Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Cứ mỗi năm người phụ nữ Mỹ thì có một người không muốn sinh con, và Christen Reighter là một trong số đó. Từ lúc còn rất trẻ, Christen đã tự biết mình không hề khát khao trở thành một người mẹ, mặc dù có rất nhiều người (kể cả bác sĩ riêng của cô) đều khẳng định, cô rồi sẽ thay đổi quan niệm ấy.
Trong một bài thuyết trình TEDx Talk đầy thuyết phục, Christen Reighter đã chia sẻ câu chuyện mà bản thân cô đã trải qua trong quá trình đưa ra quyết định chọn lựa triệt sản. Và đó cũng là minh chứng giúp Christen bảo vệ quan điểm: Làm mẹ chỉ là một phần chứ không phải toàn bộ cuộc đời người phụ nữ.
Luật Khoa tạp chí xin gửi đến bạn đọc bản dịch Việt ngữ bài thuyết trình TEDx Talk của Christen Reighter, tiêu đề do Ban biên tập đặt.
Tôi có nhận thức về những vai trò được áp đặt lên bản thân từ rất sớm. Một trong những quan niệm luôn đeo bám lấy tôi – qua ngôn ngữ hằng ngày hay qua truyền thông – đó là phụ nữ không những phải sinh con, mà họ còn phải luôn có một ham muốn về điều đó.
Nó xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ cái cách mà người lớn vẫn dùng để hỏi tôi theo dạng câu hỏi “khi nào”.
“Khi nào thì cháu lấy chồng … ” “Khi nào thì cháu định sinh con …”
Và những kiểu suy tư như thế luôn luôn được người khác trình bày với tôi như là một phần của “Giấc mơ Mỹ”. Thế mà riêng tôi lại thấy rằng, đó là giấc mơ của một ai đó chứ không phải là của mình.
Bạn có biết không, tôi vốn đã tự nghiệm ra được một giá trị cho bản thân từ sớm.
Và đó là tôi không bao giờ muốn có con.
Từ khi còn là một đứa trẻ, mỗi lần tôi cố gắng giải thích về một mối liên kết giữa những vai trò của họ và các giá trị của riêng tôi, thì người lớn sẽ thường cười nhạo tôi. Hệt như cách mà họ vẫn làm mỗi khi nghe được điều gì ngớ ngẩn phát ra từ miệng trẻ nhỏ.
Họ luôn tỏ vẻ rất thạo đời mà đáp trả tôi rằng, “Rồi con sẽ đổi ý thôi”.
Và thế là suốt cả đời tôi cứ phải luôn nghe người khác nói với mình những câu tương tự như thế này. Những buối trò chuyện vốn đang rất lịch sự đột nhiên khá nhanh chóng trở thành thật tò mò, tọc mạch.
“Thế chồng của em có biết không?”
“Thế bố mẹ của cháu có biết không?”
“Cô không muốn có một gia đình sao?”
“Chị không muốn để lại gì cho đời sao?”
Và cái cụm từ thông dụng số một khi nói đến việc không sinh con là: “Thật ích kỷ.”
Có vô vàn lý do để giải thích việc một người phụ nữ chọn không làm mẹ, và phần lớn chúng đều không đến từ việc cô ấy đặt bản thân của mình lên trên tất cả mọi thứ.
Thế nhưng, cho đến tận giờ phút này, xã hội vẫn cho phép người ta ác quỷ hóa phụ nữ chỉ vì chọn lựa đó. Bởi vì cái diễn ngôn thống trị trong xã hội không thể dung nạp bất kỳ lý do nào mà phụ nữ đưa ra.
Khi tôi còn bé và bắt đầu biết về việc trở thành một người mẹ là điều không thể tránh khỏi ở tương lai, thì cũng chả có ai giải thích với tôi về những nguyên nhân thông thường có thể khiến một người phụ nữ không muốn sinh con.
Ví dụ như những rủi ro khi di truyền cho con mình những căn bệnh hiểm nghèo, hay những mối nguy hiểm khi trong thời gian mang thai phải tạm ngừng sử dụng một số loại thuốc cần dùng hằng ngày (để duy trì mạng sống). Hoặc những quan tâm về tình trạng bùng phát dân số toàn cầu, cho đến khả năng tiếp cận tài nguyên xã hội của bản thân, rồi thống kê về 415.000 đứa trẻ đang cần người nhận nuôi hiện đang nằm trong hệ thống an sinh xã hội toàn nước Mỹ.
Những lý do đó và còn nhiều lý do khác nữa, cộng với thực tế là chính bản thân tôi vốn không thích để mặc cho số phận quyết định những vấn đề quan trọng tầm cỡ như thế – tất cả đã giúp tôi đưa ra một quyết định rất tỏ tường khi chọn làm phẫu thuật triệt sản
Tôi đã rất háo hức khi bắt đầu nghiên cứu về vấn đề này. Tôi muốn thấu hiểu thật đầy đủ tất cả những gì sẽ xảy ra một khi tôi chấp nhận giải phẫu thắt ống dẫn trứng. Tôi muốn biết những người đã từng trải qua phẫu thuật tương tự có đồng ý với phương pháp này không, họ đánh giá mức độ hài lòng cao hay thấp, những mối rủi ro và cả các thống kê.
Lúc bắt đầu, tôi cảm thấy như được gia tăng sức mạnh. Bạn biết đấy, cái đại tự sự mà người ta vẫn luôn dạy tôi đã từng khiến cho tôi nghĩ rằng, những người phụ nữ không muốn sinh con là một nhóm rất ít ỏi. Nhưng rồi tôi biết được, một trong năm người phụ nữ Mỹ sẽ chọn không sinh con – một số là do chọn lựa, một số là vì may rủi.
Điều này nghĩa là tôi không cô độc. Thế nhưng, càng đọc nhiều thì tôi lại càng cảm thấy nặng nề. Tôi bắt đầu biết về các mẩu chuyện của những người phụ nữ đã tìm mọi cách để thực hiện phẫu thuật (thắt ống dẫn trứng).
Tôi cũng biết thêm rằng có nhiều người trong số họ đã dùng sạch tiền chỉ để thuyết phục các bác sĩ phụ khoa đồng ý giải phẫu. Nhưng đến cuối cùng thì họ vẫn liên tục bị từ chối, thông thường là bằng một cách rất thiếu tôn trọng để họ biết khó mà bỏ cuộc.
Nhiều phụ nữ đã chia sẻ là các bác sĩ thường ra vẻ hết sức kẻ cả và xem thường những động cơ của họ để rồi đưa ra các lời khuyên theo kiểu, “Trở lại đây một khi cô đã lập gia đình và sinh một đứa trẻ”.
Tuy nhiên, ngay cả những người phụ nữa đã sinh con và hiện giờ muốn làm phẫu thuật thắt ống dẫn trứng thì cũng vẫn bị răn dạy là họ hoặc còn quá trẻ, hoặc là chưa sinh đủ số con cái. Điều này thật thú vị làm sao, vì luật của tiểu bang mà tôi cư ngụ cho phép “bất kỳ ai trên 21 tuổi, có biểu hiện tinh thần tỉnh táo và biết bản thân đang làm gì, sau khi đã trải qua 30 ngày suy nghĩ” thì đều có thể tiếp cận loại phẫu thuật này.
Và tôi đã rất bối rối khi biết rằng, ngay khi đã đạt hết các điều kiện về mặt pháp lý theo luật định thì tôi vẫn còn phải chiến đấu tiếp ngay tại phòng khám của bệnh viện khi chờ kiểm tra sức khỏe.
Thật là một việc rất dễ làm người ta nản chí, nhưng tôi rất kiên định.
Tôi vẫn nhớ là mình đã ăn mặc lịch sự như thế nào khi đến cuộc hẹn đầu tiên với bác sĩ của mình
Tôi ngồi thẳng lưng, ăn nói rõ ràng, mạch lạc. Tôi muốn cho vị bác sĩ ấy nắm thật rõ từng mẩu chứng cớ về bản thân tôi, để chứng minh tôi là một người già dặn hơn tuổi thật đến mức nào.
Tôi nhắc bản thân phải nhớ nói về những chi tiết như, “Tôi vừa học xong bằng cử nhân và đang nộp đơn vào một số chương trình tiến sĩ, và tôi sẽ học về những ngành học như sau.” Rồi cả, “người bạn trai lâu năm của tôi có một doanh nhiệp riêng”, và rằng “tôi đã tìm hiểu rất kỹ về vấn đề này hàng tháng trời. Tôi hiểu rất rõ về nó, kể cả tất cả các rủi ro”.
Bời vì tôi cần bác sĩ của mình biết rõ đây không phải là một phút bồng đồng, không phải là sự nổi loạn, không phải là một đứa hai mươi mấy tuổi đầu đang tìm cách ăn chơi buông thả mà không muốn dính bầu … và rằng phẫu thuật này thật sự sẽ giúp ích cho một phần không thể tách rời khỏi bản ngã của tôi.
Và hơn nữa, do tôi hiểu rất rõ là mình chỉ có thể chấp thuận giải phẫu sau khi có được một mức độ hiểu biết toàn diện về nó, thế nên tôi hoàn toàn chờ đợi việc bác sĩ của mình sẽ giảng lại một lần về các quy trình của cuộc phẫu thuật, nhưng …
Trong một mức độ nào đó, các thông tin được bác sĩ truyền đạt đến tôi mang lại cảm giác như là một nghị trình thấm đẫm thành kiến với các thống kê đã bị thổi phồng. Những câu hỏi bắt đầu khiến tôi cảm thấy là mình như đang bị hỏi cung.
Trước hết, họ hỏi tôi bằng những câu hỏi ra vẻ như muốn hiểu rõ hơn về tình hình của tôi, nhưng rồi chúng bắt đầu khiến tôi cảm thấy họ hỏi là để tìm cách khiến cho tôi vấp phải sai lầm khi trả lời.
Tôi cảm thấy như mình đang bị thẩm vấn chéo ở tòa án vậy.
Bác sĩ hỏi về người bạn trai của tôi:
“Anh ấy cảm thấy thế nào về toàn bộ quá trình này?”
“À, tôi và anh ấy đã quen nhau năm năm rồi, nên anh hoàn toàn ủng hộ tôi đưa ra bất kỳ quyết định gì liên quan đến thân thể của mình.”
Bác sĩ lại hỏi tiếp:
“Nhưng tương lai thì sao, ví dụ cô quen người khác. Nếu người đàn ông sau này muốn có con thì sao?”
Tôi đã thật không biết phải trả lời như thế nào bởi vì hình như ông ta đang nói với tôi rằng, nếu người bạn đời trong tương lai có nhu cầu sinh con thì tôi cần phải dẹp bỏ hết những gì mà bản thân tin vào chỉ để thỏa mãn anh ấy.
Và thế là tôi nói ông ta không cần phải lo lắng, vì ngay lần hẹn hò đầu tiên tôi sẽ cho đối phương biết rõ về quan điểm có sinh con hay không của mình.
Nhưng ông ấy vẫn muốn tôi hãy cân nhắc thêm, “trong 20 năm, cô có thể sẽ vô cùng hối hận về quyết định ngày hôm nay”… như thể là tôi phải nên cảm thấy rất rõ điều đó rồi mới phải.
Tôi đáp, “OK, nếu một ngày tôi thức dậy và cảm thấy là mình vốn nên quyết định khác đi về vấn đề này thì tôi cùng lắm chỉ là giảm bớt đi một phương pháp giúp mình trở thành phụ huynh. Mà tôi vốn cũng chưa bao giờ cảm thấy cần phải sinh con ruột mới có thể kiến tạo một gia đình”.
Và, tôi thà là phải đương đầu với điều đó hơn là một ngày tỉnh dậy rồi nhận ra rằng, tôi đã để một đứa trẻ chào đời khi mà bản thân không thực sự muốn, hoặc chưa chuẩn bị tốt nhất để chăm sóc cho nó.
Bởi vì đứng trước hai chọn lựa như thế, thì vốn duy nhất có một là chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến mình tôi. Chọn lựa còn lại sẽ ảnh hưởng đến một đứa trẻ, đến quá trình trưởng thành, đến cả tương lai của nó có hạnh phúc và khỏe mạnh hay không. Mà hơn hết, sinh mệnh của con người không phải là thứ chúng ta có thể mang ra đánh cược đỏ đen được.
Vị bác sĩ cuối cùng cũng giải thích với tôi vì sao không một ai sẽ chấp thuận quyết định giải phẫu triệt sản của tôi. Bởi vì có một khái niệm gọi là “chủ nghĩa gia trưởng trong y học”. Nó cho phép bác sĩ của tôi – là một người cung cấp dịch vụ y tế với đầy đủ kiến thức – cái quyền được đưa ra quyết định thay cho tôi, dựa trên những nhận thức của ông về điều gì mới là tốt nhất cho tôi mà không cần biết tôi muốn gì hay tin vào điều gì.
Rồi ông ấy ra ngoài để thảo luận bệnh án của tôi với vị bác sĩ phẫu thuật, và qua khe cửa, tôi nghe ông ta gọi mình là một bé gái.
Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm nặng nề. Tôi muốn tự biện bạch cho mình. Tôi muốn giải thích từng li từng tí cho mỗi một vị bác sĩ rằng, cái cách mà họ đối xử với tôi vừa là coi thường người khác và vừa là hành vi phân biệt giới tính. Và rằng tôi không cần phải ở đấy mà chịu đựng họ.
Nhưng, tôi đã ở đấy và chịu đựng.
Tôi cố nuốt xuống từng lời lẽ sắc bén, nắm chặt tay, rồi lần lượt trả lời từng nhận xét, từng câu hỏi đầy ngạo mạn từ họ.
Tôi đã đến đó với hy vọng sẽ được họ đối xử khách quan và giúp đỡ. Nhưng đổi lại, tôi chỉ cảm thấy tồi tệ khi bản thân phải ráng câm nín khi bị người khác xem thường, và tôi tự ghét bỏ mình vì điều ấy. Tôi căm ghét bản thân khi đã để người khác xúc phạm mình hết lần này đến lần khác.
Nhưng đó là cơ hội duy nhất cho tôi.
Tôi đã phải trải qua rất nhiều cuộc tư vấn tương tự như trên. Có thời điểm, tôi phải gặp năm hay sáu chuyên gia y tế trong vòng một tiếng đồng hồ. Cánh cửa đến phòng giải phẫu trở nên y hệt như những cánh cửa nối tiếp nhau dẫn đến chiếc xe của chú hề ở rạp xiếc. Có bác sĩ gia đình, các vị đồng nghiệp của ông ta, rồi đến bác sĩ giám đốc, bạn tưởng tượng ra được chưa?
Tôi có cảm giác như là bản thân đang yêu cầu họ tiêm cho tôi một liều thuốc độc có chứa vi khuẩn bệnh đậu mùa, chứ không phải là đang đòi hỏi áp dụng một phương pháp ngừa thai.
Nhưng tôi đã không lùi bước, và tôi đã rất kiên trì. Thế nên đến cuối cùng, tôi cũng thuyết phục được một người trong số họ chấp thuận cho tôi được giải phẫu triệt sản.
Và ngay cả khi tôi đã nằm ở phòng giải phẫu, tay thì đang ký các giấy tờ đồng ý phẫu thuật và người thì bị tiêm các loại hormone chuẩn bị cho ca mổ, nhưng vị bác sĩ của tôi vẫn lắc đầu quầy quậy: “Cô rồi sẽ đổi ý”.
Trước khi trải qua việc này, tôi vốn chưa hề hiểu rõ là xã hội của chúng ta vẫn đang bám víu vào vai trò làm mẹ một cách mãnh liệt đến mức nào.
Tôi đã có nhiều trải nghiệm trực tiếp, liên tục, về việc người khác – từ bác sĩ, đồng nghiệp, hay người không quen biết – đều không thể bóc tách giữa tôi – một người phụ nữ, và tôi – một người mẹ.
Trong khi đó, sâu thẳm trong tôi thì lại luôn tin rằng, sinh con chỉ tăng thêm một phần định nghĩa cho “đàn bà” chứ nó không phải là toàn bộ định nghĩa.
Tôi tin rằng giá trị của một người phụ nữ không bao giờ có thể tính được bằng việc cô ấy có sinh con hay không sinh con. Bởi vì làm như thế là chúng ta đã chối bỏ toàn bộ căn tính mà cô ta đã gầy dựng trong suốt giai đoạn trưởng thành.
Phụ nữ có một năng lực vô cùng kỳ diệu, đó là mang lại sự sống. Nhưng nếu chúng ta cho rằng năng lực ấy chính là mục đích đời họ, thì khác gì chúng ta đang nói sự tồn tại của họ bất quá chỉ là phương tiện cho mục đích (sinh con)?
Rất dễ để chúng ta quên mất rằng, những vai trò mà xã hội đặt để lên mỗi người thật ra đâu chỉ vỏn vẹn là những danh xưng.
Mà đó còn là sức nặng trình trịch của chúng, là áp lực phải sống đúng theo những khuôn phép mà chúng đặt ra, là nỗi sợ hãi luôn bám theo ta mỗi khi dám đặt câu hỏi về chúng, và cả những nỗi đam mê mà ta đành bỏ mặc để chấp nhận chúng, phải không?
Cuộc đời này vốn có muôn vạn nẻo đường dẫn dắt ta đến bến bờ hạnh phúc với cảm giác đủ đầy. Chúng có thể nhìn rất khác nhau, nhưng tôi tin rằng mỗi một chúng ta đang cất bước trên những gì được đắp xây bằng quyền được tự chọn cho mình một lối đi riêng.
Tôi muốn phụ nữ chúng ta hãy biết rằng, khi chúng ta chọn nắm lấy hay buông tay chức năng làm mẹ, thì điều đó không hề có bất kỳ mối liên hệ nào với giá trị của chúng ta, hay căn tính của chúng ta như là những người bạn đời, những con người trưởng thành, hoặc là những người phụ nữ, và chắc chắn là có một chọn lựa cho quyền làm mẹ.
Đó chính là chọn lựa của bạn và chỉ của chính bạn mà thôi.
Xin cảm ơn.