Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
“Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.”
Tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đã xướng lên những lời kết tội chế độ thực dân Pháp như thế trong bản Tuyên ngôn Độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có lẽ ông không biết rằng hơn 70 năm sau, người dân Việt Nam lại một lần nữa bị đánh hàng trăm thứ thuế cũng vô lý chẳng khác xưa là bao.
Dự thảo Luật Thuế tài sản đang gây bão dư luận trong suốt mấy ngày gần đây khi nó đề xuất đánh từ thuế nhà, thuế ô tô, cho tới thuế đất – cả đất ở lẫn tới đất kinh doanh, rồi tận thu cả thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, nếu không kể đến hàng loạt thứ thuế khác mà người dân phải gồng gánh bấy nay.
Điều ấy hẳn không khỏi khiến những người đã thành thiên cổ nay phải bật dậy mà lẩm nhẩm lại mấy câu thơ trong “Mười chính sách của Việt Minh”:
“Có mười chính sách bày ra,
Một là ích nước, hai là lợi dân.
Bao nhiêu thuế ruộng, thuế thân,
Đều đem bỏ hết cho dân khỏi phiền.”
Nhưng ngoài những lời phàn nàn tặc lưỡi thì, với tư cách một công dân, người ta có thể làm được gì khác trước một chính quyền đang đánh lên đầu họ đủ thứ sưu cao thuế nặng?
Tranh hiếm hoạ sưu cao thuế nặng thời Pháp thuộc. Ảnh: Cục Lưu trữ Quốc gia.
Từ chối đóng thuế hay là bất tuân dân sự
Triết gia nổi tiếng người Mỹ Henry David Thoreau (1817 – 1862) đã gắn tên tuổi của mình với một phương pháp đấu tranh đặc biệt: bất tuân dân sự.
Nghĩ tới những người hàng xóm bất mãn với các chính sách mà trên thực tế lại vẫn đóng thuế để dung dưỡng cho chính quyền, Thoreau viết: “Họ lại ngồi, tay đút túi và nói rằng họ không biết phải làm gì và không làm gì, […] và họ tiếp tục ngồi đợi, lòng đầy cảm khái; để mặc cho những người khác khắc phục tai họa đó.”
Riêng ông không chịu ngồi yên.
Thoreau thẳng thừng đáp lại chính phủ Mỹ: “Khi chính phủ bảo tôi: ‘Muốn sống thì đưa ví đây’, thì việc gì tôi phải vội vã giao tiền cho nó? Có thể nó đang rất túng bấn và không biết phải làm thế nào, nhưng chuyện đó thì liên quan gì đến tôi. Nó phải tự xoay xở, cũng như tôi vậy thôi. Không cần phải than vãn về chuyện đó.”
Nhưng ông không nói suông.
Nhà triết học hai mươi chín tuổi – với vóc người gầy guộc thích đeo nơ trên cổ bằng một dáng vẻ coi bộ hiền lành – đã từ chối đóng thuế và chấp nhận bị giam trong nhà tù bang Massachusetts.
Cũng trong chính đêm ấy, vào năm 1846, khi giam mình sau “những bức tường bằng đá cứng dày hai đến ba foot [đơn vị đo lường của Mỹ, mỗi foot tương đương 0,3 mét], với lớp cửa gỗ viền thép dày một foot có giăng tấm lưới sắt đón ánh sáng”, Thoreau đã suy nghiệm để rồi viết nên bài tiểu luận để đời của mình: “Bất tuân dân sự”.
Cụm từ “bất tuân dân sự” ra đời từ đó. Nó được sử dụng để mô tả những hành động bất hợp pháp của người dân trong việc đòi thay đổi luật pháp hoặc chính sách của chính quyền. Từ chối đóng thuế được nhiều người coi là một trong những hành động như vậy.
Tinh thần dân chủ
Thoreau không phải là người đầu tiên từ chối đóng thuế để phản đối chính quyền.
Ngược dòng lịch sử về cách đây hơn 800 năm, ở vùng đồng cỏ Runnymede cạnh con sông Thames ở London, lần đầu tiên một vị vua nước Anh buộc phải đặt bút ký vào một bản tuyên bố hạn chế thẩm quyền của chính mình, mà một trong số đó chính là thẩm quyền đánh thuế.
Suốt hàng chục năm trước đó, vua John chỉ cần triệu tập các lãnh chúa (baron) để tham vấn về việc thu thuế và tài sản trong dân khi thiếu tiền chi cho các chiến dịch quân sự.
Nhưng con giun xéo lắm cũng quằn. Phe quý tộc đã nổi dậy. Họ buộc vua John ký vào bản “các điều khoản của giới lãnh chúa”, mà về sau được gọi với tên “Đại Hiến chương Magna Carta” – như một biểu tượng của tự do, một nguồn cảm hứng cho tinh thần dân chủ.
Mà đâu phải chỉ những vị triết gia như là Thoreau hay những kẻ quyền thế như giới lãnh chúa mới dám ra mặt kháng thuế trước chính phủ quyền uy.
Ở Ấn Độ vào năm 1930, khi chính quyền thực dân Anh độc quyền muối và đánh thuế nặng nề, có một người đàn ông đã đi bộ suốt 400 cây số tới bờ biển để tự lấy muối. Ông chính là Mahatma Gandhi.
Hành động kháng thuế của Gandhi đã thu hút hàng chục ngàn người dân thường cùng tham gia. Họ tự sản xuất muối, phong tỏa hầu hết các hoạt động kinh doanh muối của chính quyền.
Cuộc “Hành trình muối” ở Ấn Độ năm ấy trở thành một ca đấu tranh phi bạo lực điển hình, mà lịch sử bất tuân dân sự ngày nay không thể không nhắc tới.
Tranh minh hoạ phong trào biểu tình kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908. Nguồn: hiec.org.vn.
Đâu là mức thuế hợp lý?
Song chuyện kháng thuế không chỉ diễn ra ở những xứ xa xôi như là Anh, Ấn hay Mỹ.
Tháng Ba vừa rồi, tại Đình làng Phiếm Ái, người dân tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm phong trào cự sưu khất thuế ở miền Trung.
Thuật lại về sự kiện này, Huỳnh Thúc Kháng chép rằng:
“Trong một đám giỗ ở làng La Đái thuộc huyện Đại Lộc, một số lý hào và học trò bàn chuyện làm đơn gởi lên tỉnh đòi giảm bớt sưu thuế (9-1908), rồi tập hợp thành đoàn biểu tình, kéo lên tỉnh… Đường phố Hội An chật ních người. Dân biểu tình thay nhau, kẻ ở người về, tiếp tế cơm nước, kiên quyết bám trụ. Đến ngày 12, 13 tháng 3, con số lên khoảng 6.000 người. Từ trung tâm chính trị Hội An, phong trào đã lan nhanh ra các phủ, huyện.”
Sở dĩ gọi “kháng thuế” thay vì “chống thuế” là bởi, trong khi những người chống thuế tin rằng hành vi ép buộc đóng thuế là xâm phạm quyền tư hữu của người dân, thì những người kháng thuế chấp nhận một mức thuế mà họ coi là khả dĩ.
Câu hỏi đặt ra là, thế nào là khả dĩ?
Những người dân Trung Kỳ buổi ấy hẳn không cần phải họp bàn với nhau, suy tính xem mức sưu thuế đánh lên đầu họ đã đủ cao hay chưa. Họ cũng không cần phải nghĩ đến chuyện đâu là mức thuế hợp lý và đâu là phi lý.
Câu hỏi ấy, các nhà tư tưởng hãy còn đang bút chiến với nhau năm này qua năm khác.
Các nhà quyết sách hãy còn đang ngồi lại bàn thương thảo.
Các nhà chính trị hãy còn đang lo ngại rằng, những đế chế và thành bang hùng mạnh nhất trong lịch sử như Ai Cập và La Mã cuối cùng cũng sụp đổ, mà một trong những nguyên nhân chính yếu phải kể đến là do người dân kháng thuế.
Còn chúng ta, với tư cách những công dân mang trong mình tinh thần dân chủ bất chấp chính phủ độc tài, một lần nữa có thể nhắc lại lời tuyên bố của Thoreau: “Tôi không đòi hỏi giải tán chính phủ ngay lập tức, mà đòi hỏi chính phủ phải cải thiện ngay lập tức. Hãy để cho từng người nói rõ họ sẵn sàng tôn trọng một chính phủ như thế nào, và đây sẽ là bước đầu tiên dẫn tới một chính phủ như thế ấy.”