Tôi hoàn toàn không đồng ý lẫn không đồng tình với status của phóng viên Đào Tuấn về cô hoa hậu mới đăng quang H’Hen Niê.
Tôi hoàn toàn ủng hộ dư luận phê phán Đào Tuấn và gây sức ép đối với báo Lao Động để xử lý Đào Tuấn.
Tôi cũng sẽ hoàn toàn ủng hộ cả hai tay hai chân nếu cô hoa hậu khởi kiện Đào Tuấn ra toà dân sự.
Nhưng Bộ Thông tin – Truyền thông đòi xử lý Đào Tuấn? Không. Đó là một hành vi vượt quá giới hạn công quyền.
Ta hãy xem xét thông tin sau được đăng trên Tuổi Trẻ:
“Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Cục Báo chí phối hợp với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Hội Nhà báo Việt Nam, báo Lao Động và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi nêu trên; báo cáo Bộ Thông tin và truyền thông, Ban Tuyên giáo trung ương kết quả xử lý.”
Và:
“Ngày 8-1, Cục Báo chí đã có công văn số 26/CBC-BCTƯ đề nghị tổng biên tập báo Lao Động chỉ đạo phóng viên Đào Tuấn giải trình; căn cứ quy định pháp luật, quy chế của báo xử lý theo quy định và báo cáo kết quả xử lý trước ngày 12-1.”
Chỉ qua sự việc đơn giản nêu trên, ta đã thấy đến ba hành vi vượt quá giới hạn công quyền.
Một, Bộ TT-TT chỉ đạo báo Lao Động phải xử lý phóng viên Đào Tuấn.
Sự việc Đào Tuấn chê bai cô H’Hen Niê trước hết xuất phát từ một status trên trang facebook cá nhân của Đào Tuấn và không liên quan đến báo Lao Động. Đầu tiên và trên hết, nó là việc riêng giữa Đào Tuấn và hoa hậu H’Hen Niê. Người với người chê nhau, miệt thị nhau là chuyện bình thường trong xã hội. Cái mác “phóng viên” và “hoa hậu” của hai đương sự không làm bản chất của sự việc khác đi.
Tuy nhiên, báo Lao Động cũng có thể xử lý kỷ luật Đào Tuấn nếu hợp đồng lao động giữa hai bên hoặc bộ quy tắc ứng xử của báo Lao Động có quy định. Và đó là việc riêng giữa Đào Tuấn và báo Lao Động, không liên quan đến bất kỳ bên thứ ba nào khác.
Xét trong cả hai trường hợp trên, Bộ TT-TT hoàn toàn không có phận sự liên quan để can thiệp.
Hai, Bộ TT-TT chỉ đạo Hội Nhà báo Việt Nam xử lý phóng viên Đào Tuấn.
Lần này Bộ không can thiệp vào một cơ quan báo chí, mà là vào một tổ chức xã hội nghề nghiệp độc lập, có con dấu riêng và “chủ quyền” riêng. Hội Nhà báo Việt Nam có quy chế thành viên, có Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, và việc xử lý vi phạm đối với hội viên là việc riêng của họ. Bộ TT-TT không có phận sự liên quan đến công tác riêng của một hội nghề nghiệp, cũng như không có quyền chỉ đạo hội cần phải làm cái gì. Nếu không muốn nói, Hội Nhà báo còn có thể lên án hành vi lạm quyền này và bảo vệ hội viên của mình trước sự đe doạ của Bộ TT-TT, đúng như tôn chỉ bình thường của một tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Ba, yêu cầu báo Lao Động phải báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ban Tuyên giáo Trung ương là một cơ quan của đảng Cộng sản Việt Nam – vốn là một đảng phái không có đăng ký và đáng ra về tư cách pháp lý không có gì cao hơn một hội sinh vật cảnh của các cụ về hưu. Báo Lao Động là một cơ quan trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một tổ chức khác với đảng Cộng sản Việt Nam. Không có lý do gì báo Lao Động lại phải báo cáo cho một cơ quan trực thuộc một tổ chức khác. Hơn thế nữa, Bộ TT-TT là một cơ quan nhà nước, vốn không có thẩm quyền chỉ đạo tờ báo của một tổ chức dân sự này phải báo cáo cho một cơ quan của một đảng phái nọ.
Có thể nói tóm gọn lại, mâm cỗ này không có chỗ cho Bộ TT-TT.
Bạn có thể nói rằng thực tiễn chính trị Việt Nam hiện nay là như thế và những yêu cầu như vậy là đúng quy định. Tôi không phủ nhận chuyện đó, nhưng cái thực tiễn chính trị đó đang tuân theo một trật tự mà theo lẽ thường là rất bất hợp lý. Cái trật tự bất hợp lý đó đặt một cơ quan công quyền như Bộ TT-TT vào một chỗ không phải của nó, trao cho nó quá nhiều quyền hành trong việc sai bảo xã hội cần phải làm gì.
Cổ xuý cho việc Bộ TT-TT đòi xử lý Đào Tuấn không có gì khác hơn là cổ xuý cho hành vi lạm dụng công quyền để xâm hại đến tự do của xã hội. Ngày hôm nay ta có thể hài lòng với việc nhà nước xử lý việc Đào Tuấn chê bai cô hoa hậu, ngày mai ta sẽ phải nghĩ lại khi nhà nước xử lý một blogger chê bai quan chức chính quyền, ngày mốt ta sẽ không còn thấy hợp lý nữa khi nhà nước xử lý một phóng viên viết bài về chủ quyền biển đảo.
Nhà nước không có thẩm quyền đứng ra phân xử ai nói đúng, ai nói sai cho đến khi đương sự yêu cầu (tức là khởi kiện nhau ra toà). Việc của nhà nước là tôn trọng và tạo ra những điều kiện tốt nhất cho người dân được nói, và để cho người dân tự giải quyết những mâu thuẫn dân sự của nhau.
Trung tâm của việc cải cách xã hội ở Việt Nam không có gì khác hơn là đặt nhà nước về đúng vị trí của nó.