Madame Diệp Thảo và William Shakespeare

Madame Diệp Thảo và William Shakespeare
Hai nhân vật này liên quan đến nhau??? – Ảnh: biography.com, Ngô Trần Hải An/soha.vn

Ấy dà dà, mấy bữa nay cả cõi mạng Việt Nam xôn xao vì một loạt bài phỏng vấn trên trang tin Soha.

Chuyện tranh chấp pháp lý về quyền điều hành thương hiệu cà phê Trung Nguyên giữa vợ chồng ông bà chủ mấy năm qua chắc thiên hạ nhiều người biết rồi.

Mấy cái tranh chấp này còn chưa được tòa án giải quyết xong xuôi, hai bên vẫn còn đang bày binh bố trận hầm hừ với nhau, mà chả hiểu sao bà Lê Hoàng Diệp Thảo – một bên của tranh chấp – lại lên báo mạng tâm sự rất lâm ly về chuyện tình cảm, chuyện gia đình với bên kia của cuộc tranh chấp – ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Dân mạng Việt Nam lại được thêm một phen tha hồ cãi nhau, người bênh bà, kẻ bênh ông, ôi chao là vui.

Về phần mình thì, lúc ngồi đọc loạt bài phỏng vấn, Anh Cả Lý không hiểu sao cứ liên tục nhớ tới một lời nói trong một vở kịch của đại văn hào, “Nguyễn Du của người Anh”, William Shakespeare:

The lady doth protest too much, methinks.”

Lời bất hủ này, vốn đã đi vào ngôn ngữ tiếng Anh cả trong báo chí và pháp luật, có một câu chuyện lý thú phía sau.

Hoàng tử Hamlet, Hoàng hậu Gertrude, và ngôn ngữ báo chí tiếng Anh

Chuyện là dzầy, trong vở kịch Hamlet của mình, William Shakespeare kể về câu chuyện bi kịch của chàng Hoàng tử Hamlet xứ Đan Mạch.

Cốt truyện vở kịch này có ngôn tình đẫm lệ pha trộn tranh giành quyền lực ngai vàng, gay cấn hổng kém Trò chơi Vương quyền trên HBO đâu nha.

Nói chung là, đang yên đang lành thì vua cha hoàng tử Hamlet bỗng nhiên lăn đùng ra chết.

Vợ vua, mẹ Hoàng tử Hamlet là Hoàng hậu Gertrude lo tang ma xong bèn tái giá luôn với em trai vua, chú ruột của Hamlet. Cưới xong ông chú này lên ngôi vua luôn.

Rùng rợn cái là, bẵng đi một thời gian, bỗng nhiên có mấy anh đệ tử của Hamlet bắt đầu thấy một bóng ma lảng vảng trong lâu đài hoàng gia. Bóng ma đó nhìn như vị vua quá cố.

Mấy anh đệ tử này bèn kể với Hamlet. Chàng hoàng tử hiếu kỳ quyết định nửa đêm đi tìm hiểu và bắt gặp bóng ma đó. Nhìn thấy chàng, bóng ma bèn tự nhận là vị vua quá cố, và nói là ông đã bị chính vị vua mới lên ngôi –  em trai ông – ám sát!

Hoàng tử Hamlet hoảng hồn, nhưng cũng không tin ngay. Chàng bèn lên kế hoạch điều tra của riêng mình.

Sherlock Holmes, à nhầm, Benedict Cumberbatch vào vai Hamlet trong một buổi diễn vở Hamlet của Shakespeare tại London năm 2015 – Ảnh: telegraph.co.uk

Trong một tình tiết thể hiện phần nào cái sáng tạo thần sầu của ông, kịch tác gia Shakespeare cho chàng hoàng tử Hamlet soạn ra một buổi diễn kịch nhằm thử phản ứng của chú ruột mình và của Hoàng hậu Gertrude.

Trong vở “kịch trong kịch” này, Hamlet cho các nhân vật diễn lại chính “kịch bản âm mưu” mà chàng đang điều tra ngoài “kịch thật”. Vở mini-kịch có nhân vật vua bị ám sát, nhân vật kẻ tình nghi ám sát vua, và nhân vật hoàng hậu vợ vua.

Hamlet muốn quan sát xem chú ruột và mẹ mình sẽ phản ứng thế nào, “giật mình” hay bình thản không có gì.

Trong mini-kịch thì có cảnh nhân vật hoàng hậu vợ vua thề thốt một hơi tràng giang đại hải về tình yêu của mình dành cho nhân vật vua, kiểu là “mị” yêu vua lắm lắm, cho dù vua có chết “mị” cũng sẽ không bao giờ, mãi mãi “never” chịu tái giá đâu nha.

Xong màn, Hamlet quay qua hỏi: “U thấy kịch con viết thế nào ạ?

Hoàng hậu Gertrude hoàn toàn không biết ý đồ thật của con trai, hồn nhiên bình phẩm: “Chà, u thấy bà hoàng hậu kia thề thốt chi mà quá lố.

Lời đó của Hoàng hậu Gertrude chính là phiên bản Nôm hóa của lời trích đầu bài:

The lady doth protest too much, methinks.

“The lady” ở đây là chỉ “quý bà” trong mini-kịch. “Doth” là dạng cổ ngữ của từ “do” quen thuộc.

Protest” thì có nghĩa hiện đại nhiều người biết là “phản đối”, “biểu tình”; nhưng từ này có một nghĩa cổ hơn là “thề thốt” (to vow) hay là “tuyên bố thiết tha, long trọng” (to make solemn or earnest declaration). Cái nghĩa cổ hơn này mới chính là nghĩa trong bối cảnh lời nói Hoàng hậu Gertrude.

Methinks” cũng là cổ ngữ, ý nói “tôi thấy vậy”.

Ý của Hoàng hậu Gertrude là đang chê khéo chàng kịch tác gia con trai mình, viết kịch gì mà cho nhân vật nó “diễn show” quá đi à, không có được tính “hiện thực cách mạng” gì cả (như chính bản thân bà Gertrude: chồng mất tái giá cái đùng).

Hiển nhiên, cái độ bá đạo của Shakespeare (giống như Nguyễn Du nhà mình) đã đảm bảo là điển tích văn học này đi sâu vào tiềm thức văn hóa và cả viết lách của người Anh.

Nhân vật Hoàng hậu Gertrude do Glenn Close thủ vai trong phiên bản Hamlet trên màn bạc năm 1990 – Ảnh: youtube.com

Câu “the lady doth protest too much, methinks” trở thành một trong những câu thoại Shakespeare rất hay được trích dẫn (hoặc trích dẫn sai) trong văn viết và văn nói Anh ngữ. Đến mức đã trở thành một cliché.

Khi dùng câu này, ý người dùng là đang ám chỉ người đối diện, hay ai đó vốn là chủ đề bình luận, đang có một cách hành xử hay phản ứng hơi quá mức, thừa thãi tới mức độ làm cho người ta nghi ngờ cái mức độ thành thật của người đang có hành xử hay phản ứng đó.

Phản ứng hơi quá mức gây nghi ngờ có thể là việc thề thốt quá dài dòng, quá thống thiết; hay có thể là từ chối, phản bác theo kiểu quá khích, không kiềm chế.

Ví dụ trong một tình huống đời thường, một nhóm bạn người Anh có thể thấy một đôi anh chị nào đó hay đi chơi, qua lại với nhau, thế là bèn bình phẩm là hai anh chị này “nhìn như một cặp ấy nhỉ”, hỏi han họ “thành đôi rồi à”.

Nếu cô nàng hay anh chàng đó mà cứ chối bay chối biến phủ nhận tình cảm, hay phản ứng kiểu “giãy nảy” lên mỗi khi bị hỏi han như thế, thì đám bạn đó có thể nghi ngờ, ủa không có gì thì không có gì, mắc chi mà làm quá.

The lady doth protest too much methinks” có thể được mấy người bạn đó thốt lên để trêu cả anh chàng lẫn cô nàng kia.

Cái hiện tượng tâm lý này hình như cũng có ở người Việt Nam mình: thế nên nhiều người mình cũng hay nghi ngờ mỗi khi thấy ai đó phản ứng thái quá, theo kiểu “có tật giật mình”, cứ như là “đỉa phải vôi” vậy.

Ví dụ, nhiều khi thực ra cái vấn đề mà mình đang hỏi một người kia là một vấn đề rất nhỏ. Nhưng cách người ta phản ứng lại câu hỏi của mình lại rất thái quá, khiến mình phải quay qua nghi ngờ rằng hay là có gì khuất tất sâu xa mới khiến người ta phản ứng như vậy. Trong khi nếu như lúc được hỏi mà người ta phản ứng bình thản gọn gàng, hay phản ứng kiểu xuề xòa cho có, thì mình cũng chả có lý do mà đi nghi ngờ người ta “có tật”.

Nhìn lên báo chí tiếng Anh ngày nay có thể thấy các biến thể của câu thoại Shakespeare nói trên, thành nhân vật A “doth protest too much”, nhân vật B “doth not protest” v.v. nhưng đều có ý ám chỉ sự đánh giá mức độ thái quá của phản ứng từ nhân vật đang được đề cập.

Ví dụ, trên một tờ báo tỉnh lẻ ở Mỹ, có độc giả chê bà Hillary Clinton: “Hillary Clinton protests too much” khi người này thấy sao bà Clinton có vẻ quá cay cú, đến giờ vẫn đổ lỗi cho nhiều cử tri Mỹ đã không bỏ phiếu cho bà mà để bà thua ông Donald Trump.

Nhưng ông Donald Trump cũng không thoát: trên tờ Chicago Tribune tháng trước, một nhà báo cũng dùng “doth protest too much” để “xỉa” ông Trump. Nhà báo này hỏi là sao ông Trump cứ “giãy nảy” theo những cách ồn ào khi đối mặt với các nghi ngờ hình sự dành cho ông ta:

“…His jumpiness around the subject of Russia; his hand-wringing over ways to end the investigation; his rhetorical flop-sweat at the mention of the letters F, B and I — all these and more have his audience thinking: Gee, for an innocent man he sure does act guilty…”

Dịch: “…Cái sự bồn chồn của ông ta xung quanh chủ đề nước Nga; những cách hành xử mang tính “xiết chặt tay” đòi dừng cuộc điều tra; cái sự, nói cường điệu, là vãi mồ hôi của ông ta mỗi khi những chữ F, B, hay I được nhắc đến – tất cả những thứ đó và nhiều thứ khác khiến các khán giả của ông nghĩ: Chà, người vô tội sao mà hành xử như thể có tội vậy…”

Vậy nên, chắc cái cảm giác của Anh Cả Lý khi đọc loạt bài phỏng vấn bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng gần giống cảm giác của mấy tác giả trên:

Cái sự giãi bày lâm ly, kể lể sướt mướt của bà Thảo nó có vẻ hơi khác lạ, vì thực tế bản chất của những mâu thuẫn đang diễn ra giữa bà và ông Vũ là những mâu thuẫn pháp lý, vốn có thể được giải quyết minh bạch công khai tại tòa án, chứ không phải là trông chờ vào nước mắt của công luận.

Vậy nên những lời lâm ly đó không khiến cho Anh Cả Lý thấy phải ủng hộ bà Thảo, mà càng làm cho Anh Cả Lý muốn đặt câu hỏi: thề thốt chi mà lắm thế nhỉ? Hay là…

Mà thôi, “bà tám” dzậy cũng chỉ là để nhân chuyện này mà kể với bạn đọc về ảnh hưởng của William Shakespeare trong tiếng Anh thời sự và tiếng Anh pháp lý.

Thời sự nói sơ rồi, Shakespeare có ảnh hưởng đến tiếng Anh pháp lý như thế nào?

William Shakespeare do Joseph Fiennes thủ vai trong phim “Shakespeare Đang Yêu” (1998) – Ảnh: youtube.com

Shakespeare và pháp luật

Trong khi tại Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu về các mối liên hệ giữa các tác phẩm của Nguyễn Du và tư duy pháp lý Việt Nam, thì tại Anh nhiều năm qua người ta đã nghiên cứu luật pháp và triết học pháp lý qua các tác phẩm của William Shakespeare.

Trường Đại học King’s College khá nổi tiếng ở London có cả một môn trong năm học thứ ba của bằng cử nhân luật là môn “Shakespeare và Luật pháp”.

Nhà xuất bản Bloomsbury uy tín năm 2008 có cả một cuốn sách hơn 300 trang rất thú vị viết về đề tài này, Shakespeare and the Law.

Trong cuốn sách này, các học giả người Anh dùng các tác phẩm kịch và thơ Shakespeare làm nguyên liệu để đưa ra các kiến giải luật pháp trong nhiều lĩnh vực, từ luật hợp đồng cho đến hôn nhân gia đình, rồi ý nghĩa của công lý, nữ quyền, và mối quan hệ công dân – nhà nước.

Các tác giả đều có chung nhìn nhận: thực ra Shakespeare là một tác giả rất đam mê các vấn đề pháp lý và rất có “tư duy luật học”, tư duy này vốn thường ẩn hiện qua các nhân vật và tác phẩm của ông.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, giới luật gia cũng chả kém cạnh: một loạt các học giả và cây bút tên tuổi góp tay làm cuốn sách Shakespeare and the Law xuất bản năm 2014 của Nhà xuất bản Đại học Chicago.

Nhưng nếu muốn nhìn thấy thơ văn kịch nghệ Shakespeare hiện ra sống động trong đời sống pháp lý thì chắc lại phải nhìn lên một cao điểm quen thuộc, Tối cao Pháp viện Mỹ.

Một nghiên cứu năm 2015 của hai học giả Mỹ cho thấy Shakespeare là một trong hai tác giả được các thẩm phán Tối cao Pháp viện trích dẫn nhiều nhất khi viết phán quyết (người kia cũng là một người Anh, Lewis Carroll – tác giả “Cuộc phiêu lưu của Alice vào Xứ sở thần tiên”).

Thực ra không chỉ tòa án cao nhất nước Mỹ, tờ tạp chí The Economist năm 2016 đưa ra một thống kê ấn tượng cho thấy toàn bộ 37 vở kịch của Shakespeare đều đã được trích dẫn bởi các cấp tòa án Mỹ, trong hơn 800 phán quyết khác nhau. Tạp chí này cũng ghi nhận một số trường hợp cụ thể sử dụng Shakespeare trong các tòa án ở Anh.

Có hai cách mà Shakespeare vẫn còn gây ảnh hưởng lên pháp luật trong môi trường tòa án Anh-Mỹ.

Cách thứ nhất là ở cấp độ đơn giản về ngôn ngữ. Khi muốn truy nguyên gốc gác các từ ngữ đang gây tranh cãi pháp lý, các thẩm phán có thể vời đến Shakespeare, xem tác giả này đã sử dụng các từ ngữ đó như thế nào hàng trăm năm trước, để tìm đến một cách diễn giải có cơ sở nhất cho hiện tại.

Cách thứ hai là qua các điển tích, điển cố từ kịch và thơ Shakespeare vốn luôn mang lại những tình huống cụ thể, trực quan để các luật sư dùng cách miêu tả trực tiếp, hay dùng analogy – tư duy so sánh tương đương, để làm rõ các khái niệm pháp lý phức tạp.

Ví dụ, một luật sư có thể dùng ngay “the lady doth protest too much” để thể hiện sự nghi ngờ của mình với một khía cạnh thái quá nào đó trong hành vi của một bị cáo.

Hay, như cái câu thoại Shakespeare được trích dẫn nhiều nhất tại các tòa án Mỹ là câu thoại từ vở kịch đẫm lệ Romeo và Juliet:

“What’s in a name? That which we call a rose / By any other name would smell as sweet.”

Dịch: “Hoa hồng ta gọi tên sao / Thì hoa cũng vẫn ngọt ngào thơm tho.”

Có vẻ là cái kiểu gợi ý “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” này khá hữu dụng cho mấy ông bà luật sư đang tìm cách thuyết phục tòa án nhìn vào tính chất cụ thể của một hành vi, hay một vật thể nào đó, thay vì chỉ nhìn vào cái tên, cái “đúng quy trình”, cái “mã bề ngoài”.

Ví dụ khác, trong vụ Coy kiện bang Iowa, vấn đề có liên quan đến nội dung Tu chính án thứ Sáu thuộc Hiến pháp Mỹ (“Trong tất cả các vụ tố tụng hình sự, bị cáo phải được quyền… đối chất với [to be confronted with] các nhân chứng chống lại anh ta.”).

Tòa án bang Iowa phải xử một vụ cáo buộc xâm hại trẻ em. Bên nhân chứng muốn cung khai trước tòa nhưng không muốn nhìn thấy mặt bị can. Tòa bang Iowa bèn thu xếp cho bên nhân chứng cung khai tại tòa nhưng có một tấm bảng che giữa chỗ nhân chứng đứng và chỗ bị cáo đứng, đủ để nhân chứng và bị cáo không phải nhìn thấy mặt nhau.

Bị cáo bèn kháng án lên Tối cao Pháp viện, cáo buộc bang Iowa không tuân thủ Tu chính án thứ Sáu. Bang Iowa thì cho rằng “to be confronted” có thể được diễn giải để phù hợp với sắp xếp đã có của tòa bang: nhân chứng vẫn làm chứng trước tòa và trước bị cáo, chỉ là hai bên bị cáo – nhân chứng không phải nhìn thấy mặt nhau.

Trong phán quyết cuối cùng thay mặt phe đa số thẩm phán Tối cao Pháp viện của mình, thẩm phán Antonin Scalia tuyên là bang Iowa sai và “to be confronted” hay khái niệm “confrontation” (đối chất) phải được diễn tả theo nghĩa cổ điển của khái niệm này.

Thẩm phán Antonin Scalia. Cho đến trước khi mất năm 2016, ông là vị thẩm phán trích dẫn văn chương nhiều nhất trong Tối cao Pháp viện Mỹ – Ảnh: wikimedia.org

Để minh họa, bên cạnh một số ví dụ khác, thẩm phán Scalia trích dẫn lời này từ vở kịch Vua Richard Đệ Nhị của Shakespeare:

Then call them to our presence – face to face, and frowning brow to brow, ourselves will hear the accuser and the accused freely speak…”

Dịch: “Vậy hãy gọi chúng đến nơi hiện diện chúng ta – mặt đối mặt, và đôi cau mày đối cặp mày cau, chúng ta sẽ nghe kẻ tố cáo và kẻ bị tố cáo sẽ tự do nói lời mình…”

Thẩm phán Scalia giải thích thêm rất cụ thể rằng đoạn trích trên chính là thể hiện sống động nhất khái niệm “confrontation” theo cái nhìn cổ điển (cụ thể là mãi từ thời cụ Shakespeare xưa xửa xừa xưa!).

Hiến pháp thì thẩm phán Scalia cho rằng phải được diễn giải với các khái niệm được hiểu theo nghĩa cổ điển của chúng. Theo đó một bị cáo không thể “confront” những ai đang cáo buộc mình nếu không thể nhìn “mặt đối mặt, đôi cau mày đối cặp mày cau” với họ.

***

Vậy nên, nếu bạn đang học tập, làm việc ở nước ngoài; hay phải làm việc nhiều với các luật sư đến từ Anh hay Mỹ, chẳng mất gì nếu chịu khó ngồi đọc kịch nghe thơ Shakespeare nhiều nhiều, để còn có thêm đạn dược văn chương mà lâu lâu lấy ra “đánh úp” họ thử, nếu cãi chả thắng thì cũng nhận lại được vài cái nhếch mép hay gật đầu ý nhị đầy thân thiện.

Tài liệu tham khảo:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.