‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Danh hài người Scotland Frank Boyle từng nói đùa:
“Tôi luôn cảm thấy lo lắng mỗi khi tôi thấy từ đó, Dân Chủ (Democratic), trong một cái tên.
Ví dụ như trong Cộng hòa Dân chủ Bắc Triều Tiên (Democratic Republic of North Korea) chẳng hạn. Vậy là sao? Ý muốn nói gì?
Thế giống như ai đó tự giới thiệu bản thân mình là một “nhà thôi miên không hiếp dâm” (non-rapist hypnotist).”
Nỗi lo lắng của danh hài này không hẳn là vớ vẩn.
Cái tên luôn quan trọng vì nó là thứ đầu tiên đập vào mắt, lọt vào tai người ta. Nhưng đôi khi bản thân nội dung văn hoa chữ nghĩa hào nhoáng của một cái tên lại phần nào thể hiện những nỗ lực có tính toán để khẳng định, hay che đậy, bản chất của thứ-được-đặt-tên.
Có thể nói ý này một cách súc tích hơn bằng lời của “Tào Tháo thành Casterly Rock”, Tywin Lannister: “Bất cứ kẻ nào mà phải nói “Tao là vua” thì kẻ đó không phải một vị vua thực sự.”
Dài dòng như thế cũng chỉ để thuyết phục các bạn độc giả rằng, khi đọc hay dịch tên các đảng phái chính trị từ tiếng Anh sang tiếng Việt, chúng ta luôn phải cẩn trọng không dùng cách “dịch nguyên con”, chăm chăm dùng nghĩa đen của từ vựng để áp đặt một cách hiểu nào đó.
Như người miền Nam hay nói, nhiều khi coi dzậy mà… hổng phải dzậy.
Đảng phái chính trịChúng ta bắt đầu bằng phần dễ nhất và ít gây tranh cãi nhất trong cái tên của một đảng chính trị.
Khá buồn cười là trong tiếng Anh, từ “party” chỉ “đảng phái chính trị” cũng đồng thời chỉ “tiệc tùng”, “liên hoan”. Tính đa nghĩa này đã là cơ sở cho vô số các câu nói đùa và hình châm biếm chính trị.
Tuy nhiên thực ra thì nghĩa “liên hoan tiệc tùng” có mặt muộn hơn nghĩa “đảng phái”, mãi đến 1716 mới có, và được dùng với nghĩa nguyên sơ là “một nhóm người cùng làm một việc gì đấy”, ở đây có thể là ăn uống, tiệc tùng, chơi bời.
Cái nghĩa “đảng phái” mang màu sắc chính trị đã có từ trước đó đến 400 năm.
Nguyên gốc từ “party” là động từ gốc Latinh partire/partiri, có nghĩa là “tách ra, chia ra, sẻ ra, phân ra”. Có thể hình dung được phần nào tiến trình tiến hóa ngôn ngữ ở đây: đảng chính trị suy cho cùng là một nhóm người có chung tư tưởng, lợi ích cùng tụ họp lại với nhau, trong thế tách biệt ra với phần còn lại của xã hội.
Trong một xã hội bình thường thì con người ai cũng có quyền tụ họp và tách biệt có lựa chọn như thế, vì các mục đích bảo vệ , cổ súy và chia sẻ những quan điểm triết lý, chính trị cá nhân của riêng họ trong sự hợp tác với những cá nhân cùng chí hướng khác.
Việc dịch và hiểu đúng từ “party” như vậy không khó. Cái khó là dịch và hiểu được chính xác cái “chí hướng” trong tên của một đảng chính trị.
Có thể dùng một ví dụ sau đây để cho các bạn độc giả thấy cái biến ảo khôn lường trong tên đảng phái chính trị.
Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội Đức (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei – the National Socialist German Workers’ Party)
Thực ra muốn dịch cụm từ tên đảng này thì có chi mà khó đâu.
Cứ tra từng từ, từng thành tố rồi cũng ra. German Workers là “những công nhân người Đức” nè. National là “theo chủ nghĩa quốc gia”, rút ngắn lại thành Quốc gia. Socialist là “theo chủ nghĩa xã hội”, rút gọn lại thành Xã hội. Thế là xong chứ gì!
Thế nhưng, cái sự “dzậy mà không phải dzậy” nằm ở việc làm thế nào để hiểu chính xác ý nghĩa trong cái tên đảng này, vốn hay được rút ngắn thành Đảng Quốc Xã Đức, Đây chính là đảng của nhà độc tài Phát xít người Đức Adolf Hitler, và là đảng cầm quyền tại Đức trong thời gian Thế chiến thứ Hai khi nước Đức gây ra những thảm họa chiến tranh, diệt chủng khủng khiếp tại Châu Âu.
Việc hiểu chính xác tên đảng này không hề chỉ là một vấn đề cho các nhà sử học lụ khụ ngồi trên tháp ngà tranh cãi. Trái lại, đó là một trong những vấn đề gây tranh cãi chính trị nhiều nhất trên mạng internet thời hiện đại.
Nếu bạn có theo dõi các tranh cãi chính trị trên báo chí truyền thông và mạng xã hội Mỹ, chắc bạn sẽ nhận ra ngay một cuộc tranh cãi gần như chưa thấy hồi kết về câu hỏi: Đảng Quốc Xã Đức là một đảng cánh tả (left-wing) hay đảng cánh hữu (right-wing), trong tương quan tả – hữu chính trị thường có?
Đảng Quốc Xã Đức là một đảng cánh tả?Các nghiên cứu lịch sử, chính trị học thuật của phương Tây theo truyền thống thường liệt đảng Quốc Xã Đức vào cánh hữu.
Tuy nhiên, từ một thập niên qua, xuất phát từ các nỗ lực của các thành viên cánh hữu, điển hình là nhà báo người Mỹ Jonah Goldberg với cuốn sách “Chủ nghĩa tự do phát xít” (Liberal Fascism), một làn sóng ý kiến mới đã nổi lên và tranh luận rằng đảng Quốc Xã Đức phải là một đảng cánh tả.
Theo cái nhìn của nhiều thành viên cánh hữu, mọi thứ đã rõ ràng ngay từ cái tên: yếu tố Socialist (theo chủ nghĩa xã hội, mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa) trong tên đảng Công nhân Quốc Xã Đức phải được nhấn mạnh.
Theo cách hiểu nghĩa đen cơ bản nhất, đảng này tự xưng là họ mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa (socialist) thì không thể nào là một đảng cánh hữu vì chỉ có cánh tả mới theo chủ nghĩa xã hội (socialism). Đó là chưa nói đến yếu tố “của công nhân Đức” chình ình trong cái tên của đảng này trong khi cánh tả nổi tiếng là hô hào bảo vệ quyền lợi công – nông.
Một cách hiểu “trí thức” hơn thì nhìn nhận là yếu tố Xã không thể được tách khỏi yếu tố Quốc ở đây: cả cụm từ chỉ “chí hướng” của đảng này là National Socialism (tư tưởng quốc gia xã hội chủ nghĩa). Đây là thứ tư tưởng chính trị của vị lãnh tụ Adolf Hitler và nó là “kim chỉ nan” cho hoạt động của đảng Quốc Xã Đức.
Những người dùng cách hiểu “trí thức” hơn này xác định rằng tư tưởng quốc gia xã hội chủ nghĩa này của Adolf Hitler thực ra chỉ là một dạng của chủ nghĩa xã hội (a variety of socialism).
Vậy nên, họ cũng đi đến cùng kết luận với những người có cách hiểu nghĩa đen cơ bản: đảng của Hitler là một đảng theo tư tưởng chủ nghĩa xã hội, và vì thế phải là một đảng cánh tả chứ không phải là một đảng cánh hữu.
Một cách hiểu “trí thức” khác thì tận dụng các nghiên cứu của nhà kinh tế học cánh hữu huyền thoại Ludwig von Mises.
Những người tận dụng nghiên cứu của von Mises xác định một định nghĩa rất gọn gàng cho chủ nghĩa xã hội: chủ nghĩa xã hội là thứ tư tưởng cổ xúy cho việc tập thể hóa/quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất (means of production) và tài sản (property), đồng thời cổ xúy cho việc nhà nước dùng quyền lực độc đoán để kiểm soát và điều khiển thị trường.
Yếu tố đấu tranh quyền lợi giai cấp (class struggle) giữa giai cấp lao động và giới chủ tư bản, vốn là trọng tâm trong nhiều định nghĩa học thuật về triết lý chủ nghĩa xã hội, không được định nghĩa gọn gàng nói trên để tâm.
Từ các nghiên cứu nền kinh tế Đức thời thế chiến của mình, von Mises đã kết luận rằng nền kinh tế Đức dưới quyền đảng Quốc Xã của Hitler về bản chất đã là một nền kinh tế được chính quyền quản lý tập trung, quốc hữu hóa theo kiểu xã hội chủ nghĩa.
Vậy nên, theo những người cánh hữu dùng nghiên cứu của von Mises, nếu không chăm chăm nhìn vào cái tên mà nhìn vào thực tế hoạt động của đảng Quốc Xã Đức thì đảng này đã là một đảng “thực hành” sâu sắc xã hội chủ nghĩa. Thế nên nếu không phải là một đảng mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa (nói cách khác, cánh tả) thì còn có thể là gì.
Bằng những cách hiểu nói trên, nhiều thành viên cánh hữu trên “mặt trận” bút chiến chính trị thế giới nhiều năm qua vẫn đã tiếp tục khẳng định rằng đảng Quốc Xã Đức như một đảng xã hội chủ nghĩa theo cánh tả. Có thể thấy hình bóng tất cả các cách hiểu trên trong cuốn sách “Chủ nghĩa tự do phát xít” của nhà báo người Mỹ Jonah Goldberg mà bài này đã đề cập.
Phải nhìn nhận rằng quan điểm xem đảng Quốc Xã Đức như một đảng xã hội chủ nghĩa cánh tả khá phổ biến trên thế giới chứ không chỉ ở Mỹ. Trang Conservapedia – một trang bách khoa toàn thư của cánh hữu – khẳng định quan điểm này. Chẳng đi đâu xa, một người viết trên Luật Khoa cũng đã có cái nhìn tương tự.
Theo một số thành viên cánh hữu, việc giới nghiên cứu học thuật theo truyền thống xác định đảng Quốc Xã Đức như một đảng cánh hữu thực ra chỉ là một “trò gian dối trí thức” của “giới học thuật mang tư tưởng cánh tả”, vốn muốn gán cho cánh hữu cái đảng mang đầy tội lỗi hòng làm giảm uy tín của cánh hữu.
Vậy trong một thế trận “bút chiến” như thế thì phản ứng của giới cánh tả và giới nghiên cứu học thuật (hai nhóm không nhất thiết là một) ra sao?
Nhìn vào tên, nhìn vào dữ kiện kinh tế, hay nhìn vào dữ kiện lịch sử?Một trong những luận điểm đầu tiên được đưa ra để chống đối cách hiểu “Quốc Xã là cánh tả” là luận điểm chỉ ra rằng trong thực tế lịch sử đảng Quốc Xã Đức trong quá trình vươn lên đỉnh cao quyền lực và sau đó đã đấu tranh bạo lực và đàn áp dã man các phe phái theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, bao gồm các nhóm cộng sản và dân chủ xã hội.
Ngay cả trang Holocaust Encyclopedia, một trang bách khoa toàn thư về thảm họa diệt chủng trong Thế chiến thứ Hai, cũng ghi nhận rằng những nạn nhân bị giết và bị tống vào các trại tập trung đầu tiên của Đức Quốc Xã không hề chỉ có những người Do Thái, mà còn có rất nhiều những người mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa, những người cộng sản, những thủ lãnh công đoàn lao động, và các cá nhân chống lại đảng của Hitler.
Đáp lại luận điểm này, những người viết cánh hữu như nhà báo Jonah Goldberg cho rằng các bắt bớ giết chóc đó chỉ là những phe phái xã hội chủ nghĩa thanh trừng thanh toán lẫn nhau, tương tự như cách nhà độc tài Stalin đã thanh trừng những người cộng sản cùng chí hướng với mình tại Nga.
Cách nhìn nhận đơn giản này không làm hài lòng nhiều nhà sử học chuyên nghiên cứu về lịch sử Phát xít Đức.
Trong một loạt bài chuyên đề riêng về quyển sách của Goldberg, với sự tham gia phản biện của chính Goldberg trên trang tin sử học của trường đại học George Washington (Mỹ), một số nhà sử học đã có những phê bình gay gắt dành cho các nghiên cứu của nhà báo Goldberg. Các nhà sử học công kích cách nghiên cứu theo kiểu “học phiệt”, sử dụng chứng liệu lịch sử “có chọn lọc” cùng với các dẫn chứng nghiên cứu tùy tiện của nhà báo này.
Giáo sư sử học trường đại học Columbia (Mỹ) Robert Paxton chỉ ra rằng các dữ kiện lịch sử liên quan đến quá trình vươn lên đỉnh cao quyền lực của đảng Quốc Xã Đức của Hitler (cũng như đảng Quốc gia Phát xít Ý của Mussolini) không ủng hộ luận điểm “Quốc Xã là cánh tả” của Goldberg.
Quá trình vươn lên của Đức Quốc Xã đã không hề là một hành trình lật đổ chính quyền tư sản để tiến tới việc “giành lấy phương tiện sản xuất” như một lực lượng mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Khi vận động tranh cử, đảng Quốc Xã có sử dụng các giọng điệu tuyên truyền chống tư bản và giới chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên các tuyên truyền đó đã chỉ nhắm vào giới tư bản gốc Do Thái.
Đảng Quốc Xã đã lên nắm quyền tại Đức bằng cách dựa vào nỗi sợ hãi phong trào xã hội chủ nghĩa và các lực lượng cộng sản của giới tư bản và giới cầm quyền tại Đức. Nhiều chính sách của Hitler cũng đã làm lợi nhiều cho giới tư bản, bao gồm việc xóa bỏ các công đoàn lao động độc lập và xóa bỏ quyền đình công của công nhân. Nhiều chủ doanh nghiệp cũng ăn nên làm ra trong tiến trình trang bị vũ trang cho chiến tranh của Đức Quốc Xã.
Bên cạnh luận điểm nói trên về thực tế của quá trình tranh giành quyền lực của Đức Quốc Xã, có nhiều chứng cứ sử liệu khác cho thấy đảng Quốc Xã ban đầu đã cố tình sử dụng yếu tố “xã hội chủ nghĩa” và “công nhân” trong tên gọi của họ để thu hút ủng hộ quần chúng (trong tình cảnh phong trào xã hội chủ nghĩa đang lên trên thế giới những năm 1920-1930).
Trong cuốn sách “Hitler”, nhà sử học người Đức chuyên nghiên cứu về Phát xít Joachim Fest đã thuật lại các tranh cãi nội bộ bên trong đảng Quốc Xã về “chí hướng” thật sự của họ trong quá trình tranh giành quyền lực.
Đúng là có tồn tại bên trong đảng Quốc Xã một bộ phận các thành viên thành thật tin tưởng vào các yếu tố “chủ nghĩa xã hội” và “công nhân” của đảng. Tuy nhiên, bộ phận bé nhỏ này đã bị chính Hitler dùng quyền uy ngày càng mạnh mẽ của mình phản bác và chèn ép.
Trong một tranh luận nảy lửa với lãnh đạo nhóm “xã hội chủ nghĩa” trong đảng mình là Otto Strasser, khi được Strasser hỏi rằng phải chăng khi đảng lên cầm quyền thì đảng vẫn sẽ không động đến các phương tiện sản xuất (means of production), Hitler đã thẳng thừng đáp:
“Dĩ nhiên rồi. Ông tưởng tôi điên hay sao mà hủy hoại nền kinh tế? Nhà nước sẽ chỉ can thiệp nếu như các chủ doanh nghiệp không phục vụ lợi ích quốc gia. Ngoài ra thì chẳng có lý do gì để thực hiện chiếm đoạt tài sản hay cho đám công nhân có tiếng nói trong các quyết định chính trị.”
Bộ phận “xã hội chủ nghĩa” trong đảng Quốc Xã cuối cùng bị đào thải khỏi đảng bằng bạo lực trước khi đảng Quốc Xã giành được chính quyền ở Đức.
Theo Fest, sang đến năm 1930, các yếu tố “chủ nghĩa xã hội” và “công nhân”, cũng như “chống tư bản” trong các tuyên truyền của đảng Quốc Xã đã đơn thuần trở thành những món “đồ diễn sân khấu ý thức hệ” (ideological props), vừa tạo điều kiện cho đảng này thu hút quần chúng, vừa giúp cho họ đánh lừa, ngụy trang trước kẻ thù.
Các phát hiện này của Fest về cách đảng Quốc Xã “lợi dụng” chủ nghĩa xã hội cũng được ủng hộ bởi các nghiên cứu của nhiều nhà sử học uy tín chuyên nghiên cứu về Phát xít Đức, như William L. Shirer và Richard J. Evans.
Bên cạnh các luận điểm dựa trên sử liệu về hoạt động thực tế của đảng Quốc Xã, cũng có các nhận định về tư tưởng cá nhân của Hitler. Nhà sử học Ian Kershaw cho rằng Hitler chưa bao giờ là một người ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Hitler cho rằng nhà nước phải có vai trò quyết định trong phát triển kinh tế, nhưng Hitler vẫn đã luôn ủng hộ quyền tư hữu tài sản và tự do kinh tế, trong khi chống đối công đoàn và việc đấu tranh đòi quyền lợi của giới công nhân trước chủ doanh nghiệp.
Bài học về việc dịch và hiểu tên của Đảng Công nhân Quốc gia Xã hộiTranh luận hai bên tám lạng nửa cân như thế đã qua mấy năm nay mà vẫn chưa có hồi kết!
Có thể thấy là việc dịch và hiểu những từ ngữ tưởng chừng đơn giản trong tên một đảng chính trị khét tiếng có thể gây ra những tranh cãi sâu sắc đến như thế nào.
Đó có lẽ là bài học cho tất cả chúng ta: không nên trông mặt mà bắt hình dong, chỉ nghe tên một đảng mà đoán “chí hướng” đảng đó!
Tài liệu tham khảo