Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 16 tháng 5 năm 1961, lực lượng cách mạng do Tướng Park Chung Hee (Phác Chính Hy) cầm đầu đã tiến vào thủ đô Seoul, lật đổ chính quyền Chang Myon (Trương Miễn) trong một cuộc đảo chính êm ả.
Đó là một kết quả không ai lường trước được, bởi cuộc Nổi dậy Tháng Tư chẳng phải đã mạnh mẽ tới mức có thể lật đổ cả một chính quyền độc tài của Rhee Syng Man đó ư? Vậy thì, tại sao cả phong trào đấu tranh ấy lại dễ dàng bị dẹp tan chỉ trong vòng ba ngày sau khi Park Chung Hee thâu tóm quyền hành? Điểm yếu nào ở họ đã khiến cho Park Chung Hee tự tin đến mức chỉ nắm trong tay chưa tới 6.000 quân mà cũng mạnh dạn tiến hành đảo chính?
Xã hội dân sự không liên minh với nhau
Nếu nói rằng “Rhee bị lật đổ bởi người dân Hàn Quốc muốn dân chủ hóa” e rằng có phần phóng đại.
Cuộc Nổi dậy Tháng Tư lật đổ chính quyền Rhee khởi sinh từ làn sóng phản kháng của giới sinh viên, những người thuộc về một địa vị xã hội hơn là một tầng lớp xã hội. Chính vì vậy, Theo Giáo sư Khoa học chính trị Sunhyuk Kim của Đại học Stanford, cuộc cách mạng năm 1960 ấy đúng ra cần được coi là một cơn giận bùng phát hơn là một phong trào có tính toán xuất phát từ nhu cầu dân chủ hóa của người dân Hàn Quốc nói chung.
Một tấm băng rôn được viết bằng máu đòi tổ chức lại cuộc bầu cử ở Hàn Quốc trong một cuộc biểu tình của sinh viên. Ảnh: trích từ sách “The April Revolution Data Collection: A People’s History of the April Revolution”, trang 38.
Kể cả khi Rhee đã bị lật đổ, giới sinh viên vẫn đơn độc trong hành trình đấu tranh đòi dân chủ của mình.
Họ hầu như không liên minh với các nhóm xã hội dân sự khác. Khi chính quyền Chang Myon mới lên tỏ rõ sự yếu kém, thì trên đường phố rợp người biểu tình mỗi tuần kia chỉ toàn là sinh viên và học sinh, người ta không thấy đâu bóng dáng của giới nông dân, công nhân, hay giới lao động cổ cồn trắng và các nhà tư bản.
Nhưng không phải các nhóm ấy im hơi lặng tiếng trong thời kỳ sôi động của đất nước.
Các hội giáo chức, nghiệp đoàn ngân hàng, hiệp hội nhà báo, và công đoàn lao động đã mở rộng nhanh chóng – ước tính có tới gần 1.000 tổ chức trong thời kỳ Chang Myon. Riêng trong năm 1960, theo thống kê của Nak Chung Kim, có tới 227 vụ xung đột đến từ giới lao động.
Đáng chú ý, Liên hiệp Công đoàn Thương mại Hàn Quốc (FKTU) vốn là một tổ chức thân tín của chính quyền dưới thời Rhee, thì nay nỗ lực giành quyền tự trị khỏi nhà nước. Thậm chí họ còn sáp nhập với đối thủ là Tổng Công đoàn Hàn Quốc (KCTU) để thành lập nên Liên hiệp Công đoàn Lao động Hàn Quốc (KFLU) vào tháng 11 năm 1960, với cam kết sẽ dẫn dắt phong trào lao động.
Đáng tiếc là mỗi nhóm đã tự đấu tranh theo nghị trình riêng của mình. Trong suốt chín tháng Chang Myon cầm quyền, ngoài vài mối hợp tác lỏng lẻo giữa giới sinh viên và các chính trị gia cấp tiến, gần như không xuất hiện một liên minh nào khác.
Nhắc lại tình hình lúc đó, cựu Bộ trưởng Bộ ngoại giao Han Sung-joo cho rằng “với bản chất nghiêm trọng của tình trạng xung đột xã hội, chính quyền Chang Myon buộc phải đối mặt với sự cần thiết phải liên minh với một trong những phe phản kháng và đàn áp những phe còn lại … [nhưng] chính phủ Chang không thể và không muốn từ bỏ cam kết của mình đối với các thiết chế tự do để đảm bảo sự sống còn của chính họ. Đó là thảm kịch của nền dân chủ tự do ở Hàn Quốc”. [1]
Xã hội dân sự thiếu liên kết với phe đối lập trong chính trường
Ngay khi chính quyền Rhee sụp đổ vào tháng 5 năm 1960, nhiều đảng cánh tả ra đời để chạy đua cho cuộc bầu cử vào tháng 8, như Đảng Xã hội Chủ nghĩa Đại chúng (Sahoe taejungdang), Đảng Xã hội Chủ nghĩa Hàn Quốc (Han’guk sahoedang) và nhiều đảng cấp tiến khác.
Dẫu các đảng cánh tả này tích cực tìm cách liên kết với các nhóm sinh viên trong cuộc bầu cử, song họ lại thất bại thảm hại khi chỉ giành được năm ghế ở Hạ viện (6,6% tổng số phiếu) và ba ghế ở Thượng viện (3,3% tổng số phiếu).
Rõ ràng, họ đã không giành được sự ủng hộ rộng rãi của phần đa dân chúng vì không có một liên kết nào với xã hội dân sự từ trước.
Trong khi đó, đảng đối lập mạnh nhất là Đảng Tự do – vốn là đảng cầm quyền trong chế độ Rhee – lại không hề hấp dẫn đối với các nhóm xã hội dân sự trong cuộc đấu tranh dân chủ.
Vậy ngoại trừ đảng Dân chủ đang cầm quyền, rốt cuộc đảng nào nắm giữ phần lớn số ghế còn lại?
Câu trả lời là không một đảng nào. Hơn một phần ba số ghế ở Thượng viện và gần nửa số ghế ở Hạ viện lọt vào tay các ứng cử viên độc lập. Song các chính trị gia được coi là cấp tiến này lại không chia sẻ cùng một mục tiêu hoặc ý thức hệ, cũng không đại diện cho bất kỳ nhóm chính trị nào.
Để lôi kéo sự ủng hộ cho nghị trình chính trị cá nhân của mình, mỗi ứng cử viên độc lập lại hợp tác với các nhóm xã hội dân sự rời rạc.
Chính sự phân tán ấy đã khiến phe đối lập không đủ mạnh để có thể cân bằng hiện trạng chính trị trước chính quyền non kém của Chang Myon. Đây chính là một trong những điểm yếu chí mạng đã đem lại tính chính danh cho cuộc đảo chính của Park, trên danh nghĩa rằng buổi ấy không có một lực lượng nào đủ sức tái lập nền chính trị quốc gia – và chỉ còn giải pháp đảo chính.
Chỉ có chống mà không có xây
Cuộc biểu tình của giới sinh viên kêu gọi hủy bỏ kết quả bầu cử tháng 3 năm 1960. Ảnh: Trích từ sách The April Revolution Data Collection: a People’s History of the April Revolution; Seoul: Hangminsa; trang 38.
Trong khi đó, sau khi đã lật đổ được Rhee, giới sinh viên tin rằng việc tiếp tục lên tiếng chỉ trích và chống chính quyền là một biện pháp phòng thủ nhằm bảo vệ và duy trì những thành quả quý giá của cuộc Nổi dậy Tháng Tư mà họ đã hy sinh rất nhiều cho nó.
Kết quả là, họ đã không đưa ra một cách thức đấu tranh nào khác ngoài việc chạm trán và xung đột.
Không chỉ vậy, cuộc xung đột mãnh liệt giữa các nhóm xã hội dân sự với các nhóm ủng hộ nhà nước (vốn do chính quyền lập nên) vẫn dai dẳng từ thời Rhee cho tới thời Chang. Xã hội chính trị chứa đầy mâu thuẫn giữa phe xã hội dân sự và phe nhà nước là một trong những yếu tố làm cản trở việc củng cố nền dân chủ Hàn Quốc.
Thậm chí, theo Han Sung-joo, vài tháng trước cuộc đảo chính, những cuộc phản đối của giới sinh viên đã làm kinh sợ tầng lớp tinh hoa chính trị: từ chính trị gia cho tới giới quan liêu, giới quân đội, và kể cả Chang Myon.
Trong cuốn “Sự sụp đổ của các chế độ dân chủ”, nhà nghiên cứu Juan Linz cho rằng sự đối đầu giữa hai phe trong xã hội đã là cái cớ để quân đội dưới trướng Park tiến hành cuộc đảo chính.
Bị phân tâm bởi khao khát thống nhất quốc gia
Không riêng gì dưới thời Chang, tình trạng chia rẽ quốc gia vẫn luôn là một vấn nạn kép cho phong trào đấu tranh dân chủ ở Hàn Quốc.
Bằng cách nhắc nhở tới tình hình an ninh “đặc biệt” trên bán đảo Triều Tiên và liên tục gợi lên hình ảnh của một Bắc Triều ghê gớm trên bờ vực một cuộc chiến tranh khác, chính quyền có thể dễ dàng đàn áp phong trào mà không gặp phải sự phản đối của những người dân vốn ít quan tâm tới chính trị.
Hệ quả dường như nghiêm trọng hơn, khi giới đấu tranh lo ngại rằng nền dân chủ tự do sẽ vẫn chỉ là ảo ảnh chừng nào Hàn Quốc còn bị chia rẽ, bởi chế độ có thể khuấy động cảm giác sợ hãi trong tâm trí của người dân đến nỗi khiến họ phớt lờ các giá trị dân chủ, tự do.
Chính vì vậy, các nhóm xã hội dân sự bắt đầu tin rằng nền dân chủ thật sự ở Hàn Quốc sẽ không thể đạt được nếu không thống nhất hai miền Triều Tiên.
Vĩ tuyến 38 chia cắt hai miền Triều Tiên. Ảnh: dogonews.com
Hơn một chục trường đại học trên cả nước đã thành lập Hội Nghiên cứu Thống nhất Quốc gia (Minjok t’ongil yon’guhoe) trong vòng vài tháng sau khi sinh viên trường Đại học Quốc gia Seoul tự mở ra Liên đoàn Thống nhất Quốc gia (Minjok t’ongil yonmaeng) vào tháng 11 năm 1960. Họ công khai kêu gọi các sinh viên ở Bắc Triều Tiên: “Anh em, hãy đến với chúng tôi và chúng ta cùng đi diễu hành … Hãy đi về phía Bắc! Hãy tiến tới phía Nam! Chúng ta hãy gặp nhau ở P’anmunjom!”
Cho đến đầu năm 1961, hơn hai mươi trường trung học đã hình thành nên một cộng đồng riêng nhằm thúc đẩy việc thống nhất.
Vào tháng 2 cùng năm, Hội đồng Thống nhất Quốc gia Độc lập (Minjat’ong) đã ra đời bởi bốn đảng cấp tiến và 13 nhóm xã hội dân sự (như Liên đoàn Thanh niên Quốc gia Dân chủ, Hội đồng Giáo sư, Liên đoàn báo chí, và Liên đoàn Lao động Giáo viên).
Song vấn đề là giới đấu tranh đã dành toàn tâm cho công cuộc kêu gọi thống nhất quốc gia và phê phán các chính sách đối ngoại nhiều hơn là tham gia vào tiến trình xúc tiến dân chủ.
Chính những nỗ lực ấy đã làm vô tình làm thay đổi hoàn toàn nghị trình đấu tranh của các nhóm xã hội dân sự, đặc biệt là giới sinh viên – từ chỗ đấu tranh cho một nền dân chủ tự do sang tập trung vào câu chuyện hòa giải quốc gia, theo giáo sư ngành chính trị Hàn Quốc Kim Hyung A trong cuốn “Sự phát triển của Hàn Quốc dưới thời Park Chung Hee”.
—
Rõ ràng giới đấu tranh Hàn Quốc đã không chuẩn bị chu toàn cho việc phải đối mặt với những vấn đề chính trị – xã hội nghiêm trọng trên.
Thoạt nhìn, phong trào đấu tranh sôi sục buổi đầu của giới sinh viên nhằm lật đổ Tổng thống Rhee tưởng như đã có thể giúp Hàn Quốc chuyển mình thành một nền dân chủ. Thực tế đã cho thấy một kết quả hoàn toàn ngược lại. Không chỉ làm tiêu tan thành quả trước đó, mà sự yếu kém và rời rạc của phong trào dân chủ còn mở đường cho một kỷ nguyên chuyên chế khắc nghiệt hơn.
Trong cuốn sách “Thất bại dân chủ ở Nam Hàn”, Han Sung-joo nhận xét về phong trào dân chủ ở giai đoạn này rằng: “Hàn Quốc chưa xây dựng được một xã hội đa nguyên thực thụ … còn đa số người dân lại thiếu một nền văn hoá chính trị dân chủ.” [2]
Trong bối cảnh khủng hoảng xã hội ấy, không quá khó để hiểu cách thức mà các nhà lãnh đạo đảo chính có thể thu phục được công chúng, đặc biệt là những người bảo thủ. Cũng không có gì ngạc nhiên khi hành động đảo chính ấy lại được tán dương như một hành động “yêu nước” để đưa quốc gia ra khỏi cơn khủng hoảng buổi bấy giờ.
Tài liệu tham khảo:
Trích dẫn: