Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Ông quận phó Đoàn Ngọc Hải có thể từ chức để thể hiện trách nhiệm chính trị, nhưng còn đó những câu hỏi lớn về trách nhiệm pháp lý của ông mà cho đến nay chưa được giải quyết.
Ông quận phó Đoàn Ngọc Hải từ chức, lấy lý do “không thực hiện được lời hứa với nhân dân, trước kỳ vọng của các đồng chí lão thành cách mạng về việc lập lại trật tự vỉa hè”.
“Khâm phục”, “ngưỡng mộ”, “đáng khen” là phản ứng chủ đạo trên báo chí và mạng xã hội từ khi biết tin đến nay.
Tồn tại một khả năng ông Hải từ chức vì giữ lời hứa “cởi áo về vườn” thật, và nếu đúng thì quả là một điều đáng khen. Nhưng với cách vận hành quyền lực không phụ thuộc vào lá phiếu của người dân như chính quyền hiện nay, tôi giữ một thái độ thận trọng và hoài nghi về động cơ từ chức này.
Trên hết, hành động từ chức của ông Hải, nếu có là điểm cộng, cũng không đủ để “xí xoá” cho tất cả những thiệt hại mà ông đã gây ra và những câu hỏi về trách nhiệm pháp lý còn treo lơ lửng trên vỉa hè quận 1.
Vẫn còn đó những tranh cãi pháp lý chưa có hồi kết về việc ông Hải xử lý vỉa hè theo Luật Giao thông Đường bộ như vậy có đúng hay không, hay phải tuân thủ đúng quy trình trong Luật Xử lý Vi phạm Hành chính.
Vẫn còn đó câu hỏi liệu ông Hải có phạm tội huỷ hoại tài sản của người khác hay không.
Vẫn còn đó câu hỏi về việc có nên đẩy người dân buôn bán nhỏ trên vỉa hè vào cảnh mất kế sinh nhai hay không.
Vẫn còn đó câu hỏi về việc hàng loạt bãi gửi xe “vua” ở quận 1 không hề bị đụng đến trong suốt một năm diễn ra chiến dịch của ông Hải.
Vẫn còn đó câu hỏi về việc có hay không nạn cán bộ phường ăn tiền của các hộ dân và không hề bị ông Hải xử lý.
Những câu hỏi đó vẫn treo lơ lửng trên đầu người dân quận 1. Trong khi chưa ai trả lời được cho họ thì họ đã phải chịu thiệt hại là những bậc thềm bị cày nát, những bàn ghế nồi niêu xoong chảo tủ kính bị tịch thu, những ngày làm ăn thất bát, và những bất tiện khác xảy ra trong cuộc sống của mình.
Đó là những thiệt hại xảy đến bất chợt, không dự báo được, người dân không có cơ hội được giải thích, và cũng không có cơ hội được lựa chọn một phương án khác đỡ thiệt hại hơn. Tất cả những gì họ thấy là ông quận phó đùng đùng mang quân đi càn quét.
Thông thường, người ta từ chức vì hai lý do: làm sai hoặc làm kém/không hiệu quả.
Chiến dịch càn quét vỉa hè của ông Hải cho thấy rõ là không có hiệu quả như ông thừa nhận trong đơn từ chức. Ông có thể từ chức để chịu trách nhiệm chính trị cho việc này.
Nhưng không chỉ có thế, tồn tại một khả năng rất lớn là ông đã làm sai chính quy định của Luật Xử lý Vi phạm Hành chính. Do đó, ngoài trách nhiệm chính trị, ông còn phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Đến đây, người dân có quyền đòi hỏi chính quyền khởi động một tiến trình xem xét trách nhiệm pháp lý của ông Hải để trả lời tất cả những câu hỏi bên trên.
Những việc gì có thể được tiến hành?
Những hộ dân, doanh nghiệp bị thiệt hại có thể yêu cầu Uỷ ban Nhân dân quận 1 tổ chức một cuộc đối thoại với ông Hải và các đại diện khác của chính quyền.
Những người bị thiệt hại cũng có thể khởi kiện hành vi hành chính của ông Hải ra toà án hành chính thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu toà trả lời xem việc làm của ông Hải có đúng pháp luật hay không. Nếu không đúng thì quận 1 phải bồi thường cho họ.
Nếu vụ việc có dấu hiệu phạm tội huỷ hoại tài sản của người khác hoặc một tội gì đó khác thì phải tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.
Hội đồng Nhân dân quận 1 có thể tổ chức các phiên chất vấn đối với ông Hải, yêu cầu ông phải giải thích việc làm của mình. Việc này lẽ ra đã phải làm từ ngay sau khi ông Hải ra quân đợt đầu tiên và nếu phát hiện thấy ông Hải sai thì đã có thể tiến hành miễn nhiệm ông ấy ngay.
Viết ra những điều này, tôi cũng hoàn toàn hiểu đó là những việc bất khả trong hệ thống chính trị hiện nay. Người dân có đòi quận 1 phải tổ chức đối thoại được không? Họ nộp đơn kiện thì có được toà thụ lý hay không? Nếu toà thụ lý thì liệu phiên toà có diễn ra công bằng không hay sẽ thiên vị phía nhà nước? Hội đồng Nhân dân có bất kỳ động lực nào để tiến hành chất vấn ông Hải hay không?
Câu trả lời cho những câu hỏi trên, rất tiếc, nhiều khả năng là “không”.
Ông Hải từ chức, nhưng trách nhiệm pháp lý của ông còn lơ lửng trên vỉa hè quận 1. Chừng nào trách nhiệm đó còn chưa được làm rõ thì việc từ chức của ông không có nhiều ý nghĩa. Trong một cơ chế mơ hồ mênh mang sương khói như vậy, một ông Hải khác có thể xông ra bất cứ lúc nào.
Xã luận: Ông quận phó thượng tôn hay không thượng tôn pháp luật?