Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Trong phòng biệt giam của nhà tù Tokyo, Iwao Hakamada, một võ sĩ quyền anh của Nhật Bản, đã mòn mỏi đợi ngày mình bị hành hình trong suốt 46 năm vì một tội ác mà ông không hề gây ra.
Trong suốt 46 năm đó, mỗi ngày đều có thể là ngày cuối cùng của Hakamada.
Năm 2014, toà án đã trả tự do cho Hakamada nhưng ông đã không còn đủ tỉnh táo do bị biệt giam quá lâu.
Bản án bất công đã khiến Hakamada nổi tiếng khắp thế giới. Ông nắm giữ kỷ lục Guinness mà không một ai muốn phá: tử tù có thời gian bị giam giữ dài nhất thế giới.
Iwao Hakamada sinh năm 1936, là một võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp. Anh được xếp thứ sáu ở hạng cân 54 – 57 kg ở Nhật Bản.
Năm 1960, Hakamada rời võ đài và làm việc nhiều công việc khác nhau để kiếm sống.
Sau một thời gian, anh trở về quê nhà và làm việc trong một xưởng sản xuất tương miso ở Shimizu, quận Shizouka, cách Tokyo khoảng 165 km, nơi có ngọn núi Phú Sĩ hùng vĩ. Anh ở trong nhà trọ dành cho công nhân, ngay cạnh xưởng làm miso.
Iwao Hakamada trước khi bị bắt. Ảnh: Documentary Australia Foundation.
Ngày 30/6/1966, một ngày sau khi ban nhạc The Beatles đến Tokyo để bắt đầu chuyến lưu diễn ở châu Á thì tai hoạ cũng bắt đầu đến với Iwao Hakamada. Xưởng sản xuất miso, nơi Hakamada làm việc, bị cháy lớn.
Sau đám cháy, cảnh sát tìm thấy thi thể của chủ xưởng cùng vợ và hai con của ông. Số tiền mặt hơn 200.000 yên, khoảng 2.000 đô-la ở thời điểm đó, bị đánh cắp. Khám nghiệm tử thi cho thấy cả bốn người đã bị đâm bằng nhiều nhát dao. Họ đã chết trước khi bị thiêu cháy.
Mặc dù số tiền hơn 3,7 triệu yên cùng giấy tờ chứng khoán và đồ trang sức không bị lấy đi, nhưng cảnh sát vẫn cho rằng đây là một vụ án giết người và cướp tài sản.
Hakamada nhanh chóng bị cảnh sát tình nghi là hung thủ. Anh không có nhà ở, không có họ hàng với chủ xưởng, xã hội lại có sẵn tâm lý kỳ thị đối với những võ sĩ quyền anh, những người bị cho là sẵn sàng dùng bạo lực để giành lấy những gì họ muốn. Theo báo cáo của cảnh sát, Hakamada là một người đào hoa và thường xuyên chơi những trò cược tiền như mạt chược, đua xe và đua ngựa.
Thêm vào đó, vết thương ở một ngón tay của Hakamada càng làm cho cảnh sát nghi ngờ anh là hung thủ.
Hai tháng sau vụ thảm sát, cảnh sát khám nơi ở của Hakamada. Họ phát hiện một bộ pijama có dính một vết máu rất nhỏ và có mùi xăng. Cảnh sát cho rằng vết máu trên bộ pijama đó là của một trong các nạn nhân.
Ngay sau đó, Hakamada bị cảnh sát bắt. Theo luật của Nhật Bản, nghi phạm có thể bị cảnh sát giam giữ lên đến 23 ngày để thẩm vấn mà không cần có quyết định khởi tố.
Hakamada đã bị thẩm vấn liên tục trong 23 ngày mà không có luật sư. Họ thẩm vấn anh hơn 10 giờ một ngày. Anh bị đánh đập, không được ăn uống và không được đi vệ sinh trong suốt thời gian đó. Cảnh sát muốn Hakamada phải nhận tội.
“Em không thể làm gì khác hơn là lê lết trên mặt sàn và cố gắng nhịn đi đại tiện ngay lúc đó”, Hakamada viết trong một bức thư gửi cho chị của ông. “Lúc đó, một tên điều tra viên đã lấy ngón cái của em ấn vào bản mực, rồi ấn vào tờ thú tội đã viết sẵn, hắn vừa quát nạt ‘viết tên mày ở đây’, vừa đá và bẻ tay của em.”
Đó là ngày thứ 20 Hakamada bị cảnh sát thẩm vấn từ sáng đến gần nửa đêm.
Theo truyền thống xử án ở Nhật Bản, lời thú tội của nghi phạm là “vua của mọi bằng chứng”, nó thuyết phục hơn bất kỳ chứng cứ nào. Nhiều nhân viên chấp pháp cho rằng quyền im lặng là một thứ ung thư. Điều này giải thích vì sao các cuộc thẩm vấn nghi phạm ở Nhật Bản thường kéo dài, tập trung sâu vào nghi phạm và đi kèm với bạo lực.
Giờ đây, số phận của Hakamada không còn nằm trong tay anh, nó thuộc về cảnh sát và công tố viên.
Trong lúc Hakamada bị bắt, truyền thông Nhật Bản đã ác quỷ hoá con người Hakamada, họ khẳng định anh là một tội phạm bạo lực chỉ vì anh từng là một võ sĩ.
Ra toà, công tố viên cáo buộc Hakamada vì muốn có tiền để mua một căn nhà nên đã đột nhập vào nhà của chủ xưởng và dùng một con dao gọt trái cây đâm hơn 40 nhát vào bốn người trong gia đình này, lấy đi hơn 200.000 yên, rồi phóng hoả.
Bộ pijama là chứng cứ duy nhất mà cảnh sát dùng để bắt Hakamada nhưng lại bị công tố viên lờ đi.
Thay vào đó, công tố viên trình ra một chứng cứ mới. Họ mang một một bộ quần áo dính nhiều vết máu mà cảnh sát tìm thấy trong bể miso, nơi Hakamada làm việc. Vết máu trên bộ quần áo được xác định là có nhóm máu trùng với nhóm máu của các nạn nhân và máu của Hakamada. Công tố viên cáo buộc Hakamada đã mặc bộ quần áo này trong đêm xảy ra án mạng.
Hakamada, đứng trước vành móng ngựa, anh rút lại tất cả lời thú tội của mình. Anh nói mình đã bị các điều tra viên đánh đập, tra tấn trong lúc thẩm vấn nên anh buộc phải nhận tội. Anh tuyên bố mình vô tội trước toà.
Ba thẩm phán đã bác bỏ một số lời thú tội của Hakamada và thậm chí là khiển trách cách thức thẩm vấn bất nhân của cảnh sát.
Tuy nhiên, ngày 11/9/1968, ba thẩm phán thuộc Toà án quận Shizouka vẫn tuyên Hakamada có tội, phạt tử hình cho tội danh giết người, cướp của, và phóng hỏa.
Sau phiên toà, Hakamada lập tức bị biệt giam giống như những tử tù khác ở Nhật Bản. Chính sách này của Nhật Bản đã bị quốc tế chỉ trích là thiếu nhân đạo đối với tử tù.
Những người ủng hộ Hakamada cho rằng cảnh sát đã làm giả chứng cứ để buộc tội anh. Họ cho rằng, con dao gọt trái cây dài 12,19 cm không thể còn nguyên vẹn sau khi đâm hơn 40 nhát vào các nạn nhân. Chiếc quần mà công tố viên cáo buộc Hakamada mặc trong đêm xảy ra án mạng không thể thuộc về anh, vì nó quá chật đối với Hakamada.
Iwao Hakamada thử chiếc quần mà công tố viên cho rằng là của hung thủ và cáo buộc anh đã mặc nó trong đêm xảy ra án mạng. Ảnh: APJJF.
Đơn kháng cáo của Hakamada được gửi lên Toà án Cấp cao Tokyo và Toà án Tối cao của Nhật Bản vào tháng 11/1980, nhưng đều bị bác bỏ.
“Ba sẽ chứng minh cho con thấy là ba chưa bao giờ giết bất kỳ ai, và cảnh sát là người biết rõ nhất điều đó, và các thẩm phán sẽ cảm thấy hối hận với phán quyết của họ,” Hakamada viết trong một lá thư gửi cho con trai của mình năm 1983.
Lúc này, Hakamada đã bị biệt giam gần 15 năm. Cách duy nhất để ông thoát khỏi án tử hình là yêu cầu tái thẩm vụ án (retrial).
Nhưng điều này không hề dễ dàng. Trước năm 1975, việc tái thẩm vụ án được chỉ được thực hiện khi trình bày chứng cứ mới và chúng phải chứng minh người kháng cáo vô tội thì vụ án mới được tái thẩm.
Sau năm 1975, khả năng tái thẩm các vụ án đã được nới rộng hơn. Theo đó, người kháng cáo chỉ cần đưa ra một chứng cứ đủ rõ ràng, thể hiện một nghi ngờ hợp lý (reasonable doubt) về việc phạm tội của bản thân thì vụ án sẽ được tái thẩm.
Điều này mở ra nhiều cơ hội để các phạm nhân thoát án tử hình. Bốn người kháng cáo trong những vụ trọng án được trả tự do ngay sau đó.
Nổi tiếng nhất là vụ án của Sakae Menda. Anh ta bị cáo buộc giết chết hai người vào năm 1948, khi Menda 23 tuổi. Tất cả cáo buộc chỉ bao gồm lời khai của một cô gái làm nghề bán dâm và lời thú tội của Menda, sau khi bị thẩm vấn liên tục trong 80 giờ đồng hồ. Menda được trả tự do vào năm 1983, sau hơn 30 năm bị biệt giam.
Sau khi Toà án Tối cao Nhật Bản bác kháng cáo của Hakamada, Liên đoàn các hội luật sư Nhật Bản đã quyết định giúp ông đòi lại công lý.
Năm 1981, một nhóm luật sư đã vận động để tái thẩm vụ án của Hakamada. Họ đã yêu cầu bác sĩ pháp y giám định lại con dao được cho hung khí gây án. Kết quả giám định là hung khí không phù hợp với những vết thương trên người một trong hai đứa trẻ bị giết chết.
Việc thu thập và trình bày những chứng cứ này phải mất đến 13 năm. Vào ngày 9/8/1994, Toà án quận Shizouka đã bác yêu cầu tái thẩm vụ án.
May mắn, Bộ Tư pháp đã rất cẩn trọng trong vụ án của Hakamada. Họ vẫn chưa hành hình ông.
Theo luật của Nhật Bản, việc hành hình phạm nhân do Bộ Tư pháp quyết định. Bộ này có một chính sách rất thận trọng là không hành hình những phạm nhân đang yêu cầu tái thẩm vụ án. Tuy nhiên, đây là một chính sách bất thành văn, Hakamada vẫn sẽ bị hành hình bất cứ lúc nào, nếu Bộ Tư pháp cho rằng yêu cầu tái thẩm của ông là lặp đi lặp lại một cách thiếu thuyết phục (repetitive) hoặc không vững chắc (insubstantial).
Năm 1998-1999, tổ chức Ân xá Quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chống án tử hình, bắt đầu vận động cho trường hợp của Hakamda. Hơn 10.000 người đã ký thỉnh nguyện thư yêu cầu tái thẩm vụ án.
Năm 2000, các chuyên gia DNA đã kết luận không thể xác định DNA trên bộ quần áo mà công tố viên cáo buộc Hakamada mặc trong đêm xảy ra án mạng có liên quan ông.
Các chuyên gia cũng gửi kết quả xét nghiệm lên Toà án Cấp cao Tokyo, bao gồm cả xác nhận là không thể xác định DNA của các nạn nhân trên bộ quần cáo.
Chiếc áo trong bộ quần áo mà công tố viên cáo buộc thuộc về Hakamada. Ảnh: Murderpedia.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đủ để Toà án Cấp cao Tokyo chấp nhận yêu cầu tái thẩm vụ án.
Họ cho rằng “các chứng cứ mới được trình bày bởi bên kháng cáo không đủ rõ ràng và không có gì mới để mở phiên toà tái thẩm vụ án,” thẩm phán của Toà án Cấp cao Tokyo Fumio Yasuhiro kết luận năm 2004. “Nó không đủ để tạo ra một nghi ngờ hợp lý về phán quyết của các thẩm phán trong vụ án của Hakamada”.
Lúc bấy giờ, Hakamada bị biệt giam đã gần 36 năm. Hakamda bị quẫn trí vì không có TV, sách báo, cũng như không được giao tiếp với các tù nhân.
Năm 2007, các bác sĩ kết luận Hakamada bị bệnh tâm thần (state of insanity). Điều này mở ra một cơ hội mới cho các luật sư, kiến nghị toà án ra phán quyết không được hành hình Hakamada theo một điều luật nhân đạo của Nhật Bản.
Tháng 3/2007, cựu thẩm phán Norimichi Kumamoto, người viết bản án tử hình cho Hakamada, đã làm công chúng bất ngờ. Ông tuyên bố rằng ông tin Hakamada vô tội nhưng khi ra phán quyết vào năm 1968 ông đã không đủ sức thuyết phục hai thẩm phán còn lại.
“Tôi đã muốn ai đó ở Toà án Tối Cao lắng nghe tôi dù chỉ một lần trong những năm tháng cuối đời của mình,” Kumamoto nói. “Tôi mừng vì mình đã lên tiếng. Tôi ước gì mình lên tiếng sớm hơn thì mọi chuyện đã khác.”
Lời tuyên bố muộn màng của Kumamoto làm công chúng bị sốc, người ta bắt đầu hoài nghi về sự công bằng trong các bản án tử hình ở Nhật Bản.
Một xét nghiệm DNA khác vào năm 2008 khẳng định DNA tìm thấy trên bộ quần áo mà công tố viên cáo buộc Hakamada đã mặc trong đêm xảy ra án mạng không thuộc về Hakamada. Nhưng Toà án Tối cao Nhật Bản đã không xem xét chứng cứ này. Một lần nữa, họ bác yêu cầu tái thẩm vụ án.
Một kết quả giám định DNA khác được tiến hành vào năm 2011 cũng có kết luận tương tự.
Tháng 4/2010, 57 thành viên của Quốc hội Nhật Bản đã thành lập liên đoàn bao gồm các nhà làm luật các cấp có tên là “Federation of Diet Members to Save the Condemned Iwao Hakamada”, kêu gọi Bộ Tư pháp dừng thi hành án tử hình Hakamada.
Ngày 14/3/2012, một xét nghiệm DNA khác đã lấy trực tiếp máu của Hakamada để đối chiếu với mẫu DNA khác được tìm thấy từ một vết máu trên chiếc áo mà công tố viên cho rằng là của hung thủ. Kết quả là xét nghiệm cho thấy mẫu máu trên chiếc áo không thuộc về Hakamada.
Tháng 1/2014, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã vận động hơn 40.000 người khắp nơi trên thế giới ký thỉnh nguyện thư yêu cầu tái thẩm vụ án Hakamada.
Năm 2014, Toà án quận Shizouka đã chấp nhận một bằng chứng mới của các luật sư, vết máu trên bộ quần áo không thuộc về Hakamada và cũng không thuộc về các nạn nhân. Bằng chứng này được tòa cho rằng nó đủ mới và đủ để nghi ngờ rằng chúng bị nguỵ tạo bởi cảnh sát.
Ngày 27/3/2014, Toà án quận Shizouka tái thẩm vụ án và tuyên bố trả tự do ngay lập tức cho Hakamada. Một tuyên bố của toà cho rằng họ đã có đủ lý do để tin rằng bản án của Hakamada dựa trên các bằng chứng nguỵ tạo, và việc cầm tù ông trong suốt 46 năm chờ đợi ngày tái thẩm là một sự bất công không thể chấp nhận.
Iwao Hakamada cùng chị của mình được toà án trả tự do ngày 27/3/2014. Ảnh: APJJF.
Sau 46 năm bị biệt giam, Hakamada đã không còn đủ tỉnh táo. Trong một lần trò chuyện năm 2003, Hakamada cho rằng chúa trời đã “nhập” vào ông, nhiệm vụ của ông là “cai quản tất cả nhà tù và xoá bỏ án tử hình” ở Nhật Bản.
Tài liệu tham khảo: