Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Năm 1993, vụ án mạng ở đồi Robin Hood ở thành phố West Memphis (Arkansas, Mỹ) chỉ mất một ngày để tìm thấy xác của ba đứa trẻ bị sát hại, và 11 tiếng để buộc tội ba thanh niên nhưng phải mất đến 18 năm để trả tự do cho họ.
Quá khứ trộm cắp, phá hoại tài sản, tâm thần có vấn đề khiến ba thanh niên: Jessie Miskkelley, 18 tuổi, bị chứng chậm phát triển; Jason Baldwin, 16 tuổi; và Damen Echols, 19 tuổi, bị bệnh tâm thần – trở thành những nghi can trùng khớp với động cơ giết người mà cảnh sát suy đoán.
Cùng với lời khai của nhân chứng, gia đình các nạn nhân và công chúng dường như chỉ muốn có thể “ăn tươi nuốt sống” họ.
18 năm sau đó, cả ba người được trả tự do thông qua một thoả thuận đặc biệt về nhận tội, Thỏa thuận Alford, người bị cáo buộc vẫn có thể tuyên bố vô tội trong khi đồng ý nhận một tội danh ít nghiêm trọng hơn liên quan đến vụ án.
Đến nay, công tố viên vẫn xem cả ba người là hung thủ nhưng công chúng thì tin rằng họ đã bị oan.
Cả ba người đã nổi tiếng như những diễn viên ở Holywood qua các phim tài liệu, điện ảnh, bài viết về vụ án mạng kinh hoàng ở đồi Robin Hood. Trong lịch sử tư pháp hình sự Mỹ, vụ án này thường được biết đến với tên gọi “Bộ ba West Memphis” (West Memphis Three).
Án mạng ở hang Quỷ
Chiều ngày 06/5/1993, cảnh sát tìm thấy xác của ba đứa trẻ tám tuổi là Stevie Branch, Christopher Byers và Michael Moore nằm dưới một con suối nhỏ ở gần đồi Robin Hood, còn có tên là hang Quỷ. Một ngày trước đó, chúng đã rủ nhau đi chơi bằng xe đạp rồi bị mất tích.
Xác của cả ba đều trần truồng, hai cánh tay bị quặt vòng ra phía sau lưng và buộc vào cổ chân bằng dây giày của chúng. Cảnh sát không tìm thấy hung khí và vết máu nào ở hiện trường vụ án.
Ba đứa trẻ chết vào khoảng bốn giờ chiều ngày 05/5/1993. Stevie Brand và Michael Moore chết vì ngạt nước trước khi bị đánh và cắt nhiều nhát vào đầu, thân và tay chân. Trên người Stevie Brand có nhiều vết thương sâu, sâu nhất nằm ở trán. Kinh hoàng hơn, Christopher bị mất đi dương vật, bìu dái và tinh hoàn, cùng với nhiều vết cắt ở mông.
Tin tức về vụ án mạng nhanh chóng lan tỏa khắp bang Arkansas.
Để truy tìm nghi phạm, cảnh sát bắt đầu suy đoán về động cơ giết người. Dựa vào cách mà hung thủ ra tay, trung uý James Sudbury, người phụ trách vụ án, cùng với Steve Jones, một nhân viên quản lý thanh thiếu nhi (juvenile officer), cho rằng động cơ giết người chắc chắn liên quan đến những người sùng bái quỷ Satan hay phù thuỷ.
Trong đầu của Steve Jones đã nghĩ ngay đến Damien Echols – từng bị giam trong trại cải huấn dành cho thiếu niên. Damien bị đánh giá là khác người, bị rối loạn cảm xúc (manic-depressive), từng tự tử ba lần nhưng bất thành, yêu thích Huyền bí học (Occultist) – một môn nghiên cứu về các hiện tượng thần bí tâm linh cổ xưa nhưng thường bị hiểu nhầm là có liên quan đến tà giáo.
Trưa ngày 7/5/1993, cảnh sát đến gặp Damien để hỏi anh vài chuyện về vụ án mạng.
Hai ngày sau, Damien bị thẩm vấn tại sở cảnh sát. Cảnh sát đã hỏi anh: Có phải một trong ba đứa trẻ bị thương nặng hơn hai đứa còn lại hay không? Damien trả lời là có một đứa trẻ đã bị sát hại dã man, bị cắt đi bộ phận sinh dục. Câu trả lời của Demien khiến cảnh sát nghĩ anh đã giết những đứa trẻ thì mới biết chi tiết đó. Nhưng thật ra thì những người khác trong khu vực cũng biết như Damien, thông qua tin tức và các cuộc nói chuyện phiếm.
Damine được thả sau đó, nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại.
Nhân chứng bất thường
Hai ngày sau vụ án mạng, xuất hiện một nhân chứng nhí đồng ở sở cảnh sát West Memphis.
Aaron Hutcheson, tám tuổi, bạn của hai trong ba đứa bé bị giết, đã theo mẹ – là bà Vicki Hutcheson – đến sở cảnh sát để tố giác hung thủ.
Aaron khai với cảnh sát là cậu đã chứng kiến cảnh ba đứa bé bị giết từ một nhà chòi gần hiện trường vụ án. Lời khai của Aaron thay đổi liên tục, đôi khi khó hiểu. Lúc đầu, cậu nói có một nhóm người nói tiếng Tây Ban Nha đi xe mô-tô bắt cậu lại cho đến khi cậu đá họ và thoát khỏi đó. Lúc sau, cậu khai hung thủ vụ án là Damien rồi vẽ hình anh mặc áo giáp và đeo kiếm.
Đương nhiên, cảnh sát đã không tin Aaron, nhưng mẹ cậu bé vẫn muốn có số tiền thưởng 30.000 đô la cho người tố giác hung thủ. Vicki Hutcheson có tiền sử từng ký chi phiếu khống, vượt quá số tiền trong tài khoản.
Vicki thường giao con của cô cho Jessie Misskelley trông coi. Jessie là bạn của Damien, bị chứng chậm phát triển, 17 tuổi nhưng chỉ số IQ của anh chỉ đạt 68 (mức của người bình thường là từ 80 đến 120).
Vicki đã vạch ra kế hoạch buộc tội Damien, cô nhờ Jessie mời Damien đến nhà, bằng cách nào đó cô sẽ “bẫy” anh nhận tội và giao bằng ghi âm cho cảnh sát. Nhưng cô đã thất bại, Damien không nói điều gì gây bất lợi với bản thân.
Tiếp theo, Vicki lại khai với cảnh sát là đã tham gia một lễ cúng tế ma quỷ cùng với Damien và Jessie, hai tuần trước khi bọn trẻ bị giết. Cô còn thuyết phục Jessie đến sở cảnh sát tố cáo Damien là hung thủ của vụ án.
Ngày 03/6/1993, Jessie bất ngờ đến sở cảnh sát để khai báo. Anh bị thẩm vấn liên tục trong 12 tiếng đồng hồ, nhưng chỉ có một phần nhỏ là được ghi âm. Jessie không chỉ khai hung thủ là Damien và mà còn khai cả Jason Baldwin, 16 tuổi, một người bạn của Damien.
Lời khai của Jessie không thống nhất. Lúc đầu, anh khai là đi cùng với Damien và Jason đến đồi Robin Hood vào khoảng 9 giờ sáng hoặc giữa trưa ngày 05/5/1993. Sau đó, Jessie lại thay đổi thời gian là vào khoảng 5 hoặc 6 giờ chiều, rồi lại chuyển thành 7 đến 8 giờ tối.
Jessie khai là cả ba đang đứng gần, hoặc ngay một con suối nhỏ ở đồi Robin Hoods, thì gặp ba đứa trẻ đi xe đạp tới. Anh đã canh chừng để Damien và Jason cưỡng hiếp bọn trẻ, còn mình thì tóm lấy cậu bé James Moore khi cậu cố thoát khỏi đó. Anh khai tiếp là Jason cầm dao chém vào mặt bọn trẻ và thiến cậu bé Chris Byers, còn Damien thì cầm gậy đánh và bóp cổ một trong ba đứa trẻ.
Jessie còn kể về một buổi cúng tế mà mình cùng tham gia với Damien và Jason. Ở đó, họ đã giết và ăn thịt những con chó. Anh ta khai tiếp rằng Jason đã gọi cho anh, và nói rằng họ sẽ “làm thịt” những đứa trẻ vô danh – một ngày trước khi bọn trẻ bị giết.
Mặc dù lời khai của Jessie không rõ ràng, đôi khi điều tra viên phải sửa sai cho anh. Lời khai của anh cũng không hợp pháp, vì anh ta bị chứng chậm phát triển nhưng lại bị lấy cung một mình, không có sự đồng ý của cha mẹ. Trong phòng lấy cung của Jessie có một cây gậy đánh bóng chày, ngoài các điều tra viên thì không ai biết nó dùng để làm.
Tối đêm đó, Damien và Jason bị bắt vì tội mưu sát với mức án tối cao là tử hình (capital muder). Tuy nhiên, nếu phía công tố thành công buộc tội họ thì Jason chỉ có thể bị phán chung thân không được ân xá, vì anh chỉ mới 16 tuổi khi bị tình nghi gây án.
Khi cảnh sát có được lệnh xét nhà của Jason, họ đã tịch thu 15 chiếc áo thun màu đen, một chiếc áo choàng màu đỏ của mẹ cậu. Tại nhà của Damien, cảnh sát tìm thấy hai cuốn sổ tay ghi chép về ma quỷ, tịch thu một chiếc vòng tay và một số quần áo của Damien.
Damien kiên quyết không nhận tội. Còn Jason thì được công tố viên đề nghị giảm án nếu anh nhận tội và tố giác Damien nhưng anh không đồng ý. Jason biết rõ nếu anh làm điều đó thì Damien có thể bị xử tử hình.
Vì cả hai không nhận tội nên cảnh sát phải tìm cho ra các bằng chứng, nhân chứng quan trọng để buộc tội họ.
Tháng 11/1993, một nhóm thợ lặn đã tìm thấy một con dao răng cưa, phù hợp với vết thương trên người của cậu bé Chris Byers, ở một hồ nước gần nhà của Jason. Bạn gái cũ của Damien khẳng định Damien cũng có một con dao tương tự nhưng khác màu, có la bàn trên cán của cây dao.
Chiếc vòng tay mà cảnh sát tịch thu ở nhà của Damien có dính vết máu nhỏ, vì quá nhỏ nên không thể xét nghệm DNA mà chỉ có thể xác định một phần là máu của Damien phần còn lại thì thuộc về 11% dân số trên thế giới trong đó có hai cậu bé bị giết là Branch và Byers.
Ra toà
Ngày 15/08/1993, Jessie bác bỏ lời khai của mình, khẳng định anh không liên quan đến vụ án nhưng đã muộn. Phiên toà đầu tiên của Jessie bắt đầu vào ngày 19/01/1994, trong một không khí thù ghét, săn lùng phù thủy ở khắp nước Mỹ, nhất là đối với thanh thiếu niên.
Mặc cho Jessie kêu oan, bồi thẩm đoàn đã xem anh là một tên phù thuỷ giết người hơn là một nghi phạm thông thường, Jessie bị tuyên hai tội danh mưu sát cấp độ hai, bị phạt tù chung thân không ân xá cộng với 50 năm tù giam.
Jessie kháng cáo bản án lên Toà án Tối cao Arkansas nhưng không được xem xét.
18 ngày sau, Damien và Jason ra toà.
Giữa các phiên xét xử của Damien và Jason, cha kế của cậu bé Byers (một trong ba nạn nhân) tung một tin đồn thất thiệt là dưới giường ngủ của Damien có một bình rượu ngâm bộ phận sinh dục của Byers. Tin tức này đã ít nhiều tác động đến tâm lý của bồi thẩm đoàn.
Vicki Hutcheson bị gọi ra toà. Cô khai rằng đã “hợp tác” với Damien và Jason trong một buổi cúng tế ma quỷ. Một thời gian sau, cô thú nhận mình đã nói dối nhưng không bị truy tố về tội khai man.
Công tố viên John Fogleman cho rằng Damien và Jason thích nghe những loại nhạc kích động, mặc những chiếc áo thun hầm hố, đọc tiểu thuyết kinh dị của Stephen King nên chắc chắn có liên quan đến tà giáo.
Một nhân chứng khác là Michale Carson từng bị giam chung với Jason. Michale tố giác Jason từng kể anh nghe chi tiết về vụ giết hại bọn trẻ. (Những người tố giác như Carson thường nhận được thoả thuận giảm án tù hay một lợi ích nào đó từ đó công tố viên).
Damien thì bị hai nhân chứng nhi đồng khác tố cáo là anh từng khoác lác về vụ án mạng. “Tao đã giết 3 đứa nhóc”, nhân chứng thuật lại lời của Damien, “và trước khi tao đầu thú, tao sẽ giết thêm hai đứa nữa, bây giờ tao đã nhắm được một đứa rồi”.
Một nhân viên quản chế địa phương cũng ra làm chứng trước toà. Anh ta khai là có lần nhìn thấy Damien, Jason và Jessie mặc áo choàng đen, cầm khúc gỗ dài, đi bộ trên đường. Mẹ của cậu bé Byers cũng khai rằng có một người đàn ông lạ mặt, mặc áo choàng đen chụp ảnh Byers, sáu tuần trước khi cậu bé bị giết.
Vì tiến trình điều tra quá tập trung vào cả ba nên đã bỏ sót nhiều manh mối quan trọng.
Điển hình như trong đêm xảy ra vụ án mạng, có một người đàn ông da đen, trên người dính nhiều vết máu và bùn lầy, đã xông vào nhà vệ sinh nữ rồi bỏ đi ngay sau đó. Chủ quán đã giữ lại một số đồ dùng của người đàn ông này và báo cảnh sát. Điều tra viên đã đến lấy một vết máu, nhưng lại khai trước toà đã làm mất chúng, còn chủ quán thì cũng đã vứt bỏ đồ dùng của người đàn ông đó.
Một người bị tình nghi khác là John Byers, cha dượng của cậu bé bị sát hại, Chris Byers. John đã tặng một con dao cho một nhà làm phim tài liệu, người này phát hiện trên con dao có một vết máu nhỏ, xét nghiệm cho thấy vết máu này cùng nhóm với máu của cậu bé Byers, nhưng không thể xét nghiệm DNA do mẫu máu đã bị huỷ. John cũng đã nhổ hết răng của mình và lắp răng giả khi biết các bác sĩ pháp y đang giám định vết cắn trên tử thi của Byers.
Bỏ qua những nghi ngờ trên, ngày 18/3/1994, bồi thẩm đoàn phán Damien và Jason phạm tội mưu sát ba đứa trẻ ở đồi Robin Hood. Một ngày sau đó, thẩm phán David Burnett đã tuyên án tử hình Damien bằng thuốc độc, án tù chung thân không ân xá cộng với 40 năm tù giam cho Jason.
Tình yêu sau song sắt của Damien
Tháng 6/1994, bộ phim tài liệu The Paradise Lost: The Child Murders at Robin Hood Hills (tạm dịch: Thiên đường đã mất: Những kẻ giết trẻ em ở đồi Robin Hood) được chiếu trên kênh HBO, ghi lại các phiên toà trong vụ án và phỏng vấn những nhân vật liên quan. Bộ phim đã khiến công chúng bắt đầu hoài nghi về tội lỗi của ba thanh niên.
Trong nhà tù, Damien không thể ngủ ngon giấc như những tù nhân khác. Ban đêm đèn tắt lúc 22:30 và bật lại lúc 2:30, khi nhà tù bắt đầu chuẩn bị bữa sáng.
“Nếu bạn ngủ ngay khi đèn tắt, bỏ ngoài tay những âm thanh ồn ào của nhân viên cai tù thì bạn chỉ có bốn tiếng ngủ để ngủ. Điều đó thật không dễ dàng. Tiếng sập cửa, tiếng đánh rơi chìa khoá, tiếng nhân viên cai tù la hét với nhau y như một cuộc đoàn tụ gia đình, tất cả những thứ đó có thể làm bạn giật mình bất cứ lúc nào”, anh viết trong nhật ký của mình.
May mắn thay, Damien lại tìm được tình yêu của anh nơi ngục tù. Lorri Davis, hơn anh 11 tuổi, hoàn toàn xa lạ với Damien. Cô bắt đầu viết thư cho anh sau khi xem bộ phim tài liệu được chiếu ở một liên hoan phim tại New York. “Damien … mấy người bạn của tôi đã nghĩ tôi bị mất trí rồi”, cô viết trong thư gửi Damien. “Tôi không thể ngừng nghĩ về anh, tất cả là dối trá … Tôi hứa sẽ làm bất cứ điều gì có thể làm để cuộc sống của anh [trong nhà giam] có thể dễ chịu hơn”.
Damien đáp lại “Tôi biết sớm muộn gì cũng sẽ có ai đó chú ý [đến mình] … Cô đã giúp tôi nhiều hơn cô nghĩ, dù chỉ bằng những lá thư. Cô có biết rằng cảm giác bị gọi là tên sát nhân trong khi biết chắc chắn rằng mình vô tội như thế nào không?”
Kể từ ngày đó, hai người gọi điện cho nhau mỗi ngày. Hôm sinh nhật của Damien, cô lén giấu một cái bánh sô-cô-la dưới lớp áo ngực để mang vào nhà giam cho anh.
Tháng 12/1999, Damien và Lorri làm lễ kết hôn trong nhà giam theo nghi thức của đạo Phật, lần đầu tiên họ được chạm vào nhau.
Đám cưới của Damien và Lorri trong nhà giam bang Arkansas. Ảnh: New York Post.
Lorri đã làm mọi thứ để đòi lại tự do cho chồng của mình. Cô bắt đầu với những chương trình gây quỹ để trả chi phí thuê luật sư, vận động những ca sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn có tên tuổi lên tiếng cho trường hợp của chồng mình. Trong đó có đạo diễn nổi tiếng của loạt phim The Hobbit, Peter Jackson, đã ủng hộ tiền để xét nghiệm DNA.
Năm 2008, luật sư của Damien đã đưa ra một bằng chứng từ kết quả xét nghiệm DNA chứng minh là tại hiện trường vụ án và trên tử thi của bọn trẻ không tìm thấy DNA của Damien, Jason và Jessie. Hơn nữa, một sợi tóc tìm thấy trên sợi dây trói cậu bé Michael Moore lại có DNA phù hợp với cha dượng của cậu bé Stevie Branch.
Tuy nhiên, công tố viên đã bác bỏ bằng chứng này, “những bằng chứng khiêm tốn này không thể chứng minh [Damien] vô tội”. Thẩm phán David Burnett cũng bác mọi yêu cầu xin điều trình về bằng chứng mới hay tái thẩm vụ án.
Về nhà sau 18 năm ngồi tù
Ngày 28/08/2010, khoảng hai tháng trước phiên xét xử Damien về bằng chứng DNA mới trước Toà án Tối cao Arkansas, một chương trình ca nhạc vì công lý cho Damien, Jason và Jessie do những diễn viên, ca sĩ nổi tiếng như Johnny Depp (diễn viên chính của loạt phim Cướp biển vùng Caribbean), nhà soạn nhạc Eddie Vedder, ca sĩ Natalie Maines, v.v đã thu hút khoảng 2.500 người tham gia trực tiếp.
Ngày 4/11/2010, Toà án Tối cao Arkansas đã phán quyết vụ án cần được xử lại ở tòa sơ thẩm (circuit court) để xem xét toàn bộ bản án của Echols, Baldwin và Misskelley. Không chỉ xem xét riêng bằng chứng DNA, mà còn toàn bộ các chứng cứ đã bị bỏ qua ở những phiên xét xử trước đó.
Phiên tòa tái thẩm được ấn định ngày, nhưng nó đã không diễn ra. Luật sư và các bị cáo đã đồng ý với bên công tố viên về một thoả thuận nhận tội (plea) – nhưng hiếm khi được áp dụng, gọi là Thỏa thuận Alford (Alford Plea), để có thể trả tự do cho cả ba ngay lập tức.
Damien Echols (giữa) ôm Jason Baldwin (trái) và Jessie Misskelley ở giữa, ngay sau khi được trả tự do ngày 19/08/2011 tại nhà giam Jonesboro, Arkansas. Ảnh: New York Times.
Thoả thuận này xuất phát từ án lệ North Carolina v. Alford của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ năm 1970.
Appellee Alford, bị truy tố về tội giết người cấp độ một và có thể bị tuyên án tử hình. Anh ta đã chấp nhận thỏa thuận với công tố viên để nhận tội giết người cấp độ 2 – là một tội nhẹ hơn – để tránh bị xử tử. Sau khi ký kết thỏa thuận và trình với tòa, Alford bị tuyên án 30 năm tù giam.
Alford đã kháng cáo lên Toà Thượng thẩm của bang với lý do là bản án bất công với mình. Alford khẳng định mình không giết người, nhưng vì quá sợ có thể bị tử hình nên đã nhận tội. Toà Thượng thẩm tiểu bang phán, lời nhận tội của Alford là không có hiệu lực pháp lý do anh ta sợ bị xử tử mới đồng ý thỏa thuận với bên công tố.
Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện Hoa kỳ đã lật ngược phán quyết của Tòa Thuợng thẩm tiểu bang.
Tối cao Pháp viện phán rằng, thẩm phán của một phiên tòa có toàn quyền công nhận hay không bản thỏa thuận nhận tội của bị cáo cho một tội danh ít nghiêm trọng hơn, dù rằng người đó vẫn luôn khẳng định bản thân vô tội. Chỉ cần bị cáo có đại diện pháp lý phù hợp, chọn lựa nhận tội một cách có hiểu biết, và công tố có bằng chứng thuyết phục là họ có thể chứng minh bị cáo đã làm ra hành vi cấu thành tội danh trong thỏa thuận.
Sở dĩ Damien, Jason và Jessie chấp nhận phương án sử dụng Thỏa thuận Alford là vì họ sẽ được trả tự do ngay lập tức. Khi chấp nhận thỏa thuận với công tố để nhận tội cho một tội danh ít nghiêm trọng hơn có liên quan đến vụ việc, thì cả ba sẽ không phải trải qua phiên tái thẩm và nguy cơ có thể bị kết tội thêm một lần nữa.
Ngoài ra, Thỏa thuận Alford cho phép các bị cáo được giữ vững lập trường là mình vô tội. Kết quả, tòa chấp nhận bản thỏa thuận nhận tội của các bên và tuyên án 18 năm 78 ngày tù giam, đúng thời gian mà cả ba đã bị giam giữ, cộng thêm 10 năm tù treo.
Về phía chính phủ, phe công tố cũng có lý do để chọn Thỏa thuận Alford. Công tố viên Scott Ellington cho rằng, cả ba người rất có thể sẽ được phóng thích trong một phiên tòa mới bởi vì họ có những luật sư kỳ cựu, nhiều chứng cứ trong thực tế cũng đã hư hỏng, một số nhân chứng đã chết hoặc thay đổi lời khai vì cảm thấy có lỗi. Ông Ellington cũng quan ngại việc tiểu bang sẽ phải bồi thường hàng triệu đô-la nếu cả ba được tuyên vô tội.
Tài liệu tham khảo: