng và tận hưởng dân chủ.”
Công nghệ hiện đại có thể tạo ra một phiên bản hiện đại của các cuộc họp địa phương mà Tocqueville đề cập tới, nhằm vận động người dân tham chính và thúc đẩy các sáng kiến. Rất có thể cái nền siêu dân chủ trực tuyến này, nơi thứ gì cũng bị đem ra bỏ phiếu công khai, sẽ làm lợi cho các nhóm lợi ích. Nhưng chế độ kỹ trị và nền dân chủ trực tiếp có thể kiểm soát lẫn nhau: chẳng hạn như ủy ban ngân sách độc lập có thể đánh giá chi phí và tính khả thi của các đề xuất từ địa phương.
Một vài nơi đang thử tiến hành kiểu thể chế hỗn hợp này. Ví dụ điển hình nhất là California. Hệ thống dân chủ trực tiếp của bang này cho phép công dân bỏ phiếu cho các chính sách mâu thuẫn, chẳng hạn như chi tiêu bang cao hơn nhưng lại đánh thuế thấp hơn, khi mà các cuộc tranh cử khép kín và việc dàn xếp ranh giới khu vực bầu cử ngày nay đã thể chế hóa chủ nghĩa cực đoan. Nhưng trong vòng năm năm qua, California đã đưa ra được một loạt cải cách, một phần nhờ vào những nỗ lực của Nicolas Berggruen, một nhà từ thiện và là nhà đầu tư. Bang này đã lập ra một ủy ban “Nghiên cứu Dài hạn” để trung hòa với cái khuynh hướng ngắn hạn của các đề xuất từ người dân. Nó đã để mở các cuộc tranh cử nội bộ công khai và trao quyền phân chia ranh giới khu vực bầu cử cho một ủy ban độc lập. Và nó cũng đã thành công trong việc cân đối ngân sách, một thành tựu mà lãnh đạo Darrell Steinberg của Thượng viện California gọi là “hết sức phi thường”.
Tương tự như vậy, chính phủ Phần Lan đã thành lập một ủy ban phi đảng phái để đưa ra những đề xuất cho hệ thống lương hưu trong tương lai. Đồng thời nó cũng đang cố gắng khai thác một nền dân chủ điện tử: Quốc hội có trách nhiệm xem xét những đề xuất nào của người dân đạt trên 50.000 chữ ký. Cần nhiều hơn nữa những thử nghiệm như vậy: kết hợp kỹ trị với dân chủ trực tiếp, ủy quyền từ dưới lên và từ trên xuống – khi mà nền dân chủ vẫn đang trên đường loạng choạng phục hồi.
John Adams, vị tổng thống thứ hai của Mỹ, từng tuyên bố rằng “dân chủ không bao giờ có thể vĩnh cửu. Nó sẽ sớm trở nên vô ích, bị kiệt quệ, và rồi tự sát hại chính nó. Không một nền dân chủ nào mà không tự sát”. Song rõ ràng ông đã sai. Dân chủ vẫn là kẻ chiến thắng vĩ đại trong cuộc xung đột tư tưởng của thế kỷ 20. Nhưng để tiếp tục duy trì thành tựu ấy trong thế kỷ 21, dân chủ vừa phải được cần mẫn nuôi dưỡng khi còn non trẻ, vừa cần được cưu mang một cách cẩn trọng khi nó đã trưởng thành.