Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Diễn biến vụ việc cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái Yulia Skripal bị đầu độc tại Anh đang có những diễn biến mới gay cấn và đặc biệt thu hút những ai quan tâm đến luật quốc tế.
Ông Sergei và cô Yulia được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh trên một băng ghế tại một trung tâm mua sắm thành phố Salisbury (Anh) hôm 04/3 vừa rồi. Hiện cả hai vẫn đang nằm viện và đã qua giai đoạn nguy kịch.
Kết quả điều tra của cơ quan điều tra Anh cho thấy ông Sergei và cô Yulia đã bị đầu độc bằng một chất độc thần kinh (nerve agent) mang tên Novichok (từ tiếng Nga là новичо́к, mang nghĩa “người tập sự” hay “thành viên mới”).
Novichok được giới khoa học gia Liên Xô sáng tạo và phát triển, và chỉ được thế giới biết đến từ cuối thập niên 1990. Đây được xem là một chất hiếm, cực độc, và chỉ có thể được bảo quản, sử dụng bởi các chuyên gia được đào tạo.
Các điều tra viên của quân đội Anh làm nhiệm vụ tại một hiện trường gần thành phố Salisbury hôm 12/3. Ảnh: Frank Augstein/AP.
Thông tin mới nhất từ cơ quan điều tra Anh là chất Novichok đã được tìm thấy trên cửa nhà và trong xe của ông Skripal.
Hiện nay, chính quyền Anh đang cáo buộc rằng chính quyền Nga đứng đằng sau hành vi đầu độc này. Phía Nga thì phủ nhận cáo buộc và đã liên tục đòi phía Anh đưa ra bằng chứng.
Anh từ chối yêu cầu đưa bằng chứng cho Nga, có lẽ vì nhiều lý do, trong đó có việc công tác điều tra vẫn đang tiếp diễn.
Hiện Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) – một tổ chức liên chính phủ, không thuộc Liên Hợp Quốc, có trụ sở tại Hà Lan – đang phân tích các mẫu bằng chứng vụ việc do phía Anh cung cấp, nhưng chưa đưa ra kết luận.
“Đấu” công ước quốc tế
Dựa trên cáo buộc của họ, Anh quốc đã có phản ứng mạnh mẽ với phía Nga, đồng thời huy động được nhiều đồng minh phương Tây lên án hay trừng phạt Nga bằng các cách khác nhau.
Một loạt các động thái ngoại giao trả đũa qua lại, bao gồm trục xuất các nhà ngoại giao, đóng cửa lãnh sự quán v.v. đã diễn ra trong tháng qua giữa Nga và Anh quốc cùng các nước ủng hộ Anh quốc, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Bên cạnh các động thái ngoại giao đó, nổi bật lên các diễn ngôn về luật quốc tế được cả hai bên sử dụng.
Bà Theresa May phát biểu trước Nghị viện Anh về kết luận của cơ quan điều tra Anh hôm 12/3. Ảnh: NBC News.
Khi lần đầu tiên lên tiếng cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc hôm 14/3, Thủ tướng Anh bà Theresa May đã viện dẫn luật quốc tế.
Cụ thể bà May cho rằng Nga đã vi phạm một trong những nguyên tắc luật quốc tế quan trọng nhất, được nêu trong Khoản 4, Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc:
“Tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên Hợp Quốc.”
Chất Novichok được xem là một vũ khí hóa học và theo đó việc dùng chất này được xem là hành vi dùng vũ lực.
Bà May cũng cáo buộc phía Nga vi phạm Công ước Vũ khí Hóa học. Đây là một hiệp ước quốc tế về kiểm soát vũ khí được ký kết năm 1993.
Anh và Nga nằm trong số 165 nước đã tham gia ký kết hiệp ước này, vốn được Nga phê chuẩn và chính thức có hiệu lực tại Nga từ năm 1997.
Bà May cho rằng Nga đã hoặc đang có một chương trình phát triển vũ khí hóa học bí mật, vốn là hành vi bị cấm trong nội dung Công ước Vũ khí Hóa học.
Trong phát biểu ngày 14/3 trước Nghị viện Anh, bà May giải thích rằng Anh quốc đã thông tin cho phía Nga các cáo buộc của họ liên quan đến việc hai cha con nhà Skripal bị đầu độc, và đã yêu cầu phía Nga đưa ra giải thích (explanation), nhưng:
“Phản ứng của họ bộc lộ một sự coi thường hoàn toàn dành cho mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Họ vẫn chưa có một giải thích đáng tin cậy nào cho thấy họ mất kiểm soát chất độc thần kinh của họ.
Không có giải thích nào được đưa ra về cách mà chất độc đó được sử dụng tại Anh quốc, không có giải thích tại sao Nga có một chương trình vũ khí hóa học bí mật vi phạm luật quốc tế.”
Đại sứ Nga tại Anh Alexander Shulgin phát biểu với báo giới Anh: “Tôi chưa bao giờ nghe đến chất độc thần kinh đó [Novichok]”. Ảnh: Sky News.
Đáp lại, phía Nga cho rằng chính Anh quốc đang vi phạm Công ước Vũ khí Hóa học.
Cụ thể, chính phủ Nga phản bác rằng việc chính phủ Anh đòi hỏi phía Nga phải đưa ra một lời giải thích trong vòng 48 tiếng đồng hồ là không phù hợp với nội dung của công ước đó.
Khoản 2 – Điều 10, Công ước Vũ khí Hóa học có nội dung:
“…Quốc gia thành viên nào nhận được yêu cầu từ một quốc gia thành viên khác đòi hỏi việc làm rõ bất cứ vấn đề gì mà quốc gia thành viên đang đưa ra yêu cầu tin rằng là vấn đề gây ngờ vực hay lo ngại, thì quốc gia nhận yêu cầu phải cung cấp cho quốc gia yêu cầu càng sớm càng tốt, nhưng trong mọi trường hợp không muộn hơn 10 ngày tính từ khi có yêu cầu, các thông tin đủ để giải đáp các ngờ vực hay lo ngại được nêu, kèm theo đó là một giải thích là những thông tin đã cung cấp đó giải quyết vấn đề ra sao.”
Nga cho rằng Anh không thể “làm mình làm mẩy” đòi thông tin giải thích trong 48 tiếng trong khi nội dung nói trên của công ước chỉ nêu hạn chót trả lời là trong vòng 10 ngày.
Bình luận về lập luận này của phía Nga, ông Aurel Sari – giảng viên công pháp quốc tế của Đại học Exeter (Anh) – cho rằng các quan chức Nga đang hiểu sai nội dung Công ước Vũ khí Hóa học.
Ông Sari cho rằng không thể xem quy trình được vạch ra trong Khoản 2 – Điều 10 nói trên là quy trình hay cách giải quyết (remedy) duy nhất trong tất cả các trường hợp có nghi vấn rằng một quốc gia thành viên đã vi phạm Công ước.
“…Ví dụ, sẽ là lố bịch nếu cho rằng một quốc gia vừa bị tấn công bằng vũ khí hóa học không thể tự bảo vệ bản thân họ trước hành vi tấn công đó, mà thay vào đó phải đưa ra một yêu cầu thông tin dành cho quốc gia có hành vi tấn công, rồi kiên nhẫn ngồi đợi trả lời trong vòng 10 ngày.” – ông Sari viết.
Giảng viên luật này cũng cho rằng điều khoản nói trên là dành cho các trường hợp làm rõ nghi vấn trong khi chính phủ Anh từ hôm 12/3 đã có kết luận rằng Nga “nhiều khả năng” (highly likely) chịu trách nhiệm cho vụ đầu độc Skripal.
Kết luận đó dựa trên việc xác định chất độc là chất Novichok, thực tế là Nga đã sản xuất chất này trong quá khứ, và dựa vào quan sát về các hành động trong quá khứ (past conduct) và các ý định trong hiện tại (current intent) của phía Nga.
Ông Sari lập luận rằng, thể theo các tiêu chuẩn về bằng chứng (standards of proof) đang có hiệu lực trong luật quốc tế hiện nay, việc Anh quốc đưa ra kết luận nói trên không phải là một hành vi bất hợp lý (unreasonable).
Mặt khác, câu hỏi mà chính phủ Anh đã đưa cho chính phủ Nga là: vụ việc đầu độc Skripal có phải là một hành vi trực tiếp của Liên bang Nga hay không, theo đó cấu thành một hành vi dùng vũ lực, hay là Nga bị mất kiểm soát đối với chất độc thần kinh của họ?
Ông Sari cho rằng như vậy là Anh về bản chất đang đòi Nga làm rõ Nga có liên quan đến vụ đầu độc như thế nào, chứ không phải là đang đòi Nga giải tỏa các ngờ vực liên quan đến việc tuân thủ Công ước Vũ khí Hóa học.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo Nga sẽ có động thái trả đũa, sau khi có đến 20 nước tiến hành trục xuất các nhà ngoại giao Nga trong mấy ngày qua. Ảnh: thehill.com.
“Cãi” thỏa thuận song phương
Trong diễn biến mới nhất của cuộc “đấu luật” này, phía Nga đang lên tiếng cáo buộc rằng Anh quốc không chỉ có hành vi “nhạo báng” nội dung Công ước Vũ khí Hóa học, mà còn đang xem thường nghĩa vụ trong một thỏa thuận song phương giữa Anh và Nga.
Cụ thể là vào năm 1968, chính phủ Liên Xô và chính phủ Anh đã ký kết Hiệp định Lãnh sự số hiệu 9384.
Điều 36 của hiệp định này quy định là nhân viên lãnh sự (consular officer) phải được quyền liên lạc, phỏng vấn, và tư vấn (advise) công dân Nga. Chính phủ sở tại không được phép ngăn cản nhân viên lãnh sự Nga tiếp xúc (access) công dân Nga.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói rằng chưa có bên nào hủy bỏ hiệp định này nên nó vẫn có hiệu lực theo luật quốc tế.
Cho dù ông Sergei Skripal đang định cư ở Anh, cô Yulia Skripal vẫn là một công dân Nga.
Phía Nga đã đòi hỏi phía Anh hợp tác điều tra và cung cấp thông tin cập nhật về cô Yulia Skripal nhưng bị phía Anh từ chối.
Chính phủ Nga cho rằng như thế là chính phủ Anh đang vi phạm hiệp định năm 1968 kia.
Hiện vẫn chưa rõ hồi đáp của phía Anh sẽ là gì, nhưng cuộc đọ sức vừa dùng ngoại giao vừa dùng luật quốc tế này chắc sẽ còn nhiều diễn biến hấp dẫn.
Tham khảo: