Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Các giá trị vốn được cho là của phương Tây, trên thực tế lại không phải là sản phẩm thừa kế của một nền văn hoá đơn lẻ nào.
Các giá trị tự do, khoan dung và truy vấn duy lý không phải là sản phẩm thừa kế của một nền văn hoá đơn lẻ. Thực tế thì, chính khái niệm về cái gọi là “văn hóa phương Tây” lại là một phát minh của thời hiện đại.
Edward Tylor (1832-1917), tác giả cuốn Văn hóa buổi ban sơ.
Như nhiều người Anh khác mắc căn bệnh lao hồi thế kỷ 19, Edward Burnett Tylor ra nước ngoài theo lời khuyên của bác sỹ, tới những vùng ấm áp nơi có khí trời khô ráo hơn. Tylor xuất thân từ một gia đình tín đồ Quaker kinh doanh khá giả, nhờ đó mà cậu có đủ tiền cho cả chuyến đi dài.
Năm 1855, khi mới 20 tuổi, Tylor đặt chân tới châu Mỹ. Sau khi kết bạn với nhà khảo cổ học cũng người Quaker mà cậu gặp trên đường đi, cậu tiếp tục hành trình cưỡi ngựa băng qua những vùng nông thôn Mexico, ghé thăm những tàn tích của Aztec hay những ngôi làng bụi bặm của người da đỏ. Tylor bị ấn tượng bởi những thứ mà cậu gọi là “minh chứng của những dân cư cổ đại bao la”. Dăm ba bữa sống ở vùng Mexico đã thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết trong cậu, để rồi từ đó dành cả quãng đời còn lại của mình mà bắt tay vào công việc nghiên cứu các xã hội xa xôi, từ cổ đại cho tới thời hiện đại. Năm 1871, Tylor cho ra đời cuốn sách Văn hoá buổi ban sơ (Primitive Culture), đây có thể coi là tác phẩm đầu tiên về nhân học hiện đại.
Ở một vài khía cạnh, Văn hoá buổi ban sơ đã tỏ ra xung khắc với một cuốn sách khác cũng mang tiêu đề “văn hoá”: Cuốn Văn hóa và hỗn loạn (Culture and Anarchy) của Matthew Arnold, một tuyển tập ra đời chỉ hai năm trước đó. Theo Arnold, văn hoá tức là “mưu cầu sự hoàn hảo của chúng ta bằng cách tìm hiểu những gì trác tuyệt nhất đang được tư duy hay luận bàn trên thế giới, về tất cả những vấn đề liên quan mật thiết nhất tới chúng ta”. Arnold không thấy hứng thú với bất cứ thứ gì bó hẹp như là những món tinh hoa của riêng một giai cấp: ông mang một lý tưởng đạo đức và thẩm mỹ, đặt nền móng biểu đạt cho nghệ thuật và văn học, âm nhạc và triết học.
Song Tylor lại cho rằng cái chữ “văn hóa” này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác, và phần nào nhờ vào những lý do bối cảnh mà ông nhìn nhận được điều này: Tylor được bổ nhiệm việc điều hành Bảo tàng Đại học ở Oxford, và tới năm 1896 ông lên làm trưởng ngành nhân học tại đây.
Matthew Arnord (1822-1888), tác giả cuốn Văn hóa và hỗn loạn. Ảnh chụp bởi Elliott Fry năm 1883.
Người mà chúng ta cần hàm ơn chính là Tylor chứ không phải bất kỳ ai khác về cái ý tưởng rằng nhân học là một ngành khoa học nghiên cứu về thứ gọi là “văn hóa”. Theo đó, ông định nghĩa văn hóa là một thứ “tổng thể phức hợp gồm tri thức, niềm tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục tập quán, và bất kỳ khả năng và thói quen khác nào mà con người có được trên tư cách là một thành viên của xã hội”. Nền văn minh, theo Arnold, thật ra chỉ là một trong nhiều phương thức văn hoá.
Ngày nay, khi nói về văn hoá, người ta thường nghĩ ngay tới ý niệm của Tylor hay Arnold. Ở một số khía cạnh thì hai ý niệm của hai vị này trái ngược nhau. Lý tưởng của Arnold là về “con người của văn hoá”, và ông sẽ coi cái việc ghép hai chữ “văn hoá” với “nguyên thủy” vào với nhau là một lắp ráp ngạo ngược (nguyên văn: oxymoron – phép nghịch hợp). Tylor lại thấy cái chuyện định đoạt rằng những người thời nguyên thủy là thiếu văn hóa là một điều ngớ ngẩn.
Tuy nhiên, giờ đây cả hai ý niệm tương phản này cùng gặp bế tắc trong cái khái niệm về “văn hoá phương Tây” của chúng ta, mà nhiều người nghĩ rằng nó là thứ định danh cho những người Tây phương hiện đại. Vậy nên bài viết này của tôi là một nỗ lực để tháo gỡ những lầm tưởng rối rắm của chúng ta về văn hóa của cái mà chúng ta đang gọi là phương Tây, theo cả Tylor lẫn Arnold.
Từng có người hỏi Mahatma Gandhi rằng ông nghĩ gì về nền văn minh phương Tây, ông đã đáp: “Tôi nghĩ nó có thể là một ý tưởng rất hay”. Giống như nhiều truyền thuyết hay ho nhất, than ôi, biết đâu câu chuyện này chỉ là một ngụy tác; song cũng như nhiều câu chuyện để đời khác, nó lưu truyền vì nó mang hương vị của sự thật. Nhưng nếu là tôi thì hẳn tôi sẽ đáp lời rất khác: Tôi nghĩ bạn nên từ bỏ cái ý tưởng về nền văn minh phương Tây. May mắn lắm thì nó chỉ là một thứ gây ra nhiều lầm lẫn, còn nghiêm trọng thì nó là một chướng ngại ngăn trở chúng ta đối mặt với những thách thức chính trị lớn lao của thời đại ngày nay.
Tuy có chút e dè khi bất đồng quan điểm với ngay cả huyền thoại Gandhi, song tôi tin rằng nền văn minh phương Tây thậm chí còn không phải là một ý tưởng tốt, và văn hóa phương Tây không có gì là tiến bộ. Một lý do khiến người ta nhầm lẫn về “văn hóa phương Tây” bắt nguồn từ những nhầm lẫn về phương Tây. Chúng ta đã xài tới cụm từ “phương Tây” cho đủ thứ mục đích.
Rudyard Kipling, nhà thơ của đế chế Anh xưa, đã viết “Ôi, đông là đông và tây là tây, và cả hai sẽ vĩnh viễn chẳng gặp nhau”, khi so giữa châu Âu và châu Á mà phớt lờ tất cả những vùng đất khác. Còn trong thời kỳ chiến tranh lạnh, “phương Tây” nằm một bên bức màn sắt; “phương Đông” nằm ở phía bên kia bức màn ấy và cả hai là kẻ thù của nhau. Cách dùng từ này cũng là một kiểu không thèm đếm xỉa tới phần lớn các quốc gia còn lại trên thế giới.
Thông thường, trong những năm gần đây, “phương Tây” có nghĩa là vùng bắc Đại Tây Dương: gồm châu Âu và những thuộc địa cũ của nó ở khu vực Bắc Mỹ. Phần còn lại là một thế giới phi phương Tây, với châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin – mà giờ đây được gọi là “miền nam địa cầu” – dù rằng nhiều người Mỹ Latin cũng tự tuyên bố rằng họ thừa hưởng từ phương Tây. Lối phân tách này tuy bao hàm toàn thế giới, song lại gom đủ các xã hội cực kỳ khác nhau vào trong một nhóm, trong khi tinh tế chừa ra những người Úc, người New Zealand và người Nam Phi da trắng, thế nên ta có thể coi cái từ “phương Tây” này như một uyển ngữ để chỉ nhóm người da trắng.
Một bản đồ trên Wikipedia tô xanh những quốc gia được gọi là phương Tây. Ảnh: Wikipedia.
Tất nhiên, ngày nay chúng ta cũng thường nói tới thế giới phương Tây để phân biệt nó với thế giới Hồi giáo. Và đôi khi các nhà tư tưởng Hồi giáo cũng phân biệt tương tự, giữa Dar al-Islam tức xứ sở Hồi giáo và Dar al-Kufr tức xứ sở của những ai không cùng đức tin. Tôi muốn khám phá sâu hơn về kiểu phân biệt tương phản này. Vì các cuộc tranh luận ở Âu Mỹ ngày nay, rằng liệu văn hoá phương Tây có phải vốn bắt rễ từ Cơ Đốc giáo hay không, đang dựa trên một phả hệ mà ở đó những nước Cơ Đốc giáo đã được thay thế bằng châu Âu và rồi bằng ý tưởng về phương Tây.
Cách định danh về mặt văn minh này bắt nguồn từ 1.300 năm trước đây. Nhưng để hiểu câu chuyện một cách trọn vẹn, chúng ta cần phải xem xét từ những năm tháng xa xưa hơn.
—
Nhà sử học Hy Lạp Herodotus của thế kỷ thứ Năm trước công nguyên đã viết rằng thế giới được chia thành ba phần. Về phía Đông là châu Á, phía Nam là một lục địa mà ông gọi là Libya, và phần còn lại là châu Âu.
Ông biết rằng con người, hàng hoá và cả tư tưởng đều có thể di chuyển dễ dàng giữa các lục địa: ông tự mình theo dọc theo sông Nile đi tới vùng Aswan, rồi tham quan cả hai bên bờ Hellespont, một ranh giới cũ xưa giữa châu Âu và châu Á. Herodotus thừa nhận rằng ông đã thấy lúng túng, rằng “tại sao chỉ một địa cầu mà lại có tới ba cái tên, lại đều là tên của nữ nhân”. Dẫu ông có lúng túng vậy, thì dù sao những lục địa này vẫn là cách phân chia địa lý ý nghĩa nhất đối với người Hy Lạp và những người La Mã về sau.
Phác lại bản đồ thế giới trong hình dung của Herodotus. Ảnh: Wikimedia.
Nhưng điểm then chốt ở đây là: Herodotus không nghĩ rằng ba cái tên này tương ứng với ba loại người: nguời châu Âu, người châu Á và người châu Phi.
Ông sinh ra ở Halicarnasus – tức thành phố cảng Bodrum ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Tuy thế, việc sinh ra ở Tiểu Á không biến ông thành người châu Á; mà ông coi mình là một người Hy Lạp. Còn những người Celts sống nơi miền viễn tây châu Âu lại xa lạ với ông ta hơn là người Ba Tư hay người Ai Cập, tức những sắc dân mà ông am hiểu khá nhiều. Herodotus chỉ dùng tới cụm từ “châu Âu” như một tính từ chứ chưa bao giờ là một danh từ. Trong cả thiên niên kỷ kể từ thời đại Herodotus, cũng chẳng ai nói về “người châu Âu” cả.
Thế rồi những vùng địa lý trong tâm thức Herodotus cũng đã biến đổi hoàn toàn khi Hồi giáo trỗi dậy, bùng lên ở Ả Rập hồi thế kỷ thứ Bảy, lan rộng với tốc độ đáng kinh ngạc về phía Bắc, phía Đông và phía Tây. Sau cái chết của nhà sáng lập Mohammed vào năm 632, người Ả Rập chỉ mất 30 năm để đánh bại đế chế Ba Tư vốn lan qua Trung Á tới cả Ấn Độ, chiếm được các tỉnh còn lại của La Mã trong vùng Byzantium.
Triều đại Umayyad ra đời năm 661 đã bành trướng về phía Tây sang vùng Bắc Phi và về phía Đông sang khu vực Trung Á. Vào đầu năm 711, một đội quân Umayyad đã băng qua eo biển Gibraltar tới Tây Ban Nha, mà người Ả Rập gọi là al-Andalus, tại đó nó đã tấn công những người Visigoths vốn đang cai trị phần lớn tỉnh Hispania của La Mã trong hai thế kỷ. Trong vòng bảy năm, hầu hết bán đảo Iberia miền Tây Nam châu Âu bị thâu tóm dưới trướng người Hồi giáo. Chỉ cho tới năm 1492 tức gần 800 năm sau thì toàn bộ xứ này mới lại thuộc về người Cơ Đốc.
Bản đồ phác thảo lãnh thổ của Đế chế Hồi giáo Umayyad. Ảnh: Wikipedia.
Những người Hồi giáo chinh phục Tây Ban Nha không hề chủ định dừng lại ở Pyrenees, thậm chí trong những năm đầu họ còn gắng bành trướng ra xa về phía Bắc. Nhưng vào năm 732 sau Công nguyên, cận vùng Tours, ông nội của Charlemagne là Charles Martel đã đánh bại quân al-Andalus, và trận đánh mang tính quyết định này đã đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực của người Ả Rập trong cuộc chinh phục những người Frank Âu châu.
Sử gia Edward Gibbon của thế kỷ 18 đã có chút cường điệu khi cho rằng, nếu người Ả Rập chiến thắng trận Tours thì có khi họ đã chiếm cả sông Thames. Ông nói thêm, “biết đâu giờ đây người ta còn đem việc diễn giải kinh Koran vào dạy trong các trường học ở Oxford, và các nhà thuyết giáo sẽ truyền dạy cho những người ngoan đạo về tính thiêng liêng và chân xác của thiên khải Mahomet”.
Bức tranh Bataille de Poitiers en octobre 732 của Charles de Steuben mô tả trận Tours lịch sử. Ảnh: Wikipedia.
Điểm cần lưu ý là, bắt nguồn từ lịch sử cuộc chiến này, lần đầu tiên người ta dùng tới cụm từ “người châu Âu” để chỉ một nhóm người, theo như tôi biết.
Trong một biên niên sử Latin viết năm 754 ở Tây Ban Nha, tác giả đề cập đến những người chiến thắng trong trận đánh Tours là “Europenses“, tức là người châu Âu. Vì vậy, cái ý tưởng về “người châu Âu” đã lần đầu được dùng tới để chỉ sự tương phản giữa người Cơ Đốc và người Hồi giáo. (Tuy nhiên ngay cả điều này cũng bị đơn giản hóa đi một chút. Vào giữa thế kỷ thứ Tám, phần lớn của châu Âu vẫn chưa hoàn toàn theo đạo Cơ Đốc.)
Buổi ấy, vẫn chưa ai ở vùng châu Âu trung cổ dùng tới cái từ “phương Tây” để phân biệt. Thứ nhất là do bờ biển Morocco, xứ sở của người Moor, hồi ấy trải dài về phía Tây của Ireland. Nữa là, cho tới gần thế kỷ 16 vẫn có những người Hồi giáo đang thống lĩnh vùng bán đảo Iberia – một phần của cái lục địa mà Herodotus gọi là châu Âu.
Mối tương phản tự nhiên không phải là giữa Hồi giáo và phương Tây, mà là giữa người Cơ Đốc và Dar al-Islam, cả hai bên đều coi nhau như những kẻ vô đạo bởi không cùng tôn giáo.
Tranh vẽ về cuộc chiến giữa các nước gọi là phương Tây với những nước Hồi giáo. Ảnh: BigThink
Bắt đầu từ cuối thế kỷ 14, những người lập nên đế chế Ottoman là Turks đã dần bành trướng sang nhiều vùng của châu Âu: Bulgaria, Hy Lạp, Balkans, và Hungary. Chỉ trong năm 1529, khi quân Suleiman Vĩ đại thất bại tại Vienna, cuộc tái thiết của Đông Âu đã bắt đầu. Đó là một quá trình chậm chạp. Mãi cho đến năm 1699, Ottoman cuối cùng cũng mất quyền chiếm hữu Hungary; Hy Lạp chỉ mới độc lập vào đầu thế kỷ 19, và Bulgaria giành độc lập còn trễ hơn nữa.
Như vậy, chúng ta đã có cái nhìn rõ ràng về châu Âu Cơ Đốc, vốn tự định hình chính nó qua các phe đối lập. Và quá trình chuyển đổi thuật ngữ từ “Cơ Đốc giáo” sang “văn hoá phương Tây” cũng không đơn giản.
Thứ nhất, nhiều tư tưởng của giai tầng tri thức Cơ Đốc giáo châu Âu vốn bén rễ từ các xã hội ngoại giáo ngày trước. Vào cuối thế kỷ 12, Chrétien de Troyes, sinh ra ở vùng cách Paris vài trăm cây số về phía Tây Nam, đã tán dương những cội rễ cũ xưa ấy rằng: “Hy Lạp từng là xứ tiếng tăm nhất về tính phong nhã và sự thông tuệ”, và “rồi cái phong nhã ấy cũng như mọi trí thông tuệ ấy lan đến La Mã, và cho tới nay đã truyền lại cho nước Pháp.”
Đền Parthenon, công trình nổi tiếng nhất còn sót lại của Hy Lạp cổ đại. Ảnh: Pinterest.
Cái ý tưởng cho rằng những điều tốt đẹp nhất của nền văn hoá Hy Lạp đã thông qua con đường La Mã mà truyền sang Tây Âu dần dần trở nên thịnh hành ở thời trung cổ. Trong thực tế, quá trình này được gọi bằng một cái tên, là “translatio studii“, tức sự chuyển truyền kiến thức. Và ý tưởng ấy bền bỉ một cách đáng kinh ngạc. Hơn sáu thế kỷ sau đó, Georg Wilhelm Friedrich Hegel, một triết gia vĩ đại người Đức, đã nói với các học sinh của ông ở trường trung học vùng Nuremberg rằng: “Nền tảng của chiều sâu tri thức phải là và vẫn là văn học Hy Lạp trước hết, sau đến La Mã.”
Từ những năm cuối của thời trung cổ cho tới ngày nay, người ta đã coi những gì tốt đẹp nhất của văn hoá Hy Lạp và La Mã là một di sản văn minh, được truyền lại như một quặng vàng quý báu, do người Hy Lạp đào lên khỏi lòng đất và rơi vào tay người La Mã khi đế chế này chinh phục Hy Lạp. Bị phân tách giữa Flemish, Florentine và Cộng hòa Venice trong thời Phục hưng, những mảnh vỡ của quặng vàng này đã tới tay các thành phố như Avignon, Paris, Amsterdam, Weimar, Edinburgh và London, và cuối cùng được hợp nhất lại với nhau như những mảnh vỡ của chiếc vạc cổ Hy Lạp Grecian – tại các viện hàn lâm của châu Âu và Mỹ.
—
Có đủ kiểu thêm mắm dặm muối vào trong truyền thuyết này. Song tất cả đều phải đối mặt với một trở ngại về mặt lịch sử, khi mà người ta muốn biến quặng vàng này thành cốt lõi của một nền văn minh chống lại Hồi giáo. Bởi vì rõ ràng nó đã kế thừa từ tri thức Hồi giáo.
Thời vương triều Abbasid ở Bagdad vào thế kỷ thứ Chín, trong thư viện, những tác phẩm của Plato, Aristotle, Pythagoras và Euclid đã được dịch sang tiếng Ả Rập. Trong những thế kỷ mà Petrarch gọi là Đêm trường Trung Cổ, khi người Cơ Đốc châu Âu không đóng góp mấy cho việc nghiên cứu triết học cổ điển Hy Lạp, trong khi nhiều tư liệu bị thất lạc, thì những tác phẩm này lại được chính các học giả Hồi giáo giữ gìn. Phần lớn tri thức hiện đại của chúng ta về triết học cổ điển Hy Lạp cổ đại mà chúng ta có được là nhờ các học giả châu Âu đã giành lại những tài liệu ấy từ tay người Ả Rập trong thời Phục hưng.
Trích một phần trung tâm từ bức tranh “The School of Athens” nổi tiếng của Raphael, trong đó hai người đứng giữa là Plato và Aristotle.
Như chúng ta đã thấy, trong tâm tưởng của những nhà chép sử Cơ Đốc giáo, trận đánh của Tours đã đẩy người châu Âu vào thế chống lại Hồi giáo; nhưng người Hồi giáo của vùng al-Andalus, với bản tính hiếu chiến, lại nghĩ rằng việc chiến đấu giành đất đai chẳng liên quan gì tới việc hai phe cùng chia sẻ đức tin. Đến cuối thiên niên kỷ thứ nhất, các thành phố của Caliphate Cordoba trở thành nơi chung sống của người Do Thái, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo, của người Berber, Visigoths, Slavs và vô số sắc dân khác.
Không có giáo sỹ Do Thái hay học giả Hồi giáo nào được công nhận tại cung điện của Hoàng đế Cơ Đốc Charlemagne; song tại các thành phố của al-Andalus lại có những giám mục và giáo đường Do Thái. Racemondo, giám mục Cơ Đốc giáo của Elvira, là đại sứ của Cordoba tại vương quốc Byzantine và đế chế La Mã. Hasdai ibn Shaprut, lãnh đạo cộng đồng Do Thái của Cordoba vào giữa thế kỷ thứ 10, không chỉ là một học giả ngành y nổi danh, mà còn là chủ tịch của hội đồng y khoa Caliph; và khi Constantine Đại Đế ở Byzantium gửi cho Caliph một bản sao De Materia Medica (một bản dược thư) của Dioscorides, ông đã theo đề xuất của Ibn Shaprut mà dịch nó sang tiếng Ả Rập, và Cordoba trở thành một trong những trung tâm tri thức y học lớn nhất châu Âu.
Hành trình dịch các tác phẩm sang tiếng Latin của Ibn Rushd – nhà thông thái sinh ra ở Cordoba hồi thế kỷ 12 – là nỗ lực đầu tiên mở đường cho công cuộc khám phá Aristotle ở châu Âu. Tên của ông trong tiếng Latin là Averroes, hay người ta còn gọi ông là “Người giảng giải”, vì ông viết những tác phẩm giảng giải về Aristotle. Vì vậy, những truyền thống kinh điển vốn được đem ra để phân biệt văn minh phương Tây với các đế chế Hồi giáo, hóa ra lại là điểm chung liên kết hai bên.
Tượng nhà thông thái Ibn Rushd được dựng ở Tây Ban Nha ngày nay. Ảnh: Alamy.
Nhưng cái câu chuyện về quặng vàng này lại bị mắc vào cái thế đầy rẫy khó khăn vây quanh. Nó tưởng tượng văn hoá phương Tây là biểu hiện của một bản chất – một cái gì đó – được truyền từ tay kẻ này sang tay kẻ khác trong cuộc hành trình lịch sử của nó. Những cạm bẫy của loại chủ nghĩa duy vật này đã quá rõ ràng. Cho dù bạn đang thảo luận về tôn giáo, quốc tịch, chủng tộc hay văn hoá, người ta lại giả định rằng một bản sắc có thể tồn tại qua thời gian và không gian thì chắn hẳn phải được thúc đẩy bởi một bản chất chung mạnh mẽ nào đó. Nhưng nhận định ấy quả là sai lầm.
Nước Anh từng thế nào vào thời của Chaucer, ông tổ văn học Anh, người đã chết cách đây hơn 600 năm? Hãy nghĩ tới bất cứ thứ gì mà bạn cho là đặc biệt của thời đó, dù là kết hợp những phong tục, tư tưởng, hay những vật chất đã khiến mảnh đất Anh quốc ngày ấy có được một kiểu người Anh đặc thù. Bất kể bạn có chọn ra thứ gì nổi bật để định hình người Anh ngày nay, thì cũng chẳng có gì giống với những đặc tính ngày xưa. Thay vào đó, khi thời gian trôi đi, mỗi thế hệ lại thừa hưởng danh tiếng của thế hệ cũ; và, trong mỗi thế hệ, danh tiếng ấy lại đi kèm với một di sản. Nhưng khi các di sản bị mất đi hoặc chuyển tay kẻ khác, thì danh tiếng vẫn tiếp tục được duy trì. Và như vậy, khi một nhóm người trong một thế hệ di chuyển ra khỏi cái lãnh thổ nơi bản sắc người Anh đã từng tồn tại – ví dụ như di cư tới một nước Anh mới – thì thậm chí cái mác người Anh cũng có thể di chuyển ra ngoài lãnh thổ.
Tóm lại, bản sắc có thể được gắn kết với nhau bằng những câu chuyện mà không bao hàm bản chất. Bạn không phải là “người Anh” nhờ một bản chất gắn liền với cái mác; mà bạn là người Anh bởi các quy tắc định hình rằng bạn có quyền nhận cái mác “người Anh” khi mà bạn có một mối liên hệ nào đó với cái nơi gọi là Anh quốc.
Vậy làm thế nào để những người ở Bắc Đại Tây Dương, và một số họ hàng của họ trên khắp thế giới, kết nối với một lĩnh vực mà chúng ta gọi là phương Tây, và có được bản sắc như những người tham gia vào cái gọi là văn hoá phương Tây?
Tôi sẽ làm rõ rằng thuật ngữ “văn hoá phương Tây” thực ra là một từ hết sức mới mẻ – chắc chắn là nó còn xuất hiện sau đĩa hát.
Tylor chưa bao giờ nói về nó. Và thực sự ông không có lý do gì để nói về nó cả, vì ông đã nhận thức sâu sắc về sự đa dạng văn hoá bên trong đất nước mình. Năm 1871, ông đưa ra một bằng chứng về phù thủy ở vùng nông thôn Somerset. Một cơn gió tạt qua quán rượu đã thổi tốc mấy củ hành nướng đang bị ghim bằng đinh bay ra khỏi ống khói. Tylor viết, “Trên một củ hành có ghi tên một vị quan tòa là anh em của tôi, người này là kẻ mà tên phù thủy – tức cũng là lão chủ quán rượu – cực kỳ căm thù… và có lẽ lão ta muốn tống khứ người anh em của tôi bằng cách ghim lại và rang lên như một củ hành”. Quả là văn hoá nguyên thủy.
Vậy nên ý tưởng về cái chữ “phương Tây”, dùng để định danh một di sản và đối tượng nghiên cứu, thực ra chưa hề xuất hiện cho đến những năm 1890, trong thời kỳ nóng bỏng của chủ nghĩa đế quốc, và chỉ được lưu hành rộng rãi hơn trong thế kỷ 20.
Vào khoảng thời gian Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, khi Oswald Spengler viết cuốn sách Sự suy tàn của phương Tây (The Decline of the West) – cuốn sách đầy ảnh hưởng đã giới thiệu cho nhiều độc giả về chính khái niệm suy tàn này – ông chế giễu cái ý kiến cho rằng có sự liên tục nối tiếp giữa nền văn hoá phương Tây và thế giới cổ điển.
Trong chuyến viếng thăm Balkans vào cuối những năm 1930, nhà văn và cũng là nhà báo Rebecca West đã thuật lại cảm giác của mình trong vai khách du lịch rằng “có một điều khiến người ta lo lắng gần đây, ấy là suýt chút nữa thì cơn bão đã có thể đập tan toàn bộ nền văn hoá phương Tây của chúng ta”. Và “cơn bão gần đây” ấy chính là cuộc bao vây của Thổ Nhĩ Kỳ quanh thành Vienna vào năm 1683.
Trận đánh thành Vienna năm 1683 với chiến thắng thuộc về Liên minh thần thánh, song nếu như bị thua thì có lẽ Đế quốc Ottoman đã đe dọa toàn cõi Trung Âu. Ảnh: Wikipedia/Chưa rõ nguồn tranh.
Nếu khái niệm về giới tín đồ Cơ Đốc giáo chỉ là một sản phẩm tác tạo được hình thành từ cuộc chiến tranh quân sự dai dẳng chống lại các lực lượng Hồi giáo, thì khái niệm hiện đại của chúng ta về văn hoá phương Tây cũng được định hình phần lớn từ thời Chiến tranh Lạnh.
Trong suốt “trận chiến” đó, chúng ta đã viết nên một tự thuật vĩ đại về nền dân chủ Athena, Đại hiến chương Magna Carta, cuộc cách mạng Copernic, và nhiều câu chuyện khác. Từ Plato cho tới Nato. Cốt lõi của văn hoá phương Tây là cá nhân, dân chủ, tinh thần khai phóng, khoan dung và tiến bộ, duy lý và khoa học, mà không hề bận tâm rằng châu Âu thời tiền hiện đại có những thứ đó hay không. Và mãi cho tới thế kỷ trước thì chế độ dân chủ vẫn còn là ngoại lệ ở châu Âu – điều mà ngay cả những người cổ vũ tư tưởng phương Tây mạnh mẽ cũng chẳng biết nói gì.
Ý tưởng cho rằng khoan dung là thành tố tạo nên cái gọi là văn hoá phương Tây sẽ làm Edward Burnett Tylor ngạc nhiên, khi mà với vị thế là một tín đồ Quaker, Tylor đã bị cấm nhập học ở các trường đại học lớn của nước Anh. Nói toạc ra thì: nếu nền văn hoá phương Tây là có thật, chúng ta đâu cần phải dành quá nhiều thời gian như thế này để nói về nó.
Dĩ nhiên, một khi văn hoá phương Tây có thể là một thuật ngữ được tán dương, thì chính nó cũng buộc phải trở thành một thuật ngữ bị chỉ trích. Các nhà phê bình về văn hoá phương Tây khắc họa lại cái bức tranh u tối của thời nô lệ, xâm lược, phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa quân phiệt, và diệt chủng, thực ra họ cũng đi theo chủ nghĩa duy vật, bởi thứ họ nhìn thấy không phải là một quặng vàng mà là quặng Asen độc hại.
Tranh vẽ cảnh bãi bỏ chế độ nô lệ ở các thuộc địa của Pháp năm 1849. Tranh: François Auguste Biard.
Những luận bàn về “văn hoá phương Tây” đang phải đối mặt với những điểm đáng hoài nghi. Nó đặt tất cả các thành tựu tri thức và nghệ thuật cao quý vào trung tâm bản sắc của nó – từ triết học, văn học, hội họa, cho tới âm nhạc; những điều mà Arnold ca ngợi còn các nhà nhân học vẫn đang nghiên cứu. Nhưng nếu nền văn hoá phương Tây đã hiện diện ở Troyes vào cuối thế kỷ 12 khi Chrétien còn sống, thì hẳn là nó chẳng liên quan gì đến cuộc sống của hầu hết người dân xứ ông, những người không biết tiếng Latin hoặc tiếng Hy Lạp, và chưa bao giờ nghe tới tên Plato. Ngày nay di sản cổ điển cũng không đóng một vai trò gì lớn hơn trong cuộc sống hàng ngày của hầu hết người Mỹ hoặc người Anh.
Những thành tựu kiểu Arnold này có gắn kết chúng ta lại với nhau chăng? Tất nhiên là không. Thứ giữ chúng ta lại với nhau chắc hẳn phải là cái ý niệm văn hoá của Tylor: phong tục của chúng ta trong ăn mặc và chào hỏi, thói quen hành vi định hình mối quan hệ giữa nam và nữ, cha mẹ và con cái, cảnh sát và thường dân, người buôn bán và khách hàng. Những người nghiên cứu tri thức kiểu như tôi có khuynh hướng cho rằng những điều chúng tôi quan tâm mới là quan trọng nhất. Tôi không nói là chúng không quan trọng. Song ý nghĩa của chúng cũng chẳng hơn gì câu chuyện của cái quặng vàng kia.
Vậy thì, làm thế nào chúng ta có thể bắc cầu qua cái vực thẳm này? Làm sao chúng ta có thể tự nhủ rằng chúng ta là những người thừa kế hợp pháp của Plato, Aquinas, và Kant, khi mà chất liệu tồn tại của chúng ta lại là Beyoncé và Burger King?
Vâng, bằng cách dung hợp quan điểm kiểu Tylor và kiểu Arnold, một địa hạt của đời sống thường nhật và một địa hạt của lý tưởng. Và mấu chốt của việc này là thứ mà Tylor đã nêu ra. Hãy nhớ lại định nghĩa nổi tiếng của ông: văn hóa là một “tổng thể phức hợp”. Ta có thể gọi đây là thuyết hữu cơ. Tầm nhìn về văn hoá không phải là một tập hợp lỏng lẻo gồm những mảnh vỡ rời rạc khác nhau mà là một khối thống nhất hữu cơ, trong đó mỗi bộ phận cũng giống như các cơ quan trong cơ thể, chúng được sắp đặt cẩn thận để giữ một vị trí riêng, và mỗi bộ phận này đều cần thiết để cả khối thống nhất có thể vận hành.
Cuộc thi ca hát Eurovision, nghệ thuật cut-out của Matisse, hay những cuộc đối thoại của Plato, tất cả đều là những thành tố tạo nên một toàn thể lớn hơn. Như vậy, có thể nói rằng mỗi một thành tố ấy là một phần trong kho tàng văn hoá của bạn, ngay cả khi bạn chưa bao giờ tự mình trải nghiệm chúng. Và dù thế nào thì chúng vẫn là di sản và thuộc sở hữu của bạn. Theo cách đó, thuyết hữu cơ đã giải thích cách mà cái bản thân tầm thường chúng ta lại có thể được dát vàng.
Nghệ thuật cutouts của Henri Matisse. Ảnh: Leon Neal/Getty Images.
Giờ đây, đời sống văn hoá của chúng ta gồm những tổng thể hữu cơ: âm nhạc, ngôn ngữ, sân khấu, vũ đạo của vở opera, tất cả chúng ăn khớp với nhau. Wagner gọi đây là một Gesamtkunstwerk, tức một tác phẩm nghệ thuật toàn thể. Song khi chúng ta hợp nhất những thứ này lại với nhau thì cũng chẳng tạo nên một tổng thể vĩ đại nào mang tên “văn hóa” cả.
Tây Ban Nha, trung tâm của “phương Tây”, đã chống lại nền dân chủ tự do suốt hai thế hệ sau khi rút quân khỏi Ấn Độ và Nhật Bản, xứ sở của chế độ chuyên quyền phương Đông. Di sản văn hoá của Jefferson – khai phóng của Athen, tự do của Anglo-Saxon – cũng không ngăn Mỹ khỏi tạo ra một nước cộng hòa nô lệ.
Trong khi đó, Franz Kafka và Miles Davis lại có thể sống cùng nhau một cách dễ dàng – có khi lại còn dễ dàng hơn mối quan hệ giữa Kafka và anh bạn đồng hương Johann Strauss người Áo-Hung.
Giờ đây, chúng ta có thể thấy người ta nhảy hip-hop trên đường phố Tokyo. Cả trong ẩm thực cũng vậy: Người Anh thay vì ăn cá và khoai tây chiên thì về sau lại khoái ăn gà Ấn Độ tikka masala, còn giờ đây có khi họ lại chuyển qua ăn món gà cay kiểu Bồ Đào Nha của nhà hàng Nando nổi tiếng xứ Nam Phi.
Nhảy hip hop trên đường phố Tokyo. Ảnh: Tokyo Fashion News.
Một khi chúng ta từ bỏ thuyết hữu cơ, chúng ta có thể đưa ra được một bức tranh có tính toàn cầu hơn, tại đó mọi thành tố của văn hoá, từ triết học hoặc ẩm thực đến kiểu đi dáng đứng, về cơ bản thì đều riêng biệt với những thành tố khác: bạn hoàn toàn có thể đi đứng và nói chuyện như một người Mỹ gốc Phi và tư duy như Matthew Arnold và Immanuel Kant, hay là như Martin Luther King và Miles Davis. Không có cái đặc tính Hồi giáo nào lại ngăn cản những cư dân Dar al-Islam khỏi việc tiếp nhận bất cứ thứ gì từ nền văn minh phương Tây, dù là Cơ Đốc giáo hay là dân chủ. Cũng không có đặc tính Tây phương nào có thể ngăn người New York theo đạo Hồi giáo dù họ đến từ dòng dõi nào.
Tất nhiên là những câu chuyện mà chúng ta thuật về mối liên kết giữa Plato hay Aristotle, Cicero hay Saint Augustine, với nền văn hoá đương đại ở thế giới Bắc Đại Tây Dương, cũng hàm chứa ít nhiều sự thật. Chúng ta có những truyền thống tự phản tư trên con đường học vấn và trong lập luận. Song sẽ là ảo tưởng nếu chúng ta cho rằng chỉ cần tiếp cận những giá trị này là đủ, như thể chúng là một danh mục gồm những bài hát trên Spotify mà chúng ta gần như chẳng bao giờ nghe tới. Nếu các nhà tư tưởng này là một phần của nền văn hoá theo khuynh hướng Arnold của chúng ta, thì khó mà dám chắc được rằng những điểm tài ba nhất của họ ngày nay cũng lại được đánh giá cao bởi những thế hệ sau, chẳng khác gì tầm ảnh hưởng của Aristotle đối với tư tưởng Hồi giáo hàng trăm năm xưa kia cũng đâu đảm bảo cho ông ta được coi trọng trong nền văn hoá Hồi giáo hiện đại.
Các giá trị không phải là thứ mới sinh ra đã có: chúng ta cần phải nuôi dưỡng chúng. Sống ở phương Tây, hay dù có ở đâu, mà xem mình là người phương Tây, thì cũng không chắc được là bạn có quan tâm tới nền văn minh phương Tây. Những giá trị mà các nhà nhân học châu Âu muốn cổ xúy rằng thuộc về một người châu Âu, thực ra vẫn có thể dễ dàng thuộc về một người châu Phi hay một người châu Á, nếu những người đó nhiệt thành tìm hiểu. Theo logic đó, dĩ nhiên là các giá trị này sẽ không thuộc về những người châu Âu không hiểu biết gì về chúng và không thể hấp thụ chúng.
Câu chuyện về quặng vàng cho chúng ta thấy rằng người phương Tây không thể tránh quan tâm đến truyền thống của “phương Tây” bởi vì chúng thuộc về họ: song trên thực tế, điều ngược lại mới đúng. Các giá trị chỉ thuộc về con người nếu con người quan tâm đến chúng. Một nền văn hoá tự do, khoan dung, và truy vấn duy lý: đó có thể là một ý tưởng rất hay. Nhưng những giá trị này là lựa chọn, chứ không phải một con đường được sắp đặt sẵn nhờ cái số phận sinh ra ở phương Tây.
Khi Edward Burnett Tylor chết đi, thì chính cái mà chúng ta gọi là nền văn minh phương Tây cũng vấp vào một cuộc chiến chết chóc của chính nó: phe Đồng minh và phe Liên minh giết chóc nhau, đẩy những người trẻ tới chỗ chết nhằm “bảo vệ nền văn minh”. Những cánh đồng ngập máu và những đường hào khí độc đã gây sốc cho niềm hy vọng của những người cấp tiến theo phái Tylor, và khẳng định mối lo sợ tồi tệ nhất của Arnold về ý nghĩa thực thụ của nền văn minh. Ít ra thì Arnold và Tylor đã đồng ý với nhau ở một điểm: văn hoá không phải là một ô trống để đánh dấu vào đó trong cái bảng câu hỏi của nhân loại; mà nó là một quá trình mà chúng ta tham gia vào và chung sống với những người khác.
Những cuộc thế chiến nhân danh nền văn minh đã đẩy người trẻ ra chiến trường. Ảnh: Thế chiến I, History.com
Văn hoá – giống như tôn giáo, quốc gia và chủng tộc – cung cấp một cơ sở để định danh cho con người hiện đại. Và, giống như cả ba thứ kia, nó có thể trở thành một hình thức cầm tù, khi những sai lầm về mặt nhận thức lại bảo vệ cho những sai lầm về mặt đạo đức. Tuy nhiên, tất cả chúng cũng có thể vẽ ra những đường nét tự do.
Nhờ bản sắc xã hội, những không gian nhỏ nơi chúng ta sinh sống cuộc sống cùng bè bạn, lại có thể nối kết với những chuyển dịch, những động cơ, và những mối quan tâm lớn hơn.
Chúng có thể khiến cho cái thế giới rộng lớn trở nên dễ nắm bắt, sống động, và cấp bách.
Chúng cũng có thể nới rộng chân trời của chúng ta tới những cộng đồng rộng lớn hơn ở ngoài kia.
Nhưng cuộc sống của chúng ta cũng phải đạt tới ý nghĩa cao nhất ở mọi thang đo. Chúng ta sống trong một kỷ nguyên mà những hành động của chúng ta, trong phạm vi tư tưởng cũng như trong lĩnh vực công nghệ, ngày càng có ảnh hưởng toàn cầu. Khi chúng nằm trong tầm quan tâm và lòng trắc ẩn của chúng ta, thì tổng thể nhân loại hóa ra lại không quá rộng như ta tưởng.
Chúng ta đang chung sống với bảy tỷ người trên một hành tinh nhỏ đang nóng dần lên. Sự thôi thúc về một chủ nghĩa thế giới nhằm vẽ nên đặc tính chung của nhân loại, giờ đây không còn là một điều xa xỉ nữa; nó đã trở thành một điều cần thiết.
Và để tóm gọn niềm tin đó, tôi có thể viện dẫn một đại diện tiêu biểu hay được nhắc tới trong các lớp học về văn minh phương Tây, bởi vì tôi không nghĩ tự mình có thể cải tiến câu nói của nhà văn Terence: vốn là một người nô lệ từ châu Phi La Mã, một thông dịch viên Latin cho các bộ phim hài Hy Lạp, một tác gia viết về châu Âu cổ đại song lại tự gọi mình là “Terence the African” (Terence xứ Phi). Ông đã từng viết: “Homo sum, humani nihil a me alienum puto” – “Tôi là con người, tôi nghĩ không có gì của con người mà xa lạ với tôi”.
Đó mới là thứ bản sắc đáng được giữ gìn.
—
Bài viết này là bản chỉnh sửa từ bài giảng của tác giả Kwame Anthony Appiah trên đài BBC về văn hóa, trong phần thứ tư của chuỗi bài Những bản sắc lầm lẫn (Mistaken Identities).