Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Không biết bao nhiêu máu đã đổ suốt lịch sử các cuộc nổi dậy khắp thế giới trên hành trình tìm tới một thể chế tốt đẹp hơn. Song dẫu tốt đến mấy, chắc chắn không một mạng người nào đáng bị đem ra đánh đổi.
Đau đáu trước những cuộc cách mạng đẫm máu, cũng như Gandhi hay Martin Luther King, Gene Sharp đã dành nhiệt tâm cả đời để tìm kiếm giải pháp đấu tranh thay thế. Tiếc thay, chặng đường nghiên cứu sôi nổi ấy đã ngừng lại, khi ông vừa qua đời ngày 28/1 vừa qua tại nhà riêng ở Boston.
Nếu không kể làng học thuật và giới hoạt động, có lẽ ít người từng nghe nhắc tới tên Sharp. Song tầm ảnh hưởng của ông đối với những cuộc cách mạng trên thế giới quả không hề nhỏ.
Ông chính là người đã lên giáo án và viết hàng chục cuốn sách về đấu tranh phi bạo lực. Những công trình nghiên cứu của ông không chỉ là nguồn tư liệu về chiến lược và thủ thuật đấu tranh cho các nhà hoạt động, mà còn truyền cảm hứng cho rất nhiều cuộc phản kháng như Cách mạng Cam ở Ukraine hay Mùa Xuân Ả Rập.
Cách mạng Euromaidan lật đổ chính phủ Ukraine năm 2014. Ảnh: Business Insider.
Sharp lấy bằng cử nhân và bằng thạc sỹ tại Đại học Bang Ohio, rồi theo học tiến sỹ tại Đại học Oxford. Vào năm 1965, ông trở thành viện sỹ nghiên cứu tại Trung tâm Các Vấn đề Quốc tế tại Đại học Harvard và tiếp tục làm việc ở đây trong suốt 30 năm. Ông cũng là giáo sư ngành khoa học chính trị và xã hội học tại Đại học Massachusetts Dartmouth.
Jamila Raqib, giám đốc điều hành của Viện Albert Einstein, một tổ chức chuyên nghiên cứu về hành động phi bạo lực do chính Sharp sáng lập, nói trên tờ The Guardian rằng niềm đam mê của Sharp đối với việc trao trả quyền lực cho người dân – với niềm tin rằng con người có thể phản kháng thành công bằng các phương tiện phi bạo lực – đã làm nổi giận những nhà độc tài từ Hugo Chaves tới Slobodan Milosevic, từ các chế độ chuyên quyền ở Nga cho tới Angola.
Người mà Sharp chịu ảnh hưởng từ buổi đầu đi vào nghiên cứu chính là Mahatma Gandhi. Thời mới tới New York sau khi tốt nghiệp đại học, Sharp vừa làm bồi bàn vừa dành thời gian rảnh để soạn cuốn sách đầu tay mang tên “Gandhi trang bị vũ khí quyền lực đạo đức: ba trường hợp lịch sử”.
Thông qua những nghiên cứu của mình, Sharp đã truyền bá tư tưởng về triết lý đấu tranh phi bạo lực trên khắp thế giới. Cuốn sách nổi tiếng nhất của Sharp có lẽ là “Từ độc tài tới dân chủ” xuất bản hồi đầu những năm 1990. Sau khi mới ra mắt, cuốn sách đã nổi tiếng ngay tắp lự và lan rộng thành một làn sóng trong giới đấu tranh, nhất là ở Burma. Người ta in trộm nó rồi lén chuyền tay nhau đọc. Có những người bị kết án bảy năm tù khi chính quyền quân sự nước này phát hiện thấy họ lưu giữ sách của Sharp.
Cuốn “Từ độc tài tới dân chủ” của Sharp. Ảnh: Ruaridh Arrow.
Từ Burma, cuốn sách được lan truyền tới Indonesia rồi Serbia, và trở thành nguồn cảm hứng cho Mùa Xuân Ả Rập. Giờ đây, khi bàn tới năm chữ “đấu tranh phi bạo lực”, người ta luôn nghĩ tới cuốn cẩm nang này của Sharp. Nó đã được dịch sang hàng chục thứ tiếng và được dùng làm tư liệu trực tiếp trong rất nhiều cuộc phản kháng.
Cốt lõi tư tưởng của Sharp về đấu tranh phi bạo lực là, ông luôn tin rằng quyền lực của người dân có thể đánh bại những kẻ độc tài, thúc đẩy những người lãnh đạo cuộc phản kháng đối mặt với nỗi sợ và bạo lực, bởi những kẻ áp bức sẽ chẳng thể nào cai trị nếu không được người dân ủng hộ.
Theo Sharp, các hành động đấu tranh phi bạo lực có thể lấy đi những cột trụ của chế độ, như thể loài mối gặm nhấm thân cây. Dần dà, mọi thứ sẽ sụp đổ.
Sharp đã cụ thể hóa tư tưởng của mình bằng cách liệt kê ra một danh sách 198 phương pháp hành động phi bạo lực, phân loại theo mức rủi ro, sự chuẩn bị, và cường độ của hành động. Có thể kể ra vài phương pháp nổi bật như “sơn vẽ để phản đối”, “biến lễ an táng thành biểu tình”, hay “tẩy chay các cuộc bầu cử”.
Song Sharp không chỉ đơn thuần là một nhà tư tưởng tháp ngà.
Chính ông đã từng bị bắt khi từ chối tuân theo chế độ cưỡng bách quân sự trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ với Hàn Quốc, khi còn là một anh chàng 25 tuổi. “Tôi chọn bất tuân dân sự”, Sharp nói. Kết quả là ông bị Cục Điều tra Liên bang (FBI) bắt và giam giữ tại một nhà tù liên bang, bị kết án hai năm tù, song được thả sau 9 tháng 10 ngày giam giữ.
Trong những ngày bị cầm tù, Sharp thường thư từ qua lại với nhà vật lý nổi tiếng Albert Einstein. Chính Einstein là người đã viết lời bạt cho cuốn sách đầu tay về Gandhi của Sharp, mô tả nó như “tác phẩm nghệ thuật của một sử gia bẩm sinh”, và rằng “làm thế nào mà một chàng trai trẻ tuổi lại có thể viết nên một tác phẩm chín chắn đến vậy?”
Sau khi ra tù, Sharp thực sự bắt tay vào công việc nghiên cứu chuyên nghiệp, và tham gia tổ chức các buổi tập huấn về phản kháng phi bạo lực suốt nhiều năm ở khắp các quốc gia.
Có lẽ chính vì vậy Sharp luôn bị coi là “kẻ thù” của nhiều chính quyền độc tài.
Chẳng hạn như chính quyền Iran năm 2009 nói rằng Sharp nằm trong số những người Mỹ lên kế hoạch tiến hành một cuộc “cách mạng nhung” tại nước này. Sharp không thừa nhận bất kỳ vai trò nào trong cơn náo động ở Iran, nhưng ông cho rằng bản thân sẽ rất hài lòng nếu các nghiên cứu của ông giúp ích được cho người dân Iran phát động được các cuộc phản kháng một cách hòa bình.
Còn ở Burma năm 1996, chính quyền độc tài buộc tội bốn công dân Mỹ, trong đó có Sharp, theo tội danh móc nối với quân phiến loạn và liên kết với nhà hoạt động dân chủ Aung San Suu Kyi nhằm lật đổ chính quyền.
Song tất cả những gai góc ấy như củng cố thêm cho con đường đấu tranh của Sharp, dù là án tù khi trẻ và những lời buộc tội lúc về già. Cho đến tận những năm cuối đời, Sharp vẫn miệt mài với lý tưởng đấu tranh phi bạo lực. Nói như Noam Chomsky và Howard Zinn cùng hàng trăm học giả khác trong một lá thư ủng hộ Gene Sharp năm 2008, thì “những nghiên cứu của Sharp là thứ đã truyền cảm hứng cho những thế hệ nhà hoạt động thúc đẩy hòa bình, lao động, bình quyền, nhân quyền, môi trường, và công lý xã hội, ở nước Mỹ lẫn ở khắp nơi trên thế giới.”
Tài liệu tham khảo: