Hoa Kỳ: Có nên giới hạn số nhiệm kỳ tổng thống?

Hoa Kỳ: Có nên giới hạn số nhiệm kỳ tổng thống?
Ảnh history.com.

Ngày 25/2/2018, đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất bãi bỏ giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Việc làm này phần nào giúp khẳng định điều mà giới quan sát quốc tế đã lên tiếng từ trước kỳ Đại hội đảng thứ 19 được cử hành vào tháng 10/2017 vừa qua. Đó là có vẻ như Tập Cận Bình (Xi Jinping) sẽ dùng mọi biện pháp để tiếp tục tại chức và nắm giữ quyền lãnh đạo quốc gia vô thời hạn.

Cách nay gần đúng 71 năm, tại một cường quốc khác, Quốc hội Hoa Kỳ lại làm một việc hoàn toàn ngược lại với Trung Quốc phiên bản 2018. Đó là vào năm 1947, Mỹ đã sửa đổi Hiến pháp để đặt ra giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ cho chức vụ tổng thống.

Từ khi lập quốc cho đến năm 1947, Hiến pháp Mỹ vốn không có bất kỳ giới hạn gì đối với nhiệm kỳ của tổng thống. Phải đến khi Tu chính án Thứ 22 được Quốc hội thông qua vào ngày 21/3/1947 và được đủ số các tiểu bang phê chuẩn (3/4 tổng số các bang) vào ngày 27/2/1951, thì mới có quy định một cá nhân chỉ có thể đắc cử tối đa hai nhiệm kỳ cho chức vụ này.

Thế nhưng, hành động đề xuất và thông qua tu chính án này của Quốc hội Hoa Kỳ cho đến tận ngày nay vẫn vấp phải chỉ trích từ một số học giả. Những người này lập luận, việc đặt ra giới hạn nhiệm kỳ tối đa là đi ngược lại ý nguyện của các tổ phụ (founding fathers) và tinh thần nguyên thủy của bản Hiến pháp Mỹ.

Mặt khác, cũng có những quan điểm cho rằng, Hiến pháp không phải là “sách nhà Trời” mà là một văn bản pháp luật có thể sửa đổi cho phù hợp với tình hình đất nước ở các thời kỳ khác nhau.

Vậy thì ai đúng, ai sai ở đây?

Hội nghị Hiến pháp ở Hoa Kỳ năm 1787. Tranh: Junius Brutus Stearns/teachingamericanhistory.org

Hiến pháp Hoa Kỳ căn bản để ngỏ khả năng nhiệm kỳ tổng thống có thể kéo dài trọn đời

Thật vậy, rất nhiều người trong số các tổ phụ của Hoa Kỳ, kể cả những gương mặt nổi trội như Alexander Hamilton và James Madison, không những không muốn đặt ra giới hạn tối đa cho nhiệm kỳ tổng thống, mà còn ủng hộ việc trao quyền cho Quốc hội để bổ nhiệm một tổng thống trọn đời.

Từ những ngày đầu tiên lập quốc, các vị tổ phụ Hoa Kỳ đã phần nào khá lúng túng khi phải tìm kiếm các phương pháp bầu ra tổng thống – người sẽ đứng đầu cơ quan hành pháp và điều hành chính phủ.

Giới hạn nhiệm kỳ vốn không phải là một mối quan tâm hàng đầu đối với các vị tổ phụ, những người đang phải giải quyết quá nhiều vấn đề đau đầu hơn liên quan đến chức vụ tổng thống. Ví dụ như chức vụ này sẽ là do ai bầu ra – Quốc hội, người dân hay là một cơ chế đại cử tri? Hoặc như, vai trò của tổng thống sẽ bao gồm các trách nhiệm gì?

Như đã nói ở trên, một số đại biểu của Hội nghị Lập hiến rất tán thành việc chức vụ tổng thống nên do Quốc hội bổ nhiệm trọn đời chứ không phải do dân bầu ra. Đó đa phần là những người mang khuynh hướng ủng hộ một chính quyền trung ương mạnh để lãnh đạo các tiểu bang.

Thế nhưng, Đại biểu George Mason từ Virginia đã cực lực phản đối. Ông này cho rằng cách chọn tổng thống như thế thì có khác gì cho phép Quốc hội có quyền bầu ra một quân chủ, một vị hoàng đế (elective monarchy). Tuy vậy, khi mang ra bỏ phiếu thì đề xuất này đã suýt được thông qua.

Cần phải nói thêm, George Mason là một người rất coi trọng các quyền tự do của người dân (individual rights) và e ngại một nhà nước trung ương quá lớn mạnh. Ông cũng là người đi đầu trong việc đòi hỏi bản Tuyên ngôn Dân quyền (Bill of Rights) được thông qua vào tháng 12/1791.

Không đạt được đồng thuận về phương pháp chọn lựa một tổng thống với nhiệm kỳ trọn đời, các đại biểu suy nghĩ đến việc phải đặt ra nhiệm kỳ cho chức vụ này nếu như tổ chức bầu cử để chọn. Thế nhưng, câu hỏi lớn hơn vẫn là: Ai sẽ bầu ra tổng thống?

Đến khi Hội nghị lập hiến sắp kết thúc thì đa số các đại biểu vẫn có vẻ xuôi theo ý kiến là Quốc hội sẽ bổ nhiệm một tổng thống với nhiệm kỳ giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó, tổng thống luôn có thể tự ứng cử để tiếp tục đăng nhiệm. Tức là vẫn không có giới hạn nhiệm kỳ tối đa cho chức vụ này.

Đại biểu từ Pennsylvania, Gouverneur Morris, lại e ngại là cơ chế nói trên sẽ tạo cơ hội cho các ứng cử viên tổng thống lũng đoạn bằng cách hối lộ các thành viên Quốc hội hầu được đắc cử. (Morris cũng là người đã chắp bút cho Lời mở đầu (Preamble) của bản Hiến pháp Hoa Kỳ và được nhiều học giả nhìn nhận là một trong những tác giả chính của văn bản pháp luật tối cao này).

Để thỏa hiệp với nhau, các đại biểu cuối cùng quyết định dành toàn bộ Điều II của Hiến pháp Mỹ để lập ra các quy định về một cơ chế chọn lựa tổng thống hết sức phức tạp vẫn còn được sử dụng cho đến tận bây giờ: Cơ chế đại cử tri.

Bên cạnh đó, họ cũng không đặt ra bất kỳ giới hạn nào về nhiệm kỳ tối đa của tổng thống và điều này đã kéo dài trong suốt gần 160 năm kể từ ngày bản Hiến pháp Hoa Kỳ được công bố.

Video: Tổng thống Barack Obama đùa khi khán giả muốn ông làm thêm một nhiệm kỳ bốn năm nữa: “Tôi không thể làm được. Ngoài quy định của Hiến pháp ra thì Michelle vợ tôi sẽ không cho phép đâu”.

Sửa đổi Hiến pháp để tránh nguy cơ độc tài dù người tại vị rất xuất sắc 

Sở dĩ Quốc hội Hoa Kỳ bắt đầu thảo luận việc giới hạn số nhiệm kỳ cho chức vụ tổng thống là vì một việc chưa từng có tiền lệ: Tổng thống Franklin Roosevelt đã đắc cử tổng thống lần thứ tư năm 1944 và qua đời 82 ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức.

Trước Franklin Roosevelt, các tổng thống Mỹ chỉ đăng cử tối đa hai nhiệm kỳ – như là một luật bất thành văn – kể từ thời tổng thống đầu tiên, George Washington.

Franklin Roosevelt luôn được lịch sử đánh giá cao và xếp vào nhóm những tổng thống có nhiều công trạng  nhất đối với Hoa Kỳ. Ông là người đưa đất nước vượt qua cuộc Đại khủng hoảng kinh tế trong thập niên 1930 và lãnh đạo phe Đồng minh chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế chiến Thứ hai.

Mặc dù là vậy, người Mỹ vẫn e ngại một nguy cơ tiềm ẩn có thể đến từ một nhà lãnh đạo độc tài trong tương lai nếu tổng thống có thể tại vị trọn đời. Và đó là lý do mà Tu chính án Thứ 22 ra đời.

Những người phản đối Tu chính án Thứ 22 thì lại lập luận rằng đó là một cơ chế quá cứng nhắc và tước đi quyền chọn ra vị lãnh đạo ưu tú nhất của công dân chỉ vì ứng cử viên đó đã đắc cử chức vụ tổng thống hai lần. Nếu như một người vẫn có thể thực thi trách nhiệm tổng thống một cách đầy đủ và tốt đẹp thì tại sao lại phải hạn chế họ bằng số nhiệm kỳ?

Lập luận này luôn được nhiều người ủng hộ dưới những thời kỳ tổng thống được dân chúng đánh giá cao và yêu mến, ví dụ như Ronald Reagan và Barack Obama.

Thế nhưng, tình hình chính trị thực tế tại Hoa Kỳ đã bắt buộc cả hai phe chống và ủng hộ Tu chính án Thứ 22 phải cùng thừa nhận một điều. Đó là quyền lực của chức vụ tổng thống đã vượt xa dự đoán ban đầu của các tổ phụ, đặc biệt là sau cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thập niên 1930 và Thế chiến thứ Hai.

Ngày nay, quyền lực chính trị của Mỹ tập trung tại thủ đô Washington D.C. và biến nơi đó thành trung tâm quyền lực của cả nước. Nhà nước trung ương đã ngày càng lớn mạnh.

Có quan điểm cho rằng đó chính là điểm bất cập của mô hình tổng thống chế. Nếu so sánh với nghị viện chế ở những nơi như Anh Quốc thì rõ ràng quyền lực của một tổng thống Mỹ có thể lớn hơn một thủ tướng Anh rất nhiều.

Và như Ngài Acton đã từng nói, “Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối”. Thế nên, nhằm tránh tình trạng tha hóa quyền lực tuyệt đối thì việc tìm cách kềm giữ và kiểm soát vị trí lãnh đạo tối cao của nhánh hành pháp trở thành một điều cần thiết. Vì vậy, dù là chống hay ủng hộ Tu chính án thứ 22, các học giả Luật Hiến pháp Hoa Kỳ đều phải chấp nhận đó hiện là phương pháp tốt nhất để không cho phép một tổng thống “với quyền lực tuyệt đối” xuất hiện và tại vị cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Cả hai hành động cách nhau hơn bảy thập niên của hai cường quốc trên thế giới với hai thể chế chính trị hoàn toàn đối lập nhau đã cho chúng ta một cơ hội nghiền ngẫm về quyền lãnh đạo đất nước và cơ chế kiểm soát quyền lực đó.

Nhân dịp sinh nhật, Luật Khoa dành tặng bạn gói ưu đãi đọc báo trả phí với 30.000đ/tháng ($15/năm) trong tháng 11

NHẬN ƯU ĐÃI

Tài liệu tham khảo:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.