Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nền pháp quyền của Hong Kong mỗi ngày đều phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ mô hình “một quốc gia, hai thể chế” kể từ khi được trao trả lại cho Trung Quốc vào tháng 7/1997. Có những sự việc nhìn tưởng chừng rất nhỏ bé và vô hại, nhưng phản ứng của giới luật sư Hong Kong lại hết sức gay gắt. Câu chuyện Nhà ga Tây Cửu Long (West Kowloon Station) là một trong số đó.
Đoàn Luật sư Hong Kong (Hong Kong Bar Association) đã cực lực phản đối quyết định hợp tác giữa Trung Quốc cùng dàn lãnh đạo Đặc khu Hành chính Hong Kong về việc thiết lập các điểm kiểm soát chung tại Nhà ga Tây Cửu Long. Họ còn tuyên bố với cơ quan thông tấn AFP vào giữa tháng 1/2018, quyết định đó thật sự là một nỗi “kinh hoàng” đối với nền pháp quyền tại đây.
Quyết định nói trên được Trung Quốc chính thức thông qua vào một tháng trước đó, và ngay lập tức đã vấp phải chất vấn từ các luật sư hàng đầu Hong Kong là liệu nó có đủ căn cứ pháp lý (legal basis) hay không.
Theo dự kiến, các trạm kiểm soát nói trên sẽ là khu vực do quân đội và công an Trung Quốc tuần tra và luật pháp được sử dụng ở đây sẽ là luật của Trung Quốc. Các trạm kiểm soát này không nằm ở biên giới hai địa phương, mà là ở ngay trong phạm vi lãnh thổ của đặc khu Hong Kong. Có nghĩa là công an Trung Quốc hoàn toàn có thể dựa vào luật nước họ mà xông vào các trạm này để bắt bớ bất kỳ ai.
Vấn đề lớn nhất nằm ở chỗ luật pháp của Hong Kong và Trung Quốc quá khác nhau. Đó cũng là vì sao Hiệp ước 1997 phải bảo đảm tình trạng “một quốc gia, hai thể chế” cho người dân Hong Kong trong vòng 50 năm.
“Cộng đồng luật sư phản ứng gay gắt là bởi vì chúng tôi phải liên tục đối đầu với những thách thức cũng không hề kém gay gắt gây đe dọa đến nền pháp quyền của Hong Kong” – Luật sư Randy Shek trả lời AFP.
Ông Shek cho rằng Bộ luật Căn bản của Hong Kong viết rõ, luật quốc gia (của Trung Quốc) không áp dụng được ở thành phố Hong Kong trừ bỏ một vài phạm vi được giới hạn rất hẹp liên quan đến quốc phòng.
Còn Luật sư Johannes Chan thì nhận định trong vụ việc này, chính quyền Bắc Kinh đã vượt qua các thủ tục thông thường để áp đặt một luật lệ của họ vào Bộ luật Căn bản của Hong Kong. Ông Chan cực lực lên án hành vi đó, cũng như nhấn mạnh việc không thể để cho Trung Quốc có quyền lực tuyệt đối và không có giới hạn như thế được. Vì khi ấy, Hong Kong sẽ trở thành một nhà nước vô pháp (rule without law).
Ở Hong Kong, quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt không những được pháp luật bảo đảm mà hơn thế, họ còn có một cơ chế tòa án độc lập. Chính mô hình nhà nước pháp quyền đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của Hong Kong trong suốt các thập niên 70, 80, và 90, cũng như góp phần giúp cho đặc khu này trở thành một trong những nơi “trong sạch” và ít tham nhũng nhất thế giới.
Trong khi đó, luật Trung Quốc cấm đoán người dân sử dụng các mạng xã hội nước ngoài, như Facebook và Twitter. Những luật sư Hong Kong quan ngại là liệu người dân tại đây có bị chặn đăng nhập vào các trang mạng nói trên khi có mặt tại các trạm kiểm soát ở ga Tây Cửu Long hay không?
Ví dụ như khi đi qua các trạm này, họ có được mặc áo hay đội mũ với các dòng chữ thể hiện quan điểm chính trị đối lập với Bắc Kinh không? Tại đó, họ có thể tọa kháng, tụ tập phát truyền đơn hay thậm chí là biểu tình không? Nếu họ làm ra những hành vi này thì họ có bị bắt, bỏ tù và kết án tội chống chính quyền Trung Quốc không?
Không ai có thể trả lời chính xác những câu hỏi trên tại thời điểm này, và đó là lý do khiến cho các luật sư càng kiên quyết phản đối việc thiết lập các trạm kiểm soát ở trạm Tây Cửu Long.
Năm 2015, chính quyền Trung Quốc cũng từng bị cáo buộc là đã bắt cóc năm nhà buôn sách (book sellers) người Hong Kong vì những người này đã cổ xúy cho tự do ngôn luận và dám bán “sách cấm” – mặc dù tiệm sách của họ mở ở đặc khu chứ không phải tại đại lục. Ngay tháng 1/2018 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh lại vấp phải cáo buộc đã bắt giữ một nhà xuất bản sách là công dân Thuỵ Điển gốc Hoa – Gui Minhai – vì những hoạt động cổ xúy tự do ngôn luận của ông này.
Năm 2016, Quốc hội Trung Quốc đã thực thi quyền diễn giải Bộ luật Căn bản (Basics Law) – tức là bản Hiến pháp của Đặc khu Hong Kong – để bãi nhiệm những nhà lập pháp do dân Hong Kong bầu lên chỉ vì họ cổ xúy việc đặc khu ly khai Trung Quốc. Quyết định của Quốc hội Trung Quốc đã khiến cho hàng nghìn luật sư Hong Kong mặc đồ đen xuống đường tuần hành trong im lặng để phản đối và để tang cho một nền pháp quyền.
Năm ngoái, những thủ lĩnh sinh viên của Phong trào Dù vàng cũng đã phải vào tù dưới áp lực của chính quyền Bắc Kinh. Và giờ đây, hành vi thiết lập các trạm kiểm soát có vẻ là càng giúp cho “luật Trung Quốc” tiến sâu hơn vào ngay lòng thành phố Hong Kong.
Đối với các luật gia và luật sư hàng đầu của Hong Kong thì quyết định về ga Tây Cửu Long thực chất là một chiêu mới nhất của chính quyền Trung Quốc, nhằm đánh thẳng vào mô hình nhà nước pháp quyền tại đây và khiến nó càng thêm suy yếu. Theo họ, việc thiết lập các trạm kiểm soát này là một hành vi vi phạm trắng trợn Hiệp ước 1997 giữa chính quyền Anh và Trung Quốc khi trao trả Hong Kong.
Tài liệu tham khảo: