Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Cụm từ “chủ nghĩa tân tự do” đã định danh đích xác cái hệ tư tưởng đang thống lĩnh thời đại ngày nay – vốn tôn vinh logic của thị trường và tước bỏ đi những thứ tạo nên chúng ta với tư cách là con người.
Mùa hè vừa rồi, các nhà nghiên cứu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giải quyết một cuộc tranh luận lâu dài và gay gắt về “chủ nghĩa tân tự do”: họ thừa nhận nó tồn tại. Ba nhà kinh tế cấp cao của IMF đã công bố một bài báo đặt ra vấn đề về những ích lợi của chủ nghĩa tân tự do.
Bài báo này đề cập tới một “nghị trình tân tự do”, vốn thúc đẩy việc bãi bỏ các ràng buộc lên các nền kinh tế trên toàn thế giới, buộc các thị trường quốc gia phải mở cửa cho việc luân chuyển vốn và thương mại, và yêu cầu các chính phủ thu hẹp giới hạn của mình thông qua việc thực thi các chính sách khắt khe hoặc tư nhân hóa. Các tác giả đã trích dẫn những bằng chứng thống kê về việc áp dụng rộng rãi những chính sách tân tự do kể từ những năm 1980, cũng như mối tương quan giữa chúng với sự tăng trưởng yếu kém, các chu kỳ lên xuống, và cả bất bình đẳng.
Chủ nghĩa tân tự do là một thuật ngữ cũ, ra đời từ những năm 1930, nhưng giờ đây người ta dùng nó để mô tả nền chính trị hiện thời của chúng ta – nói chính xác hơn là, để mô tả phạm vi tư tưởng mà nền chính trị của chúng ta cho phép.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đây là cách để gán trách nhiệm về cái thất bại thảm hại ấy, không phải cho một đảng chính trị nào, mà là cho giới quyền uy đã trao nhượng thẩm quyền của họ sang cho thị trường.
Đối với các đảng viên đảng Dân chủ ở Mỹ và đảng Lao động ở Anh, thì hành động nhượng bộ này được miêu tả là một sự phản bội lố bịch đối với chính nguyên tắc của họ. Bill Clinton và Tony Blair đã từ bỏ những cam kết truyền thống của cánh tả, đặc biệt là đối với công nhân, để ủng hộ cho tầng lớp tinh hoa tài chính toàn cầu và các chính sách làm giàu cho giới này; và khi làm như vậy, họ đã cho phép bất bình đẳng gia tăng một cách đáng kinh tởm.
Trong vài năm trở lại đây, khi các cuộc cuộc tranh luận trở nên thù địch hơn, thuật ngữ này đã trở thành một vũ khí tu từ, một cách để bất cứ ai theo cánh tả hoặc trung lập có thể buộc tội những người thậm chí chỉ có một chút khuynh hướng nghiêng về cánh hữu. (Không có gì đáng ngạc nhiên khi những người theo khuynh hướng trung lập coi đây là một lời sỉ nhục vô nghĩa: trong vụ này họ là những người bị xúc phạm một cách vô nghĩa nhất.)
Qua lăng kính của chủ nghĩa tân tự do, bạn sẽ thấy rõ hơn cái cách mà các nhà tư tưởng chính trị – những người được Thatcher và Reagan ngưỡng mộ hạng nhất – đã định hình nên ý tưởng về xã hội như một thị trường phổ quát (chứ không phải như một thành bang, một không gian dân sự hay một gia đình) còn con người thì như những kẻ toan tính thiệt hơn (chứ không phải là những người vị tha, hay là những người sở hữu các quyền và nghĩa vụ không thể chuyển nhượng).
Tất nhiên mục tiêu của nó là nhằm làm suy yếu nhà nước phúc lợi và bất kỳ cam kết nào về công ăn việc làm, và luôn luôn nhằm cắt giảm thuế và bãi bỏ các ràng buộc. Song “chủ nghĩa tân tự do” còn biểu thị một thứ gì đó xa hơn những trông đợi của khuynh hướng cánh hữu thông thường. Nó là một cách tái tổ chức thực tại xã hội, cũng như tư duy lại địa vị của chúng ta trong tư cách các cá nhân.
Cũng qua lăng kính này, bạn sẽ thấy rằng, thị trường tự do chẳng khác gì nhà nước phúc lợi: nó cũng là một phát minh của con người. Bạn sẽ thấy chúng ta đang bị giục giã hối thúc rằng hãy nghĩ về chính mình như là những kẻ sở hữu tài năng và sáng kiến, và phải cạnh tranh và thích ứng một cách vội vã như thế nào. Bạn sẽ thấy cái phạm vi mà một ngôn ngữ trước đây chỉ giới hạn trong các nguyên tắc đơn giản để mô tả thị trường hàng hóa (như cạnh tranh, thông tin hoàn hảo, hành vi duy lý) nay đã được áp dụng cho toàn bộ xã hội, rồi lan tràn vào mọi ngóc ngách trong đời sống cá nhân của chúng ta, và khiến cho thái độ của một nhân viên bán hàng bỗng trở nên khúm núm như thế nào.
Nói tóm lại, “chủ nghĩa tân tự do” không chỉ đơn thuần là một danh xưng để chỉ các chính sách ủng hộ thị trường hay các thỏa hiệp với giới tư bản tài chính, do các đảng dân chủ xã hội đang suy sụp đưa ra. Mà nó còn là danh xưng cho một tiền đề đang âm thầm điều chỉnh tất cả những gì chúng ta thực hành và tin tưởng: rằng cạnh tranh là nguyên tắc tổ chức chính đáng duy nhất cho tất cả các hoạt động của con người.
Chủ nghĩa tân tự do vừa mới đi vào thực tại, và vừa mới tỏ rõ cái thái độ giả trá về thị trường, thì các nhà dân túy và độc tài đã thâu tóm quyền lực. Tại Mỹ, Hillary Clinton, người cực kỳ theo khuynh hướng tự do, đã thất bại trước một người chỉ biết vừa đủ để giả vờ ghét thương mại tự do. Vậy cái lăng kính này còn hữu ích không? Chúng có thể làm gì để giúp chúng ta tìm hiểu xem thứ gì đã bị phá vỡ trong nền chính trị Anh và Mỹ? Khi chống lại các lực lượng thúc đẩy hội nhập toàn cầu, bản sắc dân tộc đang được tái khẳng định trên những phương diện thô thiển nhất có thể. Chủ nghĩa địa phương quân phiệt của Brexit ở Anh và “chủ nghĩa” Trumpist ở Mỹ phải làm gì trước tính duy lý tân tự do? Đâu là mối liên kết khả hữu giữa một tổng thống – một kẻ ngốc không bị kiểm soát – với một hình mẫu lạnh lùng của tính hiệu quả, còn được gọi là thị trường tự do?
Thị trường tự do không chỉ tạo ra một nhóm nhỏ những người chiến thắng và một đội quân khổng lồ của những kẻ thua cuộc – và những kẻ thua cuộc, khi tìm kiếm cách trả thù, đã quay sang Brexit và Trump. Ngay từ đầu đã tạo ra một mối quan hệ không thể tránh khỏi giữa cái lý tưởng không tưởng của thị trường tự do với một hiện thực khốn khó mà chúng ta bắt gặp mình trong đó; giữa thị trường với tư cách là kẻ duy nhất tiết lộ về giá trị và bảo vệ tự do với sự trượt dốc của chúng ta vào trong thế giới hậu chân lý và phi tự do.
Tôi cho rằng, việc tiếp tục làm dấy lên cuộc tranh luận cũ rích về chủ nghĩa tân tự do nên bắt đầu bằng việc xem xét một cách nghiêm túc về mức độ của các tác động của nó đối với tất cả chúng ta. Và điều này đòi hỏi chúng ta phải quay lại xem xét nguồn gốc của nó, vốn không liên quan gì đến Bill hay Hillary Clinton.
Đã từng có một nhóm người tự hào nhận mình là những người tân tự do, và tham vọng của họ là một cuộc cách mạng toàn diện trong tư tưởng. Friedrich Hayek, người nổi bật nhất trong số đó, đã không hề nghĩ rằng ông đang đưa ra một lập trường trong phổ chính trị, hoặc đưa ra lời bào chữa cho những kẻ giàu có lố bịch, hay là qua loa chắp vá loanh quanh mép rìa của kinh tế học vi mô.
Ông nghĩ ông đang giải quyết vấn đề của thời đại: vấn đề về tri thức khách quan. Đối với Hayek, thị trường không chỉ tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hoá và dịch vụ; nó còn tiết lộ chân lý. Làm thế nào mà tham vọng của ông lại bị sụp đổ về tay phe đối lập – với cái khả năng cảm quan mạnh mẽ rằng, nhờ vào sự tôn kính nhẹ dạ của chúng ta đối với thị trường tự do, chúng ta hoàn toàn có thể rút ra chân lý từ đời sống cộng đồng?
Khi ý tưởng này xuất hiện trong đầu Friedrich Hayek vào năm 1936, ông biết rằng trong ông vừa nảy ra một điều gì đó mới mẻ. “Làm thế nào để kết hợp các mảnh tri thức tồn tại trong những tâm trí khác nhau”, ông viết, “để đem lại những kết quả mà, nếu chúng được kết hợp lại một cách có chủ ý, thì chúng sẽ đòi hỏi một tri thức mà không một con người cá nhân nào có thể sở hữu?”
Đây không phải là một vấn đề kỹ thuật về lãi suất hay lạm phát. Đây cũng không phải là một cuộc bút chiến phản động chống lại chủ nghĩa tập thể hay nhà nước phúc lợi. Đây là cách tạo ra một thế giới mới. Trong niềm phấn khích, Hayek hiểu rằng thị trường có thể được coi là một dạng tâm trí.
“Bàn tay vô hình” của Adam Smith đã cho chúng ta một quan niệm hiện đại về thị trường: như là một lĩnh vực tự trị của các hoạt động của con người và do đó nó có khả năng trở thành một đối tượng chính đáng của tri thức khoa học. Nhưng cho đến cuối cuộc đời, Smith vẫn là một nhà đạo đức học của thế kỷ 18. Ông nghĩ rằng thị trường chỉ có thể được biện minh dưới ánh sáng của đức hạnh cá nhân, và ông lo lắng rằng một xã hội chỉ đơn thuần bị chi phối bởi lợi ích cá nhân sẽ không còn là xã hội. Có thể coi chủ nghĩa tân tự do là một Adam-Smith-không-lo-lắng.
Hayek được coi là cha đẻ của chủ nghĩa tân tự do – một kiểu tư tưởng đơn giản hóa mọi thứ thành kinh tế học – một chút mỉa mai khi ông vốn chỉ là một nhà kinh tế hạng xoàng. Ông chỉ là một nhà kỹ trị trẻ ít được biết đến ở Vienna khi được tuyển vào trường Kinh tế London, lại cạnh tranh với một ngôi sao đang lên là John Maynard Keynes của Cambridge.
Kế hoạch bị phá sản và Hayek bị Keynes đánh bại một cách thảm hại. Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ của Keynes, xuất bản năm 1936, được chào đón như một kiệt tác. Nó chi phối các cuộc thảo luận công. Vào cuối Thế chiến thứ Hai, nhiều nhà thị trường tự do nổi danh đã đi theo đường lối của Keynes, thừa nhận rằng chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý nền kinh tế hiện đại. Sự hồ hởi ban đầu dành cho Hayek đã tiêu tan. Quan niệm kỳ dị của ông khi cho rằng việc chẳng làm gì lại có thể cứu chữa cho tình trạng suy thoái kinh tế đã bị mất uy tín cả về lý thuyết lẫn trong thực tiễn.
Năm 1936, Hayek là một học giả không có danh tiếng và không có tương lai rõ ràng. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta đang sống trong thời đại của Hayek, như chúng ta từng sống trong thời đại của Keynes.
Lawrence Summers, cố vấn của Clinton và là cựu chủ tịch của Đại học Harvard, nói rằng khái niệm của Hayek về hệ thống giá cả như một tâm trí là “một ý tưởng sâu sắc và độc đáo như chính ngành kinh tế học vi mô được tạo ra trong thế kỷ 20” và “là điều quan trọng nhất nên học từ các khóa học kinh tế học hiện nay “.
Keynes đã không tạo ra hay dự đoán về Chiến tranh Lạnh, song tư tưởng của ông thâm nhập vào mọi khía cạnh của thế giới thời Chiến tranh Lạnh; và điều tương tự cũng xảy ra với tư tưởng của Hayek khi nó thấm đẫm vào mọi khía cạnh của thế giới sau năm 1989.
Tư tưởng của Hayek như một tổng thể: một cách sắp xếp tất cả các thực tại theo mô hình cạnh tranh kinh tế. Ông bắt đầu bằng giả định rằng hầu như tất cả (nếu không muốn nói là tất cả) hoạt động của con người đều quy về một hình thức tính toán kinh tế, và do đó có thể được đồng hóa với các khái niệm quan trọng khác như sự giàu có, giá trị, trao đổi, chi phí – và đặc biệt là giá cả. Giá cả là một phương tiện để phân bổ các nguồn lực khan hiếm một cách hiệu quả, tùy theo nhu cầu và tiện ích, được điều chỉnh bởi quy luật cung và cầu. Để hệ thống giá cả vận hành hiệu quả, thị trường phải tự do và cạnh tranh.
Kể từ khi Smith tưởng tượng về nền kinh tế như là một lĩnh vực tự trị, thì đã tạo ra một khả năng rằng thị trường không chỉ là một bộ phận của xã hội, mà còn có thể là toàn bộ xã hội. Trong một xã hội hiểu như vậy, đàn ông và phụ nữ chỉ cần đi theo sự tư lợi của chính mình và cạnh tranh giành lấy các nguồn lực khan hiếm. Như nhà xã hội học Will Davies đã viết, thông qua cạnh tranh, “con người có thể phân biệt ai và cái gì là có giá trị”.
Với những ai quen thuộc với lịch sử, thì những tác nhân quan trọng chống lại sự chuyên chế và bóc lột thường là một tầng lớp trung lưu thịnh vượng và một không gian dân sự; các thiết chế tự do; phổ thông đầu phiếu; tự do tư tưởng, hội họp, tôn giáo và báo chí; sự thừa nhận cá nhân là thực thể mang phẩm giá – song tất cả những thứ này không có vị trí đặc biệt nào trong tư tưởng của Hayek. Hayek đã đưa vào trong chủ nghĩa tân tự do một giả định rằng thị trường cung cấp tất cả những bảo vệ cần thiết nhằm chống lại mối đe dọa chính trị duy nhất trong thực tế: chủ nghĩa toàn trị. Để ngăn chặn điều này, nhà nước chỉ cần giữ cho thị trường được tự do.
Tại sao lại gọi là tân-tự-do? Ấy là từ một thay đổi quan trọng đối với niềm tin lâu năm vào một thị trường tự do và một nhà nước tối thiểu, được gọi là “chủ nghĩa tự do cổ điển”. Trong chủ nghĩa tự do cổ điển, thương nhân chỉ đơn giản yêu cầu nhà nước “để chúng tôi tự lo liệu lấy” – laissez-nous faire. Song chủ nghĩa tân tự do thừa nhận rằng nhà nước cần phải chủ động trong việc tổ chức nền kinh tế thị trường. Các điều kiện cho phép một thị trường tự do phải giành được chiến thắng về mặt chính trị, và nhà nước phải được tái thiết để hỗ trợ thị trường tự do.
Song đây vẫn chưa phải là tất cả: mọi khía cạnh trong nền chính trị dân chủ, từ sự lựa chọn của cử tri đến các quyết định của các chính trị gia, phải phục tùng phép phân tích kinh tế thuần túy. Nhà lập pháp không được bóp méo các hành động tự nhiên của thị trường – và vì vậy, nhà nước chỉ đưa ra một khuôn khổ pháp lý cố định, trung lập, phổ quát trong đó các lực lượng thị trường hoạt động không gò bó. Định hướng có chủ ý của chính quyền không bao giờ tốt hơn “cơ chế tự điều chỉnh” – tức là hệ thống giá cả, vốn không chỉ hiệu quả mà còn tối đa hóa tự do, hay tối đa hóa cơ hội cho con người đưa ra các lựa chọn tự do đối với cuộc sống riêng của họ.
Khi Keynes bay qua lại giữa London và Washington, và tạo ra trật tự thời hậu chiến, thì Hayek ngồi bĩu môi hờn dỗi ở Cambridge. Ông đã phải tới đó trong thời gian sơ tán chiến tranh; và ông phàn nàn rằng ông bị bao vây bởi “những người nước ngoài” và “không thiếu gì đủ kiểu người phương Đông” cũng như “người châu Âu đủ mọi quốc tịch, nhưng rất ít người có trí tuệ thực sự”.
Bị mắc kẹt ở Anh, không tạo ra được ảnh hưởng hay được tôn trọng, Hayek chỉ còn mỗi ý tưởng của mình để tự an ủi bản thân; một ý tưởng quá vĩ đại đến nỗi một ngày nào đó nó sẽ làm tan vỡ nền tảng của Keynes và mọi tri thức khác. Cứ để tự nó, hệ thống giá cả vận hành như một dạng tâm trí. Và không chỉ như một tâm trí bình thường, mà còn như một tâm trí thông suốt: thị trường tính toán những gì cá nhân không thể nắm bắt.
Đây là một khẳng định luận lý học vĩ đại – rằng thị trường là một phương cách nhận thức, vượt trội so với khả năng của bất kỳ con người cá nhân nào. Một thị trường như vậy không phải là một công cụ của con người, bị thao túng giống như các công cụ khác, mà là một lực lượng cần được nghiên cứu. Kinh tế học cần chấm dứt cái vai trò của một phương tiện – như Keynes tin – để đạt được những mục đích xã hội đáng mong muốn, chẳng hạn như tăng trưởng hoặc ổn định tiền tệ.
Mục đích duy nhất của xã hội là duy trì thị trường. Với sự thông suốt của nó, thị trường tạo thành hình thức chính danh duy nhất của tri thức, theo cả hai nghĩa của từ: chúng chỉ lĩnh hội được một phần của toàn thể và chúng biện hộ cho các lợi ích riêng biệt. Về mặt cá nhân, các giá trị của chúng ta là các giá trị cá nhân, hay các ý kiến đơn thuần; còn về mặt tập thể, thị trường biến chúng thành giá cả, hoặc các sự kiện khách quan.
Ngay cả những đồng nghiệp bảo thủ của Hayek tại Đại học Chicago – tâm điểm toàn cầu của những người bất đồng theo chủ nghĩa tự do cá nhân trong những năm 1950 trên thế giới – cũng coi Hayek như một người phản động, “một người cánh hữu cũ rích”. Cuối năm 1972, một người bạn đến thăm Hayek, bấy giờ đang ở Salzburg, song chỉ nhìn thấy một người đàn ông lớn tuổi thảm hại, tin rằng sự nghiệp cả đời của mình đã chìm trong vô vọng. Không ai quan tâm đến những gì ông đã viết!
Tuy nhiên, bắt đầu có những dấu hiệu đáng hy vọng: Hayek là vị triết gia chính trị ưa thích của Barry Goldwater, và người ta cho là Ronald Reagan cũng khoái Hayek vậy. Về sau còn có Margaret Thatcher. Thatcher đã đề cao lý thuyết của Hayek, bằng cách hứa hẹn kết hợp triết lý thị trường tự do của Hayek với sự hồi sinh các giá trị của tầng lớp Victoria: gia đình, cộng đồng, và sự chăm chỉ làm lụng.
Hayek đã gặp riêng Thatcher hồi năm 1975, vào thời điểm mà Thatcher được coi là lãnh đạo phe đối lập ở Anh, khi bà đang chuẩn bị đem triết thuyết Big Idea của Hayek ra khỏi kệ mà đưa vào lịch sử. Họ hội ý tầm 30 phút ở Viện Kinh tế, nằm trên đường Lord North ở London. Lúc sau, nhân viên của Thatcher băn khoăn hỏi Hayek xem ông nghĩ gì về chuyện này. Bạn đoán xem ông đã nói gì? Lần đầu tiên trong 40 năm, quyền lực đã phản ánh được cái hình ảnh tự thân đầy uy lực của Friedrich von Hayek, một người có thể đánh bại Keynes và tái tạo cả thế giới.
Song ông đáp lời: “Cô ấy thật đẹp.”
Big Idea của Hayek đơn thuần chỉ là một ý tưởng – cho đến khi bạn phóng chiếu nó lên. Khi đem áp dụng vào thị trường thực tế, mô tả này không chỉ đơn thuần là một sự thật hiển nhiên. Lý thuyết của Hayek có thể được mở rộng để mô tả cái cách thức mà những thị trường khác nhau, như thị trường hàng hoá, lao động, và thậm chí là tiền tệ, có thể tạo thành một phần của cái xã hội được gọi là “nền kinh tế”. Điều này nghe có vẻ đỡ tầm thường hơn, song vẫn chưa có gì ghê gớm; những người theo trường phái Keynes chấp nhận nó một cách vui vẻ. Nhưng nếu chúng ta nảy bật nó lên một bước nữa thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta nhận thức lại toàn bộ xã hội như một loại thị trường?
Ý tưởng của Hayek càng mở rộng, nó càng trở nên phản động, càng ẩn nấp sau cái lớp vỏ trung lập khoa học – và càng cho phép kinh tế học liên kết với khuynh hướng tư duy của phương Tây kể từ thế kỷ 17. Sự trỗi dậy của khoa học hiện đại đã đặt ra một vấn đề: nếu toàn thể thế giới tuân theo các luật tự nhiên, thì nhân loại còn có nghĩa lý gì? Một con người chỉ đơn giản là một đối tượng trong thế giới, giống như bất kỳ sinh vật nào khác? Có vẻ như không có cách nào để đồng hóa cái kinh nghiệm chủ quan, nội tâm của con người vào trong tự nhiên như cái cách mà khoa học nhận thức nó – như một đối tượng nào đó hàm chứa những quy tắc chúng ta khám phá ra thông qua quan sát.
Mọi thứ về nền văn hoá chính trị thời hậu chiến có khuynh hướng ủng hộ John Maynard Keynes, và vai trò mở rộng của nhà nước trong việc quản lý nền kinh tế. Song thứ mà nền văn hoá học thuật hậu chiến ủng hộ lại chính là Hayek. Trước chiến tranh, ngay cả những nhà kinh tế cực hữu nhất cũng coi thị trường như là một phương tiện cho một mục tiêu hữu hạn, để phân bổ hiệu quả các nguồn lực khan hiếm. Từ thời Adam Smith vào giữa những năm 1700, cho tới những thành viên sáng lập trường phái Chicago trong những năm sau chiến tranh, đâu đâu người ta cũng tin rằng mục tiêu cuối cùng của xã hội và của đời sống chỉ có thể được thiết lập trong một địa hạt phi kinh tế.
Theo quan điểm này, các vấn đề về giá trị được giải quyết về mặt chính trị và dân chủ, chứ không phải về mặt kinh tế – thông qua việc phản tư đạo đức và tranh luận công khai. Một biểu đạt hiện đại mang tính kinh điển về niềm tin này được tìm thấy trong một bài luận năm 1922 tên là “Đạo đức và Giải thích kinh tế” của Frank Knight, người đã tới Chicago hai thập kỷ trước Hayek. “Các phê phán kinh tế duy lý về các giá trị mang lại những kết quả xung khắc với lẽ thường”, Knight viết. “Con người kinh tế là một đối tượng ích kỷ và tàn nhẫn chịu sự lên án về mặt đạo đức.”
Các nhà kinh tế đã phải vật lộn trong suốt 200 năm với câu hỏi rằng, làm thế nào để suy xét tới các giá trị trong nơi nào mà xã hội thương mại được tổ chức ngoài sự vị kỷ và toan tính. Knight, cùng với các đồng nghiệp Henry Simons và Jacob Viner, là những người chống đối Franklin D. Roosevelt và cái cách mà chính sách New Deal can thiệp vào thị trường, và họ đã sáng lập nên trường Đại học Chicago là ngôi nhà kinh tế thị trường tự do khắt khe về mặt trí tuệ – và vẫn đang tồn tại cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, Simons, Viner và Knight đã bắt đầu sự nghiệp của họ trước khi uy tín dữ dội của các nhà vật lý nguyên tử đã thu hút rất nhiều nguồn tiền vào hệ thống trường đại học và khởi động một cuộc chiến tranh hậu chiến giữa các ngành khoa học. Họ đã không suy tôn các công thức hay các mô hình, và họ lo lắng về những câu hỏi phi khoa học. Rõ ràng là, họ bận tâm về những vấn đề về giá trị, mà ở đó giá trị hoàn toàn khác biệt với giá cả.
Không phải Simons, Viner và Knight ít giáo điều hơn Hayek, hay sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận việc nhà nước đánh thuế và chi tiêu. Cũng không phải Hayek có trí tuệ hơn họ. Nhưng việc họ thừa nhận rằng xã hội không giống như thị trường, và giá cả không giống như giá trị như là nguyên tắc số một, đã khiến cho họ hoàn toàn bị lịch sử lãng quên.
Chính Hayek đã chỉ cho chúng ta biết làm thế nào để đi từ tình trạng vô vọng về sự không hoàn chỉnh (trong nhận thức) của con người tới tính khách quan hùng vĩ của khoa học. Big Idea của Hayek đóng vai trò như một mắt xích còn thiếu giữa bản chất con người có tính chủ quan của chúng ta với chính tự nhiên. Khi làm như vậy, nó đặt bất kỳ giá trị nào không thể được thể hiện bằng giá cả – như các quyết định của thị trường – trên một nền tảng không khác gì hơn là quan điểm, sở thích, văn hoá dân gian hay mê tín.
Hơn bất cứ ai, kể cả Hayek, chính nhà kinh tế học Chicago vĩ đại thời hậu chiến Milton Friedman đã giúp các chính phủ và các chính trị gia hiểu được sức mạnh của Big Idea của Hayek. Nhưng trước hết, ông đã đoạn tuyệt với hai thế kỷ trước đó và tuyên bố rằng kinh tế học”về nguyên tắc là độc lập với bất kỳ quan điểm đạo đức hay đánh giá quy phạm cụ thể nào” và là khoa học “khách quan, đúng nghĩa giống như khoa học vật lý”. Nói cách khác, tồn tại thị trường, và tồn tại tính tương đối.
Thị trường có thể là bản sao của con người đối với các hệ thống tự nhiên, và giống như chính vũ trụ, chúng có thể là phi tác giả và phi giá trị. Nhưng việc áp dụng Big Idea của Hayek tới mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta sẽ vô hiệu hóa điều đặc biệt nhất về chúng ta. Đó là, nó gán cái con người nhất về con người – tâm trí và ý muốn của chúng ta – vào trong các thuật toán và thị trường, coi chúng ta như những kẻ bắt chước, zombie, những sự lý tưởng hóa nghèo nàn của các mô hình kinh tế. Việc thúc đẩy ý tưởng của Hayek và nâng cấp một cách triệt để hệ thống giá cả thành một dạng tâm trí thông suốt mọi sự về xã hội có nghĩa là giảm thiểu tầm quan trọng của khả năng tư duy của chúng ta – khả năng đưa ra và đánh giá các biện minh cho các hành động và niềm tin của chúng ta.
Kết quả là, không gian công – không gian mà chúng ta sử dụng lý trí và tranh luận với người khác – không còn là một không gian cho thảo luận, và trở thành một thị trường của những cái click chuột, cái like và retweet. Internet vốn thuộc về sở thích cá nhân được phóng đại bởi thuật toán; một không gian công cộng ảo để cất lên tiếng nói có sẵn trong đầu chúng ta. Thay vì là một không gian tranh luận trong đó chúng ta tạo ra con đường của chúng ta, như một xã hội, hướng tới sự đồng thuận, bây giờ nó là một công cụ khẳng định lẫn nhau, được gọi là “thị trường của các ý tưởng”.
Thứ trông có vẻ như công khai và minh bạch hóa ra chỉ là một sự mở rộng các ý kiến, thành kiến và niềm tin trước đó của riêng chúng ta, trong khi thẩm quyền của các thiết chế và chuyên gia đã bị thay thế bởi logic tổng hợp của dữ liệu lớn (big data). Khi chúng ta truy cập vào thế giới thông qua một công cụ tìm kiếm, kết quả của nó được xếp hạng bằng Google theo phép đệ quy – bởi vô số người dùng cá nhân hoạt động như một thị trường, liên tục và trong thời gian thực.
Gạt sang một bên những tiện ích tuyệt vời của công nghệ số, thì còn có một truyền thống sớm hơn và nhân văn hơn, vốn chi phối trong nhiều thế kỷ, đã luôn luôn tách bạch giữa sở thích và thị hiếu của chúng ta – những ham muốn tìm kiếm sự biểu đạt trên thị trường – và khả năng phản tư về những sở thích ấy, cho phép chúng ta hình thành và thể hiện các giá trị.
Nhà triết học và kinh tế học Albert O Hirschman từng viết: “Một sở thích hầu như được xác định là thứ mà bạn không tranh cãi về nó. Nếu mà bạn tranh cãi về một sở thích, với những người khác hoặc chính mình, thì nó không còn là một sở thích nữa – nó biến thành một giá trị.”
Hirschman đưa ra một phép phân biệt giữa một phần của cái tôi của con người với tư cách là người tiêu dùng, với một phần của cái tôi với tư cách là một người lý tính. Thị trường phản ánh điều mà Hirschman gọi là các sở thích vốn được “tiết lộ bởi các tác nhân khi họ mua hàng hóa và dịch vụ”. Nhưng, như ông đã nói, đàn ông và phụ nữ cũng “có khả năng từ bỏ những mong muốn và sở thích đó của họ, để tự hỏi liệu họ liệu có thực sự muốn những mong muốn và thích sở thích ấy hay không”. Chúng ta tạo ra cái tôi và bản sắc của mình trên cơ sở năng lực phản tư này. Việc sử dụng năng lực phản tư của một cá nhân là lý tính; việc sử dụng tập thể năng lực phản tư này là lý tính công; việc sử dụng lý tính công để làm luật và chính sách là dân chủ. Khi chúng ta đưa ra các lý do cho hành động và niềm tin của mình, chúng ta khiến chúng ta: về phương diện cá nhân lẫn tập thể, đi đến quyết định chúng ta là ai và là gì.
Theo ý tưởng của Big Idea của Hayek, những biểu hiện của tính chủ quan này của con người là vô nghĩa nếu không có sự chấp nhận của thị trường. Khi sự thật khách quan chỉ được quyết định bởi thị trường, tất cả các giá trị khác đều có địa vị của quan điểm đơn thuần; mọi thứ chỉ là tương đối. Nhưng “thuyết tương đối” của Friedman là một thứ có thể bị vứt đi bởi bất cứ yêu sách nào dựa trên lý tính con người. Đó là một sự xúc phạm vô nghĩa, khi tất cả các hoạt động nhân bản đều “tương đối”. Chúng liên quan đến điều kiện (tư) của việc sở hữu một tâm trí, và nhu cầu (công) để lập luận và nắm bắt ngay cả khi chúng ta không mong đợi các bằng chứng khoa học. Khi các cuộc tranh luận của chúng ta không còn được giải quyết bằng việc thảo luận dựa trên lí trí, thì tính thất thường của quyền lực sẽ quyết định kết quả.
Đây là nơi mà chiến thắng của chủ nghĩa tân tự do gặp phải cơn ác mộng chính trị mà chúng ta đang trải qua hiện nay. Dự án vĩ đại của Hayek, như đã được hình thành từ những năm 30 và 40, được thiết kế rõ ràng nhằm ngăn chặn việc trượt chân vào tình cảnh hỗn loạn chính trị và chủ nghĩa phát-xít. Nhưng Big Idea lại là tiền đề cho những điều kinh tởm ấy. Xã hội được tái nhận thức như là một thị trường khổng lồ khiến cho đời sống công bị rơi vào những cuộc tranh cãi vụn vặt; cho đến khi cuối cùng công chúng khi trong cơn thất vọng đã quay sang hướng tới một người hùng (strongman) như là một phương sách cuối cùng để giải quyết các vấn đề khó khăn.
Năm 1989, một phóng viên người Mỹ ghé thăm Hayek lúc đó đang ở tuổi 90. Ông đang sống ở Freiburg, Tây Đức, trong một căn hộ nằm trên tầng ba trong một ngôi nhà ở Urachstrasse. Hai người đàn ông ngồi trong một phòng khách với những ô cửa sổ nhìn ra triền núi, và Hayek, khi ấy đang hồi phục sau cơn viêm phổi, kéo một tấm chăn trùm lên chân rồi bắt đầu nói chuyện.
Đây không còn là anh chàng từng bị ám ảnh bởi thất bại của mình trước Keynes nữa. Thatcher vừa viết cho Hayek trong giai điệu của một chiến thắng ngàn năm. Hayek giờ đây vui vẻ vì chính mình, và lạc quan về tương lai của chủ nghĩa tư bản. Như một nhà báo đã viết: “Đặc biệt, Hayek thấy ngày nay thế hệ trẻ đánh giá cao thị trường hơn. Giờ đây thanh thiếu niên thất nghiệp trong các cuộc bạo loạn ở Algiers và Rangoon không đấu tranh cho nhà nước phúc lợi kế hoạch hóa tập trung, mà cho cơ hội: tự do mua bán – quần jeans, xe ô tô, bất cứ thứ gì – ở bất cứ giá nào mà thị trường quy định”.
Ba mươi năm trôi qua, có thể nói rằng chiến thắng của Hayek là không gì sánh được. Chúng ta sống trong một thiên đường được xây dựng bởi Big Idea của ông. Thế giới càng ngày càng trở nên giống với một thị trường lý tưởng được quản trị chỉ bởi sự cạnh tranh hoàn hảo, thì hành vi của con người cũng ngày càng trở nên tuân theo quy luật hơn. Mỗi ngày, chính chúng ta – chứ không ai phải nói với chúng ta nữa – phấn đấu trở nên hoàn hảo hơn như những kẻ mua và người bán khắp nơi riêng biệt; và mỗi ngày cái ước muốn đề cao chính mình cao hơn một vị khách hàng của thị trường lại càng bị chúng ta coi như một nỗi hoài cổ hay trò thượng lưu.
Thứ gì bắt đầu như là một dạng thức mới của quyền lực tri thức, bắt nguồn từ một thế giới quan phi chính trị, thì lại dễ dàng rơi vào một nền chính trị cực kỳ phản động. Các nhà kinh tế học cho rằng cứ thứ gì không thể định lượng được thì không có thực, song vậy thì làm thế nào mà bạn có thể đo lường được những lợi ích của các niềm tin cốt lõi của Khai sáng – cụ thể như là tư duy phê phán, tự trị cá nhân, và chính quyền dân chủ? Khi chúng ta chối từ không coi lý trí như là một hình thức của chân lý, và coi khoa học là trọng tài duy nhất của cả thực tại và chân lý, thì chúng ta đang tạo ra một mảng khuyết mà nền khoa học giả tạo đã sẵn sàng để lấp vào.
Thẩm quyền của giáo sư, nhà cải cách, nhà lập pháp hay luật gia không bắt nguồn từ thị trường, mà từ những giá trị nhân văn như tinh thần công, lương tâm, hoặc niềm khao khát công lý. Từ lâu trước khi chính quyền Trump bắt đầu tự đánh mất phẩm giá của chính họ, thì những điều này đã bị làm xói mòn bởi một mô hình giải thích vốn không thể giải thích nổi. Chắc chắn có một mối liên hệ nào đó giữa tính không thích hợp ngày càng gia tăng của chúng và sự đi lên của Trump, một kết quả của những ý muốn bất chợt thuần túy, một con người không có nguyên tắc hoặc niềm tin để tạo ra một cái tôi nhất quán. Một người không có tâm trí, đại diện cho sự hoàn toàn thiếu vắng lý tính, đang điều hành thế giới; hoặc ít ra là đang hủy hoại nó. Tuy nhiên, với tư cách một gã đầu tư bất động sản khôn ngoan ở Manhattan, Trump biết rằng, tội lỗi của ông ta không bị thị trường trừng phạt.