Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Trong mấy ngày qua, từ trong nhà ra ngoài ngõ, ai ai cũng bàn luận về mâu thuẫn giữa trạm thu phí và các tài xế ở BOT Cai Lậy. Hai năm trước đây, cả nước cũng đã từng hướng về một sự kiện khác, vụ chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội. Cả hai dự án nói trên đều liên quan đến tài sản công, và đều bị người dân phản đối. Nếu ở Cai Lậy là do vị trí đặt trạm thu phí bị cho là bất hợp lý, thì ở Hà Nội là bởi vì quyết định chặt 6.700 cây xanh “không cần hỏi ý dân”.
Dự án BOT Cai Lậy lập lại “đúng quy trình” những sai lầm mà chính quyền Hà Nội đã mắc phải vào hai năm trước.
Không công khai, minh bạch thông tin cho dân
Đa số người dân đều xem cả hai dự án BOT Cai Lậy và chặt cây xanh ở Hà Nội, là những công trình có liên quan trực tiếp đến đời sống của họ. Thế nhưng, chính quyền lại lặng lẽ chuẩn bị việc thi hành mà không thông báo trước, hay tham khảo ý kiến của dân.
Đề án chặt 6.700 cây xanh – tương đương với 1/4 tổng số cây xanh ở Hà Nội – được phê duyệt từ tháng 11/2013. Nhưng phải đến tháng 01/2015, khi hàng trăm cây xà cừ bị đốn hạ trên phố Nguyễn Trãi, thì việc chặt cây mới được người dân biết đến.
Còn trong dự án BOT Cai Lậy, Bộ GTVT cho biết, Bộ đã hỏi và nhận được sự đồng thuận của địa phương về vị trí đặt trạm thu phí. Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến này – theo báo Tuổi Trẻ – chỉ diễn ra trong vỏn vẹn có tám ngày (từ ngày 28/10 – 04/11/2013), đã tính cả ngày ông Nguyễn Văn Thể, khi còn là thứ trưởng Bộ GTVT, gửi ba công văn hỏa tốc về UBND, HĐND và đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang.
Trong tám ngày đó, địa phương đã lấy ý kiến của các bên liên liên quan như thế nào? Quá trình đó có đảm bảo lợi ích của người dân, nhất là các tài xế – những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ vị trí đặt trạm thu phí – hay không?
Mặt khác, cho đến nay, hợp đồng giữa Bộ GTVT và chủ đầu tư BOT Cai Lậy vẫn chưa được công khai.
Vì sao những dự án liên quan đến tài sản công, sát sườn với lợi ích của nhân dân lại không công khai, minh bạch thông tin? Mà ngược lại, phải đợi tới lúc chúng xuất hiện chình ình trước mặt, thì người dân mới biết?
Không đối thoại với dân
Chính quyền chưa hề có cuộc đối thoại nào với người dân trong cả hai sự kiện này, mà chỉ đưa ra phương pháp giải quyết theo kiểu một chiều quen thuộc, “lắng nghe ý kiến nhân dân”.
Không có một kênh đối thoại chính thức nào được mở ra để tiếp thu ý kiến của dân.
Trong dự án chặt cây xanh ở Hà Nội, các nhóm xã hội dân sự vốn muốn được tiếp cận với các kênh tiếp dân sẵn có. Thế nhưng, vì chúng không hoạt động nên cũng không mang lại tác dụng gì cho họ.
Toàn bộ hệ thống đoàn thể, tuy mang bản chất là đại diện, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, nhưng trong cả hai sự kiện này lại không hề hoạt động.
Theo báo cáo PAPI 2016, Hà Nội là một trong năm tỉnh/thành ở Việt Nam có chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân ở mức thấp nhất, 4.26/10 điểm. Báo cáo này cũng ghi nhận, là không có tỉnh thành trong số 63 tỉnh thành được đánh giá đạt được 06 điểm trở lên đối với chỉ số giải trình nói trên.
Vì các kênh chính thức không hoạt động, nên các tài xế qua trạm BOT Cai Lậy phải tự cứu lấy mình. Họ phải dùng cách trả tiền lẻ để câu giờ và buộc trạm thu phí phải xả trạm nhằm thu hút sự quan tâm từ báo chí, cộng đồng mạng xã hội, để đưa ý kiến của mình đến chính quyền.
Nó cũng tương tự như hai năm về trước, khi các nhóm dân sự ở Hà Nội đã dùng mạng xã hội để thảo luận và tổ chức các chiến dịch cộng đồng trên Facebook, rồi sau đó xuống đường để bảo vệ cây xanh, v.v.
Thế nhưng, đến lúc người dân bị buộc phải sử dụng các kênh gián tiếp để tiếp cận, thì họ lại bị chính quyền cho là đã có “hành vi bất thường”. Nhiều người tham gia vào hai sự kiện này đã bị buộc phải làm việc với cơ quan an ninh.
Ngay khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định dừng hoạt động thu phí tại trạm BOT Cai Lậy vào tối ngày 04/12/2017, Bộ Công an đã chỉ đạo tỉnh Tiền Giang điều tra, xử lý người gây rối tại khu vực trạm thu phí.
Tài xế Trịnh Hồng Phương bị cảnh sát cơ động tạm giữ khi trả tiền lẻ tại trạm BOT Cai Lậy ngày 30/11/2017. Ảnh: Minh Anh/Zing.
Báo cáo nghiên cứu phong trào bảo vệ 6.700 cây xanh ở Hà Nội có trích ý kiến của một admin trang 6.700 cây xanh trên Facebook như sau:
“Công an họ làm việc với tôi phải đến năm ngày. Họ làm việc với cả trường, thầy cô của bộ môn. Họ làm việc về phố phường rồi về tận gia đình tôi, thế nên phải ngừng hoạt động một thời gian. Họ nói theo kiểu đe dọa, như kiểu tôi bị lợi dụng, hoặc là đe dọa người ta trả tiền cho tôi”.
Không biết xin lỗi dân
Các tài xế đã phản đối vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy ngay khi trạm này bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 08/2017. Nhưng Bộ GTVT vẫn kiên quyết cho rằng, vị trí đặt trạm là “đúng quy trình, đúng pháp luật” và tiếp tục thu phí.
Tuy nhiên, đến ngày 04/12/2017, Báo Tuổi Trẻ đã chỉ ra sai sót của ông Nguyễn Văn Thể, người phê duyệt dự án BOT Cai Lậy khi còn là thứ trưởng Bộ GTVT.
Cụ thể, dự án BOT Cai Lậy đã làm “nở” ra hợp phần nâng cấp mặt đường, có chiều dài 26,5km qua thị xã Cai Lậy. Hợp phần này vốn không hề có trong chủ trương của chính phủ về xây dựng tuyến tránh ở Cai Lậy. Chính hợp phần này đã hợp thức hóa việc đặt trạm thu phí ngoài tuyến tránh, dẫn đến “cuộc chiến” lớn giữa các tài xế và trạm thu phí.
Điệp khúc “đúng quy trình, đúng pháp luật” cũng từng xuất hiện trong dự án chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội năm 2015.
Khi có phản ứng của người dân về quyết định chặt cây, ngày 20/03/2015, chính quyền Hà Nội đã họp báo tuyên bố dừng chặt cây, nhưng không thừa nhận sai lầm mà đổ lỗi cho các nhà tài trợ đã nóng vội trong việc thi hành. Tuy nhiên, các nhà tài trợ phủ nhận cáo buộc này ngay lập tức.
Sau đó, Hà Nội đã gửi báo cáo lên Thanh tra chính phủ ngày 13/04/2015, rồi lên chính phủ ngày 21/07/2015. Chính quyền Hà Nội vẫn khẳng định, dự án được thực hiện “đúng quy trình, đúng pháp luật”, chỉ có một số lỗi trong việc triển khai, tuyên truyền cho người dân. Và họ đã thi hành kỷ luật đối với một số cán bộ cấp phòng, còn các cán bộ cấp cao hơn thì bị kiểm điểm.
Người dân nắm tay để bảo vệ cây xanh – phản đối quyết định chặt 6.700 cây xanh của Hà Nội, ngày 22/03/2015. Ảnh: Marianne Brown/VOA.
Trở lại với vấn đề BOT Cai Lậy, hiện nay, vụ việc đã gây ra nhiều điều bất tiện khá lớn, không chỉ đối với hàng nghìn tài xế lưu thông qua trạm mỗi ngày, mà còn là hàng trăm hộ dân sống gần khu vực đặt trạm thu phí. Nhưng vì “đúng quy trình, đúng pháp luật” cho nên không có một lời xin lỗi nào của chính quyền về những bất tiện đã xảy ra.
Liệu người dân sẽ còn phải chịu những bất ổn lớn nào nữa, nếu như Việt Nam vẫn duy trì một chính quyền ba không như thế?
Tài liệu tham khảo: