Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Đọc báo chí chính trị tiếng Anh mấy hôm rày rất hay gặp cụm từ “the rule of law”. “Đầu cua tai nheo” vẫn liên quan đến cuộc điều tra đặc biệt đang diễn ra nhằm vào ông tổng thống Mỹ, Donald Trump.
“Rule of law” trên thời sự
Số là hồi tháng 5 năm ngoái, đáp lại các cáo buộc rằng ông Trump thắng tranh cử tổng thống nhờ có can thiệp gian lận của chính phủ Nga vào tiến trình bầu cử ở Mỹ, Phó Tổng chưởng lý Hoa Kỳ (giống Thứ trưởng Bộ Tư pháp bên mình) là ông Rod Rosenstein bèn bổ nhiệm công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra các cáo buộc này.
Cuối tuần vừa rồi, xuất phát từ đề nghị của ông Mueller, cơ quan điều tra FBI và văn phòng công tố Quận Nam New York bèn xin trát (warrant – văn bản pháp lý xác nhận tòa cho phép cơ quan công quyền tiến hành một việc gì đó) từ tòa án để được phép xông vào lục soát văn phòng và nhà riêng của một luật sư của ông Trump.
Trát được tòa ban, FBI tiến hành lục soát hôm 09/04.
Ông Trump, như thường lệ, nổi cáu và phát biểu là ông đang bị “săn đuổi như kiểu săn phù thủy hồi xưa” (witch-hunt). Ông Trump cũng nói bóng gió là “nhiều người” đã khuyên ông nên sa thải công tố viên đặc biệt Mueller.
Theo Reuters, khi được báo giới hỏi về lời đe dọa bóng gió này, hôm 11/04, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ ông Paul Ryan đã phát biểu rằng các ông Rosenstein và Mueller phải được để yên để làm nhiệm vụ của họ, và rằng: “Chúng ta có rule of law trên đất nước này, và đó là một nguyên tắc chúng ta tôn trọng.” (We have a rule of law in this country and that’s a principle we all uphold.)
Trên tờ tạp chí The Atlantic thì có một tác giả tố cáo ông Trump, thông qua các phát biểu công kích lực lượng hành pháp đang điều tra ông ta, đang “tấn công” the rule of law (Trump’s Assault on the Rule of Law).
Tờ tạp chí The Economist bình luận:
“The raid appears to have sent Mr Trump hurtling towards the head-on collision with the rule of law that always seemed likelier than a trade or shooting war to define his presidency.”
Dịch: “Cuộc lục soát bất ngờ có vẻ đã khiến ông Trump ầm ầm tiến về hướng húc đầu vào the rule of law, một viễn cảnh có vẻ sẽ có nhiều khả năng xác định nhiệm kỳ tổng thống của ông ta, hơn là một cuộc chiến thương mại, hay chiến tranh quân sự.”
Ông Trump đang thách thức “Nữ thần Công lý”? – Ảnh: cartoonmovement.com
Vậy “Rule of Law” là gì?
Giờ ở Việt Nam chắc chả còn ai ngô nghê mà đi máy móc dịch từng chữ cụm từ này thành “một quy tắc luật pháp”, hay “một điều luật”.
Chỉ cần nhìn vào ngữ cảnh và cách “rule of law” được sử dụng trong các bài báo nêu trên là đã thấy là cách dịch máy móc từng chữ gây ra cảnh “nói gì hổng hiểu” ngay.
“Rule of law” đã đến với người đọc tiếng Việt trong nhiều năm qua dưới hai dạng chính “pháp quyền” hay “pháp trị”.
Trước khi đi sâu vào mặt ngữ nghĩa dịch thuật, có lẽ nên hiểu rõ trước khái niệm này trong bản ngữ tiếng Anh có ý nghĩa là gì.
Hiểu sơ sơ các yếu tố cốt lõi của “rule of law” rồi chúng ta có thể xét đoán chính xác hơn rằng “rule of law” phải được dịch thế nào cho chính xác.
Một định nghĩa khá gọn ghẽ đã được giáo sư luật trường Đại học Cornell (Mỹ) ông Robert Summers đưa ra như sau:
“The ideal of the rule of law consists of the authorized governance of at least basic social relations between citizens and between citizens and their government so far as feasible through published formal rules congruently interpreted and applied, with the officialdom itself subject to rules defining the manner and limits of their activity, and with sanctions or other redress against citizens and officials for departures from rules being imposed only by impartial and independent courts or by similar tribunals, after due notice and opportunity for hearing.”
Dịch dễ hiểu:
“The rule of law là một hình mẫu lý tưởng mà trong đó có sự cai quản được cho phép của ít nhất là các mối quan hệ xã hội cơ bản giữa người dân với nhau và giữa người dân với chính quyền.
Với điều kiện là sự cai quản đó có thể tiến hành thông qua những luật lệ chính thức đã được công bố, được diễn giải và áp dụng một cách thích hợp.
Với điều kiện nữa là giới công quyền cũng phải tuân thủ các luật lệ vốn phải xác định rõ ràng lề thói cũng như giới hạn của các hoạt động công quyền.
Và với điều kiện sau cùng là các hình thức chế tài hay các hình thức uốn nắn dành cho người dân và giới công quyền mỗi khi họ làm sai luật phải được áp đặt duy nhất bởi các tòa án công bằng và độc lập, hay các hình thức tòa án giống thế, sau khi đã thông báo đầy đủ và tạo điều kiện cho việc xét xử.”
“Công lý công bằng dưới luật pháp”: dòng chữ được tạc lên một mặt tiền của Tối cao Pháp viện Mỹ – Ảnh: wikimedia.org
Trong một cuốn sách chuyên khảo nọ, một giáo sư luật người Mỹ khác là ông Brian Tamanaha đã dày công “lật ngang lật ngửa” đủ hướng khái niệm “rule of law”.
Tham khảo chán chê các triết thuyết tự cổ chí kim Hy La lằng nhằng các kiểu, so sánh với cả các khái niệm tương đương trong luật Đức là “Rechtsstaat” và luật Pháp là “Etat de droit” rồi, tác giả Brian Tamanaha mới thở dài viết rằng khái niệm “rule of law” thực ra… rộng lắm, không định nghĩa gọn gàng được đâu.
Tuy nhiên ông Tamanaha vẫn xác định được rằng trọng tâm của khái niệm “rule of law” từ xưa đến giờ luôn phải bao gồm ba yếu tố:
Trong trường hợp ông Trump, có thể thấy là bên đội điều tra của ông Mueller (chính là thuộc nhánh hành pháp – được Bộ Tư pháp bổ nhiệm) cho dù đang điều tra chính người đứng đầu nhánh hành pháp là ông Trump nhưng vẫn đã chịu sự kiểm sát của bên tư pháp là tòa án, thông qua việc xin trát tòa trước khi tiến hành lục soát.
Như vậy là bên ông Mueller làm việc đúng tinh thần lý tưởng rule of law như đã nêu trên, nhưng vẫn bị ông Trump công kích, lại còn bị ông Trump “dọa sa thải”.
Vậy chắc mấy nhà báo đang tố ông Trump “tấn công” “rule of law” là vì lẽ đó: ông Trump không những không tôn trọng cách “rule of law” vận hành mà còn đang muốn dùng quyền lực cá nhân (người cai trị người) của mình để ngăn cản việc vận hành đó của “rule of law”.
“Rule of law” là “pháp trị” hay “pháp quyền”?
Tranh cãi chuyện dịch “rule of law” sang tiếng Việt là “pháp trị” hay “pháp quyền” đã có từ lâu.
Phe ủng hộ dịch là “pháp trị” có thể kể đến một số người như học giả Trương Nhân Tuấn và luật gia Lê Công Định.
Vài người viết đã khẳng định rằng một số giáo sư luật tại Sài Gòn trước 1975 đã dịch “rule of law” là “pháp trị” hay “nguyên tắc thượng tôn pháp luật”.
Cách dịch “rule of law” thành “pháp quyền có vẻ là mới có từ thập niên 80. Trước đó, cụm từ “pháp quyền” được dùng hoàn toàn để dịch từ “jurisdiction” hay “quyền tài phán”.
Vào thời điểm nào đó vào những năm 80 tại Việt Nam khi người ta cần “nhập khẩu” khái niệm “nhà nước bị pháp luật kiểm soát”, “pháp quyền” đã bắt đầu được sử dụng để chỉ “rule of law” hay các khái niệm gần giống.
Tuy là cách dịch mới nhưng “pháp quyền” có lẽ lại chính là cách dịch đang chiếm thế thượng phong tại Việt Nam.
Một học giả luật hiến pháp hàng đầu của Việt Nam là giáo sư Nguyễn Đăng Dung đã dùng “pháp quyền” khi bàn đến các yếu tố của “rule of law” trên một tạp chí chuyên ngành. Giáo sư chính trị học Cao Huy Thuần cũng dùng “pháp quyền” trong một bài viết trên tạp chí Tia Sáng.
“Pháp quyền” cũng được đa số các tác giả của Luật Khoa sử dụng khi nói đến “rule of law”, ví dụ tác giả Quỳnh Vi và tác giả Thanh Hiếu.
Một số người viết lại thận trọng không chọn dùng riêng “pháp quyền” hay “pháp trị”, như tác giả Đoan Trang.
Giới học thuật Việt Nam chưa có câu trả lời chính thức cho lựa chọn giữa “pháp quyền” và “pháp trị”? – Ảnh: Tạp chí Tia Sáng
Nhiều người ủng hộ dịch “rule of law” thành “pháp quyền” vì họ cho rằng “pháp trị” đã được sử dụng để dịch “rule by law” – hình thức nhà nước cai trị xã hội bằng luật pháp, thay vì đứng dưới luật pháp như “rule of law”.
Cái phân biệt “rule of law” và “rule by law” này được nhiều người viết nhấn mạnh vì họ cho rằng các nhà nước chuyên chế như Việt Nam và Trung Quốc đang áp dụng “rule by law” trong khi rêu rao với thế giới là họ có “rule of law”.
Trong phê bình của mình, học giả Trương Nhân Tuấn cho rằng những người chọn dịch “rule of law” – “pháp quyền” để phân biệt với “rule by law” – “pháp trị” đang hiểu sai ngữ nghĩa vì “rule by law” phải được dịch chính xác là “dụng pháp trị”.
Ông Tuấn cũng chỉ ra rằng việc một số tác giả viện dẫn nguồn gốc cách dịch “rule of law” – “pháp quyền” từ khái niệm “thần linh pháp quyền” từng được ông Hồ Chí Minh dịch từ tiếng Pháp năm 1919 cũng là một hình thức hiểu sai ngữ nghĩa, mang râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Cách dịch “pháp quyền” như thế tuy phổ biến nhưng có một loạt các vấn đề gây mù mờ, khó hiểu trong cách dịch này.
Vậy có nghĩa là phe “pháp trị” nên được trao cơ hội tỏa sáng trở lại?
Tranh cãi về dịch “rule of law” trong tiếng Hán
Vò đầu bứt tai “pháp” “pháp” mấy ngày trời rồi thì Anh Cả Lý phải cám cảnh mà than là sao tiếng Việt mình không có từ “thuần Việt” nào để diễn tả các khái niệm pháp lý và triết lý pháp luật hết vậy cà?
Thật sự, những từ quan trọng và cơ bản nhất của ngành luật học Việt Nam như “luật”, “pháp”, “quyền”, “lợi” đều là những từ Hán-Việt.
“Pháp quyền” hay “pháp trị” gì thì hóa ra người Việt mình cũng vẫn đang phải nhìn triết thuyết pháp lý Tây phương qua lăng kính một ngôn ngữ lâu đời là Hán ngữ. Người dùng Hán ngữ (bất kể người Tàu, Hàn, hay Nhật) hiểu sao thì ta hiểu theo giống vậy.
Nghĩ vậy nên Anh Cả Lý bèn chơi chiêu “lá rụng về cội”, thử tìm về gốc Hán ngữ xem người ta dịch “rule of law” thề nào.
Giới học giả Trung Quốc hiện nay dịch “rule of law” là “pháp trị” (法治).
Tuy nhiên, phải chịu khó đọc các nghiên cứu từ trước tới nay của họ mới thấy cách dịch này cũng không hề thỏa đáng hoàn toàn.
Đầu tiên phải biết rằng trong Hán ngữ, từ “pháp” (法) là một từ đa nghĩa, và bản thân từ “law” – “luật pháp” theo cách hiểu phương Tây khi vào Hán ngữ cũng có nhiều cách hiểu.
Học giả ngôn ngữ học Deborah Cao của trường Đại học Griffith (Úc) kể rằng người đầu tiên dịch cuốn Tinh thần Pháp luật (De l’esprit des lois) lừng danh của Montesquieu sang tiếng Hán chính là học giả Yan Fu (嚴復 – Nghiêm Phú).
Yan Fu (1854-1921) du học Anh và là người đem nhiều tác phẩm tiếng Anh về Trung Quốc để dịch sang tiếng Hán, bao gồm cuốn Bàn về Tự do của John Stuart Mill. Cuốn Tinh thần Pháp luật cũng được ông dịch từ bản tiếng Anh.
Theo học giả Cao, khi dịch Tinh thần Pháp luật, Yan Fu đã ghi chú cảnh báo các thế hệ tương lai rằng từ “law” trong tiếng Anh có đến bốn cách hiểu và dịch riêng biệt trong tiếng Hán:
Từ “pháp” (灋) vốn là dạng cổ điển sau này được giản thể hóa thành dạng hiện đại (法) và vẫn mang các nghĩa nêu trên.
Theo một cách nào đấy chưa rõ ràng thì khi đưa “rule of law” sang Hán ngữ, từ “pháp” (灋 – 法) và từ “trị” (治) đã được chọn đứng cùng nhau để tạo nên cách hiểu “rule of law” trong ngôn ngữ này.
“Pháp” trông dzậy mà không chỉ có dzậy – Ảnh: image.ajunews.com
Huyền thoại phía sau từ “pháp”
Nhiều học giả Hán ngữ đã giải nghĩa từ “pháp” qua phân tích các yếu tố tượng hình bên trong phiên bản cổ điển của từ “pháp” (灋). Trong từ này có ba thành tố:
Cách giải nghĩa cổ điển hay được trích dẫn nhất là từ cuốn Thuyết văn giải tự (说文解字) của Hứa Thận đời Hán (thế kỷ thứ Hai sau Công nguyên).
Theo đó, yếu tố [氵] – “thủy”, hay “nước”, có hàm ý là luật pháp phải công bằng/bình đẳng/bằng phẳng như mặt nước.
Yếu tố [廌] – “trĩ”, “trãi” là nhắc đến con giải trĩ hay con giải trãi, một loài thú cổ đại huyền bí có một sừng.
Tương truyền là thời xưa có ông Cao Dao làm pháp quan suốt ba đời vua cổ đại của Trung Hoa là Nghiêu, Thuấn, Vũ. Ông này mỗi khi phân xử vụ việc nào khó quá thì lại “triệu hồi” con trãi ra giúp.
Con giải trãi là thú thần có thể nhìn phát biết ngay ai gian ai thiện. Nó bèn húc thẳng vào kẻ gian, cùng lúc vừa giúp Cao Dao đưa ra phán quyết, vừa trừng phạt kẻ gian.
Hình dung về con giải trãi của một họa sỹ Trung Quốc – Ảnh: 5011.net
Yếu tố [去] – khứ, khử, khu mang nghĩa tống khứ đi, trừ khử đi chính là chỉ việc húc đầu trừ gian của con trãi.
Hợp nghĩa tượng hình cổ điển của “pháp” như thế có vẻ mang các yếu tố “công bằng”, “công lý”, “công minh”, và “trừng phạt”.
Vậy nền “pháp trị” – “灋治” có thể hiểu trong Hán ngữ là nền cai trị dựa trên sự bình đẳng, công bằng, công lý, công minh, và sự trừng phạt.
Chính trong cách dịch “rule of law” thành “pháp trị” này, một số học giả người Trung Quốc vẫn tỏ ra không hài lòng.
Điển hình là luật gia Liang Zhiping (梁治平 – Lương Trị Bình). Trong một bài báo học thuật công phu viết năm 1989, Liang tranh luận rằng cách giải nghĩa như của Hứa Thận không chính xác.
Yếu tố “thủy” phải được hiểu theo nghĩa trực quan thay vì nghĩa trừu tượng: thủy ở đây chỉ con sông. Nguyên từ “pháp” đơn thuần chỉ việc phân định phải trái rồi thì “tống khứ” tội phạm đi bằng cách thả trôi sông – một trong nhưng hình phạt nặng nhất thời cổ đại.
Như vậy, “pháp” nguyên gốc khởi thủy chả có “công bằng”, “bình đẳng” gì sất, mà chỉ là “hình phạt” hay “hình luật”, tức là thuần túy nói về cách xử lý hình sự.
Theo Liang Zhiping, bất kể là cách hiểu “bằng phẳng như mặt nước” hay “thả rọ trôi sông” thì bản thân từ “pháp” của Hán ngữ vẫn đã không thể bao hàm hết được ý nghĩa triết lý và chính trị sâu xa của “law” trong “rule of law” của phương Tây.
Từ “pháp trị” như thế khá rộng nhưng không bao hết được các yếu tố cốt lõi của “rule of law”.
Cái mà ông Trump bị kêu là đang “húc đầu” vào không đơn thuần chỉ là sừng một chú giải trãi biết phân biệt phải trái.
Như chúng ta đã thấy, “rule of law” bao hàm ít nhất ba yếu tố khác nhau về việc đặt nhà nước xuống dưới luật pháp, nội dung luật lệ rõ ràng chắc chắn, và việc phân chia các chức năng để đảm bảo không con người nào “độc quyền” luật pháp.
Theo đó, những ai cổ xúy việc dùng từ “pháp trị” thay cho “pháp quyền” để dịch “rule of law” ở Việt Nam có thể chả làm cho việc dịch thuật minh xác hơn chút nào. Họ có thể chỉ đang mang một cái mù mờ trong Hán Ngữ sang đắp vào cái mù mờ Việt Ngữ.
Trời ơi, vậy phải chăng “rule of law” chính là một trong những khái niệm “untranslatable” nhất trong tiếng Anh pháp lý?!
Tài liệu tham khảo: