Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Không đơn giản chỉ là một dấu câu bình dị để ngắt dòng chia đoạn, một dấu phẩy trong tiếng Anh pháp lý từng khiến cho chính phủ Mỹ phải thất thu đến hai triệu đô-la tiền thuế trong một năm.
Ngược lại, mới đây cũng chỉ một dấu phẩy đã mang lại cho một nhóm 75 người lái xe tải “bạn hữu đường xa” tại Mỹ một khoản tiền lên đến năm triệu đô-la.
***
Tầm giờ này năm ngoái, Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực Một của Mỹ thụ lý một vụ việc thú vị gây tranh cãi chỉ vì thiếu một dấu câu duy nhất: một dấu phẩy lẽ ra nên có trong một điều luật lao động của bang Maine.
Số là, bang Maine quy định rằng người lao động phải được hưởng mức lương cao hơn bình thường 1,5 lần cho mỗi giờ làm thêm ngoài số 40 giờ lao động chính thức trong mỗi tuần của họ.
Tuy nhiên, luật quy định một số trường hợp ngoại lệ không được hưởng quyền lợi này, cụ thể như sau:
“The canning, processing, preserving, freezing, drying, marketing, storing, packing for shipment or distribution of:
Dịch:
“Việc đóng hộp, xử lý, bảo quản, đông lạnh, phơi khô, tiếp thị, trữ hàng, đóng gói cho vận chuyển hoặc phân phối của:
Khi bị một nhóm tài xế xe tải vận chuyển sữa kiện ra tòa đòi khoản chênh lệch lương làm ngoài giờ, một công ty kinh doanh trang trại bò sữa lớn của bang Maine đã vin vào điều luật này để từ chối trả lương.
Theo công ty đó, việc lái xe vận chuyển sữa của các bác tài được tính vào phạm vi hoạt động “phân phối” (distribution) trong điều luật nói trên: các bác tài đã lái xe đi “phân phối” các sản phẩm sữa (dairy products) – vốn là một loại thực phẩm dễ hư hỏng (perishable foods). Vậy nên khoảng thời gian họ lái xe đi “phân phối” ngoài giờ làm bị luật loại trừ không được tính mức lương 1,5 lần.
Cãi cọ qua lại ở tòa cấp dưới không ăn thua, các bác tài mang vụ việc lên đến Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực Một của Mỹ.
Trong phán quyết dài 29 trang rất đáng đọc, vị thẩm phán của vụ việc mở đầu một cách tinh nghịch đầy ý nhị:
“Chỉ vì thiếu một cái dấu phẩy, chúng ta có vụ việc này.”
Nghĩa là sao nhỉ?
Để hiểu rõ hơn, chúng ta phải làm quen với một trong những loại dấu phẩy nổi tiếng nhất trong lịch sử Anh ngữ: dấu phẩy Oxford (Oxford comma, hay còn gọi là serial comma).
Oakhurst, công ty sữa bị các bác tài kiện ở bang Maine. Ảnh: Pat Wellenbach/Associated Press.
Dấu phẩy Oxford
Serial comma là loại dấu phẩy được dùng trong một câu khi liệt kê một nhóm bao gồm nhiều sự vật, con người, hay yếu tố khác nhau. Cụ thể, nó là dấu phẩy ngăn giữa sự vật nằm chót và sự vật nằm áp chót trong một danh sách bao gồm từ ba sự vật trở lên.
Ví dụ:
“Em yêu anh Quang Hải, anh Tiến Dũng, và anh Xuân Trường.”
Trong câu trên, dấu phẩy thứ hai “lạnh lùng chia cắt” Tiến Dũng và Xuân Trường chính là một dấu phẩy serial comma.
Cách dùng serial comma thông thường là phải luôn đặt nó ngay phía trước liên từ và/hoặc/hay liên kết vật nằm chót và vật nằm áp chót trong một danh sách.
Nếu bạn đọc để ý thì chắc đã thấy Anh Cả Lý dùng serial comma ở câu đầu tiên của phần này:
“Serial comma là loại dấu phẩy được dùng trong một câu khi liệt kê một nhóm bao gồm nhiều sự vật, con người, hay yếu tố khác nhau.”
Vì nhà xuất bản Đại học Oxford (Anh quốc) là nơi đầu tiên đưa serial comma vào làm một chuẩn quy tắc biên tập cho nên ngày nay nó được biết đến nhiều nhất với cái tên nồng hương quý tộc: dấu phẩy Oxford.
Có thể bạn đọc đã thấy ngay rằng: Ô hay, phẩy hay không phẩy thì cũng có gì khác nhau đâu nhỉ.
“Em yêu anh Tiến Dũng, anh Quang Hải và anh Xuân Trường”, không dùng phẩy vẫn có nghĩa mà, có chết anh U23 nào đâu ta!
Bạn đọc hoàn toàn có lý. Gì chứ trong trường hợp dấu phẩy Oxford, Anh ngữ cũng “phong ba bão táp” không kém ngữ pháp Việt Nam đâu à nghe!
Việc dùng dấu phẩy Oxford ngày nay được giới viết lách tiếng Anh công nhận một cách rộng rãi là một quy tắc mang tính phong cách (style) hơn là mang tính quy chuẩn ngữ pháp tiếng Anh.
Vậy nên khi thấy một nhóm sinh viên mở hiệp hội “Sinh viên Ủng hộ việc Duy trì Dùng Dấu phẩy Oxford”, anh chàng ca sỹ chính của nhóm nhạc Vampire Weekend đã phải cảm thán thốt lên câu điệp khúc làm cảm hứng mở màn cho cả một bài hát nghe khá “ghiền”: “Đ*o ai quan tâm tới cái dấu phẩy Oxford!”.
Các bộ sách hướng dẫn phong cách viết (style guide) trên thế giới không hề có một quan điểm chung về tính bắt buộc của dấu phẩy Oxford.
Ví dụ, style guide của nhà xuất bản Đại học Chicago (Mỹ) xem việc dùng dấu phẩy Oxford là bắt buộc, trong khi hãng tin quốc tế AP thì không.
Tuy nhiên, đôi khi thiếu vị “soái ca” Oxford lại dẫn đến những hiểu lầm nếu không nghiêm trọng thì cũng rất buồn cười.
Hãy cùng bông lơn với vài ví dụ:
Ảnh: stupidsystemus.wordpress.com
Khi dùng dấu phẩy Oxford: “Chúng tôi đã mời mấy con tê giác, Washington, và Lincoln.”
Khi không dùng dấu phẩy Oxford: “Chúng tôi đã mời mấy con tê giác, Washington và Lincoln.”
Khi không có dấu phẩy Oxford, câu văn có thể được hiểu theo nghĩa là “mấy con tê giác” được mời bao gồm hai con có tên là Washington và Lincoln.
Thay vì là một danh sách liệt kê nhiều đối tượng được mời (“mấy con tê giác”, “ông Washington”, “ông Lincoln”), việc thiếu dấu phẩy Oxford trong câu có thể khiến người ta hiểu lầm là dấu phẩy duy nhất trong câu chỉ đơn thuần ngắt câu thành hai đoạn, với đoạn thứ hai (“Washington và Lincoln”) bổ nghĩa cho đoạn trước, giải thích cụ thể danh tính… mấy chú tê giác của đoạn trước.
Với cách phân tích tương tự, trong một câu thiếu phẩy Oxford, chúng ta có thể có… hai cô vũ nữ thoát y, một cô tên J. F. Kennedy “trang trọng khác vời”, còn cô kia chính là Stalin “sắc sảo mặn mà”:
Ảnh: stupidsystemus.wordpress.com
Có thể tìm thấy nhiều ví dụ buồn cười khác trên Wikipedia.
Anh Cả Lý đặc biệt thích ví dụ sau, được sử dụng trong lời đề tựa của một cuốn sách:
“To my parents, Ayn Rand and God”
Dịch: “Dành tặng ba mẹ tôi, Ayn Rand và Chúa trời.”
Tác giả muốn dành tặng cuốn sách mình đã dày công viết cho ba mẹ của mình, đồng thời cho cả nhà văn và nhà triết học lừng danh Ayn Rand, và cho Chúa trời (chắc hai vị được nêu sau trong nhóm là hai nguồn cảm hứng, nguồn ủng hộ tinh thần của người viết đó chăng?).
Tuy nhiên, việc thiếu dấu phẩy Oxford dễ gây nhập nhằng khiến người đọc hiểu lầm rằng ba mẹ của người viết là một trong những “cặp đôi quyền lực” khủng nhất trong lịch sử loài người: Chúa trời và nhà văn Ayn Rand.
Tiếng Anh pháp lý vốn trọng tính chính xác, cố gắng tránh nhập nhằng. Cho nên, trong giới làm luật, quan điểm ủng hộ việc dùng dấu phẩy Oxford mỗi khi cần thiết cũng khá thịnh hành.
Trang tin Above The Law của làng luật sư Mỹ năm 2011 đã tiến hành một thăm dò vui vui cho thấy đến 82% số ý kiến ủng hộ việc dùng dấu phẩy Oxford.
Ý kiến đó có vẻ càng xác đáng hơn nhờ vào đơn kiện đòi lương của các bác tài giao sữa bang Maine đã nhắc ở đầu bài.
Sự không rõ ràng do thiếu dấu phẩy Oxford chính là trọng tâm vụ việc của họ.
Dấu phẩy Oxford “mất tích” và các bác tài bang Maine
Chúng ta cùng nhìn vào điều luật loại trừ các trường hợp không được hưởng lương cao ngoài giờ nếu có dấu phẩy Oxford:
“The canning, processing, preserving, freezing, drying, marketing, storing, packing for shipment , or distribution of…”
Dịch:
“Việc đóng hộp, xử lý, bảo quản, đông lạnh, phơi khô, tiếp thị, trữ hàng, đóng gói cho vận chuyển , hoặc phân phối của…”
Khi có dấu phẩy Oxford, hoạt động “phân phối” ngay sau chữ “hoặc” chính là hoạt động cuối cùng được liệt kê trong danh sách các hoạt động không được hưởng lương cao.
Hoạt động “phân phối” này nằm cuối danh sách nhưng vẫn có một vị trí độc lập riêng biệt rõ ràng hơn nhờ có dấu phẩy Oxford.
Khi không có dấu phẩy Oxford, mọi thứ sẽ trở nên khá nhập nhằng: hoàn toàn có thể hiểu hoạt động cuối cùng được liệt kê trong danh sách này không phải là hoạt động “phân phối” (distribution), mà chính là hoạt động “đóng gói cho vận chuyển hoặc phân phối” (packing for shipment or distribution). Nghĩa là “đóng gói cho vận chuyển” hoặc “đóng gói cho phân phối”.
Mấy bác tài vì thế cãi nghe khá có lý: Ô kìa mấy ông chủ, tụi tui lái xe phân phối hàng chứ có ngồi đóng gói hàng cho vận chuyển hoặc phân phối đâu ta! Việc lái xe phân phối hàng vì vậy theo luật này không bị loại trừ khỏi danh sách được nhận lương cao hơn 1,5 lần. Tiền tụi tui đâu?
Sau rất nhiều phân tích ngôn ngữ chi li (rất đáng nghiền ngẫm thêm), vị thẩm phán đã chọn ủng hộ luận điểm của các bác tài bang Maine.
Tháng Ba năm ngoái, tòa tuyên công ty bò sữa phải trả cho nhóm 75 bác tài đi kiện khoản bồi thường lương 10 triệu đô-la Mỹ.
Công ty bò sữa nói trên hoàn toàn có thể kháng án lên toà cấp cao hơn. Tuy nhiên, sau nhiều lần lữa thì tới đầu tháng Hai năm nay, công ty “ăn quỵt” lương kia đã thương lượng và dàn xếp hòa giải thành công với nhóm 75 “bạn hữu đường xa”. Các bác tài chịu nhận năm triệu đô-la bồi thường cho xong chuyện.
Như vậy, trừ phí luật sư này nọ, rồi chia đều ra thì chắc mỗi bác cũng cầm về nhà được tầm trên dưới 50.000 đô-la, hơn tỷ đồng chứ không ít đâu!
Mà quan trọng là từ nay trở đi chủ lao động không dám dùng điều luật kia để quỵt lương ngoài giờ của các bác tài nữa.
Vụ việc có hậu nhưng cũng là một cảnh báo cho các bạn “con nhà luật” trên toàn thế giới: không cẩn thận với ba cái thứ nhỏ nhặt như dấu chấm dấu phẩy thì có ngày “treo bằng”, không có tiền mà mua sữa luôn đó.
Thôi, năm mới năm me đừng lười. Chịu khó ngồi ngậm mấy cái hướng dẫn sử dụng dấu câu tiếng Anh từ mấy trường luật xịn bên Mỹ như Georgetown và Columbia đây nè nha!
Tài liệu tham khảo: