Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Nếu như trước ngày 30/4/1998, bất kỳ thứ gì nhúc nhích ở vĩ tuyến 38 ngăn đôi hai miền Nam Bắc Triều Tiên đều bị bắn chết ngay tắp lự, thì hai tháng sau đó, một đoàn 500 con bò đã ung dung trực tiếp băng ngang khu phi quân sự sang phương Bắc mà không hề hấn gì.
Người cầm đầu chuyến “gia súc viễn chinh” năm ấy chính là Chung Ju-yung, Chủ tịch danh dự của Tổng công ty Hyundai, trong chuyến thăm mà tờ Independent gọi là “sáng kiến ngoại giao bất thường nhất thế giới” khi trao tặng đàn bò cho người anh em phương Bắc như một dạng viện trợ kinh tế.
Nửa năm sau công cuộc ngoại giao bằng bò, người dân Nam Hàn đã có thể viếng thăm Bắc Hàn thông qua các tour du lịch. Tiếp đó, các khu công nghiệp Nam Hàn đã được mở ra ngay vùng giáp ranh biên giới. Vậy là, suốt 45 năm đứng trên bờ vực chiến tranh rình rập, cuối cùng hai miền Nam Bắc cũng đi tới một mối quan hệ dễ thở hơn.
Đó là nhờ Kim Dae-jung, cựu lãnh đạo của phe đấu tranh dân chủ, đã triển khai chính sách thống nhất mang tên Chính sách Ánh Dương ngay khi vừa nhậm chức Tổng thống vào năm 1998.
Ánh nắng dịu dàng của Aesop
Trên các bậc thang của tòa nhà Quốc hội mái vòm trong ngày nhậm chức 25/2/1998, Kim Dae-jung đổ lỗi cho những người tiền nhiệm của mình đang ngồi cách đó vài bước chân, rằng chính họ là người đã gây ra bao đau khổ cho dân thường. Ông đã buộc tội “các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế và tài chính của đất nước này đều bị nhiễm độc bởi mối quan hệ giữa chính trị và tiền bạc”.
Lúc đó, khối Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ, trật tự quốc tế mới được hình thành trong bối cảnh toàn cầu hóa với xu hướng mở cửa và hợp tác, và Mỹ đang chóng thiết lập một trật tự quốc tế bá chủ trong lĩnh vực quân sự.
Trong khi đó, tình trạng đối kháng vẫn tiếp diễn trên bán đảo Triều Tiên, gây khó khăn kinh tế cho cả miền Bắc và miền Nam. Hàn Quốc lại vừa mới trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có từ cuối năm 1997.
Vĩ tuyến 38 chia cắt hai miền Nam Bắc Triều Tiên. Ảnh: Documentary Tube/Youtube.
Đối với Kim Dae-jung, ưu tiên chính sách đầu tiên là vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế ngay lập tức. Như vậy, Kim cần tạo ra một môi trường đầu tư hợp lý để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Để làm được điều đó, chính quyền Kim buộc phải giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Song theo cách nhìn của Kim, Triều Tiên không có khả năng sẽ sụp đổ trong nay mai. Kim cũng tin rằng Triều Tiên sẽ chọn cải cách dần dần như Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng bất chấp có cải cách đi chăng nữa, Kim cho rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chiến lược quân sự thù địch đối với miền Nam chừng nào chế độ của nó chưa được ổn định.
Giải pháp của Kim Dae-jung chính là đề ra Chính sách Ánh Dương, nhằm mở ra một hướng đi mới – cởi mở hơn, mềm mỏng hơn, song hứa hẹn một thành tựu chính trị lớn lao hơn.
“Đầu tiên, chúng ta sẽ không bao giờ chịu đựng sự khiêu khích vũ trang dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng ta không có ý định phá hoại hoặc chiêu dụ Bắc Triều Tiên.” Nguyên tắc này được thiết kế để truyền tải thông điệp rằng Hàn Quốc không cố gắng phá hoại chính phủ Bắc Triều Tiên. Thay vào đó, Seoul chỉ quan tâm đến việc chung sống hòa bình, mặc dù mong muốn về lâu dài vẫn là thống nhất.
Tiếp đó, nguyên tắc thứ hai nói rằng Hàn Quốc sẽ tách kinh tế khỏi chính trị để thúc đẩy giao lưu kinh tế, xã hội và văn hóa giữa hai miền. Động thái này được thiết kế nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân cung cấp thêm viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên, bù đắp cho các nguồn lực hạn chế của chính phủ.
Cuối cùng, Hàn Quốc áp dụng nguyên tắc có đi có lại, với hy vọng rằng cả hai nước sẽ nhượng bộ lẫn nhau.
Đó chính là ba nguyên tắc của Chính sách Ánh Dương, vốn lấy cảm hứng từ câu chuyện ngụ ngôn “Gió Bắc và Mặt Trời” của chàng Aesop người Hy Lạp sống vào thế kỷ thứ Sáu trước Công nguyên.
Rằng, một ngày nọ, khi Gió Bắc khoác lác về sức mạnh kinh hoàng của nó, thì Mặt Trời thách đố “Chúng ta thử thi với nhau xem!”
Xa xa phía dưới, có một người đàn ông đang bước đi trên lối nhỏ quanh co. Chàng ta cuộn chặt trong chiếc áo khoác mùa đông ấm áp.
“Để biết ai mạnh hơn,” Mặt Trời nói, “tớ với cậu thi xem ai có thể khiến anh chàng cởi bỏ áo khoác của mình nhé.”
“Bắt anh ta phải cởi áo khoác ấy à, chuyện nhỏ!” Gió Bắc làm phách.
Gió quật mạnh đến nỗi chim chóc bám víu lấy cây cối. Cả không gian ngập tràn bụi cát và lá bay. Nhưng khi cơn gió càng hung hăng cuộn xuống đường, chàng trai lại càng run rẩy vùi mình vào trong chiếc áo.
Thế rồi, Mặt Trời ló dạng từ đằng sau một đám mây. Mặt Trời sưởi ấm bầu không khí và mặt đất băng giá. Chàng trai bắt đầu cởi mấy chiếc khuy.
Mặt Trời mỗi lúc một sáng hơn.
Chẳng bao lâu sau, chàng cảm thấy hâm hấp nóng, chàng bèn cởi áo khoác và ngồi xuống một bóng cây râm mát.
“Cậu làm thế bằng cách nào vậy?” Gió hỏi.
“Dễ ấy mà”, Mặt Trời đáp, “tớ thắp sáng bằng sự dịu dàng của mình.”
Buổi bình minh rạng rỡ
Chính sách Ánh Nắng được khởi động ngay sau khi Kim Dae-jung nhậm chức với lời hứa hẹn rằng miền Nam đang cắt giảm những rào cản thương mại, vốn ngăn chặn các công ty Hàn Quốc đầu tư vào miền Bắc trước đó. Chính phủ lên kế hoạch “đơn giản hóa triệt để các thủ tục hành chính liên quan đến việc đầu tư ở Bắc Triều Tiên”, tờ nhật báo Yonhap đưa tin.
Sự kiện mang tính biểu tượng nhất của Chính sách Ánh Dương là cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-il được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào tháng 6 năm 2000.
Kim Dae-jung và Kim Jong-il trong hội nghị thượng đỉnh năm 2000. Ảnh: LATimes.
Bên lề cuộc họp thượng đỉnh, Miền Nam và miền Bắc đồng thuận cho phép nhiều gia đình được hội ngộ kể từ thời bị chia rẽ do chiến tranh giai đoạn 1950-1953. Đây không chỉ là vấn đề nhân đạo, mà còn là một biểu tượng chính trị cho sự hòa giải và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên. Cuối cùng, khu vực Keumkang đã được chọn làm nơi họp mặt thường xuyên của những gia đình ly tán.
Hai bên cũng đồng thuận giải quyết càng sớm càng tốt các vấn đề nhân đạo, bao gồm cả việc ân xá các tù nhân và cho họ hồi hương.
Cũng trong năm đó, kim ngạch thương mại giữa hai miền Triều Tiên năm 2000 ghi nhận đạt hơn 400 triệu đô-la Mỹ.
Rõ ràng, hội nghị thượng đỉnh năm 2000 đã tạo ra một cơ hội quan trọng để thay đổi trật tự khu vực bất ổn của Đông Bắc Á thành một cuộc hòa giải, hợp tác và hòa bình. Chính sách Ánh Dương đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc tăng cường hiểu biết và tin tưởng giữa hai miền Triều Tiên thông qua các hoạt động trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội, làm giảm sự thù địch của người Hàn Quốc đối với Bắc Triều Tiên.
Họ đồng ý nối lại các tuyến đường sắt và đường bộ Kyunguison, nối Seoul với Shinuiju, vốn bị ngưng hoạt động kể từ khi phân chia đất nước. Hàn Quốc còn phát triển khu công nghiệp Kaesong bên ranh giới Bắc Triều Tiên, mở ra dự án du lịch Núi Kumkang, xem xét cùng phòng chống lũ trên sông Imjin, và đạt được bốn thỏa thuận về hợp tác kinh tế.
Chính sách này được chính quyền Bill Clinton ra sức ủng hộ. Trong một tuyên bố của mình, phía Mỹ tuyên bố rằng “Tổng thống Clinton bày tỏ sự ủng hộ nhiệt liệt cho tầm nhìn của Tổng thống Kim về việc tham gia và nỗ lực hướng tới hòa giải với miền Bắc. Mỹ đang cố gắng tạo điều kiện ổn định bằng cách duy trì tình đoàn kết với quốc gia đồng minh Hàn Quốc… Chắc chắn rằng việc cô lập và gây hấn với Bắc Triều Tiên không phải là một giải pháp quân sự phù hợp cho các vấn đề chính trị và kinh tế.”
Nhật thực toàn phần
Ngày 27/4/2018, cả thế giới đã chứng kiến mối giao hảo được thiết lập giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên, khi Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tiến tới bắt tay nhau ngay biên giới Hàn-Triều.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay ngay biên giới Hàn-Triều. Ảnh: Korea summit press pool/EPA.
Đó là một tín hiệu đáng mừng cho hòa bình không chỉ của hai nước mà còn của cả thế giới. Song cơ hội này lẽ ra đã xảy đến từ cách đây hai mươi năm chứ không phải đợi tới lúc này.
Bất chấp những nỗ lực đơn phương của chính quyền Kim Dae-jung, Bình Nhưỡng không đáp ứng mong đợi của Seoul. Thay vào đó, họ cho biết họ không tin tưởng Hàn Quốc và chỉ trích Chính sách Ánh Dương là “Cháy Nắng”, rằng phía Seoul đang tiếp cận hòng làm suy yếu chế độ cộng sản.
Mối quan hệ chưa đi đến đâu, thì Bắc Triều Tiên đã đưa tàu ngầm Yugo vào vùng biển Hàn Quốc vào tháng 6 năm 1998. Hai tháng sau, Bắc Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo tầm xa Taepodong1 lên bầu trời Nhật Bản làm dấy lên mối lo ngại chiến tranh.
Song trận chiến ghê gớm nhất phải kể đến chính là cuộc đối đầu của các lực lượng hải quân ở Biển Tây. Vào tháng 6 năm 1999, các tàu Bắc Triều Tiên đã vượt qua ranh giới phương Bắc biển Hoàng Hải (NLL), một ranh giới hàng hải được chỉ định bởi Liên Hợp Quốc sau chiến tranh Triều Tiên. Cuộc đọ súng kéo dài 10 phút, tại đó các tàu chiến Hàn Quốc đã đánh chìm một chiếc tàu Bắc Triều Tiên và giết chết 40 thủy thủ.
Kim Dae-jung bị mắc kẹt bởi họng súng của chính mình. Đó là lúc Chính sách Ánh Dương phải chịu đựng những thử thách dường như không thể vượt qua.
Khi chính quyền Kim Dae-jung trở nên mất kiên nhẫn với việc Bắc Triều Tiên tự ý đình chỉ đơn phương cuộc đối thoại, thì tình hình thế giới lại có những thay đổi lớn.
Vào năm 2002, một phái đoàn Mỹ do đặc sứ Mỹ James Kelly dẫn đầu đến thăm Bắc Triều Tiên để thảo luận một loạt các vấn đề đang chờ xử lý, như các chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, phát triển và xuất khẩu tên lửa và các vấn đề nhân quyền. Tại cuộc họp, Kelly đã đề cập rằng Mỹ có bằng chứng về một chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên dựa trên uranium độ giàu cao (HEU). Cuối cùng, Bắc Triều Tiên đã thừa nhận hành vi của mình.
Không giống như chính quyền Clinton, chính quyền Bush không nhiệt tình với Chính sách Ánh Dương của Hàn Quốc, bởi Bush không tin tưởng Bắc Triều Tiên. Sau khi chính quyền Bush xác định Bắc Triều Tiên là một “nhà nước dối trá”, Mỹ đã tiến hành những chính sách cứng rắn với nước này.
Quan hệ hai miền Nam Bắc vừa mới được cải thiện bước đầu sau cuộc họp thượng đỉnh, đã nhanh chóng rơi lại vào bế tắc. Người ta cho rằng chính phủ miền Nam đã bị Bắc Triều Tiên lừa làm đòn bẩy trong quan hệ giữa Bắc Triều với Mỹ, và miền Nam gần như hoàn toàn mất chủ động trong mối quan hệ.
Trong khi đó, trận chiến trên biển Hoàng Hải lại tiếp tục nổ ra và không có dấu hiệu kết thúc.
Dưới áp lực của Mỹ, năm 2002, Tổ chức Phát triển Năng lượng Hàn Quốc (KEDO) đã quyết định đình chỉ cung cấp 500.000 tấn dầu nhiên liệu nặng hàng năm cho Bắc Triều Tiên. Để đáp trả, Bắc Triều Tiên đã loại bỏ các thiết bị giám sát tại các lò phản ứng ở Yongbyon, và bốn ngày sau đó, thanh tra Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã bị trục xuất khỏi Bắc Triều.
Để gây áp lực kinh tế và ngoại giao tối đa lên Bắc Triều Tiên khiến nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình, Mỹ đã gửi 24 máy bay ném bom tầm xa cũng như sáu chiếc máy bay tàng hình cho Hàn Quốc. Về phần mình, Bắc Triều Tiên cam kết trả đũa chống lại Mỹ và Hàn Quốc mà không do dự nếu bị tấn công.
Vào ngày 6/1/2003, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã thông qua nghị quyết kêu gọi Bắc Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân của mình, tuy nhiên, Bình Nhưỡng trả lời bằng cách tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước về Vũ khí hạt nhân (NPT) và kích hoạt lại lò phản ứng 5MWe.
Tình trạng bế tắc đã biến thành một cuộc khủng hoảng. Đó cũng là lúc nhiệm kỳ của Chủ tịch Kim Dae-jung vừa kết thúc. Và là lúc Mặt Trời trong Chính sách Ánh Dương lụi tắt trong chán ngán khi người đàn ông không chịu cởi bỏ chiếc áo dày sộp của mình.
Tổng thống Kim Dae-jung được trao giải Nobel Hòa Bình vào năm 2000 nhờ những nỗ lực hàn gắn hai miền Nam Bắc Triều Tiên. Ảnh: Lostiempos.com
Trong cuộc trò chuyện trước hơn 800 người tại Đài Phát thanh – Truyền hình Hàn Quốc của nhà nước về Chính sách Ánh Dương, Kim Dae-jung nói rằng ông “không muốn được ngưỡng mộ khi còn tại vị chức tổng thống”, mà ông mong rằng sẽ “được ngưỡng mộ sau khi mãn nhiệm” và “rồi thế hệ trẻ sẽ nhớ tới tôi sau khi tôi chết đi”.
Khi khủng hoảng hạt nhân và xung đột Nam-Bắc tái diễn vào cuối thời Kim Dae-jung, các nhà chỉ trích đã mỉa mai rằng thành tựu duy nhất của Chính sách Ánh Dương là nó đã mang lại cho Kim Dae-jung giải Nobel Hòa bình.
Chứng kiến cảnh tượng hai nhà lãnh đạo Nam Bắc gặp nhau trong sự cổ võ nhiệt tình của người dân hai miền vào ngày 27/4 vừa qua, chúng ta không nên quên rằng chính 18 năm trước, một hội nghị thượng đỉnh tương tự đã diễn ra.
Sau một chuyến bay kéo dài một giờ bảy phút từ sân bay Seoul, Kim Dae Jung đến sân bay Sunan của Bình Nhưỡng vào sáng ngày 14/6/2000. Trái ngược với tất cả các bức ảnh tuyên truyền về chiến tranh và giết chóc, Kim Jong-il đã ôm lấy Dae-jung trên thảm đỏ, và đoàn xe đưa cả hai vị nguyên thủ tiến vào Bình Nhưỡng đã chìm lấp trong sự tung hô đầy hy vọng của hơn 600.000 công dân Bắc Triều.
Ai ngờ rằng, 18 năm sau, họ lại phải tung hô thêm lần nữa.
Và liệu tung hô bấy nhiêu, kỳ vọng bấy nhiêu đã đủ hay chưa? Hay lịch sử lại thêm một lần tái diễn? Câu trả lời hãy còn ở phía trước.
Tài liệu tham khảo