Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Cách đây gần ba mươi năm, trong cơn hào hứng trước cảnh phương Tây đánh bại gã cộng sản đáng gờm, học giả Francis Fukuyama đã tuyên bố về “sự cáo chung của lịch sử”, rằng đã tới lúc nền dân chủ tự do sẽ chiến thắng nơi nơi.
Song những diễn biến chính trường khó lường ngày nay khiến chúng ta phải suy nghĩ lại: Từ vụ Brexit ở Anh cho tới hiện tượng Donald Trump ở Mỹ, tất thảy đều gây lo lắng về nạn chuyên chế mềm tồn tại trong chính nền dân chủ.
Đúng như câu nói lưu truyền được cho là của Thủ tướng Churchill nước Anh – “dân chủ là dạng thức chính quyền tồi tệ nhất… nếu không tính tới mọi dạng thức khác” – cách đây gần 200 năm, Alexis de Tocqueville trong cuốn Nền dân chủ Mỹ (De la démocratie en Amérique) đã đưa ra một cái nhìn thẳng thắn và trực diện vào những mảng tối ấy:
“Trước đây, những kẻ chuyên chế sử dụng những vũ khí thô sơ như xiềng xích và đao phủ; thì ngày nay nền văn minh đã tinh chế cho hoàn hảo tới cả nền bạo quyền, tưởng như chẳng còn gì để học thêm nữa. Sự chuyên chế trong các xã hội dân chủ đi thẳng vào tâm hồn. Nó nguy hiểm hơn bởi vì nó được che giấu và không thi hành sự ràng buộc đối với thể xác bên ngoài; do đó không ai có thể nhận ra và không ai phản ứng chống lại. Bên cạnh đó, đa số người dân được lợi từ nó nên không ai muốn phản đối nó.”
Tocqueville đã luôn đau đáu về cuộc khủng hoảng hậu cách mạng Pháp 1789 khi chính quyền quân chủ đi tới chỗ suy tàn – thảm cảnh mà ông đã phải dành cả cuộc đời mình để chứng kiến – mà về sau được ông lý giải trong hai tác phẩm Chế độ cũ và Cách mạng (L’Ancien Régime et la Révolution) và Về xã hội và chính trị Pháp trước và sau 1789 (L’Etat social et politique de la France avant et depuis 1789).
Trước tình cảnh ấy, chàng quý tộc Tocqueville ở tuổi hai mươi sáu đã đi tìm kiếm một mô hình chính trị mới cho nước Pháp. Cùng người bạn Gustave de Beaumont lang thang qua các bang của Mỹ nhân chuyến du khảo nghiên cứu về hệ thống cải huấn tù nhân, Tocqueville khi trở về đã đặt bút viết cuốn sách đầu tay: Nền dân chủ Mỹ, bàn về nước Mỹ như một đàn em đáng học hỏi cho nền quân chủ Pháp đang buổi rối ren lúc bấy giờ. (Sở dĩ gọi đàn em là bởi khi ấy nước Mỹ còn chưa chạm tuổi 60).
Những nhìn nhận đầy lạc quan của Tocqueville về chính quyền và xã hội Mỹ được khắp châu Âu tán dương đón nhận. Nhưng xuyên suốt hầu như mọi chương của cuốn sách, Tocqueville không quên dành ra một vài dòng để nhắc đi nhắc lại mối lo của mình về sự chuyên chế trong chính nền dân chủ: Sự chuyên chế của đám đông.
Khi con người đam mê sự bình đẳng
Bìa sách “Nền dân trị Mỹ”. Ảnh: NXB Tri Thức.
Trong Chế độ cũ và Cách mạng, Tocqueville viết: “tự do là một thứ gì đó mà chúng ta phải cảm thấy… Đó là một đặc quyền của những tinh thần quý tộc được Thượng Đế ban cho khả năng nhận ra, và nó truyền cho họ một lòng nhiệt thành to lớn. Đối với các tâm hồn thấp kém, họ không thể chạm được với ngọn lửa linh thiêng, và dường như không thể hiểu được.”
Tuyên bố hùng hồn ấy được coi như cơ sở cho lập luận của Tocqueville trong cuốn Nền dân chủ Mỹ: “chỉ có những người sâu sắc và sáng suốt mới thấy những nguy hiểm mà bình đẳng gây đến cho chúng ta”, nhưng “những yếu kém mà tự do mang lại thì có thể thấy ngay lập tức”.
Ngược lại, “những điều tốt đẹp mà tự do mang lại chỉ có thể thấy khi thời gian qua đi”, trong khi “những lợi thế của bình đẳng có thể cảm thấy ngay lập tức”.
Chính bởi vậy mà niềm yêu tự do khó sánh bằng ước muốn bình đẳng, thứ vốn dễ dàng đạt được hơn và cũng rõ ràng hơn: “đam mê cho sự bình đẳng là mãnh liệt, vô tận, vĩnh cửu, và không thể mất đi. Họ muốn sự bình đẳng trong tự do, và nếu họ không thể như vậy, họ vẫn muốn nó trong chế độ nô lệ”.
Nhưng tréo ngoe thay, nếu đòi hỏi rằng tất cả đều phải bình đẳng, không ý kiến của ai có trọng lượng hơn ai, thì không ai có bất cứ cơ sở nào để chứng tỏ rằng ý kiến của tôi mới là đáng coi trọng hơn, từ đó tuyên bố quyền cai trị đối với người khác.
Kẻ giàu sang cũng như kẻ khốn cùng, chuyên gia cũng như thợ thuyền, giảng sư cũng như sinh viên, ai ai cũng đều chỉ có một lá phiếu chính trị bởi ý kiến của mỗi người có trọng lượng ngang nhau.
Vậy lấy tư cách gì mà một chính quyền có thể tuyên bố thẩm quyền cai trị của nó?
Tính chính danh của chính quyền, khi ấy, không đến từ sự giàu sang của những người trong bộ máy, cũng không đến từ tài năng kỹ trị của giới chuyên gia, lại càng không đến từ địa vị xã hội của kẻ cai trị. Rõ ràng, chỉ còn một cơ sở đúng đắn duy nhất để điều hành xã hội: Ấy là dựa trên ý chí của đa số.
Bởi khi ý kiến của mọi người ngang nhau, thì dĩ nhiên ý kiến đa số sẽ có giá trị hơn ý kiến thiểu số. Lập luận này đây chính là gốc rễ của vấn đề: Chuyên chế đám đông.
Chuyên chế đám đông
Chuyên chế có thể xảy ra khi quyền lực nằm trong tay một người, hẳn vậy.
Nhưng cái xui rủi là nó cũng có thể xảy ra khi đa số nắm giữ quyền lực để đàn áp các ý kiến thiểu số. Chẳng khác nào tuyên bố “lợi ích lớn nhất cho số đông lớn nhất” của Jeremy Bentham, nhà vị lợi chủ nghĩa hàng đầu.
Nó là công cụ đầy sức mạnh: Có thể ép Socrates uống thuốc độc; thiêu Bruno trên giàn lửa; đòi treo cổ và bắt giam Galilei.
Giờ đây, chân lý không còn quan trọng bằng sự hài lòng của đa số dân chúng nữa.
Biếm họa về nền dân chủ của sói và cừu. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Tocqueville coi dạng chuyên chế này là thứ có thể hạ cấp con người nhưng không bạo hành họ. Ở cái nơi mà “một đám đông gồm vô số con người, giống nhau và bình đẳng, không ngừng tập trung vào việc theo đuổi những thú vui nhỏ nhặt và tầm thường để nhồi nhét vào trong tâm hồn của họ. Mỗi người trong số họ, rút lui vào trong chính mình, hầu như không biết gì về số phận của phần còn lại… Bên trên những con người này là một quyền lực to lớn một mình chịu trách nhiệm đối với việc bảo vệ sự hưởng thụ của họ và giám sát số phận của họ.”
Một chính quyền như vậy hoàn toàn không tàn bạo, nhưng nó nhẹ nhàng làm xói mòn sự tự do của con người một cách âm thầm.
Quan điểm này đã được thể hiện một bài chính luận của một trong số các vị tổ phụ Mỹ – James Madison -trong tuyển tập Những luận cương liên bang (The Federalist Papers). Madison đã viết: “Trong chính thể dân chủ thuần tuý, đa số … hay có khuynh hướng hy sinh nhóm thiểu số. Vì vậy, an ninh cá nhân và quyền sở hữu không được đảm bảo, khiến cho chính phủ trong chính thể dân chủ thuần tuý thường không vững bền…”
Mối nguy thấy rõ
Tất cả những lý lẽ trên không phải là những suy diễn đầy sắc màu kinh viện của một chàng công tử Pháp.
Tuy là con của một quận trưởng bảo hoàng ủng hộ cho chế độ quân chủ, song những năm theo học triết học ở Metz vào độ tuổi đôi mươi đã làm Tocqueville hoài nghi về vai trò của tầng lớp quý tộc trong chính quyền Pháp. Dần dà, Tocqueville đã từng bước tin rằng sự suy tàn của chế độ quý tộc là một điều không thể tránh khỏi.
Tốt nghiệp trường luật, Tocqueville được nhận làm chánh án tập sự tại tòa án luật Versailles. Trong cuốn Chế độ cũ và Cách mạng viết vào những năm cuối đời, Tocqueville kể lại rằng cuộc Cách mạng tháng Bảy năm 1830, khi Charles X thoái vị và Louis-Philippe lên ngôi, đã khiến ông nhận thấy rằng con đường duy nhất cho nước Pháp phải là dân chủ, mà nước Mỹ chính là một hình mẫu chính trị cho điều đó.
Song phải nhìn nhận cả ưu lẫn khuyết của dân chủ, thì ngõ hầu mới tìm ra một hướng đi đúng đắn.
Qua chín tháng thăm thú và tìm hiểu nền chính trị Mỹ, từ vùng Boston cho tới Pittsburgh, đi Memphis rồi qua New Orleans, những kinh nghiệm thực tiễn đã cho phép Tocqueville nhìn ra những mối nguy thấy rõ của một nền dân chủ khi trao quyền cho ý chí của đám đông.
Ông thấy rằng nhánh lập pháp đại diện trực tiếp cho ý chí của người dân, nên các xã hội dân chủ có xu hướng trao cho nó nhiều quyền lực nhất. Tuy nhiên, nếu quyền lực này không được kiểm soát, nó sẽ dễ dàng trở thành một kẻ bạo chúa khổng lồ.
Tranh vẽ La Liberté guidant le peuple của họa sĩ Eugene Delacroix về Cách mạng Pháp. Nguồn: Wikipedia.
Không chỉ vậy, việc trực tiếp bầu chọn hạ nghị sĩ (còn thường được gọi là dân biểu) và thời gian phục vụ ngắn ngủi của họ cũng là một vấn đề. Những quy định này dẫn đến việc lựa chọn ra một tập thể gồm những người đại diện tầm thường, khi mà họ liên tục lo lắng về công luận. Vì khi đang tranh cử thì nỗi sợ không được bầu khiến họ phải lấy lòng cử tri, khi đã chiếm được ghế thì nỗi lo không thể tái cử khiến họ không dám hành động theo phán đoán tốt nhất của chính mình.
Kể cả trong nhánh lập pháp cũng tiềm ẩn mối nguy khi cho phép tổng thống được quyền tái cử. Theo Tocqueville, nếu tổng thống có được hy vọng tái cử, thì ông ta sẽ đánh mất khả năng đưa ra các quyết định độc lập dựa trên phán quyết của mình. Thay vào đó, ông ta sẽ chạy theo ý muốn nhất thời của nhân dân, và liên tục cố gắng làm cho đám đông cảm thấy hài lòng để họ bỏ phiếu cho ông ta lần kế tiếp.
Giải pháp của nền dân chủ Mỹ
Alexis de Tocqueville. Ảnh: Wikicommons.
Nhưng không vì những lý do đó mà Tocqueville quay lưng lại với nền dân chủ.
Thậm chí, ông đã dành cả quãng đời làm chính khách của mình để đấu tranh vì nó.
Năm 1835, khi tập I của tác phẩm Nền dân chủ Mỹ ra mắt, cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt, cũng là lý do chính khiến ông được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh, và rồi được bầu vào Hạ viện vào năm 1838. Sau đó vài năm, Tocqueville còn được kết nạp vào Viện Hàn lâm Pháp và Viện Hàn lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị.
Ở Hạ viện, Tocqueville ngày càng đứng về phía cánh tả. Ông trở thành một trong những chủ biên của tờ báo cấp tiến Le Commerce vào năm 1844. Khi Hạ viện bác bỏ việc cải cách Quốc hội và bầu cử, còn các đảng phái cánh tả ngày càng trở nên bất đồng, Tocqueville đã đưa ra một bài phát biểu đầu năm 1848 dự đoán sự bùng nổ của một cuộc cách mạng, nhưng người ta đã phớt lờ cảnh báo của ông.
Đến khi cuộc Cách mạng 1848 thật sự nổ ra, Tocqueville tuy phản đối nhưng vẫn tham gia kiến thiết nên chính phủ mới. Một lần nữa, ông đóng vai trò quan trọng trong chính quyền khi được bầu vào Quốc hội lập hiến và tham gia viết Hiến pháp cho nền Cộng hòa thứ hai. Năm sau Tocqueville được bầu vào Quốc hội và trở thành Phó Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong một thời gian ngắn.
Tocqueville trở lại Paris vào năm 1851, trước cuộc đảo chính Louis Napoléon tiếp quản chính quyền. Do kịch liệt phản đối Đệ nhị đế chế, Tocqueville đã bị bỏ tù một thời gian. Sau đó, ông bị cấm giữ chức vụ công vì cương quyết từ chối tuyên thệ trung thành với chế độ mới.
Nhưng không phải Tocqueville ủng hộ dân chủ bằng một niềm yêu mến đơn thuần, bất chấp những khuyết điểm tệ không kém gì một nền độc tài quân chủ.
Ông phát hiện ra nền dân chủ Mỹ có thể sửa chữa những khuyết điểm ấy, cả về mặt thiết chế lẫn tập tục xã hội.
Về thiết chế
Tocqueville cho rằng nước Mỹ đã thành công khi bảo vệ chính nó trước sự chuyên chế của đa số thông qua hệ thống kiểm soát và cân bằng. Để tránh tình trạng chạy theo ý chí công luận của Hạ viện, thì một hệ thống lưỡng viện được hình thành. Mà trong đó, Thượng viện khá độc lập với tính khí thất thường của người dân.
Để tránh dạng chuyên chế liên quan cả nhánh hành pháp lẫn tư pháp, tổng thống Mỹ có quyền phủ quyết các đạo luật và kiểm soát quân đội. Điều này trao cho tổng thống khả năng kiểm soát quyền lực của nhánh lập pháp. Dẫu cơ quan lập pháp mạnh hơn một mình tổng thống, song nhánh tư pháp lại có thể ngăn chặn sự chuyên chế của quốc hội bằng cách tuyên bố một bộ luật nào đó là vi hiến.
Và dĩ nhiên, nhánh tư pháp cũng cực kỳ độc lập với ý kiến của người dân: “Khi người Mỹ say sưa lao theo những đam mê, hoặc để cho các ý tưởng dân chủ lôi cuốn đi, khi đó các luật gia trở thành một bộ hãm vô hình làm cho họ dịu đi và dừng họ lại.”
Ấy là nhờ các thẩm phán được bổ nhiệm mà không cần bầu cử. Và vì họ phục vụ nhiệm kỳ suốt đời, nên họ độc lập khi đưa ra các quyết định mà họ nghĩ là tốt nhất, cũng như không cần phải lo lắng quá mức về công luận.
Một thiết chế quan trọng khác nhằm chống lại sự chuyên chế chính là cơ chế bồi thẩm đoàn.
Bồi thẩm đoàn không hẳn là phương tiện tốt nhất để đạt được công lý bởi họ thường thiếu chuyên môn cần thiết để đưa ra các quyết định đúng đắn. Song Tocqueville coi nó là một công cụ mạnh mẽ để giáo dục cộng đồng, đặc biệt trong việc dạy người dân cách thực thi sự bình đẳng và sử dụng quyền tự do của mình một cách có trách nhiệm. Bởi vì cơ chế này trực tiếp đặt việc kiểm soát xã hội vào tay người dân. Không chỉ vậy, bồi thẩm đoàn còn khiến các công dân chú tâm đến các vấn đề của người khác, và do đó chống lại tính vị kỷ cá nhân.
Bồi thẩm đoàn (trái) đang nghe luật sư trình bày trong một phiên tòa ở Mỹ. Ảnh: sfexaminer.com
Tương tự, sự phi tập trung hành chính cho phép các địa phương tự trị cũng là một phương tiện giúp hạn chế sự chuyên chế của đám đông. Đây là một trong những khác biệt quan trọng nhất giữa Pháp và Mỹ. Tocqueville lý giải rằng cuộc Cách mạng Pháp 1789 thất bại bởi chủ yếu cho sự tập trung hành chính quá mức khiến người dân mất đi tình yêu tự do và quên mất cách thực hành tự do của mình.
Một khi chính quyền chỉ hoạt động trong phạm vi giới hạn, thì sự chuyên chế của đa số cũng bị giới hạn trong phạm vi ấy mà thôi. Bởi “cho dù luật pháp có ép buộc, cho dù tự do vẫn còn ẩn náu trong cung cách con người thực thi luật pháp, thì phe đa số vẫn không thể … bạo quyền về mặt hành chính”.
Tất cả những thiết chế trên được Tocqueville gọi là “quyền lực trung gian.”
Về tập tục
Nhưng thiết chế, dẫu có mạnh mẽ đến mấy, cũng chỉ là một thứ ngoại sinh dùng sức mạnh để ràng buộc con người. Điều mà Tocqueville xiển dương ở nền chính trị Mỹ hơn hết chính là các tập tục, mà chủ yếu đến từ khuynh hướng hình thành cộng đồng và tham gia tín ngưỡng.
Tocqueville ca ngợi thiên hướng hình thành các hiệp hội và báo chí của người Mỹ vì ông nhận ra rằng chúng giúp người dân thực hành quyền tự do của họ bằng cách tham gia vào chính trị. Khi xem xét các xu hướng trở nên quá cá nhân của con người dân chủ, ông đề cao tầm mức quan trọng của nghĩa vụ công dân. Đó là những thứ buộc mọi người phải nhìn xa hơn lợi ích riêng của bản thân, và suy nghĩ về những vấn đề của cộng đồng.
Ở Mỹ, tôn giáo còn nhiều hơn các tổ chức hiệp hội khác. Vì chính quyền không cung cấp các tiêu chuẩn tuyệt đối, nên theo Tocqueville, việc tôn giáo đưa ra các ranh giới đạo đức là điều cần thiết: “Chuyên chế có thể tồn tại mà không cần đức tin, nhưng tự do thì không… Làm thế nào một xã hội lại không bị phá hủy, khi mà các quan hệ chính trị bị nới lỏng, còn các quan hệ tôn giáo lại không được thắt chặt?”
Bằng cách mang người dân lại gần nhau trong một cộng đồng tín ngưỡng chung, tôn giáo góp phần chống lại chủ nghĩa cá nhân.
Tocqueville cho rằng tôn giáo còn là phương tiện duy nhất cân bằng lại xu hướng vật chất của con người dân chủ. Nó hướng tinh thần con người ra ngoài khía cạnh vật chất tới những gì vĩnh hằng. Nhận thấy rằng sức mạnh như vậy là rất cần thiết trong xã hội dân chủ, ông cảnh báo những người lãnh đạo đừng cố cản trở đức tin của người dân bởi cái nỗi sợ rằng, “ngay khi tâm hồn trống rỗng niềm tin, thì tình yêu vật chất sẽ đến và lan tràn rồi sẽ lấp đầy tất cả”.
Dòng chữ “In God We Trust” (Ta tín thác Chúa) trên tờ tiền của Mỹ. Ảnh: Intelligence Squared.
Rõ ràng, một mình các thiết chế dân chủ không thể chống chọi lại sự chuyên chế của đa số.
Một lần nữa, Tocqueville hướng vào bên trong mỗi cá nhân để chỉ ra rằng, chính sự tự do của các công dân trong việc lập hội, tham chính, và tín ngưỡng mới là những “thiết chế mềm” dẻo dai nhất để chống lại thứ “chuyên chế mềm” hiểm độc nhất.
Lời kêu gọi phải kiểm soát tình trạng chuyên chế đa số trong một nền dân chủ của Tocqueville đã gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới những triết gia nổi tiếng thời sau. Tiêu biểu nhất phải kể tới John Stuart Mill – người đã bứt ra khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa vị lợi từ người cha James Mill và thầy Jeremy Bentham của mình – để cổ xúy cho tinh thần của sự tự do cá nhân trước nạn chuyên chế đám đông trong tác phẩm Bàn về Tự do (On Liberty).
Cho tới ngày nay, đã gần 200 năm trôi qua, song cuốn Nền dân chủ Mỹ của Tocqueville vẫn là một trong những giáo trình chính được dạy ở các chương trình đại học của Mỹ về dân chủ.
Quả thực, Tocqueville được xem là “đã hiểu nước Mỹ hơn cả người Mỹ” – như trong lời giới thiệu của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn cho bản dịch Việt ngữ Nền dân trị Mỹ của nhà giáo Phạm Toàn, do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành năm 2006.