Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trong một động thái bất ngờ và đầy tranh cãi, hôm nay, chính phủ Philippines đã quyết định thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh của Rappler, một trong những tờ báo điện tử lớn nhất và phổ biến nhất ở nước này.
Quyết định trên được Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Philippines (SEC) đưa ra sáng nay. SEC là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thị trường chứng khoán và đăng ký kinh doanh ở Philippines.
Động thái này của SEC được chú ý đặc biệt bởi Rappler không chỉ làm tờ báo điện tử hàng đầu của Philippines, mà nó còn là đối tượng bị Tổng thống Duterte nhắm đến từ khi ông này lên nhậm chức vào tháng 7/2016.
Trong diễn văn trước Quốc hội vào ngày 24/7/2017, Tổng thống Duterte cáo buộc Rappler hoàn toàn do người nước ngoài sở hữu. Nếu điều này là sự thật, nó sẽ là “án tử” cho một tờ báo của Philippines, vì Hiến pháp nước này quy định các tổ chức truyền thông đại chúng phải do người Philippines sở hữu 100%.
Đây cũng chính là lý do mà SEC dựa vào để thu hồi giấy phép của Rappler. Cụ thể, Rappler có một nhà đầu tư nước ngoài là Omidyar Network, một quỹ đầu tư của Pierre Omidyar, người sáng lập trang thương mại điện tử nổi tiếng eBay. Do đó, SEC cho rằng Rappler đã vi phạm Hiến pháp.
Giải thích về điều này, Rappler cho biết, mặc dù là nhà đầu tư nhưng quỹ Omidyar Network không “sở hữu” Rappler. Điều này xuất phát từ việc Omidyar Network chỉ sở hữu chứng chỉ lưu ký (depositary receipt) của Rappler dành cho nhà đầu tư nước ngoài để hưởng lợi nhuận chứ không có quyền biểu quyết, quyền tham gia vào hội đồng quản trị hay tham gia vào bất kỳ hoạt động điều hành nào của tờ báo.
“Họ đầu tư, chứ không sở hữu. Rappler vẫn do người Philippines sở hữu 100%”, Rappler cho biết.
Trong một cuộc họp báo cũng diễn ra ngày hôm nay, phát ngôn viên của Phủ Tổng thống cho biết họ “tôn trọng quyết định của SEC” và Rappler “có quyền theo đuổi mọi cơ chế pháp lý trước khi quyết định này có hiệu lực”.
Được nhà báo kỳ cựu của CNN Maria Ressa cùng một số người khác sáng lập năm 2011 và đăng ký kinh doanh năm 2012, Rappler từ một tờ báo điện tử nhỏ đã nhanh chóng trở thành một trong những gã khổng lồ truyền thông của đất nước hơn 100 triệu dân này. Tuyên bố trung thành với nguyên tắc báo chí độc lập, Rappler nằm ngoài tầm kiểm soát của Tổng thống Duterte khi liên tục đăng những bản tin bất lợi cho ông này liên quan đến cuộc chiến chống ma tuý đầy tranh cãi đã giết chết gần 10 nghìn người, hay phê phán các chính sách khác của tổng thống.
Trong một thư gửi độc giả ngày hôm nay, Rappler tuyên bố sẽ không chỉ thách thức quyết định này bằng mọi công cụ pháp lý có thể, mà còn “đấu tranh cho quyền tự do báo chí và quyền được lắng nghe thông qua một nền tảng độc lập như Rappler”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin đến cho các bạn, giám sát các hành động và quyết sách của chính quyền, kêu gọi mọi người chú ý đến những sai lầm của chính quyền vốn làm cho những người đã yếu thế lại còn yếu thế hơn”, tuyên bố nói.
Là một quốc gia dân chủ, báo chí ở Philippines được tổ chức Phóng viên Không biên giới đánh giá là “tương đối tự do và đa dạng” và xếp hạng thứ 127 trên 180 quốc gia được khảo sát. Các công ty tư nhân được tự do mở báo và không bị kiểm duyệt nội dung.
Động thái đóng cửa Rappler ngày hôm nay khiến giới quan sát ngày càng lo ngại hơn về xu hướng thắt chặt tự do ở đất nước Đông Nam Á này. Trong một báo cáo vào tháng 3/2017, tổ chức Phóng viên Không biên giới cho rằng sự nổi lên của Duterte là rất đáng quan sát.