Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Như đã nói ở bài trước, việc xem xét các câu hỏi dưới đây có thể giúp các cá nhân (ngoài gia đình nạn nhân Nhật Linh) nhìn nhận vụ việc một cách cẩn thận và cụ thể hơn, để họ có thể có xác tín rõ ràng hơn trong câu hỏi là liệu họ có quyền thù hận thay gia đình nạn nhân hay không.
Với sự tôn trọng nhất mực dành cho linh hồn bé Nhật Linh và dành cho gia đình bé, người viết đã cố gắng hết khả năng để đúc kết các câu hỏi dưới đây với tham khảo kỹ lưỡng từ nhiều tài liệu học thuật chính thống và từ nhiều nguồn thông tin tương đối đáng tin cậy khác về luật hình sự và về án tử hình của Nhật Bản.
Các tài liệu tham khảo sẽ được liệt kê cụ thể cuối bài.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng giải quyết bảy câu hỏi sau:
1. Quy trình xét xử là gì? Vì sao chưa xử vụ án bé Nhật Linh?
Quy trình xét xử của Nhật có thể tóm gọn như sau:
(i). Cảnh sát bắt giữ nghi phạm
(ii). Công tố viên và cảnh sát cùng phối hợp điều tra và thẩm vấn nghi phạm
(iii). Công tố viên truy tố nghi phạm
(iv). Tòa, công tố viên, luật sư nghi phạm cùng phối hợp sắp xếp tổ chức phiên tòa
(v). Phiên tòa diễn ra
(vi). Tòa tuyên án
Hiện nay trong vụ việc bé Nhật Linh, nghi phạm đã bị truy tố ngày 26/5/2017. Như vậy, tiến trình vụ việc đang nằm ở bước thứ (iv) nêu trên.
Như đã được xác nhận bởi một số nguồn tương đối đáng tin cậy, bao gồm đài truyền hình VTV, các nghi phạm hình sự ở Nhật Bản có quyền giữ im lặng (tức là không thú tội hay đưa ra lời khai chống lại chính mình).
Quyền này nằm trong điều 38 của Hiến pháp Nhật Bản. Và quyền này không ngăn cản hay có thể làm đình trệ hoàn toàn việc xét xử.
Vậy nếu bằng chứng đã rõ ràng rồi (cần chú ý: đây là một khẳng định từ phía người nhà nạn nhân, người viết không tìm thấy thông tin từ phía công tố viên Nhật Bản), thì tại sao vụ việc chưa được đưa ra xét xử?
Có thể trả lời bằng hai lý do khả dĩ có khả năng cùng lúc là sự thật:
a. Tòa án và hai bên của vụ việc vẫn chưa thống nhất về việc tổ chức phiên tòa ra sao (xử những tội danh nào, dựa vào các bằng chứng gì?);
b. Bên công tố vẫn đang xác minh bằng chứng và đang tìm cách làm cho nghi phạm thú tội.
Tại sao khả năng (b) lại có thể khá cao?
Trong các nghiên cứu lâu năm của mình về giới công tố viên Nhật, giáo sư trường Đại học Hawaii (Mỹ) David T. Johnson (2002, 2012) xác định là, cho dù luật pháp và văn hóa pháp lý “trọng chứng hơn trọng cung” đã được người Mỹ đưa vào Nhật Bản từ sau Thế chiến thứ Hai, riêng trong giới công tố viên Nhật Bản vẫn tồn tại một truyền thống “trọng cung” sâu sắc.
Với các công tố viên Nhật, tài liệu quan trọng nhất trong hồ sơ họ đem ra tòa là lời thú tội của nghi phạm. Đó là “vua của mọi bằng chứng”, là “yếu tố quyết định mà mọi công tố viên đều tìm cách có được trước khi đưa vụ việc ra tòa, và là yếu tố quan trọng nhất quyết định thái độ của các thẩm phán với những nỗ lực của người công tố viên khi anh ta ra tòa.”
Không tình cờ khi trong con số thành tích kết án thành công đến 99% vụ việc của công tố viên Nhật bản, đa số các vụ việc này đã thành công nhờ vào lời thú tội của nghi phạm.
Johnson (2002, 2012) giải thích văn hóa này từ các yếu tố như truyền thống hành nghề, quy trình đào tạo, và từ cả ảnh hưởng từ phía các thẩm phán: đa số các thẩm phán chuyên nghiệp của Nhật là những cựu công tố viên. Vì thế khi xét xử, cả phía tòa án và phía công tố đều có một mong đợi là vụ việc chỉ được giải quyết triệt để rốt ráo nhất khi có được một lời thú tội từ nghi phạm.
Đó là văn hóa, thói quen thực tế quan sát được từ hoạt động của giới tòa án và công tố viên Nhật. Nhưng nó không phải là yếu tố quyết định trong câu hỏi khi nào vụ việc được xét xử: yếu tố quyết định cuối cùng vẫn là bên công tố viên nghĩ gì, và họ có toàn quyền quyết định rằng phải có một lời thú tội thì mới đẩy vụ việc ra để xử.
Luật tố tụng hình sự Nhật Bản được thiết kế theo hướng giao cho bên công tố một phạm vi thẩm quyền ra quyết định rất rộng. Họ có toàn quyền hoạch định cách thức chiến lược thẩm vấn nghi phạm, và họ cũng có toàn quyền tạm dừng truy tố (suspend prosecution) nếu thấy cần thiết.
Khả năng của các thẩm phán Nhật trong việc thúc đẩy tiến trình xử án trong tư thế độc lập với bên công tố viên rất giới hạn. Không như các thẩm phán trong các hệ thống dân luật (civil law), thẩm phán Nhật không có thẩm quyền xử lý điều tra (“juge d’instruction”) cho phép họ tự tiến hành điều tra trước phiên tòa chính (pre-trial investigation) và tự quyết định đem vụ án ra xử nếu họ đã thấy đủ bằng chứng.
Tuy nhiên, khác với công tố viên Mỹ, công tố viên Nhật không có quyền thương lượng thỏa thuận nhận tội (plea bargain), tức là một kiểu nghi phạm sẽ thú tội hay sẽ làm một việc gì đấy để được các công tố viên chấp nhận truy tố một hình phạt nhẹ hơn.
2. Ai là những người sẽ tham gia quyết định tội danh và hình phạt cho nghi phạm?
Dĩ nhiên sẽ là các thẩm phán chuyên nghiệp. Tuy nhiên, một đạo luật ban hành năm 2004 đã mang lại một số thay đổi lớn cho hệ thống tư pháp hình sự Nhật.
Theo đó, từ năm 2009, trong việc xử các tội nghiêm trọng có khả năng lãnh án tử hình (bao gồm tội giết người), ban xử án sẽ là một hệ thống mang tên Saiban-in, bao gồm ba thẩm phán chuyên nghiệp (professional judges) và sáu thẩm phán không chuyên nghiệp (lay assessors).
Gọi là thẩm phán không chuyên cũng không hẳn là chuẩn. Giới nghiên cứu luật Nhật hay dùng cụm tính từ tiếng Anh “quasi-jury” nghĩa là “mang tính gần như là bồi thẩm đoàn” để chỉ nhóm sáu người lay assessors đó.
Sáu người lay assessors là những công dân Nhật được chọn lựa ngẫu nhiên từ khối cử tri trong khu vực quận (district) nơi xử án.
Danh sách những người không được chọn làm lay assessors bao gồm: luật sư, luật gia, chính trị gia, những người không hoàn thành chương trình học phổ thông bắt buộc của Nhật, những người chịu án tù, và những người không thể hoàn thành nghĩa vụ lay assessors vì các lý do khách quan.
Những người được gọi đi làm lay assessors được quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ này. Tòa án cũng có thẩm quyền loại những lay assessors nào mà tòa cho rằng sẽ không công tâm khi thực hiện nghĩa vụ (ví dụ như những người chống đối án tử hình).
Nguyên tắc bỏ phiếu trong nhóm chín người của ban xử án là nguyên tắc đa số thông thường: chỉ cần năm trên chín người cùng bỏ phiếu đồng ý kết án và định tội danh thì xem như các quyết định tội danh và án phạt được thông qua (tuy nhiên trong nhóm đa số năm người đó phải có ít nhất một thẩm phán chuyên nghiệp).
Sự có mặt của nhóm sáu người lay assessors trong quy trình xử án hình sự này được cho là giúp cho quá trình xử lý tội phạm tại Nhật trở nên minh bạch và dân chủ, với sự tham gia trực tiếp của người dân vào một lĩnh vực trước đây chỉ dành cho thẩm phán chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng phê phán rằng nhóm sáu người này khiến cho quy trình ra quyết định trong các vụ án hình sự trở nên khó đoán hơn, mang màu sắc cảm tính hơn.
3. Tòa án sẽ quyết định tội danh như thế nào? Có bằng chứng DNA thì nghiễm nhiên là có tội rồi mà?
Ban xử án dĩ nhiên sẽ quyết định việc nghi phạm có tội hay không theo cách thông thường dựa vào bằng chứng và luận điểm đưa ra trước tòa của cả hai bên, công tố và luật sư bào chữa.
Việc tòa xem xét các bằng chứng và luận điểm đó như thế nào thì không thể nói trước khi chưa hề được tận mắt nhìn vào hồ sơ giấy tờ vụ việc của cả hai bên.
Bằng chứng DNA mà bên công tố được cho là đã nắm được sẽ có vai trò quan trọng, nhưng không phải là “chìa khóa toàn năng” của vụ việc.
Khoa học xét nghiệm DNA pháp y không phải là một dạng khoa học chính xác hoàn hảo. Giới nghiên cứu hình sự học thế giới từ lâu đã nhìn nhận được các giới hạn khách quan của bằng chứng DNA. Bằng chứng DNA còn có thể bị làm giả.
Không phải bằng chứng DNA nào cũng nghiễm nhiên được các thẩm phán quyết định dùng làm bằng chứng quan trọng nhất của vụ việc, và được bên nghi phạm thừa nhận luôn không chối cãi gì.
Bằng chứng DNA được tìm thấy ở đâu? Có khả năng nào khác là nó đã được sắp đặt cố ý bởi một bên thứ ba nào không? Tiến trình thu thập và xét nghiệm bằng chứng DNA trong vụ việc có phải là đã kín kẽ và đáp ứng những tiêu chuẩn khoa học nghiêm khắc nhất hay chưa?
Đó có thể là những hướng chất vấn khả dĩ của bên bào chữa, và những hướng chất vấn đó không phải là “bao biện”, “đặt điều” hay “vu khống” bên công tố, hay thể hiện một sự nhục mạ nào đó dành cho “công lý”, hay dành cho gia đình nạn nhân.
Giới cảnh sát và công tố Nhật đã từng có một số vụ bê bối kết án oan sai. Họ từng ngụy tạo bằng chứng, hay lạm dụng bằng chứng DNA, để kết án nghi phạm.
Áp lực phải duy trì thành tích mức kết án thành công 99% đã được xem là một trong những nguyên nhân phía sau những hành vi đó. Áp lực này càng lớn hơn nữa trong các trường hợp bên công tố không có trong tay con “át chủ bài” là lời thú tội của nghi phạm.
Nghiên cứu sinh trường luật Đại học Konan (Nhật) Kana Sasakura (2016) ghi nhận rằng Nhật Bản không có các quy định pháp luật nghiêm ngặt về việc sử dụng và bảo quản bằng chứng pháp y DNA. Khi áp dụng các tiêu chuẩn về sử dụng bằng chứng DNA của Liên đoàn Luật sư Mỹ vào đánh giá thực tế tại Nhật Bản, nhà nghiên cứu này xác định một loạt các biểu hiện dưới chuẩn.
Những chất vấn của phía luật sư bào chữa còn quan trọng ở một khía cạnh khác: nếu thật sự có bằng chứng của việc kết án oan sai dựa trên bằng chứng “bẩn” ở đây, thì một khả năng khủng khiếp sẽ lộ diện, đó chính là kẻ đã ra tay giết bé Nhật Linh vẫn có thể đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Bằng chứng DNA phải được thử thách bằng những tiêu chuẩn, phản biện nghiêm ngặt nhất.
Nếu nó đứng vững một cách quang minh chính đại trước mọi thử thách tại tòa, thì nó sẽ góp phần giúp ban xử án chắc chắn, công tâm hơn trong việc kết án, và tiệm cận hơn tới “công lý”. Đó là một thực tế bình thường trong một nền tư pháp văn minh.
Vàng thật không sợ lửa. Nhưng chưa tận mắt thấy vàng thấy lửa mà đã nhảy đến kết luận thì không ổn.
4. Tòa án sẽ xác định hình phạt bằng những tiêu chí nào?
Tuy khó đoán việc định tội, có thể đoán trước một cách chắc chắn rằng trong trường hợp bên công tố của vụ việc yêu cầu phải dùng hình phạt là án tử hình thì ban xử án vụ bé Nhật Linh sẽ dùng các tiêu chuẩn gì để lượng hình.
Trong phán quyết ngày 08/7/1983 về xử tội phạm giết người hàng loạt Norio Nagayama, Tối cao Pháp viện Nhật Bản đã ban hành nhóm chín các tiêu chuẩn phải dùng để xem xét xem có kết án tử hình một tội phạm hay không, được gọi chung là Chuẩn Nagayama (Nagayama criteria/standards).
Chuẩn Nagayama bao gồm (số hiệu của người viết):
Phán quyết Nagayama tuyên rằng một án tử hình chỉ có thể được ban hành sau khi, dựa trên xem xét toàn bộ các yếu tố trên, việc tuyên án tử hình được xem là “không thể tránh khỏi” (“unavoidable”) và “không có lựa chọn nào khác” (“cannot be helped” – tiếng Nhật: “yamu o enai”).
Ban xử án đồng thời cũng phải xem xét các yếu tố về tác dụng răn đe của việc tuyên án tử hình (“deterrence”) và về việc cân xứng giữa mức độ nghiêm trọng của hình phạt với mức độ nghiêm trọng của tội ác (“proportionality”).
Giới phê bình học thuật có nhiều phê phán dành cho Chuẩn Nagayama về tính mông lung không rõ ràng của nó.
Johnson (2010) ghi nhận một lời bình phẩm từ một luật sư rằng những tiêu chuẩn Nagayama không phải là các tiêu chuẩn (“standards”), mà chỉ là nhóm các chủ đề chung chung (“simply talking points”).
Các thẩm phán Tối cao Pháp viện Nhật kể từ năm 1983 tới nay không đưa ra thêm các hướng dẫn chi tiết hay chỉ đạo cụ thể về việc phải suy xét từng yếu tố trong Chuẩn Nagayama như thế nào cho thỏa đáng.
Tiến sỹ trường Đại học International Christian (Nhật) Mika Obara-Minnitt (2016) ghi nhận một diễn biến gây khó hiểu khác: một thẩm phán Tối cao Pháp viện Nhật Bản từng tham gia xử vụ Nagayama đã giải thích với báo giới vào năm 2009 rằng không phải mọi tiêu chuẩn Nagayama đều có cùng mức độ quan trọng ngang nhau trong việc quyết định án tử hình. Vị thẩm phán này nói rằng tòa sẽ xem trọng hai yếu tố đặc biệt đó là cách thức giết người và số người bị giết.
Tiết lộ nói trên của vị thẩm phán dẫn đến một cách hiểu chung thường có trong công luận Nhật, đó là số người bị giết trong vụ việc sẽ là yếu tố quyết định mức độ nghiêm trọng của tội ác, và theo đó là mức độ tương xứng của án tử hình.
Tuy nhiên, Obara-Minnitt (2016) ghi nhận đã có ít nhất ba trường hợp tuyên án tử hình dựa vào Chuẩn Nagayama mà trong đó chỉ có một nạn nhân bị giết.
Đặc biệt đáng chú ý là trong ba vụ đó có một vụ có tình tiết giống với vụ bé Nhật Linh.
Năm 2004, hung thủ Kobayashi Kaoru đã bắt cóc, xâm hại tình dục, và giết chết một bé gái bảy tuổi ở tỉnh Nara. Hung thủ Kobayashi bị tuyên án tử hình năm 2006.
Một số tình tiết man rợ trong vụ án đã được thẩm phán vụ việc xác định làm cơ sở chính cho việc tuyên án tử hình: hung thủ đã chụp hình xác nạn nhân gửi cho mẹ cô bé, đồng thời nhắn tin điện thoại dọa sẽ đến giết tiếp em của cô bé.
Hung thủ được thẩm phán tuyên án xác định đã có tiền án tiền sự liên quan đến quấy rối tình dục nữ giới trẻ, đồng thời y có sở hữu văn hóa phẩm đồi trụy trẻ em (child pornorgraphy). Hung thủ được giám định tâm thần, xác định có biểu hiện rối loạn nhân cách và chứng ấu dâm (peadophelia), nhưng vẫn đủ tỉnh táo để chịu án hình sự.
Hung thủ Kobayashi kháng án nhiều lần trước khi bị Tối cao Pháp viện Nhật bác kháng án lần cuối năm 2008, tuy nhiên phải đến năm 2013 thì y mới bị treo cổ.
Trong một vụ án khác được tuyên án tử cho dù chỉ có một nạn nhân, ba hung thủ cùng sát hại một người phụ nữ 31 tuổi tại tỉnh Aichi. Nhóm hung thủ đơn thuần muốn cướp tiền và đã chọn nạn nhân một cách ngẫu nhiên. Nạn nhân bị bắt cóc, cướp của, rồi đập đầu cho đến chết, trước khi bị bỏ xác trong một cánh rừng.
Vụ này đáng chú ý vì, giống như gia đình bé Nhật Linh đang làm hiện nay, gia đình của nạn nhân trong vụ việc đã tiến hành chiến dịch thu thập chữ ký kêu gọi ủng hộ việc tử hình cả ba hung thủ. Trong vòng hơn một năm vận động, gia đình nạn nhân đã có được 315.000 chữ ký ủng hộ.
Vụ việc được xử năm 2009, ngay trước khi hệ thống ba thẩm phán cùng sáu lay assessors nói trên được đưa vào hoạt động, cho nên quyết định của vụ việc đã hoàn toàn tùy thuộc vào một người thẩm phán. Phán quyết của vị thẩm phán tuyên án tử hình dành cho hai hung thủ tham gia gây án tích cực nhất. Hung thủ còn lại, chính là kẻ đầu tiên ra đầu thú và chỉ điểm cho cảnh sát điều tra vụ việc, bị tuyên án chung thân.
Người viết không tìm được toàn văn phán quyết của vụ việc này, và cũng không tìm được một tài liệu học thuật đáng tin cậy nào xác định rằng 315.000 chữ ký đó của gia đình nạn nhân đã có tác động hay không, và nếu có thì ra sao, với người thẩm phán trong vụ việc này.
Theo tường thuật của báo chí Nhật, được tổng hợp trên Wikipedia (không hẳn là một nguồn đáng tin cậy), người thẩm phán trong vụ việc này khi đưa ra phán quyết tử hình đã chỉ đề cập đến tính chất khủng khiếp và man rợ trong các hành vi cướp của giết người của các hung thủ. Các hành vi cướp của giết người đó được xem là một mối hiểm họa cho xã hội. Động cơ thuần vì tiền của ba hung thủ cũng làm cho vị thẩm phán thấy rằng không có cơ sở để tỏ ra khoan hồng. Biểu hiện ít sám hối mà các hung thủ thể hiện ở tòa cũng được vị thẩm phán để ý.
Obara-Minnitt (2016) thì cho rằng phán quyết vụ án này thể hiện rằng vị thẩm phán đã chú trọng vào ảnh hưởng xã hội của các hành vi bị cáo thông qua một yếu tố: các hung thủ đã làm quen với nhau và cùng lên kế hoạch tội ác thông qua mạng Internet. Các hành vi lợi dụng Internet, một phương tiện đại trà, để thủ ác có thể đã được xem là một “ảnh hưởng xã hội” (social implication) lớn của vụ việc: nếu không có hình phạt răn đe thì sẽ có nhiều khả năng tái diễn.
Như vậy, có vẻ là ít ra nhìn trên bề mặt, vị thẩm phán trong vụ việc nói trên đã không tính đến ảnh hưởng từ 315.000 chữ ký mà gia đình nạn nhân đã gom góp được. Cho dù gì thì, như đã nêu, nhiều nguồn tương đối đáng tin cậy đã xác nhận là chữ ký ủng hộ tử hình của gia đình bé Nhật Linh không có giá trị pháp lý.
5. Cho dù không có giá trị pháp lý, việc đóng góp chữ ký ảnh hưởng như thế nào đến phán quyết, nếu có?
Một luận điểm được đưa ra cho việc ủng hộ ký tên đòi tử hình nghi phạm trong vụ bé Nhật Linh ngay từ khi chưa xét xử chính là nếu lượng chữ ký càng nhiều thì sẽ càng nhấn mạnh yếu tố N(6) trong Chuẩn Nagayama ở trên: mức độ của ảnh hưởng xã hội từ vụ việc (the magnitude of the social implications of the case).
Có nhiều lý do, cả trên lý thuyết và từ thực tế, để tỏ ra không chắc chắn về luận điểm này.
Thứ nhất, trên lý thuyết không thể (hay chưa thể) tìm ra một cơ sở pháp lý nào, dựa trên các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất của luật Nhật Bản, hoàn toàn ủng hộ một cách hiểu như thế.
Trên giả định rằng phiên bản tiếng Anh của phán quyết Nagayama từ trang web của Tối cao Pháp viện Nhật là phiên bản thể hiện chính xác nhất tư duy của các thẩm phán khi đưa ra Chuẩn Nagayama, có thể có quan sát sau.
Yếu tố N(6) được tòa nhắc đến một cách kỹ lưỡng nhất trong hoàn cảnh dưới đây:
“…and that the instant case was reported in the media under the title of the “Serial Murder by Shooting Maniac” incident and had an extremely great impact on society, making ordinary people highly concerned over their safety, it would be no exaggeration to say that the case at bar may be referred to as one of the most heinous in the history of crime, and, taking account of these circumstances as a whole,…”
Dịch: “…và xét rằng vụ án này đã được truyền thông đưa tin với tiêu đề vụ “Án mạng liên hoàn bởi một kẻ điên khùng bắn súng”, và vụ án này đã có một ảnh hưởng cực kỳ mạnh lên xã hội, khiến cho những người dân bình thường phải trở nên lo lắng cao độ cho sự an toàn của họ, thì việc nói rằng vụ án này có thể được nhắc đến như một trong những vụ án khủng khiếp nhất trong lịch sử tội phạm sẽ không hề là một sự cường điệu, và xét chung các hoàn cảnh đó,…”
Có thể xác định rằng, trong tư duy các thẩm phán Nhật khi ban đầu đưa ra yếu tố N(6) trong chuẩn Nagayama, họ đang nhìn vào thực tế việc người dân bình thường trong xã hội có phải là đã cảm thấy bị đe dọa bởi vụ án hoặc bởi (các) hành vi phạm tội của hung thủ hay không.
Hung thủ trong vụ Nagayama trong khoảng thời gian từ ngày 11/10/1968 cho đến 05/11/1968 đã dùng một khẩu súng cướp được bắn chết bốn người để cướp của. Sau đó, y trốn chạy và phải đến ngày 07/4/1969 mới bị bắt.
Trong vụ bé Nhật Linh, bé mất tích ngày 24/03/2017. Thi thể của bé được phát hiện ngày 26/3/2017. Nghi phạm bị bắt ngày 14/4/2017. Sau đó nghi phạm bị khởi tố ngày 26/5/2017.
Dựa trên những dữ kiện đó, nếu áp dụng nghiêm một cách cứng nhắc tư duy nhấn mạnh các yếu tố “sự lo lắng cao độ cho an toàn bản thân” của người dân, cũng như tiêu chuẩn “một trong những vụ án khủng khiếp nhất trong lịch sử tội phạm” của các thẩm phán Tối cao Pháp viện trong vụ Nagayama, thì liệu các thẩm phán ngày nay có chắc chắn sẽ đi đến kết luận là vụ án bé Nhật Linh đã có ảnh hưởng xã hội lớn hay không? Đây là một dấu hỏi lớn.
Như đã thấy với các vụ án nổi bật tuyên tử hình tội phạm cho dù chỉ có một nạn nhân trong phần trên, một thẩm phán hình sự Nhật Bản hoàn toàn có thể đi đến kết luận phải tử hình một tội phạm chủ yếu dựa trên tình tiết man rợ của vụ án (vụ Kobayashi Kaoru ở Nara).
Theo một cách khác, một thẩm phán cũng có thể đã suy ra một ảnh hưởng xã hội lớn dựa vào một tình tiết quan trọng của vụ việc (vụ ba hung thủ ở Aichi).
Sự không rõ ràng trong xác định tiêu chuẩn N(6) có thể dẫn đến nhiều cách hiểu.
Nhưng ít ra là trong các vụ án điển hình đã nêu trên, một lá đơn yêu cầu phải tử hình một nghi phạm (bất kể có bao nhiêu chữ ký) đều đã chưa bao giờ hiện lên rõ ràng như là một yếu tố mang tính quyết định trong suy xét về mức độ hình phạt của các thẩm phán.
Một lý do khác của việc khó đoán định ảnh hưởng từ lá đơn của gia đình bé Nhật Linh, đó chính là hệ thống xử án Sanban-in mới có từ năm 2009 của Nhật Bản mà bài này đã giải thích.
Lý do thứ hai mang tính thực tiễn xử án này gợi nên một câu hỏi khác cũng rất đáng để tâm.
6. Phải chăng gia đình bé Nhật Linh có thể tác động đến việc kết án theo một cách khác hiệu quả hơn?
Trong hệ thống Sanban-in mới, ba thẩm phán chuyên nghiệp trong ban xử án chín người của vụ việc có thể có khuynh hướng dùng thứ tư duy pháp lý khắt khe, phải dùng chuẩn này chuẩn kia, phải nhìn vụ này vụ kia như người viết đã làm ở trên.
Nhưng sáu người dân trong vai trò lay assessors lại hoàn toàn có thể dùng những cách tư duy khác, hoặc hoàn toàn quyết định dựa trên lương tri và cảm xúc của họ.
Đừng quên, yếu tố N(5) trong Chuẩn Nagayama chính là: cảm xúc của gia đình nạn nhân đối với thủ phạm (the feelings of the bereaved family toward the culprit).
Giáo sư trường luật Đại học Cornell (Mỹ) Valerie Hans (2013) ghi nhận nhiều nghiên cứu từ Nhật Bản, như của các giáo sư trường luật Đại học Hitotsubashi là Akira Goto (2013) và Takeshi Honjo (2011), và của nhà nghiên cứu từ trường Đại học Chiba là Masahiko Saeki (2010), đã chỉ ra rằng các nạn nhân trong quy trình tố tụng hình sự Nhật Bản có một phạm vi quyền khá rộng: họ được quyền tham gia trực tiếp vào phiên tòa bằng cách tra hỏi các nhân chứng, tra hỏi cả nghi phạm, và họ cũng có quyền đưa ra ý kiến của mình về hình phạt mà họ cho là đích đáng.
Saeki (2010, 2012) đặc biệt đã làm nhiều thử nghiệm tâm lý học giả lập về tác động của việc gia đình nạn nhân tham gia xử án tại Nhật. Các kết quả thử nghiệm đó cho thấy: ví dụ trong một hoàn cảnh giả lập, khi các thành viên tham gia nghị án được nhìn thấy người vợ của nạn nhân xuất hiện trước tòa và trực tiếp trình bày ảnh hưởng của tội ác do nghi phạm gây ra với mình và con mình, thì các thành viên nghị án có khuynh hướng tăng mức độ nghiêm trọng của hình phạt khi đưa ra phán quyết.
Giáo sư David T. Johnson (2010) đúc kết là trong năm vụ án đầu tiên xử bằng Sanban-in, các ban xử án tuyên án tử ba lần, án chung thân một lần, và tuyên trắng án một lần. Tổng thời gian xử án và thời gian nghị án dao động từ 8 đến 24 ngày.
Johnson (2010) cũng trực tiếp tham gia một số phiên tòa xử tội giết người tại Nhật, và trong nghiên cứu của mình ông tường thuật lại nhiều cảm xúc và suy nghĩ mà những người dân làm lay assessors chia sẻ trong quá trình xử án. Một người dân trong số đó nói sau một phiên xử án:
“Trong phân tích cuối cùng của mình tôi nhấn mạnh cảm xúc cá nhân của tôi đối với vụ việc. Tôi nghĩ rằng Chuẩn Nagayama được tạo ra cho các thẩm phán chuyên nghiệp. Nếu tôi không góp phần bằng các suy nghĩ cá nhân mình về việc xử vụ việc như thế nào, thì chả có lý do gì để có hệ thống thẩm phán không chuyên tham gia phiên tòa cả. Đó là cách tôi đưa ra quyết định.”
7. Gia đình nạn nhân và những người ủng hộ họ có thể làm gì khác?
Như vậy, gia đình nạn nhân bé Nhật Linh có một cách trực diện hơn để tác động lên việc kết án trong vụ việc này.
Không có gì ngăn cản họ vừa dùng cách trực diện đó, vừa kêu gọi ủng hộ cho lá đơn áp án tử của họ.
Thế với những người muốn ủng hộ gia đình nạn nhân thì sao?
Riêng câu hỏi này thì chúng ta có thể tưởng tượng ra ngoài những lằn ranh pháp luật.
Sau khi đã xem xét tất cả các câu hỏi và thông tin mà người viết đã đưa ra trong bài này, người viết tin rằng mỗi người muốn ủng hộ gia đình nạn nhân sẽ có thể đưa ra quyết định dựa trên những thông tin đầy đủ hơn.
Nếu như một ai đó muốn ủng hộ gia đình nạn nhân bằng cách thể hiện sự đồng cảm, thay vì tự tiện dùng quyền thù hận thay gia đình nạn nhân, hay nếu một ai đó muốn ủng hộ gia đình nạn nhân trong khi không tham gia kết án tử nghi phạm trước khi xử, thì họ phải được làm điều đó trong yên bình.
Không nên có một sự phân biệt đối xử ở đây. Những người đang hùng hổ thực thi quyền thù hận thay gia đình nạn nhân không có quyền ngăn cản hay đấu tố những ai muốn ủng hộ gia đình nạn nhân theo một cách khác họ.
Theo cái nhìn cá nhân của người viết, có thể lựa chọn nhiều cách giúp đỡ gia đình bé Nhật Linh khác hơn là việc ký tên vào một lá đơn, hay kêu gọi cái chết của một nghi phạm chưa được xét xử.
Một yêu cầu trợ giúp tài chính cá nhân (tùy thuộc vào sự đồng ý của gia đình nạn nhân).
Một lá thư nhắn nhủ với gia đình nạn nhân rằng họ luôn được ủng hộ về mặt tinh thần trong quá trình kiện tụng có thể còn vất vả và dai dẳng.
Một chuyến bay thẳng đến Nhật, chỉ để trao đồ chơi cho em trai của bé Nhật Linh, và chỉ để nhìn thẳng vào mắt của người mẹ bé và nói với cô ta rằng cô ta không cô đơn, rằng gia đình cô ta không đơn độc trong hành trình đi tìm thứ “công lý” của riêng họ.
Tài liệu tham khảo: