Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Trong kỳ trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu một trường hợp ngữ pháp tiếng Anh gây “bão táp” trên công đường tại Mỹ.
Kỳ này, chúng ta tìm hiểu một trường hợp “bão táp” còn kinh hoàng hơn.
“Cơn bão” này lên đến tận Tối cao Pháp viện Mỹ, dẫn đến một màn tranh luận pháp lý tay đôi nảy lửa giữa hai trong số các nữ thẩm phán tài năng của tòa án cao nhất nước Mỹ này.
Nguyên nhân của cơn bão đó là một tranh cãi về diễn giải luật thành văn (statutory interpretation).
“Liên Hoàn Cước” và “Nhất Dương Chỉ” trong diễn giải luật thành văn
Hãy tưởng tượng Anh Cả Lý trở thành vua toàn cõi Việt Nam. Lên ngôi xong, Vua Cả Lý bèn ra một điều luật thế này:
Những hạng người sau đây không bao giờ được phép làm quan chức tại Việt Nam: đảng viên đảng Cộng sản, đảng viên đảng Việt Tân, hay chính trị gia nào từng phạm tội đạo văn.
Anh Cả Lý đố bạn đọc: điều luật trên có vấn đề ngữ pháp gì?
Câu đố tưởng tượng này là để diễn tả cho bạn đọc phần nào bản chất của một tranh cãi ngữ pháp tiếng Anh:
Trong một danh sách nhiều vật được liệt kê, cụm tính từ nằm chót – vốn bổ nghĩa cho vật cuối cùng trong danh sách đó – thì chỉ bổ nghĩa cho vật cuối cùng đó thôi, hay là bổ nghĩa cho tất cả các vật đã được liệt kê trong danh sách?
Trong điều luật của Vua Cả Lý, “từng phạm tội đạo văn” là tính chất chỉ dành riêng cho phần “chính trị gia nào” thôi, hay là tính chất phải có của cả phần “đảng viên đảng Cộng sản” và phần “đảng viên đảng Việt Tân” trong nội dung điều luật?
Khác biệt về diễn giải luật ở đây cực kỳ lớn, vì nếu hiểu rằng trong điều luật này “từng phạm tội đạo văn” là tính chất phải có của cả ba nhóm người: “chính trị gia”, “đảng viên đảng Cộng sản”, và “đảng viên đảng Việt Tân”; thì điều luật này có vẻ công tâm và… bao dung hơn:
Vua Cả Lý chỉ muốn ngăn không cho lọt vào giới quan chức lãnh đạo đất nước những chính trị gia nào (bất kể là đảng viên Cộng sản, đảng viên Việt Tân, hay các đảng khác) từng phạm tội đạo văn.
Vậy nên Vua Cả Lý ra thánh chỉ cấm ba hạng người sau đây không được làm quan chức:
Nhưng nếu hiểu rằng trong điều luật này “từng phạm tội đạo văn” chỉ liên quan đến “chính trị gia nào” thì hoàn toàn có thể hiểu rằng điều luật của Vua Cả Lý đang cấm “sạch sành sanh” ba hạng người riêng biệt:
Chèng đéc ơi, không cho bất kỳ ông thần nào mang thẻ đảng viên Cộng sản hay mang thẻ đảng viên Việt Tân được làm quan chức! Vãi cả lúa Vua Cả Lý, khi không thọc cùng lúc hai ổ kiến lửa bự chà bá!
Ngoài đời mà chơi “sát ván” thiệt giống dzầy chắc hai đảng này quay qua ôm hôn nhau thắm thiết, rồi cùng gửi người chia ca đi phát kẹo đồng cho ông Vua Cả Lý “ba lăng nhăng” vài trăm lần cũng không hả giận.
Bông phèng vậy để độc giả hơi hơi hình dung ra cái vấn đề “gây bão” trên Tối cao Pháp Viện bên Huê Kỳ thôi đó mà!
Với những trường hợp nhập nhằng trong diễn giải luật (statutory interpretation) giống như trên, trong tiếng Anh pháp lý, người ta buộc phải chọn một trong hai “chiêu thức”:
Một, “Liên Hoàn Cước”: diễn giải áp dụng Quy tắc Liên hoàn Định tính (Series-Qualifier). Cụm từ định tính nằm ở cuối câu được áp dụng bổ nghĩa cho tất cả các vật được liệt kê trong câu.
Hai, “Nhất Dương Chỉ”: diễn giải áp dụng Quy tắc Tiền đề Tối hậu (Last Antecedent). Cụm từ định tính nằm ở cuối câu chỉ bổ nghĩa cho duy nhất một vật: vật đứng gần cụm từ định tính đó nhất, tức là vật cuối cùng trong số các vật được liệt kê trong câu.
Chọn quy tắc nào, đó chính là mấu chốt của vụ việc sau đây.
“Liên Hoàn Cước”, hay “Nhất Dương Chỉ”? Ảnh: youtube.com, genkcdn.vn
Vụ án Lockhart kiện Nhà nước Hoa Kỳ
Bị cáo Avondale Lockhart bị cảnh sát bắt năm 2010 khi đang mua phim ảnh đồi trụy trẻ em (child pornography).
Theo luật hình sự liên bang thông thường, Lockhart sẽ phải chịu án tù cho tội này từ 78 đến 97 tháng (tức là khoảng từ sáu năm rưỡi đến tám năm “bóc lịch”).
Tuy nhiên, khi nhìn vào hồ sơ của Lockhart, các công tố viên nhà nước đã phát hiện ra Lockhart nhiều năm trước đó từng bị tòa án bang New York kết án tội cưỡng hiếp một người bạn gái cũ của y.
Tại thời điểm xảy ra vụ cưỡng hiếp đó, người bạn gái cũ này đã là người lớn (trên tuổi vị thành niên). Như vậy, tiền án tiền sự này có yếu tố tình dục, nhưng không có yếu tố ấu dâm.
Tham khảo luật hình sự liên bang Mỹ, bên công tố thấy điều luật này, vốn quy định rằng mức án khởi điểm cho một bị cáo phải ít nhất là 10 năm nếu như bị cáo đó từng bị kết án theo luật pháp tiểu bang, và việc kết án đó:
“[C]ó liên quan đến xâm hại tình dục nghiêm trọng, xâm hại tình dục, hoặc hành vi mang tính xâm hại tình dục có liên quan đến một người dưới tuổi vị thành niên hay một người được bảo trợ.”
Tiếng Anh: “a prior conviction . . . under the laws of any State relating to aggravated sexual abuse, sexual abuse, or abusive sexual conduct involving a minor or ward.”
“Minor” vốn là tính từ mang nghĩa đen là “nhỏ”, ở đây mang nghĩa “người nhỏ tuổi”, theo luật pháp là dưới tuổi vị thành niên.
“Ward” thì là người được hệ thống chăm sóc xã hội của nhà nước Mỹ chăm sóc bảo vệ. “Ward” không nhất thiết là trẻ em mà thường là những người vì nhiều lý do bị suy giảm chức năng và hành vi, không thể tự chăm lo cho bản thân và tự đưa ra quyết định quan trọng.
Điều luật này tức là, tiền án tiền sự chiếu theo luật hình sự tiểu bang (state), do tòa án tiểu bang tuyên sẽ trở thành yếu tố tăng nặng trên luật hình sự liên bang (federal) vốn là luật mà các tòa liên bang phải áp dụng.
Hệ thống nhà nước liên bang của Mỹ cho phép sự tồn tại của hai loại luật pháp riêng biệt như thế. Hành vi phạm tội diễn ra trong khu vực tài phán của tiểu bang thì xử theo luật tiểu bang, và tương tự như thế cho các hành vi diễn ra trong khu vực tài phán liên bang.
Áp dụng luật này, bên công tố cho rằng vì Lockhart từng dính án cưỡng hiếp vốn là hành vi “xâm hại tình dục” (sexual abuse), y phải chịu mức án tù tối thiểu là 10 năm, chứ không phải là từ sáu năm rưỡi đến khoảng tám năm như thông thường cho tội sở hữu phim ảnh đồi trụy trẻ em.
Lockhart dĩ nhiên không muốn ngồi tù lâu. Luật sư của y bèn kháng án.
Luận điểm chính của bên Lockhart chính là: phải áp dụng Quy tắc Liên hoàn Định tính (Series-Qualifier) trong diễn giải nội dung luật ở đây.
Nghĩa là, yếu tố “có liên quan đến một người dưới tuổi vị thành niên hay một người được bảo trợ” nằm cuối điều luật là yếu tố bao trùm lên cả điều luật.
Theo đó, điều luật này quy định án tù tối thiểu 10 năm cho ba hạng bị cáo riêng biệt:
Theo cách diễn giải này, một bị cáo cho dù từng dính án một trong ba tội kể trên, nhưng nạn nhân là người trưởng thành (adult), và nếu người trưởng thành đó đồng thời không hề là một người được bảo trợ thì án đó của bị cáo phải được xem là không hề “có liên quan đến một người dưới tuổi vị thành niên hay một người được bảo trợ”.
Luật sư của Lockhart cãi rằng, đúng là y đã có hành vi xâm hại tình dục (cưỡng hiếp) nhưng hành vi đó liên quan đến một người trưởng thành (adult) là bạn gái cũ của y. Người phụ nữ đó không phải một người được bảo trợ.
Như vậy, Lockart đã dính án xâm hại tình dục theo luật bang New York, nhưng án đó không hề “liên quan đến một người dưới tuổi vị thanh niên hay là người được bảo trợ”.
Theo đó, quy định án tù tối thiểu 10 năm không thể được áp dụng trong trường hợp của Lockhart, mức án tù tối thiểu phải là từ sáu năm rưỡi đến khoảng tám năm như thường.
Dĩ nhiên, bên công tố không đồng ý, bởi vì từ đầu họ đã áp dụng Quy tắc Tiền đề Tối hậu (Last Antecedent): cụm “liên quan đến một người…” chỉ bổ nghĩa duy nhất cho tội cuối cùng trong danh sách ba tội được nêu ở đây.
Theo cách hiểu đó, có thể áp án tối thiểu 10 năm tù cho ba dạng bị cáo riêng biệt:
Bên công tố cho rằng trong hai dạng bị cáo đầu tiên, việc nạn nhân là người trưởng thành hay là người dưới tuổi vị thành niên không liên quan đến việc áp dụng luật: chỉ cần bị cáo dính một trong hai án thì quy định án tù tối thiểu 10 năm phải được áp dụng.
Trận kịch chiến pháp lý này kéo nhau qua tất cả các cấp tòa thấp hơn của Mỹ để lên đến tận Tối cao Pháp viện vào giai đoạn cuối năm 2015 đầu năm 2016.
Tối cao Pháp viện chất vấn luật sư của Lockhart trong phiên xử tháng 11/2015. Ảnh: scotusblog.com.
Trận thư hùng tại Tối cao Pháp viện Mỹ
Khi vụ Lockhart được Tối cao Pháp viện đưa ra nghị án vào tháng 3/2016, chỉ có tám người trong số chín thẩm phán của tòa nay tham gia. Vì vị thẩm phán huyền thoại Antonin Scalia rất đáng tiếc đã qua đời vào tháng trước đó.
Nghe tỷ lệ bỏ phiếu 6-2 nhiều bạn đọc chắc sẽ nghĩ là vụ việc đã được các thẩm phán quyết định khá rõ ràng và triệt để, phe nào thua chắc khó cãi.
Nhưng thực ra, phán quyết 34 trang của Tối cao Pháp viện trong vụ Lockhart kiện Nhà nước Hoa Kỳ cho thấy quyết định không hề “rõ ràng triệt để” như thế. Đây là cái dạng phán quyết “dễ ghét” nhất trong tất cả các thể dạng phán quyết trên đời!
Bởi vì trong phán quyết đó, phần ý kiến của bên thiểu số hai người cũng chặt chẽ, hay ho, và “hợp lý hợp tình” không kém phần ý kiến của phe đa số sáu người.
Vụ việc này thú vị phần nữa vì hai người viết ý kiến chính là hai trong số những nữ luật gia kiệt xuất nhất hiện nay của Mỹ:
Người viết ý kiến thay mặt phe đa số là thẩm phán Sonia Sotomayor, vị thẩm phán gốc Mỹ La-tinh đầu tiên của Tối cao Pháp viện, từng có một sự nghiệp 17 năm làm thẩm phán với nhiều thành tích trước khi được bổ nhiệm vào Tối cao Pháp viện.
Người viết ý kiến thay mặt phe thiểu số là thẩm phán Elena Kagan. Tuy không có kinh nghiệm làm thẩm phán trước khi vào Tối cao Pháp viện, bà Kagan là một giáo sư luật uy tín, từng làm hiệu trưởng trường luật Đại học Harvard lừng danh.
Cuộc tranh luận giữa Sotomayor và Kagan là một cuộc “hoa sơn luận kiếm” thực sự về các quy tắc diễn giải luật thành văn, không chỉ có “Nhất Dương Chỉ” và “Liên Hoàn Cước” là được đem ra thi triển.
Luật sư bên chính phủ trả lời chất vấn tại Tối cao Pháp viện trong phiên xử vụ Lockhart tháng 11/2015. Ảnh: scotusblog.com.
Trong vụ Lockhart kiện Nhà nước Mỹ, phe đa số của Tối cao Pháp viện đã chọn ủng hộ bên công tố nhà nước, chọn áp dụng “Nhất Dương Chỉ” – Quy tắc Tiền đề Tối hậu.
Thay mặt phe đa số, bà Sotomayor giải thích các lý do cụ thể như sau.
Thứ nhất, phe đa số cho rằng “Nhất Dương Chỉ” – Tiền đề Tối hậu là cách đọc “tự nhiên” (natural) dễ hiểu nhất và phải được áp dụng trừ phi có các dấu hiệu khác (về hoàn cảnh cụ thể, về lịch sử lập pháp v.v.) góp phần phủ định cách đọc đó.
“Liên Hoàn Cước” – Liên hoàn Định tính là một cách đọc gây khó hiểu và gây ra bất hợp lý ngôn ngữ về nhiều khía cạnh.
Ví dụ, nếu cụm từ “liên quan đến một người…” bổ nghĩa cho cả ba tội danh trong điều luật thì sẽ gây ra tình trạng thừa thãi (surplusage – một tình trạng không được phép diễn ra khi diễn giải luật):
Hai tội danh trên về bản chất có thể xem là… y chang nhau, hay có thể nói là trùng lắp.
Thứ hai, phe đa số đã đi sâu vào phân tích lịch sử soạn thảo luật qua các tài liệu, báo cáo, và thư từ của Quốc hội và Bộ Tư pháp Mỹ.
Cho dù bản thân điều luật trong vụ việc này nhập nhằng khó hiểu, lịch sử hình thành ra điều luật đó cho thấy nhiều dấu hiệu rõ rệt hơn là những người làm luật trong Quốc hội Mỹ (cơ quan lập pháp) đã có chủ trương cụ thể hướng đến việc tăng nặng hình phạt tội tàng trữ phim ảnh đồi trụy trẻ em ngay cả đối với những bị cáo có tiền án tiền sự các tội phạm tình dục không liên quan đến trẻ em.
Phe đa số chỉ ra rằng luật hình sự liên bang đã sẵn có điều khoản tăng nặng hình phạt tội tàng trữ phim ảnh đồi trụy trẻ em trong trường hợp bị cáo có tiền án tiền sự tội phạm tình dục chiếu theo luật liên bang mà không liên quan đến trẻ em.
Nếu đã dùng “Nhất Dương Chỉ” với tiền án tiền sự theo luật liên bang thì không thể đi dùng… “Liên Hoàn Cước” với tiền án tiền sự theo luật tiểu bang được. Trừ phi bản thân Quốc hội Mỹ có chủ định làm luật như thế.
Phe đa số nhấn mạnh rằng lịch sử lập pháp trong trường hợp điều luật này không hề cho thấy là Quốc hội Mỹ đã mong muốn luật tiểu bang và luật liên bang trở nên… lệch pha với nhau.
Ba nữ thẩm phán hiện nay của Tối cao Pháp viện: Sotomayor, Ginsburg, Kagan (từ trái qua). Vụ Lockhart kiện Nhà nước Mỹ là một trong những lần chạm trán thú vị của hai bà Kagan và Sotomayor. Ảnh: wikimedia.org.
Đáp lại, thay mặt phe thiểu số, bà Kagan tranh luận rằng về mặt ngôn ngữ cách đọc tự nhiên (natural) nhất phải là cách đọc “Liên Hoàn Cước” – Liên hoàn Định tính. Các phân tích ngôn ngữ pháp lý của phe đa số bị phe thiểu số cho là gượng gạo và không hợp tự nhiên.
Phe thiểu số cho rằng các tội danh trong điều luật gây tranh cãi đủ gần gũi về tính chất với nhau để có thể cùng được điều chỉnh bởi một cụm từ định tính nằm cuối câu.
Để minh họa, bà Kagan viết:
“Tưởng tượng một người bạn bảo với bạn rằng cô ta hy vọng được gặp ‘một diễn viên, một đạo diễn, một nhà sản xuất phim tham gia làm bộ phim Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao mới nhất’. Bạn sẽ biết ngay rằng cô bạn kia muốn gặp một diễn viên từ dàn sao của phim Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao – chứ không phải là từ dàn diễn viên phim Zoolander.”
Bên cạnh đó, phe thiểu số cho rằng lịch sử lập pháp phía sau điều luật không “rõ ràng” như phe đa số nhìn nhận.
Có những sự lệch pha nhất định giữa luật liên bang và luật tiểu bang, đủ để nghi ngờ cái luận điểm rằng liên bang “Nhất Dương Chỉ” thì tiểu bang không thể “Liên Hoàn Cước”.
“Liên Hoàn Cước” hay “Nhất Dương Chỉ”?
Đọc phán quyết, bạn đọc hoàn toàn có thể cảm thấy bị thuyết phục bởi cả bà Sotomayor và bà Kagan.
Thế nhưng dù gì thì, con số phiều bầu của Tối cao Pháp viện trong vụ việc này cũng đã xác định một trong những án lệ quan trọng nhất trong lịch sử tiếng Anh pháp lý.
Vậy, những người trần mắt thịt như chúng ta phải biết khi nào nên dùng “Nhất Dương Chỉ”, khi nào nên dùng “Liên Hoàn Cước”?
Câu trả lời tạm thời đó là, đừng nên chỉ đọc điều luật suông, mà còn phải chịu khó đi vào tìm hiểu lịch sử lập pháp của điều luật đó.
Tức là, đừng chỉ nhìn chiêu rồi bắt chước theo học lỏm như cậu bé Trương Quân Bảo, mà còn phải chịu khó ngồi hang động nghiền ngẫm bí kíp như chàng trai Trương Vô Kỵ!
Tài liệu tham khảo: