Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nhiều xung đột tồi tệ nhất trên thế giới đã nảy sinh khi ranh giới sắc tộc không trùng với ranh giới chính trị.
Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc gọi cuộc khủng hoảng Rohingya ở Myanmar là “một ví dụ điển hình về thanh trừng sắc tộc”, nêu bật lên một vấn đề mà thế giới vẫn chưa tìm ra phương án giải quyết – và có thể đóng góp, một cách cực đoan, vào trong những hành động tàn bạo nhất của thế giới.
Quyền dân tộc tự quyết, ý tưởng cho rằng một dân tộc nên có quyền tự do lựa chọn địa vị chính trị, là một nguyên lý trung tâm của hệ thống quốc tế. Điều 1 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ) tuyên bố mục đích của LHQ là “phát triển quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và dân tộc tự quyết”.
Nhưng từ lâu các học giả đã nhận ra rằng có một vấn đề cố hữu trong quyền tự quyết dân tộc này, có thể biến nó trở thành kẻ thù của những quyền tự do mà nó định bảo vệ.
Quyền tự quyết không chỉ định nghĩa dân tộc là gì, mà còn đề cập đến ai thuộc dân tộc đó và ai là người ngoài. Và trong suốt thời gian biến động chính trị, khi bản sắc dân tộc phải chịu sức ép còn các nhóm khác nhau lại cạnh tranh giành quyền tự quyết, thì những định nghĩa như vậy có thể thúc đẩy hành động bạo lực và thậm chí diệt chủng chống lại những ai bị coi là người ngoài.
Dân tộc là gì?
Thật dễ dàng để xác định một “quốc gia” – một nơi có biên giới, lãnh thổ và một chính phủ có chủ quyền. Nhưng “dân tộc” là một khái niệm mơ hồ – một nhóm người bị ràng buộc bởi một số đặc điểm chung, có thể phù hợp hoặc không phù hợp một cách chuẩn xác với biên giới của quốc gia. Đó là nơi mọi thứ trở nên rắc rối.
Đa số các nước đều có một nhóm sắc tộc hoặc nhóm tôn giáo chiếm đa số với phong tục, văn hoá và tôn giáo chi phối đời sống công cộng. Nhưng khi các định nghĩa về sắc tộc hay tôn giáo trong “dân tộc” biến thành các ưu tiên chính trị, thì người dân thiểu số bị đưa vào thế bất lợi. Nếu nhóm đa số giành được quyền tự quyết, thì nhà nước được tạo lập sẽ không đại diện cho các nhóm thiểu số, ngay cả khi họ có đầy đủ quyền công dân.
Loại định nghĩa này cũng có thể gây ra căng thẳng cho nhóm đa số. Kate Cronin-Furman, thành viên Trung Tâm Khoa học và Quản lý Quốc tế Belfer thuộc Trường Quản lý Nhà Nước Kennedy của Đại học Harvard, người nghiên cứu về tội ác hàng loạt, cho rằng khi dân tộc được xác định quanh một nhóm sắc tộc đa số thì có thể dẫn tới một trạng thái vây hãm – một niềm tin rằng cần phải bảo vệ tình trạng đa số, bởi vì nếu không, quyền yêu sách của nhóm đa số cũng sẽ phải nhún nhường.
Ví dụ như ở Sri Lanka, nhóm sắc tộc người Sinhala đã xác định dân tộc của họ là người Sinhala và người theo đạo Phật. Kết quả là, Cronin-Furman cho biết, thuật hùng biện chính trị mà người Sinhala hay sử dụng là họ luôn cho rằng bất kỳ sự mở rộng quyền nào dành cho những công dân không phải là người Sinhala là một mối đe dọa đối với bản chất của nhà nước.
Trong khi đó, chủ nghĩa dân tộc công dân (civic nationalism), vốn dựa trên quyền công dân và chia sẻ niềm tin chính trị hơn là sắc tộc, thì cởi mở hơn. Nhưng chính tính cởi mở này lại gây khó khăn trong việc tạo ra một cảm giác mạnh mẽ, gắn kết về bản sắc dân tộc. Và khi điều này xảy ra, việc nhắm tới những người ngoài – tức là xác định những ai không phải là một phần của dân tộc thay vì xác định những người có thuộc về dân tộc ấy – có thể được coi là một lối đi tắt phù hợp.
Các nhà nghiên cứu tâm lý chính trị từ lâu đã nhận thấy rằng khi các nhà lãnh đạo coi những người ngoài là những kẻ khác biệt và và có tính đe dọa, thì điều này có thể giúp củng cố cảm giác về bản sắc và sự gắn kết của nhóm những người bên trong. Nhưng điều này có thể khiến cho các nhóm thiểu số có nguy cơ bị phân biệt đối xử hoặc thậm chí là bạo lực.
Ví dụ, ở châu Âu ngày nay, các chính trị gia hiếm khi tuyên bố công khai rằng bản sắc dân tộc của họ là người da trắng hoặc người Cơ Đốc giáo. Tuy nhiên, những lời cảnh báo về tác động của dòng người nhập cư Hồi giáo, trang phục burqa và thánh đường Hồi giáo, ngay cả đối với nhiều chính trị gia chính thống, lại là một cách thức phân loại người Hồi giáo vào nhóm người ngoài.
Các nhóm khác ở châu Âu cảm thấy bị loại trừ trong một thời gian kéo dài hơn. Người Roma bị xem như là người nước ngoài vĩnh viễn. Bất kể tư cách công dân hợp pháp của mình, họ bị coi như những kẻ lữ khách xâm nhập, vốn không phải là một phần của bản sắc công dân hoặc văn hóa của một dân tộc. Và điều này dẫn tới thành kiến vững chắc và phân biệt đối xử, để rồi chuyển hóa thành bạo lực.
Và đặc biệt là trước Thế chiến II, người Do Thái cũng thường bị coi là những người vĩnh viễn thuộc chủng tộc khác chứ không phải là một phần của dân tộc.
Ai ở bên trong, ai ở bên ngoài
Vào những thời điểm căng thẳng do các yếu tố như chiến tranh, thay đổi chính trị hoặc sụp đổ kinh tế, thì việc cạnh tranh giành quyền tự quyết dân tộc có thể gây ra bạo lực cực đoan.
Stefan Wolff, nhà khoa học chính trị tại Đại học Birmingham ở Anh nghiên cứu về xung đột sắc tộc, phát hiện ra rằng nhiều xung đột tồi tệ nhất trên thế giới đã nảy sinh khi ranh giới sắc tộc không trùng với ranh giới chính trị. Trong bài báo “từ Kosovo đến Silesia” năm 2004, ông viết: “việc cạnh tranh giành quyền tự quyết của các nhóm sắc tộc khác nhau là ngọn nguồn quan trọng nhất gây ra những mâu thuẫn trong và ngoài các biên giới của nhà nước.”
Ông cho rằng, khi các nhà nước sụp đổ hoặc ranh giới nhà nước bị xoá nhoà, nó đã tạo ra cơ hội để các nhóm đưa ra tuyên bố về quyền tự quyết dân tộc. Và khi có nhiều nhóm tuyên bố chủ quyền quốc gia trong cùng một lãnh thổ, “việc thanh trừng sắc tộc” có vẻ như là một giải pháp tồi tệ nhưng lại hiệu quả, một cách thức để gộp ranh giới dân tộc và ranh giới quốc gia lại với nhau bằng cách buộc các thành viên của các nhóm cạnh tranh ra khỏi đất nước.
Ví dụ cho trường hợp này là khi Nam Tư cũ sụp đổ, lực lượng người Bosnia của Serbia đã tiến hành những hành vi tàn bạo chống lại người Bosniak và Croats trong nỗ lực thành lập nước Cộng hoà Serbia.
Người Rohingya: bị coi là người nước ngoài
Tại Myanmar, người Rohingya từ lâu đã bị coi là người ngoài ở chính đất nước của mình. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), người Rohingya đã có mặt ở Myanmar từ thế kỷ 12. Việc đuổi họ ra khỏi quốc gia và thậm chí tước quốc tịch của họ từ lâu đã là một công cụ chính trị, một phần của quá trình xác định dân tộc bằng cách loại ra những người ngoài.
Sau khi chính quyền Anh chấm dứt cai trị ở Myanmar – hồi đó còn là Burma, vào năm 1948, chính phủ mới lập luận rằng Rohingya là người di cư bất hợp pháp từ vùng Ấn Độ vốn do Anh cai trị mà bây giờ là Bangladesh, chứ không phải là một phần thật sự của dân tộc mới. Luật về quyền công dân năm 1982 đã tước đi quốc tịch của rất nhiều người gốc Rohingya, cho rằng họ là người nước ngoài ở chính đất nước của họ.
Vào năm 2015, chính phủ đã tước bỏ quyền bầu cử của người Rohingya, ngăn hàng trăm ngàn người bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quốc gia. Và trong những năm gần đây, các chính trị gia, bao gồm cả nhà lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ là bà Aung San Suu Kyi, đã có hàm ý cho rằng người Rohingya là những kẻ khủng bố đe dọa dân tộc.
Ngày nay, các chính trị gia dân sự và quân đội vẫn tranh giành quyền kiểm soát khi đất nước đang dần dân chủ hóa. Tuyên bố về bản sắc dân tộc là một cách để khẳng định quyền lực. Và một lần nữa, điều đó đã gây ra những hậu quả bi thảm cho người Rohingya.
Trong một bài đăng trên Facebook hôm thứ Bảy, tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu lực lượng quân sự, đã cố gắng biện minh cho các cuộc tấn công của quân đội vào Rohingya bằng cách nói rằng “họ chưa bao giờ là một nhóm sắc tộc của Myanmar” và tuyên bố rằng các cuộc bạo lực hàng loạt đã khiến nhiều người Rohingya bỏ chạy ra khỏi Myanmar là “một nỗ lực mang tính tổ chức đối với nhóm cực đoan Bengalis ở bang Rakhine.”
Trong khi đó, các nhà quan sát độc lập cho biết quân đội đã đốt cháy các ngôi làng của người Rohingya và tấn công dân thường Rohingya trong một chiến dịch cưỡng hiếp và tàn sát.
Quyền tự quyết dân tộc không phải là một thứ giấy thông hành cho các cuộc tấn công chống lại các dân tộc thiểu số. Nhưng bằng cách nhấn mạnh vào quyền ấy, cộng đồng quốc tế có thể – mặc dù không chủ ý – tạo ra các động lực ngầm cho thảm họa đang diễn ra ở Myanmar.