Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Chuyện 10.000 chiến binh mạng bỗng nhiên “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017 hôm 25/12 vừa rồi đã trở thành câu chuyện gây chú ý nhất trên các trang mạng xã hội Việt Nam mấy ngày qua.
Hóa ra là, quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh “Trung với nước, Hiếu với dân”, đang dùng tiền thuế dân đóng để nuôi 10.000 người trong một lực lượng có tên là “Lực lượng 47”, vốn có nhiệm vụ “đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng”.
Cõi mạng Việt Nam, người thì khen Quân đội Việt Nam hiện đại tân thời, người thì chê sao quân đội không đi đánh giặc lại đi quản dân trên mạng xã hội. Có kẻ lại cười đùa, bảo bản thân đã viết bài “bênh chế độ” bao nhiêu năm nay không ăn đồng lương nhà nước nào, bây giờ mới biết hóa ra có thể tham gia lực lượng 10.000 này để cống hiến cho Tổ quốc.
Nhìn chung, “bật mí” tại hội nghị hôm 25/12 dường như khiến toàn cõi mạng bất ngờ và bối rối, lẽ đơn giản là vì không có nhiều thông tin được công khai tại Việt Nam về “Lực lượng 47” này.
Báo chí nước ngoài nhân dịp này cũng đăng bài chỉ trích việc chính phủ Việt Nam đã chuyên chế, thích đàn áp tự do bằng các lực lượng an ninh cảnh sát rồi, nay lại còn vời đến cả quân đội quốc gia.
Tờ Financial Times có trụ sở ở Anh còn nhân cơ hội lôi cả chuyện Việt Nam đàn áp bất đồng chính kiến, kiểm soát truyền thông và Internet ra mà kể.
Nhiều người trong số 10.000 người của “Lực lượng 47” có thể nhanh chóng chỉ ra rằng giới báo chí Anh “đạo đức giả” như thế nào.
Vì thực tế là, Quân đội Anh cũng có lực lượng chuyên về “chiến tranh mạng” và “giám sát mạng xã hội”: Lữ đoàn 77.
Website chính thức của Lữ đoàn 77 – Quân đội Anh. Ảnh: Chụp màn hình từ British Army Website.
Thấy chuyện “Lực lượng 47” nóng lên trong nước là ngay lập tức một trang tin Facebook chuyên làm truyền thông “chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng” của Việt Nam đã đưa tin về Lữ đoàn 77 này.
Trang tin này lại còn giải thích thêm rất tường tận “[n]hiệm vụ của họ là giám sát các mạng xã hội như Facebook, Twitter và các trang tin tức để viết bài định hướng dư luận”.
Biết thêm thông tin này, vài phó thường dân cõi mạng Việt Nam mấy ngày nay chỉ trích “Lực lượng 47” có thể phải tự nghi ngờ bản thân: hay mình “chửi” sớm quá ta? Chuyện quân đội quốc gia đi quản mạng xã hội trong nước thế giới người ta cũng làm mà?
Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn vào Lữ đoàn 77 của Quân đội Anh, họ có thể sẽ thấy rằng mọi thứ không đơn giản như họ tưởng.
Lữ đoàn 77 của Anh: công khai, minh bạch, “chiến đấu” với nước ngoài
Qua Google, người dùng mạng Việt Nam biết tiếng Anh có thể tìm được thêm khá nhiều thông tin về Lữ đoàn 77 của Anh.
Họ là lực lượng mới được thành lập năm 2015, có tổng hành dinh tại doanh trại Denison ở Berkshire, và có cả trang Facebook riêng.
Họ được chia làm 5 “đội” (group) khác nhau, mỗi “đội” có chức năng nhiệm vụ riêng được ghi chi tiết trên trang web của Quân đội Anh.
Trong đó “đội” Hoạt động Thông tin (Information Activity) có hai “nhóm” (team) nghe chức năng khá “hãi”:
“Nhóm” Hoạt động Kỹ thuật số (Digital Operations) chuyên thu thập thông tin và “tìm hiểu tình cảm/cảm xúc trên không giản ảo”; và nhóm Nội dung (Content), chuyên thiết kế, tạo lập video hình ảnh, âm thanh, sản phẩm in và sản phẩm kỹ thuật số nhằm ảnh hưởng đến hành vi của một đội quân và khán thính giả ngoài lực lượng quân sự”.
Nghe đúng là hao hao các … “dư luận viên” xứ mình rồi nhỉ?
Nhưng vấn đề quan trọng không hẳn là họ làm những gì, mà làm ở đâu, và với ai?
Chuyện Lữ đoàn 77 được thành lập không hề là một bí mật được “bật mí” trong một hội nghị về… tuyên giáo.
Khi Lữ đoàn này được thành lập năm 2015, báo chí và công chúng Anh đều được Quân đội Anh thông tin đầy đủ, như các tin bài trên BBC, The Guardian, và The Independent cho thấy.
Chuyện thành lập Lữ đoàn 77 còn được bàn thảo, bình luận công khai trên các blog và trang web trong nước về quốc phòng của Anh. Các trang blog và web đó chưa bao giờ bị chặn ở Anh.
Truyền thông Anh đưa tin, bình luận về Lữ đoàn 77 tại thời điểm thành lập năm 2015 và sau đó. Ảnh: Chụp màn hình các trang BBC và UK Defence Journal.
Quan trọng hơn là thái độ công khai minh bạch của chính Quân đội Anh.
Qua Thông cáo báo chí và cả trên trang web của mình, Quân đội Anh xác định chức năng nhiệm vụ của Lữ đoàn 77 “được xây dựng dựa trên Báo cáo Chiến lược về việc Tham gia Phòng vệ Quốc tế, và Báo cáo Chiến lược về Tạo dựng Ổn định ở Nước ngoài”.
Cả hai báo cáo này đều là những tài liệu do Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Ngoại giao Anh biên soạn.
Đặc biệt, cả hai tài liệu đó đều được công bố công khai trên truyền thông đại chúng ở Anh, và có thể được mỗi người dân tải về để đọc (xem link).
Hai tài liệu đó có thể tóm gọn là xác định rằng, để bảo vệ Anh quốc một cách hiệu quả, quân đội phải tích cực tham chiến tại một số chiến trường và vùng lãnh thổ bất ổn trên thế giới; vừa cố gắng đánh bại các lực lượng gây bất ổn, vừa tìm cách bình ổn lâu dài các khu vực địa phương đó. Thế giới an toàn hòa bình thì mình mới yên ấm.
Có nghĩa là, Lữ đoàn 77 không phải là một lực lượng được xây dựng để bảo vệ quốc phòng Anh tại Anh, mà để bảo vệ quốc phòng Anh trong các chiến dịch quốc tế.
Chức năng nhiệm vụ nói trên của Lữ đoàn 77 còn được khẳng định thêm khi một dân biểu đặt câu hỏi chất vấn tại Nghị viện Anh về chức năng nhiệm vụ của Lữ đoàn 77.
Vị bộ trưởng Quốc phòng Anh khi ấy đã đăng đàn để trả lời vị dân biểu, Lữ đoàn 77 có nhiều nhiệm vụ, bao gồm nhiệm vụ đầu tiên chính là:
“Hỗ trợ, cùng các cơ quan ban ngành khác, cho các nỗ lực tạo dựng ổn định ở nước ngoài, và cho các công tác ngoại giao quốc phòng cũng như tham gia phòng vệ quốc tế trên diện rộng.”
Phạm vi chức năng nhiệm vụ ở tầm quốc tế, liên quan đến các chiến dịch ở nước ngoài, của Lữ đoàn 77 Quân đội Anh như thế được xác nhận khá công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng và qua cơ quan đại diện người dân là Nghị viện.
Việc cung cấp thông tin một phần, rằng Lữ đoàn 77 “giám sát các mạng xã hội như Facebook, Twitter và các trang tin tức để viết bài định hướng dư luận”, rồi dùng nó như một thứ so sánh “người ta cũng làm vậy” với Lực lượng 47 của Việt Nam, đơn giản là một hành vi thông tin thiếu trung thực.
Lực lượng 47 của Việt Nam: Dân không biết, dân không bàn…
Khác với Anh, tất cả những gì được công khai trên truyền thông đại chúng Việt Nam mấy ngày qua về Lực lượng 47 đều thông qua phát biểu của một vị quan chức tại một hội nghị về tuyên giáo.
Qua tường thuật của một tờ báo chính thống tại Việt Nam, có thể thấy là vị quan chức, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, có vẻ không nói gì nhiều về “quốc tế” hay các nhiệm vụ phòng vệ có hợp tác quốc tế của Việt Nam.
Ông Nghĩa nói về tình hình sử dụng Internet phát triển trong nước, dẫn đến mặt trái là “các thế lực lợi dụng Internet để chống phá”.
Ông Nghĩa chia sẻ rằng, “Quân ủy Trung ương hết sức quan tâm, xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái. Lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng trong quân đội cũng phát triển và tới đây sẽ có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng”.
Công tâm mà nói thì, ông Nghĩa chỉ nói là Lực lượng 47 “đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng” chứ có phải là “chỉ đấu tranh chống người dùng mạng có quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc tại Việt Nam” đâu (một luận điểm phản bác chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam trên một trang web tiếng Hoa vẫn có thể tính là một “luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng”).
Tuy nhiên, dựa vào các thông tin ít ỏi nói trên từ hội nghị hôm 25/12, thì có thể thấy là chức năng nhiệm vụ, phạm vi hoạt động cụ thể của Lực lượng 47 không hề rõ ràng và công khai, cho dù chỉ ở mức tương đối như trường hợp Lữ đoàn 77 của Anh nói trên.
Trong bối cảnh thông tin bị bưng bít và kiểm duyệt tại Việt Nam, người dùng mạng xã hội Việt Nam buộc phải tự suy ra chức năng nhiệm vụ, và phạm vi hoạt động của Lực lượng 47.
Và theo một số tìm hiểu tự phát đó, ví dụ như tìm hiểu này của một nghiên cứu sinh tiến sỹ người Việt Nam tại Bỉ, thì chức năng nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của Lực lượng 47 rất rộng và ôm đồm cả việc “quản lý giám sát” mạng xã hội và “đấu tranh” với tất cả những người dùng mạng xã hội nào tại Việt Nam có quan điểm chính trị khác đảng Cộng sản Việt Nam.
Việc ôm đồm này tạo ra bức xúc rõ rệt trong công luận tại Việt Nam.
Có quân số lên đến 10.000 người nhưng các thông tin cơ bản về vai trò, chức năng nhiệm vụ, và phạm vi hoạt động của Lực lượng 47 vẫn là những ẩn số. Ảnh: Bloomberg.com.
Bên cạnh các tranh cãi nền tảng, ví dụ với câu hỏi là việc đàn áp các ý kiến chính trị trái chiều đóng góp ra sao cho quốc phòng, thì một câu hỏi đơn giản cần phải được trả lời chính là các hoạt động “ôm đồm” của Lực lượng 47 có phải là một cách sử dụng hiệu quả tiền thuế nuôi quân đội mà người dân Việt Nam đóng góp hay không.
Mỗi người Việt Nam đi làm đóng thuế nuôi quân đội Việt Nam đều có quyền chất vấn là tiền thuế của họ có đang được sử dụng hiệu quả hay không cho các công tác quốc phòng.
Câu hỏi đó chỉ có thể được trả lời đàng hoàng nếu như Bộ Quốc phòng Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam chủ động công khai minh bạch hơn về Lực lượng 47.
Lực lượng 47 được xây dựng dựa trên những chiến lược quốc phòng gì?
Lực lượng 47 bao gồm những cá nhân có trình độ, kỹ năng gì? Họ được đào tạo tới mức nào?
Phạm vi hoạt động, chức năng nhiệm vụ của Lực lượng 47 cụ thể là gì?
Như đã thấy, những thông tin nói trên liên quan đến Lữ đoàn 77 Quân đội Anh đều có thể được mỗi người dân Anh tìm ra một cách dễ dàng qua các kênh thông tin báo chí trong nước và của Bộ Quốc phòng Anh.
Thậm chí, thấy thông tin không đủ, một người dân còn có thể yêu cầu dựa trên đạo luật Tự do Thông tin (FOI – Freedom of Information request) bắt buộc Bộ Quốc phòng Anh tiết lộ thêm thông tin, như một blogger chuyên về quốc phòng Anh đã làm được.
Các tiết lộ đã có về Lữ đoàn 77 trên truyền thông đại chúng Anh không hề đến mức “bô lô ba la” lộ hết các hoạt động quân sự của Lữ đoàn 77.
Các tiết lộ đó chỉ vừa đủ để mỗi người dân Anh có thể yên tâm rằng Lữ đoàn 77 mà họ đang trả tiền nuôi được xây dựng dựa trên những chính sách quốc phòng chi tiết, công khai minh bạch.
Và rằng Lữ đoàn 77 đó có một chức năng nhiệm vụ và phạm vi hoạt động tương đối rõ rệt, không bao gồm việc “giám sát” mạng xã hội trong nước, cũng như “đấu tranh”, “bút chiến” chống lại chính họ.
Người Việt Nam cũng xứng đáng được biết như thế về Lực lượng 47.