Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Tôi không thể ký vào lá đơn hiện nay liên quan đến vụ án của bé Nhật Linh.
Tôi không thể ký vào lá đơn hiện nay liên quan đến vụ án của bé Nhật Linh.
Tôi không thể ký không phải vì tôi không muốn có công lý cho bé Linh và gia đình của bé. Tôi không thể ký càng không phải vì tôi về hùa với kẻ đã gây ra tội ác của bé. Tôi không thể ký cũng không phải vì tôi tìm kiếm danh tiếng hay đi ngược lại với đám đông.
Có lẽ chúng ta phải tập làm quen với việc người khác làm khác mình không có nghĩa là họ chống lại giá trị hay mục tiêu của chúng ta. Không ký tên vào lá đơn không có nghĩa là họ muốn dung túng cho kẻ tội phạm. Rất có khả năng người ta chỉ đơn giản là không đồng tình với phương thức, cách làm của bạn để đạt được mục tiêu mà thôi.
Tôi không ký vì tôi không có đầy đủ thông tin.
Rốt cuộc, mục đích của việc ký lá đơn này là làm gì? Là để gây sức ép đưa vụ án ra xét xử? Là để áp dụng cực hình cho nghi phạm? Là để tạo thêm tình tiết tăng nặng cho nghi phạm? Hay đơn giản là để thể hiện mong muốn đòi lại công lý cho bé Linh?
Chỉ trong hai ngày kể từ khi lá đơn lan truyền, tôi nhận được hơn 10 lời kêu gọi ký vào lá đơn, mỗi lần lại vì một lý do khác nhau như tôi đã nêu.
Ngay cả báo chí chính thống của Việt Nam cũng có cách đưa tin khác nhau. VnExpress nói rằng lá đơn để kêu gọi áp dụng án tử hình cho nghi phạm, VietNamNet đưa tin lá đơn là để yêu cầu đưa vụ án ra xét xử, Thanh Niên tường thuật lá đơn là để yêu cầu xử lý nghiêm vụ án, Tuổi Trẻ nói rằng lá đơn là để đòi công lý cho bé Linh.
Chính từ việc thiếu rõ ràng như thế đã khiến tôi dè chừng trong việc ký tên vào lá đơn. Tôi mong đòi lại công lý cho bé Linh và gia đình của bé, nhưng tôi cũng không muốn hành vi của mình lại gây nên một cái sai nào khác. Chữ ký của chúng ta rất quan trọng và vì thế tôi nghĩ ta phải biết rõ mình đang làm gì và hiệu ứng nó ra sao trước khi hành động.
Nhiều tường thuật khác cũng nói rằng do nghi phạm sử dụng quyền im lặng kéo dài nên cảnh sát không thể lấy được lời thú tội từ anh ta và do đó vụ án không thể đưa ra xét xử. Có người còn nói chính luật sư Nhật đã tư vấn cho gia đình bé rằng nếu thu được 50.000 chữ ký thì sẽ khiến toà án Nhật đưa ra xét xử và áp dụng khung tăng nặng cho nghi phạm khi đưa ra phán quyết vì đã “gây công phẫn cho xã hội”.
Một luật sư người Nhật đang sinh sống ở Việt Nam thì khẳng định rằng vụ án đang đi đúng trình tự thủ tục theo luật định ở Nhật và việc đưa vụ án ra xét xử là chắc chắn mà không liên quan gì đến những chữ ký của chúng ta.
Là một luật sư, tôi cảm thấy rất hoang mang vì diễn ngôn đang được các bạn sử dụng. Tôi không khẳng định, nhưng cũng không tin rằng lời thú tội của nghi phạm sẽ đóng vai trò quan trọng trong vụ án này.
Trong các vụ án hiếp dâm, bắt cóc, giết người mà nạn nhân là trẻ em thì chứng cứ quan trọng nhất là DNA của nghi phạm trên cơ thể nạn nhân chứ không phải là lời thú tội. Lịch sử tư pháp thế giới đã chứng kiến rất nhiều vụ án mà cơ quan điều tra không thể lấy được lời thú tội của hung thủ nhưng chứng cứ DNA vẫn giúp họ buộc tội được người đó. Và chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều vụ án mà nghi phạm thú tội nhưng bằng chứng sau đó chứng minh người đó vô tội. Trọng chứng hơn trọng cung chính vì thế đã trở thành nguyên tắc của tư pháp hình sự thế giới.
Cho đến tận sáng hôm nay, một người bạn giúp tôi dịch lá thư ngỏ mà bố bé Linh đang cầm trên tay thì tôi mới hiểu rõ mục đích chính của việc ký tên. Người bố muốn áp dụng cực hình (hình phạt cao nhất – tử hình) cho nghi phạm sát hại bé Linh.
Xem xét các hệ thống pháp luật trên thế giới hiện nay, tôi nhận thấy rằng không một quốc gia nào quy định chữ ký hay dư luận xã hội có thể được xem là tình tiết để thẩm phán áp dụng án tử hình cả. Tôi đọc Bộ luật Hình sự Nhật Bản 1907 thì cũng không hề có quy định đó. Vậy việc kêu gọi áp dụng án tử hình cho nghi phạm bằng chữ ký của chúng ta sẽ chỉ mang tính biểu trưng.
Nhưng việc làm này cũng phải hết sức cẩn thận. Ở Ấn Độ đã từng có một án lệ rằng thủ phạm được trả tự do tại toà vì thẩm phán tin rằng dư luận xã hội đã kết án người đó trước khi phiên toà diễn ra và do đó không thể có một phiên xử công bằng, khách quan, vô tư cho nghi phạm. Thuật ngữ pháp lý gọi tình trạng này là “trial by media”. Tôi không chắc 50.000 chữ ký của chúng ta có khiến tình trạng đó lặp lại không nhưng những người ký tên cần phải biết thông tin này.
Có người lo sợ rằng đang có dấu hiệu đút lót của nghi phạm cho hệ thống tư pháp Nhật Bản để nghi phạm không bị đưa ra xét xử. Tôi tin rằng đây là phát biểu vô căn cứ.
Cuối cùng, tôi mong mọi người suy nghĩ thật thấu đáo. Rốt cuộc thì thẩm phán nên xét xử dựa trên cái gì? Pháp luật hay là dư luận xã hội?
Tôi không tin vào “công lý đám đông” (mob justice). Tôi sợ hãi điều đó. Nghi phạm thì vẫn là nghi phạm, tức là anh ta chưa bị coi là người có tội và không ai dám chắc anh ta là người có tội. Tôi không nghĩ có ai trong chúng ta có dịp tiếp xúc với hồ sơ vụ án hay các chứng cứ để có thể đoan chắc điều gì. Có chăng, chúng ta cũng chỉ đọc lại qua lời kể của bố nạn nhân hay qua tường thuật của báo chí. Chính vì thế, tôi không thể kêu gọi tử hình nghi phạm khi anh ta vẫn còn là người vô tội. Nếu anh ta đã bị xác định là có tội rồi, thì lúc đó chúng ta mới có cơ sở để kêu gọi áp dụng hình phạt nào.
Nhưng ngay cả khi như vậy, tôi vẫn không nghĩ bản án hay mạng sống của một con người nên được quyết định bằng hình thức dân chủ đa số thắng thiểu số. Pháp luật được tạo ra để giúp đạt đến công lý. Công lý là nói về sự hài hoà, còn trả thù là cách giúp chúng ta vơi đi sự đau đớn. Nếu toà án Nhật Bản ngày hôm tới khi đưa nghi phạm ra xét xử vì e sợ 50.000 chữ ký của chúng ta hay tuyên án tử hình vì sức ép của xã hội thì đó có thể là chiến thắng của dân chúng nhưng là sự thất bại của một nền tư pháp chí công, vô tư, độc lập. Bé Linh xứng đáng có một phiên xử công bằng nơi kẻ thủ ác bị xét xử công bằng, nhân đạo nhưng cũng nghiêm khắc.
Tôi không thể ký vào lá đơn liên quan đến vụ án của bé Linh bây giờ được và tôi mong mọi người suy nghĩ kĩ trước khi ký. Tôi không ký để đem anh ta lên dàn hoả thiêu khi chưa phiên toà nào xác định anh ta có tội hay vội vã đem anh ta ra xét xử khi chứng cứ vẫn chưa đầy đủ.
Tôi sẽ chỉ ký vào lá đơn kêu gọi một phiên xử công bằng, đúng pháp luật dành cho nghi phạm để đem lại công lý cho bé Linh. Rất tiếc hiện nay chưa có một lá đơn nào như vậy cả.
Một lời cuối tôi dành cho những bạn đang lên tiếng miệt thị, nhục mạ, nguyền rủa những người đang từ chối ký lá đơn vì họ có những băn khoăn như tôi hay vì họ không tin vào án tử hình, trong đó có cả một người sắp làm mẹ. Các bạn kêu gọi áp dụng án tử hình cho một kẻ ấu dâm, giết người, bắt cóc để đem lại công lý cho một đứa bé nhưng sẵn sàng nguyền rủa, đòi giết một người khác và con của người ấy vì họ không làm giống như bạn.
Vậy rốt cuộc các bạn có đang thực hành điều thiện không?
Ký hay không – Kỳ 2: 7 câu hỏi pháp lý về vụ án bé Nhật Linh