Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Trong mấy chuyện lùm xùm trên trường quốc tế tuần qua, Anh Cả Lý khoái nhất vụ “cô phóng viên áo xanh ‘nhìn bất mãn‘” tại Trung Quốc.
Là vầy, trong một phiên quan chức hỏi đáp với báo giới bên lề một phiên họp Quốc hội, có cô phóng viên này, xưng là “phóng viên đài quốc tế” hẳn hoi, nghe oách lắm.
Cô này bèn hỏi một ông quan kia một câu hỏi mà nghe cứ như “quảng cáo trá hình” cho dự án Một Vành Đai Một Con Đường khá đình đám của chính phủ Trung Quốc.
Chắc ngán ngẩm với kiểu “bơm thổi” mượn danh báo chí này hay sao mà một cô phóng viên khác đứng ngay cạnh đã có một biểu hiện thú vị: Cô xoay tròn con ngươi trong hai mắt mình, tiếng Anh gọi hành động này là eye-rolling.
Biểu hiện đó được truyền hình trực tiếp lên TV nên loáng cái bàn dân thiên hạ khắp cõi địa cầu biết và đem ra bàn tán sôi nổi.
Người nào rành văn hóa phương Tây chắc biết ngay biểu hiện khá “Tây” này có ý là gì. Nó thường là để thể hiện sự ngán ngẩm, “hết hơi”, “sa mạc lời” với một điều gì đó.
Ví dụ con nít bên Tây hay eye roll mỗi khi phải nghe lại một tràng dạy dỗ nào đó của bố mẹ mà chúng đã phải nghe qua nhiều lần rồi.
Kênh BBC tiếng Việt dịch eye roll là “nhìn bất mãn” thì có hơi buồn cười và “nâng quan điểm”, vì nhiều khi người ta eye roll đơn giản vì chán ngán, hay cảm thán với một sự trời ơi đất hỡi nào đó, nhưng chưa đến mức bất mãn ra mặt.
Nhưng mà thôi Anh Cả Lý lại lạc đề! *eye roll*
Bài này là để nói về một điểm khác của vụ việc thú vị này.
Câu hỏi “Softball”
Cánh báo chí thế giới khi miêu tả câu hỏi mang tính “nâng đỡ trong sáng” chính quyền trong vụ việc trên thì hay dùng một từ là từ “softball”.
Ví dụ, một phóng viên báo Washington Post than thở:
“The reporter’s question was a softball, the sort of long-winded but unchallenging interrogation that we’ve come to expect at the endless news conferences during the annual meeting of China’s National People’s Congress.”
Dịch: “Câu hỏi của cô phóng viên kia là một thứ bóng mềm, một dạng chất vấn kiểu dài dòng nhưng dễ ẹc mà chúng ta đã quen bắt gặp tại các buổi họp báo bất tận diễn ra trong dịp họp thường niên của Quốc hội Nhân dân Trung Hoa.”
Kênh tin CNN thì gọi câu hỏi của cô phóng viên kia là “softball question”.
“Softball”, hay “softball question” ở đây nghe chừng đều có ý nói câu hỏi kia cũng mềm xèo, èo uột như một… trái bóng mềm, trái bóng xịt hơi hay sao ta?
Thực ra “softball” được dùng ở đây như một biện pháp ẩn dụ ngôn ngữ sâu xa hơn.
“Softball” ở đây không phải có ý so sánh trực tiếp câu hỏi đó “như là một trái bóng mềm” (nếu thế thì “soft” và “ball” sẽ đứng riêng chứ không dính vào với nhau).
“Softball” nguyên cả từ ở đây là chỉ môn bóng mềm – một phiên bản “dễ chơi” hơn của môn bóng chày lừng danh mà chắc nhiều bạn độc giả mê đọc truyện tranh manga Nhật khá rành.
Tuổi trẻ, tình yêu, nhiệt huyết, Koshien… – Ảnh: Anime Cross Game – Youtube.com
Bóng chày thì có thể nói một cách đơn giản hóa là: một bên ném bóng và chụp bóng, một bên đánh bóng, bên nào đánh trúng bóng thì ăn điểm, hụt thì không ăn, xong rồi đổi phiên, đội nào ném bóng trước thì lúc sau phải đánh bóng, và ngược lại.
Môn softball chơi giống bóng chày, có điều là dùng trái bóng to hơn, sân chơi nhỏ hơn, và tốc độ chơi thường cũng chậm rãi hơn.
Môn này ban đầu do mấy chàng cầu thủ bóng chày người Mỹ sáng tạo ra để chơi trong nhà cho đỡ buồn mấy tháng mùa đông lạnh lẽo không ra sân ngoài trời được.
Ban đầu quả bóng dùng chơi có chất liệu khá mềm, cho nên môn bóng chày “phẩy” này “chết” tên luôn là môn bóng mềm. Để phân biệt, người Mỹ gọi môn bóng chày “gốc” là hardball, môn bóng cứng.
Mà hardball ở đây có hard nghĩa đen luôn đó. Quả bóng chày hardball bình thường làm bằng chất liệu da tổng hợp, có lõi gỗ cứng. Ăn một phát bóng này vào mặt ở cự ly gần mà choáng đến xỉu là chuyện thường tình.
Do chậm rãi dễ chơi, ít tốn sức hơn nên môn bóng mềm đi vào tiềm thức dân chơi bóng chày hardball Mỹ như là một hoạt động gì đó “dễ òm”, “con nít”, “ai cũng chơi được”.
Mà bóng chày thì là một trong những môn thể thao người Mỹ mê nhất, tới mức môn này được gọi là “Trò tiêu khiển quốc dân của nước Mỹ” (America’s National Pastime).
Thế nên, không lạ là trong tư duy người Mỹ có rất nhiều thứ có thể được thể hiện một cách trực quan, sống động hơn bằng cách dùng các ẩn dụ (metaphor) bóng chày.
Ví dụ, “pitch” trong bóng chày là pha ném bóng – tình tiết chính trong một trận bóng chày.
Cầu thủ ném bóng chính trong trận được gọi là “pitcher”. Nhiệm vụ của “pitcher” là phải ném bóng khéo léo, chính xác vào tay đồng đội đứng đối diện phía xa xa – cầu thủ chụp bóng (“catcher”).
Thử thách chính là cầu thủ đánh bóng (“batter”) của đội bên kia, vốn đứng cố định ở một chỗ ngay gần, cắt mặt (nhưng không chắn luôn) cầu thủ chụp bóng để chực chờ đón đường banh mà đánh.
Chắc vì thử thách chọn đề tài báo chí để viết cũng tùy thuộc vào ban biên tập khá giống việc ném bóng luôn cần có người chụp, nên việc “pitching” được dân báo chí Mỹ-Anh dùng làm ẩn dụ cho việc “đề xuất đề tài báo chí”.
Trước khi viết một bài báo, các phóng viên thường viết trước một bài “pitch” tóm lược, nói sơ sơ trước về bài báo định viết cho ban biên tập đọc nhanh.
“Ném” ý tưởng mà ban biên tập “chụp” được, tức là chấp nhận, thì “pitch” đã thành công và phóng viên bắt đầu điều nghiên để viết bài.
Một cú pitch của cầu thủ đội New York Yankees (Mỹ) – Ảnh: si.com
Ví dụ khác, để nói về việc “chịu trách nhiệm”, “sẵn sàng với nhiệm vụ khó khăn”, người Mỹ có thể dùng cụm từ “step up to the plate”, nghĩa đen tức là bước ra đứng chỗ gôn nhà.
“The plate” ở đây là cái “home plate” hay gôn nhà, nơi “catcher” ngồi đón đường bóng của “pitcher”. Đó cũng là nơi “batter” đội đối phương phải đứng, cầm gậy sẵn sàng nhìn banh để đón lõng pha ném bóng từ “pitcher” kia.
Đánh trúng thì ăn điểm, đánh hụt ba lần thì không được điểm nào, phải tiu nghỉu về ghế ngồi chờ đợt sau (nói nôm na thôi, luật bóng chày phức tạp hơn thế nghen!)
Vậy nên, chẳng hạn khi một anh chàng luật sư trẻ mới lần đầu ra tòa cãi cho thân chủ, vị sếp anh này có thể hỏi han trước giờ G với một câu: “Are you ready to step up to the plate?”, ý bảo “Cậu sẵn sàng chưa?”, dùng một ẩn dụ bóng chày.
Việc cãi thành công tại tòa có thể được ví như việc một cầu thủ đánh trúng bóng, mang điểm về cho đội nhà – công ty luật.
Nếu cãi thắng một vụ to, ông sếp có thể khen chàng luật sư trẻ: “That performance was out of the ballpark, son!”, nghĩa đen “Quả là một màn trình diễn bay khỏi sân bóng, nhóc!”, ý khen “Cãi xuất sắc lắm, nhóc!”.
“Out of the ballpark”, “bay khỏi sân bóng” là một trong những tình huống kịch tính nhất trong môn bóng chày: “batter” do ăn may hay do đoán được đường banh nên đập quá chuẩn xác và mạnh mẽ, khiến trái bóng bay tít mù, ra khỏi khu vực sân bóng luôn.
Còn được gọi là một pha “home run”, tình huống như thế thường giúp cho đội đang đánh bóng ăn thêm tới ba điểm, đồng thời cũng làm khán giả bóng chày rất thích thú, giống như với khán giả bóng đá khi được nhìn thấy một pha “ngả bàn đèn” vô lê trúng lưới vậy.
Giống thế, cái mối tương quan softball – hardball cũng đi vào ngôn ngữ bình dân Mỹ: cái gì khó, lé-vồ (level) cao, làm thiệt, mất sức, xoắn não, dễ sợ hơn sẽ được “vinh danh” là hardball; còn cái gì dễ ẹc, trẻ con, làm chơi chơi, thoải mái không phải xoắn thì được gọi là softball.
“Play hardball”, “chơi bóng cứng”, theo đó trở thành một ẩn dụ “đe dọa” khá phổ biến.
Xem phim hình sự Mỹ, dễ gặp vài lần một tình huống, đại loại là các tay trùm mafia hay mấy ông cảnh sát mặt mày bặm trợn, thường đang tức vì có thằng đệ tử vừa bị phe bên kia “xiên” hay gì, đập bàn nghiến răng “It’s time to play hardball!” – “Tới lúc chơi thiệt/chơi gắt/ăn thua đủ rồi nghen tụi bây!”.
Xem phim về pháp đình Mỹ cũng có thể hay gặp một tình huống cliché khác, kiểu như là hai ông bà luật sư kia vốn từng chơi thân/”cảm nắng” nhau, nhưng nay chẳng may phải đối đầu nhau trong một vụ việc. Trong một phiên chất vấn thân chủ, thấy thân chủ mình bị “tra tấn” dữ quá, ông luật sư kia tức mình, lúc sau gặp riêng bèn đe bà luật sư kia: “So you wanna play hardball? We play hardball!” – “Đằng ấy muốn đáo để à? Tớ không ngán!”.
“Sao, muốn chơi sát ván không?” – Ảnh: andertoons.com
Vậy nên khi dùng “softball” để miêu tả câu hỏi của cô phóng viên quốc doanh trá hình bên Tàu kia, các nhà báo đang dùng một ẩn dụ bóng chày để nói là: câu hỏi đó quá dễ trả lời, có vẻ “nhường nhịn” quan chức hơi lộ liễu.
Chắc khi dùng từ “softball” nhiều ông bà nhà báo Tây đã nghĩ nôm na:
Trời ơi, phóng viên hỏi quan chức chi mà hỏi dễ quá vậy cà? Chất vấn giới cầm quyền hay đi “nâng trứng hứng hoa” hả? Làm phóng viên thì phải có gan chơi bóng cứng, ném bóng đi vũ bão vèo vèo như tên bay đạn xé, sao cho mấy ông quan chức khó đập ăn điểm, chứ ai đi chơi bóng mềm dzậy cưng?
Mối quan hệ đối mặt phóng viên – quan chức ở đây được nhìn nhận như một mối quan hệ kình địch trong bóng chày. Một bên không thể nhường nhịn bên còn lại.
Chắc cũng đúng nhỉ, phóng viên với quan chức mà lúc nào cũng kè kè như cùng một đội, thỉnh thoảng còn rủ nhau đi ăn mực thì ai sẽ giúp bà con dân lành thường trực chất vấn, tra hỏi giới quan chức về những nhiệm vụ họ chưa hoàn thành, hay những vấn nạn nóng hổi mà họ phải chịu trách nhiệm đây ta?
Hứng thú với cái vụ dùng tình tiết bóng chày để diễn tả cuộc sống này quá, Anh Cả Lý bèn tìm hiểu thêm.
Nhờ vậy mới phát hiện ra việc dùng ẩn dụ, so sánh tương đương bóng chày là khá sâu rộng trong các tòa án Mỹ.
Tới mức các tạp chí học thuật pháp lý đàng hoàng phải bàn về việc dùng ẩn dụ, so sánh tương đương bóng chày của các thẩm phán Mỹ!
Ẩn dụ, so sánh tương tự với bóng chày trong luật pháp
Nếu như từ “metaphor” chỉ chung chung phép dùng ẩn dụ để diễn ý trong lời văn tiếng nói thường ngày, thì từ “analogy” lại chỉ quá trình dùng việc so sánh hai thứ tương tự nhau để thúc đẩy một luận điểm logic nào đó.
Khi đối mặt với các khái niệm pháp lý quá trừu tượng, các luật gia tại những xứ sở cuồng banh bóng thường thông qua các analogy, dùng các tình huống bóng banh tương đương để giúp cụ thể hóa và diễn giải một cách dễ hiểu hơn các khái niệm pháp lý đó.
Luật sư Megan Boyd trên Tạp chí về Luật Thể thao và Luật Giải trí của trường luật Harvard (wow, không ngờ Harvard có nhánh nghiên cứu hàn lâm khá hay ho thế này!) cho rằng bóng chày là môn thể thao cung cấp nhiều “đạn” làm analogy nhất cho các thẩm phán Hoa Kỳ.
Boyd đưa ra một ví dụ nổi tiếng. Chánh án Tối cao Pháp viện Mỹ ông John Roberts từng giải thích nhiệm vụ của các thẩm phán như sau:
“Thẩm phán như trọng tài bóng chày (umpires). Trọng tài bóng chày không tạo ra luật lệ; họ áp dụng luật lệ… Tôi sẽ luôn nhớ rằng nhiệm vụ của tôi là gọi bóng lỗi hay trúng (call balls or strikes) chứ không phải là ném bóng (pitch) hay đánh bóng (bat).”
John Roberts, Chánh thẩm phán, fan bóng chày – Ảnh: Brooks Kraft/Getty Images.
Bóng chày dĩ nhiên có trọng tài. Họ thường là người thứ ba đứng gần “home plate” – gôn nhà, bên cạnh “catcher” và “batter”.
Trọng tài sẽ giám sát và đưa ra phán quyết cuối cùng rằng một pha bóng là pha “lỗi” (ball) hay pha “trúng” (strike).
Việc “pitching” hóa ra không chỉ là ném bóng lọt vào tay “catcher”.
Luật bóng chày quy định cụ thể “strike zone” – khu vực trúng bóng – nhất định. Bóng bay ngoài khu vực này cho dù có vào tay “catcher” thì cũng bị trọng tài gọi to “Ball!” tức là pha bóng lỗi, “pitcher” phải ném lại, chứ không được tính là pha ném bóng trúng (strike).
Lời ngài Roberts như vậy dân xứ khác không biết bóng chày có thể thấy hơi khó hiểu, nhưng dân xứ bóng chày nghe là hiểu ngay.
Nói nôm na theo ngôn ngữ dân xứ bóng đá, ngài Roberts tự răn: Thẩm phán như trọng tài, không thể vừa đá bóng vừa thổi còi.
Boyd cũng ghi nhận các thẩm phán hay dùng “home run” (pha “out of the ballpark” đã nói ở trên) để chỉ các tình huống mang tính “dứt điểm”.
Một thẩm phán xem xét liệu một bên nguyên có “đánh một quả home run về bồi thường thiệt hại (damages)” không.
Giải thích tại sao lời khai nhân chứng không nhất thiết là thứ duy nhất giúp kết tội nghi phạm hình sự, mà chỉ là một dạng bằng chứng có thể được dùng phối hợp với các dạng bằng chứng khác, một thẩm phán khác viết: “Không phải nhân chứng nào cũng phải tự đánh một quả home run.”
Trong một vụ việc khác, một thẩm phán phải giải thích cho bồi thẩm đoàn thế nào là “chứng cứ gián tiếp” hay “chứng cứ từ hoàn cảnh” (circumstantial evidence).
Vị thẩm phán này bèn dùng analogy: các bồi thẩm viên hãy tưởng tượng khi xem bóng chày, chẳng may họ vừa bỏ lỡ mất một pha home run nhưng nhìn xuống sân thấy “batter” vừa đánh bóng đang “chạy chậm rãi qua tất cả các gôn trên sân” (“slowly rounding all the bases”) thì cho dù họ không được nhìn thấy pha đánh bóng, họ vẫn có thể suy luận ra là “batter” đó đã đánh được một cú home run.
Đây là bởi vì luật bóng chày quy định: cho dù đã đánh bóng bay tít khỏi sân, khiến cho cả đội đối thủ bó tay – chả cầu thủ nào có thể chụp lại bóng, thì để hoàn thành tình huống nhằm ghi trọn ba điểm cho đội mình, “batter” vừa vụt trúng bóng vẫn phải chạy một vòng sân, chạm vào ba gôn ở ba góc còn lại của sân (được gọi là các base) rồi quay lại chỗ gôn nhà nơi đã đánh bóng.
Chả còn bóng mà quăng với chụp nữa, nên dĩ nhiên một “batter” vừa đánh được home run được phép thong dong hơn bình thường một tí, không cần phóng thục mạng qua các góc sân làm gì.
“Bản đồ” một sân bóng chày với bốn góc là bốn cột gôn còn được gọi là các base – Ảnh: math-principles.com
Như vậy, dùng so sánh tương đương, ý của vị thẩm phán là chi tiết “batter” chạy chậm rãi qua các cột gôn là một “bằng chứng gián tiếp” để các khán giả (bồi thẩm viên) suy ra rằng trươc đó người “batter” đã đánh được home run, cho dù họ không nhìn thấy pha home run đó.
Còn có vài ẩn dụ, so sánh tương đương bóng chày khác được các thẩm phán Mỹ dùng, nhưng muốn giải thích tường tận cho bạn đọc thì phải giải thích thêm luật bóng chày rất dài dòng văn tự, nên thôi Anh Cả Lý kết bài ở đây.
Bạn đọc hay theo dõi tin tức quốc tế muốn tìm hiểu thêm có thể tham khảo thêm một số các ẩn dụ bóng chày và thể thao thường gặp khác.
Còn bạn nào muốn qua Mỹ hay Nhật học luật thì chắc xác định trước là tìm hiểu bóng chày đi nha. Đặng còn có vốn từ, vốn hiểu biết văn hóa mà “chém gió” với mấy luật gia hai xứ sở bóng chày kia hen!
Tài liệu tham khảo: