Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Một điều thú vị là ngôn ngữ pháp lý của người Anh không chỉ có nhiều từ có gốc trực tiếp từ tiếng Latinh mà còn có khá nhiều các từ có gốc là tiếng Pháp, thứ tiếng của dân tộc từng xâm lăng và chiếm đóng quốc gia họ.
Người Pháp, người Anh, và tiếng Pháp
Nếu bạn có theo dõi các sản phẩm văn hóa đại chúng từ Anh như sách truyện hay phim ảnh thì chắc bạn sẽ dễ dàng nhận ra một hiện tượng tâm lý phổ biến: người Anh khá là… ghét người Pháp (và thực tế là từ phía bên kia eo biển Manche, người Pháp cũng sẵn sàng tỏ ra là họ chả ưa gì người Anh).
Một tác giả người Anh từng viết một cuốn sách về lịch sử với giọng văn hài hước hồi năm 2010, có tên “1000 năm quấy phá đám người Pháp” (1000 years of annoying the French). Cuốn sách khá ăn khách.
Danh hài Rowan Atkinson, chắc nổi tiếng tại Việt Nam hơn với vai anh chàng ngốc nghếch xấu bụng Mr. Bean, thì từng có một tiểu phẩm hài độc thoại mà trong đó ông đóng vai Quỷ Sứ đón tiếp những người mới chết vừa xuống địa ngục.
Tên Quỷ Sứ này chia đám người mới tới ra thành nhiều nhóm theo tội lỗi: những kẻ giết người đi ra kia, những tên trộm cướp đi ra đây, à rồi luật sư (vâng, luật sư!) đi ra kia… Sau đó là các nhóm tội lỗi tày đình khác.
Rồi bất ngờ tên Quỷ Sứ rất là… quỷ sứ hỏi to: “Ờ, đám người Pháp, các người có ở đây không? Ờ, qua kia đứng với nhóm mấy người Đức kìa.”:
Tràng cười rộn rã và những tiếng vỗ tay từ khán giả với chi tiết “đám người Pháp dưới địa ngục” đó chính là một bằng chứng khá rõ rệt cho cái tâm lý thích móc mỉa, chọc phá chơi khăm người Pháp của dân Anh.
Vậy phải chăng thái độ tị hiềm qua lại đó giữa người Anh và người Pháp chỉ là do họ đã phải chung chia cái eo biển Manche với nhau quá lâu mà sinh tật?
Thực ra có nhiều yếu tố lịch sử. Mối quan hệ giữa người Pháp và người Anh qua nhiều thế kỷ có vẻ phần nào giống với mối quan hệ giữa người Việt và người Trung Quốc: nhiều cuộc chiến tranh và xâm lược qua lại giữa hai bên tạo ra những ức chế tồn đọng từ lịch sử đã đi vào tiềm thức văn hóa mỗi dân tộc.
Dù hai bên trong lịch sử đã có thắng thua đủ cả, nhưng người Anh lại có vẻ có nhiều ẩn ức chống đối người Pháp hơn bởi vì họ từng bị người Pháp xâm chiếm và đô hộ đến hơn cả nửa thế kỷ trong cuộc xâm lăng năm 1066 của người Norman.
Người Norman thời thế kỷ 11 là dân từ vùng Normandy của Pháp, họ có gốc là người Viking từ Bắc Âu nhưng đã sống ở Pháp lâu nên thấm nhuần văn hóa và ngôn ngữ Pháp.
Sau khi đánh bại các vị vua và lãnh chúa tại Anh để thống nhất cả nước này về tay mình, các vị vua người Norman đã mang vào Anh quốc hệ thống quản trị nhà nước của họ (vốn gián tiếp giúp cho tư duy án lệ rất riêng của người Anh ra đời).
Người Norman dĩ nhiên chả thèm học tiếng của những kẻ người Anh chiến bại. Thế nên, tiếng Pháp theo chân người Norman bỗng nhiên lên ngôi trở thành thứ ngôn ngữ hành chính và quý tộc tại Anh suốt nhiều thập niên kể từ năm 1066.
Gốc gác gươm đao đó chính là nguồn gốc cho một hiện tượng ngôn ngữ thú vị: trong tiếng Anh có những cặp từ ngữ song đôi tuy khác nhau nhưng cùng chỉ một thứ.
Một ví dụ khá gần gũi: con heo trong tiếng Anh là “pig”, nhưng từ hay dùng để chỉ thịt heo tại Anh không phải là “pig meat”, mà là “pork”. Đi vào siêu thị hay đến các nhà hàng tại Anh, bạn sẽ luôn thấy thịt heo được gọi là “pork”. Một yêu cầu “pig meat” rất có thể khiến bạn phải nhận vài cái nhướng mày ngạc nhiên của những người phục vụ nhà hàng!
Từ “pork” không hề có gốc từ tiếng Anh bản xứ, mà chính là một phiên bản địa phương hóa từ tiếng Pháp “porc”, mang nghĩa đen chỉ thịt heo.
Tương tự, bò là “cow”, nhưng thịt bò là “beef” (từ tiếng Pháp cổ “boef”). Cừu là “sheep”, nhưng thịt cừu là “mutton” (từ tiếng Pháp cổ “mouton”).
Sự áp đặt việc dùng tiếng Pháp tại Anh của người Norman không đủ lâu để hoàn toàn làm biến mất tiếng Anh nhưng nó khiến cho tiếng Anh có rất nhiều các yếu tố và từ vựng có gốc gác từ thứ tiếng Pháp cổ mà người Norman đã mang vào Anh quốc (có nghiên cứu cho thấy tiếng Pháp là nguồn đóng góp vào ngữ vựng tiếng Anh cao nhất, chỉ sau tiếng Latinh).
Thế nên, dù ghét người Pháp cách mấy thì người Anh thường vẫn đề R.V.S.P. (viết tắt cụm từ tiếng Pháp “Répondez s’il vous plait”, nghĩa là “Làm ơn đáp lời”) trên đầu các tấm thiệp mời đám cưới hay mời dự tiệc của mình, và một chàng trai người Anh thì vẫn phải gọi người mình sắp lấy bằng từ “fiancé” (cũng từ từ gốc Pháp).
Bên cạnh các từ mượn thẳng nói trên, bằng nhiều cách, bạn có thể nhận diện ra rất nhiều từ gốc Pháp khác đã trở thành thông dụng trong ngôn ngữ Anh hiện đại (mách nhỏ: cứ kiếm mấy từ có đuôi -able hay -ible, hoặc cứ liên quan đến ẩm thực là y chóc bạn sẽ tìm được từ gốc Pháp. Người Norman chắc hẳn đã là những kẻ sành ăn thượng hạng!)
Và dĩ nhiên, vì người Norman mang tiếng Pháp vào nước Anh để dùng quản lý nhà nước, đặt ra luật lệ cho muôn dân, tiếng Pháp đóng một vai trò to lớn hình thành ra ngôn ngữ pháp lý tiếng Anh hiện đại.
Law French – Từ gốc Pháp trong luật pháp Anh
Khối lượng các từ vựng gốc Pháp hay mang yếu tố Pháp trong tiếng Anh pháp lý đủ lớn để người ta có cả tên riêng cho cả một mảng ngôn ngữ này, Law French.
Có thể điểm qua lịch sử của Law French tại Anh như sau.
Người Norman áp đặt tiếng Pháp tại Anh từ năm 1066 nhưng họ chỉ nắm quyền hơn nửa thế kỷ. Ngay cả khi các vị vua gốc Anh lên nắm quyền lại thì thói quen nói và viết bằng tiếng Pháp vẫn được giới vua chúa quý tộc Anh (vốn cũng phần nhiều là người gốc Norman đã định cư lâu năm tại Anh) tiếp tục trong nhiều thế kỷ sau.
Suốt từ thế kỷ 11 tới thế kỷ 13, tiếng Pháp (thường có trộn lẫn tiếng Latinh và thỉnh thoảng cả tiếng Anh bản địa) là thứ tiếng được dùng trong các tài liệu hành chính và tòa án tại Anh. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính được dùng tại các tòa án của Anh trong suốt giai đoạn đó.
Tuy nhiên, cho dù giới quý tộc và quan lại có chủ yếu nói tiếng Pháp thì người bình dân Anh vẫn cứ khăng khăng dùng thứ tiếng Anh bản địa của họ.
Sự chông chênh này khiến cho giới cầm quyền tại Anh lo lắng và dẫn đến việc Quốc hội Anh ban hành Đạo luật dùng tiếng Anh trong biện hộ năm 1362. Đạo luật này bắt buộc việc dùng tiếng Anh bản xứ khi tranh tụng tại tòa án Anh. Thứ tiếng được dùng để ghi chép tại tòa thì phải là tiếng Latinh.
Tuy nhiên, thói quen dùng tiếng Pháp pháp lý vẫn cứ “cứng đầu” tồn tại trong giới luật sư và quan tòa Anh trong nhiều thế kỷ tiếp theo.
Phải đến thế kỷ 17 thì việc nói tiếng Pháp pháp lý tại Anh mới dần rơi vào quên lãng. Tiếng Pháp pháp lý dần chuyển sang chỉ tồn tại trên văn bản, nhưng ngay tại đó thì sức sống của nó vẫn mãnh liệt.
Trong một nghiên cứu thú vị, nhà sử học chuyên nghiên cứu lịch sử luật pháp Anh là Fredric William Maitland đã ghi nhận rằng sang đến cả thế kỷ 18, nghĩa là hơn 300 năm từ khi có luật cấm dùng tiếng Pháp pháp lý tại tòa, thì người Anh vẫn còn thói quen ghi đồng thời cả tiếng Pháp và tiếng Latinh trong các giấy tờ, ghi chép tại tòa án Anh.
Họ ghi như vậy để mọi thứ có thể được đọc một cách nhanh chóng và dễ hiểu hơn cho các thẩm phán người Anh, tuy nói tiếng Anh nhưng lại hiểu luật dễ dàng hơn bằng tiếng Pháp.
Maitland đặc biệt thú vị với lời của một thẩm phán người Anh sống vào đầu thế kỷ 18. Ông này đã thẳng thừng nói:
“Luật pháp hiếm khi nào có thể được chuyển tải đàng hoàng bằng tiếng Anh.”
Theo Maitland, có một dây các nghịch lý rất thú vị đã diễn ra trong lịch sử: người Anh có tự ái dân tộc cao nhưng đã phải chấp nhận dùng tiếng Pháp pháp lý vì nó giúp cho ngôn ngữ pháp lý tại Anh có một tính kỹ thuật (technical) cao hơn hẳn việc dùng tiếng Anh bản địa. Trong quá trình đảm bảo tính kỹ thuật cao của ngôn ngữ pháp lý Anh như thế, người Anh lại vô tình khiến cho luật pháp Anh có một tính chất độc đáo không đâu có được. Tính chất độc đáo này lại khiến cho luật pháp Anh trở nên “độc lập tự tôn”, “chính hiệu dân tộc”, ít tiếp nhận ảnh hưởng từ luật pháp nước ngoài.
Vậy tiếng Pháp “thổi bùng sức mạnh kỹ thuật” vào tiếng Anh pháp lý như thế nào?
Maitland chỉ ra rằng phần lớn các từ ngữ dùng để diễn tả các hành vi và các quy trình trong tư duy logic và trong tranh biện bằng tiếng Anh đều đến từ tiếng Pháp cổ, hay chính là thứ tiếng Pháp của người Norman.
Cụ thể là các động từ:
Và các danh từ:
Như vậy, các từ gốc Pháp như những viên gạch làm nền tảng cho các luật sư và thẩm phán người Anh đóng khung vào đó các tư duy pháp lý của họ.
Bên cạnh những từ mà Maitland đã nói đến ở trên, vốn là những từ đã đi vào lòng tiếng Anh, biến thành những từ thông dụng trong cuộc sống nói trên, có thể kể đến một số từ tiếng Anh pháp lý vẫn “lồ lộ” tính Pháp như sau:
Không chỉ là những viên gạch định hình tư duy, từ gốc Pháp còn là những viên gạch xây lên cả một quy trình xử án tại tòa cho nền thông luật.
Tiến trình tiến hóa của tiếng Anh pháp lý như vậy đã khó mà có thể phát triển nhanh chóng và sâu rộng đến thời hiện đại, nếu như bản thân giới luật gia, luật sư và thẩm phán người Anh không chịu cương quyết dùng, hay chí ít là mượn thật nhiều từ tiếng Pháp vào tiếng Anh để giúp minh định các tư duy pháp lý của họ. Những tư duy đó đã xây nên hệ thống thông luật (common law) lừng danh vốn sau này được tiếp nhận và phát triển vượt bậc bởi những quốc gia hàng đầu thế giới như Mỹ, Úc, và Canada.
Dù ghét người Pháp tới đâu đi nữa, người Anh vẫn nợ họ một lời “Merci” to đùng cho những đóng góp sâu sắc đó của ngôn ngữ Pháp vào tiếng Anh và luật pháp Anh.
Tài liệu tham khảo: