Sai sót của bác sĩ phải được chính các bác sĩ phán xét trước tiên – Án lệ Bolam & Bolitho

Sai sót của bác sĩ phải được chính các bác sĩ phán xét trước tiên – Án lệ Bolam & Bolitho
Vụ chạy thận khiến tám người chết ở Hòa Bình năm ngoái đang là tâm điểm của dư luận Việt Nam – Ảnh: kenh14.vn

Việc bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vì có liên quan đến vụ tám người chết khi chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hồi năm ngoái, đã dấy lên tranh cãi trong công luận về câu hỏi: Nên quy trách nhiệm pháp lý thế nào trong các vụ sơ suất y tế gây chết người nghiêm trọng?

Bên cạnh các tranh luận pháp lý trong bối cảnh luật Việt Nam, cụ thể liên quan đến cách áp dụng Luật khám chữa bệnh và quy chế bệnh viện, sẽ không hề là thừa nếu các độc giả Việt Nam được tham khảo cách một đất nước khác, vốn có nền luật pháp và y học thuộc nhóm tiên tiến nhất trên thế giới, xử lý cùng vấn đề rắc rối (mà hệ trọng) trên như thế nào.

Tại Anh quốc, việc xử lý trách nhiệm các bác sĩ sơ suất (negligence) gây chết người hay thương tật cho bệnh nhân thường không thông qua cơ chế luật Hình sự mà thông qua cơ chế luật Dân sự. Chỉ trong một số trường hợp tắc trách hiển nhiên (gross negligence) thì luật Hình sự liên quan đến tội vô ý giết người (manslaughter) mới được sử dụng.

Hành vi sơ suất của các bác sĩ gây hậu quả cho bệnh nhân tại Anh thường được xem là các hành vi xâm hại quyền lợi người bệnh (tort), và thường là người bệnh hay gia đình họ sẽ khởi kiện bác sĩ ra tòa dân sự để đòi bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, bất kể là xử lý hình sự hay xử lý dân sự, một điều dễ nhận thấy là các tòa án Anh đều suy xét vụ việc cẩn thận dựa trên một sự tôn trọng nhất định dành cho giới y học chuyên môn: Các bác sĩ mắc sai lầm được phán xét bằng chính các tiêu chuẩn cẩn trọng (standard of care) do giới y bác sĩ và giới học thuật y khoa đưa ra.

Giáo sư Emily Jackson – Ảnh: lse.ac.uk

Nhưng các vụ việc luôn có tình tiết đa dạng, còn “tiêu chuẩn” thì ngay trong giới bác sĩ cũng có hiện tượng ‘chín người mười ý’.

Các thẩm phán Anh phải xử lý thế nào?

Họ đã tạo ra hai phép thử quan trọng từ hai án lệ là BolamBolitho.

Trong cuốn sách giáo khoa chuyên ngành luật Y tế của Anh “Luật Y Tế: Các Văn bản, Vụ việc, và Tài liệu”, tác giả Emily Jackson đã trình bày một cách cụ thể, hệ thống, và thông suốt những phương pháp mà các tòa án dân sự Anh dùng để tiếp cận vấn đề quy trách nhiệm pháp lý trong các trường hợp sơ suất của bác sĩ, để xử lý sao cho thỏa đáng các vụ việc phức tạp này.

Tác giả Emily Jackson là giáo sư hàng đầu ngành luật Y tế, hiện đang giảng dạy tại trường Luật thuộc Đại học Kinh tế Chính trị London (London School of Economics and Politics).

Và giờ, hãy cùng Café Luật Khoa khám phá thế giới pháp lý y học Anh.

Trích đoạn Luật Y Tế: Các Văn bản, Vụ việc, và Tài liệu” (Medical Law: Text, Cases, and Materials) – Nhà xuất bản Đại học Oxford 2016 – Tác giả: Emily Jackson

Luật Khoa trích đoạn và dịch từ sách gốc bản tiếng Anh (cách dòng do người trích, hình minh họa không thuộc nội dung trong sách)

“… LỖI SƠ SUẤT (NEGLIGENCE)

Để có thể thắng trong một đơn kiện đòi bồi thường do sơ suất, bên nguyên đơn phải xác lập được rằng:

– Bên bị đơn có một nghĩa vụ phải cẩn trọng (duty of care) khi săn sóc bên nguyên. Bên bị thường là bác sĩ phụ trách điều trị, và đôi khi là cả bệnh viện của bác sĩ này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới (vicariously liable). Các bác sĩ đa khoa thì là một trường hợp đặc biệt và thường bị kiện trong tư cách cá nhân, cho dù họ có bảo hiểm thông qua một nghiệp đoàn bảo vệ quyền lợi ngành y (medical defence union); và

– Bên bị đã vi phạm nghĩa vụ phải cẩn trọng khi săn sóc bên nguyên, vì đã không thực thi việc điều trị với một mức độ cẩn trọng hợp lý/phù hợp (reasonable care); và

– Việc vi phạm nghĩa vụ đó đã gây ra thương tật cho bên nguyên, và những thương tật đó không quá xa vời với việc vi phạm nghĩa vụ (remote – ý nói khoảng cách giữa nhân và quả trong mối quan hệ nhân quả – ND).

Cuối cùng, có một số lý do bào chữa (defences) mà một bị cáo có thể tận dụng.

VI PHẠM NGHĨA VỤ (BREACH)

  • Tiêu chuẩn cẩn trọng (standard of care) là gì?

Sau khi đã xác lập (thường là theo một cách không phức tạp) rằng bên bị có nghĩa vụ cẩn trọng, bước tiếp theo của bên nguyên trong một đơn kiện đòi bồi thường do sơ suất là phải chứng minh được vị bác sĩ – bên bị – đã vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng đó.

Để xác định xem đã có vi phạm hay chưa, thì cần phải xác lập tiêu chuẩn cẩn trọng mà người bệnh có thể mong đợi một cách hợp lý từ bác sĩ.

Trong các đơn kiện hành vi xâm hại quyền lợi (tort) thông thường, các bị cáo bị phán xét bằng phép thử “người bình thường tư duy hợp lý” (reasonable man). Nhưng rõ là điều đó không có nghĩa rằng, kỹ năng của bác sĩ có thể được phán xét thông qua mong đợi về ‘cái gì được xem là hợp lý’ trong mắt một người bất kỳ nào đó.

Trái lại, vị bác sĩ phải đáp ứng được tiêu chuẩn cẩn trọng có thể được mong đợi từ một vị bác sĩ có kỹ năng trong chính lĩnh vực có liên quan: Một bác sĩ đa khoa phải hành xử như một vị bác sĩ đa khoa tư duy hợp lý (reasonable general practitioner); một bác sĩ phẫu thuật não phải hành xử như một bác sĩ phẫu thuật não tư duy hợp lý (reasonable neurosurgeon), v.v.

Nếu người bác sĩ đa khoa cố gắng thực hiện một biện pháp nghiệp vụ chuyên biệt, như gây mê, thì vị bác sĩ đa khoa đó phải được phán xét bằng tiêu chuẩn của một chuyên viên gây mê tư duy hợp lý. Nếu vị bác sĩ đa khoa đó không đáp ứng được tiêu chuẩn này, cô ta có thể bị buộc tội sơ suất vì đã thực hiện một biện pháp điều trị quá tầm kỹ năng nghiệp vụ của mình.

Tiêu chuẩn cẩn trọng được chọn để phán xét là tiêu chuẩn cẩn trọng tại thời điểm diễn ra hành vi bị cáo buộc sơ suất.

Nếu một bên nguyên bị thương tật khi mới chào đời 20 năm trước, nhưng đến bây giờ mới đâm đơn kiện đòi bồi thường thương tật, thì người bác sĩ sản khoa sẽ phải được phán xét bằng các tiêu chuẩn cẩn trọng hợp lý (reasonable) và có trách nhiệm (responsible) trong khoa sản ở tại thời điểm 20 năm trước…

Khi ý kiến chuyên gia y học bất đồng thì tòa nghe ai? – Ảnh: poyha.org

… Vấn đề trọng tâm trong việc xét đoán tiêu chuẩn cẩn trọng là các bác sĩ tư duy hợp lý (reasonable doctors) trong cùng một lĩnh vực, có thể lại bất đồng với nhau về mặt chuyên môn.

Nếu như các khác biệt về ý kiến y học là không thể tránh khỏi, làm sao mà các tòa án có thể quyết định quan điểm y học nào nên được lựa chọn?

Nhiều sinh viên luật có thể nhớ lại rằng câu trả lời cho câu hỏi này đã luôn có sự hiện diện chủ yếu của phép thử Bolam, bây giờ được điều chỉnh bằng phép thử Bolitho.

  • Phép thử Bolam (Bolam test)

Trong vụ Bolam kiện Ban quản lý Bệnh viện Friern, John Bolam – một bệnh nhân bị chứng trầm cảm, đã được một bác sĩ tại bệnh viện bên bị can tư vấn là phải dùng phương pháp trị liệu bằng điện tạo co giật (electroconvulsive therapy – ECT).

Bolam không được cảnh báo trước rằng phương pháp ECT đi kèm rủi ro nhỏ, có thể dẫn đến bị gẫy rạn bộ phận cơ thể. Bolam cũng không được quàng dây cố định vị trí cơ thể, và cũng không được cho uống thuốc giãn cơ (relaxant).

Hậu quả là Bolam bị chấn thương gẫy hông.

Tại thời điểm thương tật, ý kiến y học rất đa chiều – cả về việc có nên cảnh báo bệnh nhân về rủi ro nứt gẫy có liên quan đến ECT hay không, lẫn cả việc có phù hợp không nếu dùng thuốc giãn cơ hay các biện pháp vật lý để cố định vị trí cơ thể.

Vụ Bolam kiện Ban quản lý Bệnh viện Friern, John Bolam

Thẩm phán McNair (trong phần hướng dẫn bồi thẩm đoàn):

Phép thử ở đây là tiêu chuẩn với một người bình thường, có kỹ năng, và đang thực hành một kỹ năng đặc biệt đồng thời đang bày tỏ là người này có kỹ năng đặc biệt đó.

Một người không nhất thiết phải có kỹ năng bậc cao nhất nếu muốn tránh rủi ro bị buộc tội sơ suất.

Luật pháp xác lập rõ rằng tiêu chuẩn sẽ đạt được, nếu như anh ta thực hành một kỹ năng như một người bình thường có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực có liên quan của vụ việc…

Một bác sĩ không sơ suất nếu như anh ta đã hành động thể theo một thực tiễn đã được chấp nhận là phù hợp, bởi một khối có trách nhiệm (responsible body) bao gồm các chuyên gia y học có kỹ năng trong lĩnh vực có liên quan của vụ việc…

Nói cách khác, một bác sĩ không bị xem là sơ suất, nếu như anh ta chỉ đang hành động theo một thực tiễn đã được chấp nhận như nói trên, và nếu đơn thuần chỉ có một khối khác trong cùng ngành là có ý kiến không chấp nhận thực tiễn đó,

Đồng thời, điều đó không có nghĩa là một bác sĩ có thể bướng bỉnh và cứng đầu tiến hành một kỹ thuật cũ kỹ nào đó, nếu như kỹ thuật đó đã được chứng minh là đi ngược lại một thứ thực sự về bản chất – chính là toàn bộ khối ý kiến y học đầy đủ thông tin (the whole of informed medical opinion).

Nếu không thế thì ta có thể gặp những người nói rằng: “Tôi không tin vào việc gây mê. Tôi không tin vào chất khử trùng. Tôi sẽ tiếp tục phẫu thuật theo cách người ta vẫn làm thời thế kỷ 19”. Đó rõ ràng là sai trái.

 

Cho dù quyết định từ vụ Bolam kiện Ban quản lý Bệnh viện Friern tự nó chỉ là một phán quyết sơ thẩm, và nó là vụ kiện tụng sơ suất y khoa cuối cùng được xử bằng một bồi thẩm đoàn, ‘phép thử Bolam’ vẫn đã được chấp nhận trong các phán quyết về sau của Tòa Thượng viện Anh (House of Lords – Tòa án cao nhất của Anh trước khi được thay thế bằng Tối cao Pháp viện Anh năm 2009 – ND).

Phép thử Bolam có vẻ đã đối xử với sơ suất y khoa theo một cách khác biệt hơn với các loại sơ suất khác.

Trong khi việc quyết định xem một tài xế hay người chủ/công ty của tài xế đó có sơ suất hay không dựa trên tiêu chuẩn cẩn trọng được tòa thiết lập bằng cách dùng ‘cái nhìn giả định’ của một người bình thường tư duy hợp lý (the reasonable man).

Nhưng khi bị can là một bác sĩ thì tiêu chuẩn cẩn trọng trong lịch sử lâu nay vẫn luôn được thiết lập bởi các bác sĩ khác, thông qua phép thử Bolam.

Sự nhún nhường của bên tư pháp dành cho ý kiến chuyên môn y học có lẽ một phần là do sự phức tạp của bằng chứng y khoa. Nhưng cũng có thể giải thích điều đó bằng một cảm giác về sự đoàn kết trong ngành y, và bằng sự tôn trọng cao vốn vẫn được dành cho ngành y trong xã hội bấy lâu nay.

Trong vụ Maynard kiện Cơ quan quản lý y tế miền Trung Tây Anh, một bệnh nhân truy cứu trách nhiệm về một quyết định do người bác sĩ của mình đưa ra. Bác sĩ này quyết định tiến hành một thủ thuật mang tính chất “xâm lấn” vào cơ thể (invasive) để khám chữa bệnh Hodgkin’s.

Vụ việc này là một ví dụ tốt cho thấy ngành tư pháp Anh rõ ràng đã phải miễn cưỡng đến mức nào, khi phải chất vấn các bằng chứng của một bác sĩ ‘có trách nhiệm’.

Vụ Maynard kiện Cơ quan quản lý y tế miền Trung Tây Anh

Thẩm phán Thượng nghị  Scarman:

Tôi phải nói rằng việc một thẩm phán ‘ưu tiên’ một khối  ý kiến chuyên gia xuất sắc này, thay vì một khối ý kiến chuyên gia xuất sắc khác, thì tự nó là không đủ để xác lập hành vi sơ suất của một bác sĩ. Khi mà các hành động của vị bác sĩ đó đã được ‘đóng dấu’ chấp nhận bởi các ý kiến vốn đã được bày tỏ thành thực, và được tin tưởng một cách trung thực, nhưng lại không được vị thẩm phán đó ‘ưu tiên’…

Bởi vì trong lĩnh vực khám chữa bệnh, sơ suất không chỉ được xác lập bằng cách ‘ưu tiên’ một khối ý kiến chuyên môn có uy tín, thay vì một khối  ý kiến chuyên môn có uy tín khác.

 

Trong vụ Maynard trên, Thẩm phán Scarman đề xuất rằng các tòa án nên thuận theo các ý kiến của các nhân chứng chuyên gia (expert witnesses), nếu như các ý kiến đó ‘đã được bày tỏ thành thực, đã được tin tưởng một cách trung thực’.

Điều này mang ẩn ý là tòa án phải xem xét kỹ lưỡng tính đáng tin cậy (credibility) của các nhân chứng, thay vì chỉ xem xét nội dung của các bằng chứng họ đưa ra.

Tính đáng tin cậy (credibility) cũng quan trọng không kém kiến thức chuyên môn – Ảnh: edublogs.org

Vậy nên, suốt nhiều năm đã có nhiều bác sĩ thoát trách nhiệm đối với sơ suất khi chữa trị nếu như họ tìm được một hay nhiều hơn các nhân chứng chuyên gia có uy tín, vốn sẵn sàng nói trước tòa rằng nếu là họ thì họ cũng sẽ hành động giống như những người bác sĩ bị buộc tội.

Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ đáng chú ý cho thấy tòa sẵn sàng kiểm tra nội dung bằng chứng chuyên môn, thay vì chỉ kiểm tra mức độ đáng tin cậy của nhân chứng chuyên gia.

Trong vụ Hucks kiện Cole được xử năm 1968 nhưng không được báo cáo rộng rãi cho đến năm 1994, Tòa Phúc thẩm đã từ chối chấp nhận bằng chứng từ bốn nhân chứng chuyên gia của bị can vụ việc, và đưa ra phán quyết buộc tội sơ suất bị can – bác sĩ.

Vị bác sĩ này đã không kê đơn thuốc penicillin cho một nữ bệnh nhân có một ngón tay bị nhiễm trùng. Trong khi nữ bệnh nhân này đang có rủi ro đặc biệt vì cô ta sắp sinh con.

Vụ Hucks kiện Cole

Thẩm phán Sachs:

Mặc cho thực tế là rủi ro kia đã có thể tránh được bằng cách chọn áp dụng một cách giải quyết dễ dàng, hiệu quả, ít tốn kém, và đi kèm rất ít khả năng gây bất lợi cho bệnh nhân; bằng chứng mà bốn nhân chứng chuyên gia bên bào chữa đưa ra đều chỉ để cho thấy rằng, họ và các thành viên có trách nhiệm khác của ngành y cũng có thể đã chấp nhận rủi ro kia nếu gặp cùng hoàn cảnh.

Quan điểm này rất tự nhiên đã khiến cho tôi phải do dự, chủ yếu vì hai điểm sau đây.

Đầu tiên, liệu rằng việc bị can không chọn cách kê đơn thuốc penicillin trong quá trình có liên quan của vụ việc có phải là một hành động bất hợp lý hay không. Tại điểm này, sau cùng tôi thấy thỏa mãn khi cho rằng … việc không kê đơn thuốc đó không chỉ đơn thuần là sai trái, mà còn rõ ràng là không hợp lý. Các lý do mà bốn chuyên gia kia đưa ra theo quan điểm của tôi là rất khó lý giải…

Bác sĩ Cole đã chủ động chấp nhận một rủi ro vốn đã có thể dễ dàng tránh được, và là một rủi ro mà chương trình đào tạo cơ bản đã chỉ dạy cho ông ta là phải tránh; và việc có những người khác nói rằng họ cũng có thể đã lựa chọn giống như thế tự nó không nên và không thể giúp miễn tội cho ông ta trong vụ việc lần này về kiện tụng sơ suất y khoa, bất kể là người ta có cảm thông với ông ta tới đâu.

  • Phép thử kép Bolam + Bolitho: một cách tiếp cận ít nhún nhường hơn?

Thế rồi đến năm 1997, trong vụ Bolitho kiện Cơ quan quản lý y tế Khu City và Hackney, Tòa Thượng viện đã chọn áp dụng một phiên bản mạnh mẽ hơn, và có tiềm năng ít nhún nhường hơn, của phép thử Bolam.

Patrick Bolitho, lúc đó mới hai tuổi, được nhập viện khi đang có triệu chứng khó thở. Tình trạng bé xấu đi, tim bé ngừng đập dẫn đến tổn hại não bộ, và cuối cùng là cái chết của bé.

Vị bác sĩ nhi khoa trực ca đã không khám trực tiếp cho bé. Nhưng dù ngay cả khi cô ấy có khám, cô ta cho biết là sẽ không đặt nội khí quản đường miệng (intubation) cho bé. Đặt nội khí quản đường miệng là biện pháp duy nhất có thể ngăn chặn được tình trạng suy hô hấp, nhưng biện pháp này có rủi ro của riêng nó.

Việc đặt nội khí quản đường miệng (intubation) cũng có rủi ro đi kèm – Ảnh: youtube.com

Các nhân chứng chuyên gia của bên nguyên và bên bị đều thể hiện các ý kiến trái ngược nhau về việc không tiến hành đặt nội khí quản đường miệng cho bé Bolitho là có hợp lý hay không.

Dựa trên dữ kiện riêng biệt của vụ việc, Tòa Thượng viện tuyên phán vị bác sĩ trực đã không vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng của cô ta.

Tuy nhiên, vụ việc này quan trọng là bởi vì những lời bình luận của Thẩm phán Browne-Wilkinson, về các tình huống khi mà tòa – nhiều khả năng sẽ buộc tội bác sĩ sơ suất – bất kể có ý kiến nhân chứng chuyên gia đồng ý với lựa chọn hành động của bị can.

Bolitho kiện Cơ quan quản lý y tế Khu City và Hackney

Thẩm phán Browne-Wilkinson:

Trong phần lớn các vụ việc, chi tiết cho thấy các chuyên gia xuất sắc trong một lĩnh vực có cùng một ý kiến cụ thể nào đó sẽ thể hiện tính hợp lý của ý kiến đó.

Cụ thể hơn, khi có các câu hỏi về việc đánh giá các rủi ro mang tính tương đối, hay các lợi ích của việc chọn áp dụng thực hành một phương pháp y khoa bất kỳ nào đấy, một quan điểm hợp lý sẽ đặt giả định là các rủi ro tương đối và lợi ích đó cũng đã được cân đong đo đếm bởi các chuyên gia khi họ đưa ra các ý kiến của họ.

Tuy nhiên, nếu trong một trường hợp hiếm có, mà có thể chứng minh rằng cái ý kiến chuyên môn ấy không có khả năng đứng vững trước việc phân tích mang tính logic, người thẩm phán có quyền phán rằng khối ý kiến đó không hợp lý, hay vô trách nhiệm.

Tôi nhấn mạnh, trong quan điểm của tôi, sẽ rất hiếm khi nào là đúng đắn cho việc một thẩm phán kết luận rằng các ý kiến được tin tưởng một cách thành thực bởi một chuyên gia y khoa có năng lực chuyên môn lại là các ý kiến bất hợp lý.

Việc đánh giá rủi ro và lợi ích y tế là một vấn đề phải thông qua quyết định lâm sàng (clinical judgment). Đó là dạng quyết định mà một thẩm phán bình thường không thể đưa ra nếu không có bằng chứng chuyên gia…

Chỉ khi nào một thẩm phán thỏa mãn được điều kiện là một khối  ý kiến chuyên môn nào đó không cách nào được ủng hộ một cách có logic, thì cái ý kiến chuyên môn đó mới không thể cung cấp một quy chuẩn làm tham chiếu cho việc đánh giá hành động của bị can.

Giờ đây tôi mới xem xét xem vụ việc này có phải là một trường hợp hiếm hoi như trên hay không. Như Tòa Phúc thẩm, phán quyết của tôi rõ ràng là không.

Vậy là sau vụ Bolitho, các quan điểm của các nhân chứng chuyên gia không những phải được chính các chuyên gia đó tin tưởng một cách trung thực và chân thành, mà các quan điểm đó còn phải ‘có khả năng đứng vững trước việc phân tích mang tính logic’.

Điều này có nghĩa là gì trong thực tế?

Một cảnh báo ban đầu là hiện nay, vẫn không hề dễ dàng chút nào để có thể chứng minh một bác sĩ, vốn đã được ủng hộ bởi các nhân chứng chuyên gia khác, đã có lỗi sơ suất trong thực tế.

Trong vụ Wisniewski kiện Cơ quan quản lý y tế Khu trung tâm Manchester, đã có sự bất đồng giữa các nhân chứng chuyên gia về tính hợp lý của việc bị can không tiến hành một biện pháp chẩn đoán xem dây rốn của một trẻ sơ sinh có quàng vào cổ đứa bé tại thời điểm sinh nở hay không.

Thẩm phán Brooke giải thích:

Vụ Hucks kiện Cole rõ ràng chính là một trong những trường hợp hiếm hoi mà Thẩm phán Browne-Wilkinson đã nghĩ đến… Theo phán quyết của tôi, vụ việc ở đây đã rơi vào bên kia lằn ranh, và một tòa án không thể nào quyết định là các quan điểm được tin tưởng một cách chân thành của ông Macdonald (một chuyên viên tư vấn y khoa nổi tiếng, và là một nhân chứng rất ấn tượng), và của giáo sư Thomas là hoàn toàn không thể được ủng hộ một cách có logic.

Tuy nhiên, tới nay thì đã có một số lượng khá cao các phán quyết mà trong đó các thẩm phán dùng phép thử Bolitho, một cách trực tiếp hay gián tiếp. Số lượng các phán quyết này đủ nhiều để đặt câu hỏi liệu có còn chính xác nữa hay không khi xem các vụ việc như thế là “hiếm hoi”.

Không phải cứ ý kiến chuyên khoa y học là nghiễm nhiên không chịu thử thách ‘phân tích mang tính logic’ của hệ thống tòa án Anh – Ảnh: legalloop.co.uk

Về cơ bản, phép thử kép Bolam + Bolitho dành cho tiêu chuẩn cẩn trọng trong các vụ sơ suất y tế bây giờ là một phép thử hai cấp độ.

Đầu tiên, tòa án phải hỏi là liệu vị bác sĩ đã điều trị người bệnh thể theo một ý kiến y học có trách nhiệm chưa – điều này có thể xác lập qua lời khai của các chuyên gia y học. Nếu đã không điều trị như thế, thì cô ta hoàn toàn có thể bị buộc tội sơ suất thể theo phép thử Bolam truyền thống.

Một ví dụ sơ suất y khoa áp dụng thẳng phép thử Bolam là vụ Fallon kiện Wilson.

Trong vụ này, một trẻ bị sinh non, Alice Fallon, vừa rời bệnh viện và được đưa đến một văn phòng bác sĩ đa khoa để nhận đơn thuốc thường xuyên.

Khi ở trong phòng khám của bác sĩ Wilson, tình trạng Alice xấu đi rõ rệt. Mặc dù vậy, bác sĩ Wilson vẫn khuyên mẹ bé Alice đưa bé về nhà và giữ ấm cho bé.

Cho dù có tranh cãi về việc chuyện gì đã thực sự xảy ra trong phòng khám bác sĩ Wilson, các bằng chứng chuyên gia cho thấy rằng, nếu lời khai của mẹ bé Alice là chính xác, thì phản ứng thích hợp là phải đưa bé Alice đến bệnh viện ngay tức thì.

Alice đã được đưa về nhà và sau đó sớm tắt thở, trước khi được đưa thẳng đến bệnh viện.

Việc bác sĩ Wilson không đề xuất đưa bé Alice đến thẳng bệnh viện có cấu thành một vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng của ông ta không?

Thẩm phán Eady, sau khi xác lập lời khai từ mẹ bé Alice là chính xác trong một số vấn đề dữ kiện cụ thể quan trọng, tuyên phán bác sĩ Wilson đã không hành động như một bác sĩ đa khoa tư duy hợp lý.

Vụ Fallon kiện Wilson

Thẩm phán Eady:

Vào ngày 15 tháng 1 năm 1997, vào lúc nào đó giữa 17.00 và 17.30, ông ta được giao phó nhiệm vụ phải đưa ra một quyết định trong một phòng khám bận rộn, trong khi ông ta có thông tin hạn chế nhưng có kinh nghiệm lâu năm.

Tôi rất tiếc phải nói rằng khi đưa ra quyết định đó, ông ta đã không đáp ứng được tiêu chuẩn được mong đợi từ một bác sĩ có năng lực chuyên môn trước tình huống ông ta phải đối mặt.

Rõ ràng là đó là một phản ứng không thỏa đáng khi ông ta chỉ đơn thuần đưa ra lời khuyên là bé Alice nên được giữ ấm.

Tôi xác định dựa trên bằng chứng rằng cô bé đáng ra nên được khuyên đưa đến bệnh viện ngay lúc đó, và rằng như thế, đã có một vi phạm nghĩa vụ của bị can….

Việc đề xuất đưa đi bệnh viện ở đây là một việc tối thiểu phải làm trong trường hợp một em bé ra đời khi mới 27 tuần tuổi, và ngay tại thời điểm tư vấn y khoa còn chưa đủ tháng thai kỳ.

Tuy nhiên, nếu vị bác sĩ đã hành động phù hợp với một khối ý kiến y học có trách nhiệm, thì đó vẫn chưa là hết chuyện.

Bên nguyên vẫn có một cơ hội thứ hai để chứng minh vị bác sĩ đã sơ suất, nếu như họ có thể xác lập là cái khối ý kiến ý học kia ‘không có khả năng đứng vững trước việc phân tích mang tính logic’.

Thế việc này có ý nghĩa trong thực tế như thế nào?

Rõ ràng nhất chính là, từ sau vụ Hucks kiện Cole, các tòa án có thể quyết định tương đối dễ dàng rằng ý kiến chuyên gia ‘không có khả năng đứng vững trước việc phân tích mang tính logic’ –  trong các trường hợp mà bác sĩ đã không làm một việc gì đó, khi rõ ràng đó là việc nên làm theo quan sát của một người không có chuyên môn – ví dụ như không thực hiện một biện pháp phòng ngừa hay không giám định chính bệnh nhân…”

Bìa sách Luật Y Tế: Các Văn bản, Vụ việc, và Tài liệu – Ảnh: amazon.com

Tìm đọc thêm:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.