Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trong đầu thế kỷ 20, một cuộc chiến trong lòng nước Mỹ – giữa hai phe cấm và cho phép chế biến, sản xuất, mua bán, sử dụng nước uống có cồn, bia rượu – đã làm rúng động cả quốc gia Hoa Kỳ. Theo một vài quan sát, thì nó cũng cam go và dữ dội và gây chia rẽ xã hội không hề thua kém cuộc Nội chiến Nam Bắc.
Đến cuối cùng, quyền được tự do sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rượu của người dân Mỹ đã chiến thắng. Tu chính án Thứ 21 được thông qua vào ngày 5/12/1933, xóa bỏ Tu chính án Thứ 18 – cấm tất cả mọi hoạt động liên quan đến rượu bia – ra đời 13 năm trước đó. Nhân kỷ niệm 84 năm ngày người Mỹ có lại quyền “nâng ly rượu mừng”, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về một trong những đạo luật gây tranh cãi nhất trong lịch sử lập pháp Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ là vùng đất yêu chuộng tự do và … các loại nước uống có cồn
Nước Mỹ từ những ngày đầu lập quốc đã là một quốc gia vô cùng yêu thích sử dụng rượu bia. Chuyện kể rằng, khi con tàu Arbella đưa những lớp người đầu tiên đến định cư ở bang Massachusetts vào năm 1630, thì nó đã mang theo hơn 10,000 gallons rượu, trong khi trên tàu chỉ có 700 người (1 gallon tương đương với 3.8 lít). Số lượng bia chứa trên tàu Arbella cũng nhiều gấp ba lần lượng nước ngọt.
Đến năm 1830, sức tiêu thụ rượu mạnh (liquor) tại Mỹ đã được xem là ở một “đỉnh cao chói lọi”, mà đến tận giờ vẫn chưa có kỷ lục mới nào vượt qua được. Theo một thống kê cho biết, vào thời điểm đó, 90% dân số Hoa Kỳ trên 15 tuổi đã tiêu thụ trung bình 90 chai rượu mạnh một người/một năm.
Tranh vẽ người Mỹ ngày đầu lập quốc và rượu. Ảnh: foreignaffairs.com.
Nước Mỹ đắm chìm trong rượu bia vào cuối thế kỷ 19. Tại các thành phố lớn, vào 11:00 sáng và 4:00 chiều mỗi ngày, các hãng xưởng cho phép công nhân được nghỉ giải lao để uống rượu. Những kẻ có tiền thì thường nhâm nhi ở những buổi dạ tiệc xa hoa tại các khách sạn, nhà hàng lớn.
Việc rượu bia được chế biến, kinh doanh và tiêu thụ một cách hầu như là không có giới hạn, đã khiến cho vô số các quán rượu kiểu “saloon” được mở xuyên suốt các tiểu bang Hoa Kỳ. Các hãng rượu hồ hởi tài trợ cho các quán rượu này chỉ để bán sản phẩm của họ nhằm nâng cao doanh thu. Còn ở nông thôn, những người nông dân cũng “sáng xỉn chiều say” với các loại rượu mạnh được họ tự cất từ lúa mạch và bắp ngô.
Chính phủ quyết định cấm toàn bộ việc chế biến, kinh doanh và sử dụng nước uống có cồn
Đứng trước tình hình phần lớn dân chúng cả nước luôn trong tình trạng say bét nhè, một phong trào đòi hỏi chính phủ phải cấm bia rượu bắt đầu được hình thành tại Mỹ.
Trong lịch sử của chính phủ liên bang Hoa Kỳ, khó có vấn đề nào có thể mang ra so sánh với quy trình lập pháp để ban hành luật cấm rượu bia toàn quốc vào những thập niên đầu của thế kỷ trước vì nó rất đặc biệt.
Người Mỹ ở Detroit cố gắng mua rượu trước khi luật cấm có hiệu lực. Ảnh: Smithsonian Magazine.
Sau khi được Quốc hội thông qua vào năm 1919, Tu chính án Thứ 18 của Hiến pháp Hoa Kỳ bắt đầu có hiệu lực tháng 1/1920.
Cùng với việc ban hành Đạo luật Volstead cuối tháng 10/1919, toàn bộ việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ và sử dụng nước uống có cồn đã bị cấm trên toàn nước Mỹ, trừ một số trường hợp đặc biệt, như dùng trong nghi thức tôn giáo hay cho mục đích y tế.
Thế nhưng, chỉ vỏn vẹn 13 năm sau đó, tu chính án này lại bị chính thức xóa bỏ bởi Tu chính án Thứ 21 vào ngày 5/12/1933.
Bắt đầu của câu chuyện này có lẽ là từ nỗi bất mãn của một số phụ nữ đối với các quán rượu dạng saloon ở khắp cả nước, nơi mà cánh đàn ông Mỹ vào đầu thế kỷ trước đã dành phần lớn thời gian của họ ở đó, chứ không phải là với gia đình.
Phụ nữ đã đòi quyền đi bầu song song với việc đòi cấm rượu bia
Mặc dù phụ nữ cũng có người uống rượu, nhưng số đó tập trung phần nhiều vào giới thượng lưu, và thường là họ ít khi say xỉn nơi công cộng. Thế nên, một số người đã quy kết việc tệ nạn xã hội gia tăng trên toàn quốc là bởi do cánh đàn ông đắm chìm trong men rượu ngày này qua ngày khác ở các quán saloon.
Do đó, vào khoảng thập niên 1870, một số nhóm phụ nữ chống lại việc uống rượu vô tội vạ đã bắt đầu thành lập tổ chức với quy mô lớn nhỏ khác nhau tại Mỹ. Tuy nhiên, yêu cầu cấm hoàn toàn rượu bia và nước có chất cồn vốn không phải là mục đích ban đầu của những người này. Họ chỉ muốn làm giảm bớt việc sử dụng rượu bia ở cánh đàn ông và đóng cửa các quán rượu kiểu saloon. Thế nên, tên gọi của phong trào là “Tiết chế” (Temperance Movement), và nó được xem là đã bắt đầu vào đêm Giáng Sinh năm 1870.
Đêm Giáng Sinh năm ấy, bà Eliza Thompson của thành phố Hillsboro, bang Ohio đã dẫn đầu một nhóm phụ nữ đến từng quán rượu saloon trong thành phố, và họ bắt đầu quỳ cầu nguyện trong trời tuyết lần lượt ở mỗi quán. Chỉ trong vòng vài ngày, có đến chín trong số 13 quán rượu của Hillsboro đã phải đóng cửa.
Những phụ nữ trong phong trào Temperance Movement cấm bia rượu. Ảnh: Đại học Ohio State.
Vụ việc này dẫn đến việc thành lập hội Woman’s Christian Temperance Union (WCTU) ngay sau đó. Bà Francis Willard đã dẫn dắt trở thành một đạo quân của 250.000 người phụ nữ trong cuộc chiến chống lại rượu bia. Một trong những thành công lớn nhất của WCTU là đã vận động được hàng nghìn trường học ở Hoa Kỳ khi ấy đồng ý đưa ra chương trình cấm rượu bia trong nhà trường.
Tuy nhiên, những người phụ nữ tham gia phong trào chống rượu bia ở Mỹ nhanh chóng nhận ra rằng, quyền lực chính trị của mình có giới hạn vì họ vốn không có quyền tham gia bầu cử.
Do đó, nhiều phụ nữ cảm thấy phải tổ chức phong trào đòi quyền đi bầu cho mình song song với việc chống rượu bia. Thế nên, chúng ta sẽ không còn cảm thấy khó hiểu về việc Tu chính án Thứ 19 – cho phép phụ nữ Mỹ được quyền bỏ phiếu – đã ra đời ngay sau khi Tu chính án cấm rượu bia được thông qua một năm trước đó, khi biết được hai phong trào này đã có một số hợp tác.
Sử dụng lý do đạo đức đã giúp cấm rượu thành công, nhưng cũng khiến nó thất bại 13 năm sau đó
Trong cuộc chiến gay gắt giữa hai phe cấm rượu và đòi được quyền sản xuất và tiêu thụ rượu, thì cả hai đều tập trung phần lớn vào vấn đề đạo đức. Phe cấm được gọi là “Dry” (“Khô”, ý là không uống rượu) và phe ủng hộ sử dụng rượu là Wet (” Ướt”, ý là cho uống thoải mái).
Cuộc chiến giữa hai phe Dry – Wet về luật cấm rượu ở Mỹ. Ảnh: hffi.org.
Lúc bắt đầu, phe Dry có vẻ đã chiến thắng khi Tu chính án thứ 18 được Quốc hội Mỹ thông qua và cấm việc sản xuất cũng như kinh doanh thức uống có cồn.
Một trong những lý do phe này thành công, là vì họ đã tập trung vào việc nêu cao tinh thần đạo đức của một người biết tiết chế các hành vi tùy nghi như uống rượu bia quá nhiều. Ngoài ra, họ cũng chỉ trích thêm rằng, việc uống rượu bia đã mang lại những hệ luỵ trong xã hội, gây ảnh hưởng đến đời sống gia đình, và đã làm cho tỷ lệ tội phạm gia tăng. Khi nước Mỹ phải đương đầu với cuộc Thế chiến thứ Nhất, cũng như được tiếp sức của một số phụ nữ trong phong trào đòi bầu cử, phe Dry đã chiến thắng hiệp đầu với Tu chính án Thứ 18.
Tuy nhiên, sau khi Đạo luật Volstead được ban hành thì Chiến tranh Thế giới cũng vừa kết thúc, và một thế hệ mới không chấp nhận việc cấm đoán rượu bia ở Mỹ cũng xuất hiện. Họ phản kháng bằng âm nhạc, tại những căn hầm tối ở mỗi thành phố, các quán rượu bí mật được mở ra cho cả nam lẫn nữ. Đó là nơi mà nhạc jazz là bạn đồng hành cùng những ai yêu các loại thức uống có cồn.
Biểu tình đòi xóa bỏ luật cấm bia rượu. Ảnh: Smithsonian Magazine.
Lý do khiến cho việc cấm rượu đi vào ngõ cụt nằm cũng nằm ở chính vấn đề đạo đức mà phe Dry đã đưa ra trước đấy. Đó là, tỷ lệ tội phạm ở Mỹ không hề giảm đi khi rượu bị cấm. Mà ngược lại, các băng đảng tội ác lại mọc lên như nấm sau mưa khi việc chế biến và kinh doanh rượu lậu hoành hành trên cả nước. Các tập đoàn mafia nổi tiếng của lịch sử Hoa Kỳ như Al Capone, Owney Madden, Meyer Lansky and Lucky Luciano đều xuất hiện ở thời kỳ này.
Cộng với cuộc Đại suy thoái xảy ra vào năm 1929, chính phủ Hoa Kỳ phải đối mặt với một cơn khủng hoảng tài chính chưa từng có trong lịch sử. Không thể bỏ qua một nguồn tiền thuế có thể đánh vào các cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu bia, các nhà lập pháp và các tiểu bang Mỹ đã đồng lòng xóa bỏ Tu chính án Thứ 18 bằng Tu chính án Thứ 21.
Cuối cùng, vào cuối năm 1933, phe Wet đã thành công khi làm được điều không tưởng: Xóa bỏ một tu chính án khỏi Hiến pháp. Đây là lần duy nhất trong lịch sử lập pháp Hoa Kỳ điều này đã xảy ra.
Ăn mừng Tu chính án Thứ 18 – cấm bia rượu bị xóa bỏ. Ảnh: vox.com.
Dấu ấn của thời kỳ cấm rượu bia lưu lại đến ngày nay qua luật về đánh thuế thu nhập (income tax) ở Mỹ
Nếu không có cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 thì chưa chắc chính phủ Hoa Kỳ sẽ vì ngân sách mà quyết định xóa bỏ một tu chính án, vì họ vốn có được một nguồn thu vững chắc từ người dân sau năm 1913.
Để mở đường cho việc thông qua luật cấm sản xuất và kinh doanh rượu bia, những người cổ xuý cho phong trào này đã tìm cách đảm bảo cho nguồn thu của chính phủ khi không còn mặt hàng này trên thị trường nữa.
Và đó là từ thuế thu nhập của mỗi người dân. Trước khi Tu chính án thứ 16 ra đời vào năm 1913, người dân Hoa Kỳ vốn không hề phải đóng thuế thu nhập.
Thuế thu nhập vốn chỉ được xem là một trong những đạo luật quan trọng cần phải được thông qua để mở đường cho việc cấm rượu bia ở Mỹ có thể từng bước tiến hành thuận lợi. Thế nhưng, điều oái oăm là trong khi rượu bia, cũng như quyền được sản xuất, kinh doanh, và tiêu thụ nó được hồi sinh bằng một tu chính án mới – hầu như là ngay lập tức sau lệnh cấm, thì việc đánh thuế thu nhập vẫn tiếp tục được tiến hành suốt thế kỷ 20 và kéo dài cho đến ngày nay.
Tài liệu tham khảo: