Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Một đoàn hổ lốn người, tiên, người lùn chân to, người lùn râu dài, và pháp sư chạy thục mạng trong mưa tên bão lửa.
Sau lưng họ là một binh đoàn quỷ khát máu. Đáng sợ nhất lại chính là Balrog, con quỷ khổng lồ huyền thoại từng làm sụp đổ cả một vương quốc hùng mạnh của giống người lùn râu dài thiện chiến.
Họ băng qua cây cầu Khazad-dûm, một cây cầu chỉ hẹp vừa đủ chỗ cho một dòng người đi thẳng hàng. Người đi cuối cùng là vị pháp sư khôn ngoan nhân hậu, Gandalf.
Con quỷ Balrog hiện ra, theo áp sát đoàn hổ lốn. Nó đã đến đầu bên kia cầu.
Gandalf dừng lại giữa cầu. Ông niệm thần chú rồi nhìn thẳng vào Balrog, dõng dạc hét lớn “You shall not pass!”
Đó là cảnh phim đã đi sâu vào ký ức của rất nhiều thế hệ các fan hâm mộ series phim “tiên hiệp” của Anh quốc, Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn (The Lord of the Rings).
Pha “gánh team” bi hùng của Gandalf giúp đoàn hổ lốn chạy thoát khỏi đám quỷ dữ, đồng thời trở thành một nguồn cảm hứng meme vĩ đại cho kỷ nguyên Internet.
“You shall not pass” của Gandalf có ý nói “chú dê đen” Balrog sẽ không bước qua cây cầu hẹp mà “chú dê xám” Gandalf đang đứng.
Tuy nhiên, vì “pass” cũng có nghĩa “thi đậu”, nên câu khẩu chiến hoành tráng này cũng biến thành một câu nửa đùa nửa thật mà nhiều giáo viên hay đem ra trêu, dọa, hoặc phê vào bài làm điểm kém của học sinh.
Song trong câu nói huyền thoại này, không chỉ có “pass” là từ đa nghĩa.
Shall trong đời thường và trong thế giới luật pháp
Nếu bạn đơn thuần là một người dịch phim cho khán giả đại chúng, bạn có thể dịch cụm “You shall not pass” một cách dễ hiểu:
“Mi sẽ không qua!”, hoặc
“Qua đây mi sẽ không!” (nói kiểu cụ Yoda trong Star Wars.)
Tuy nhiên, nếu chẳng may bạn là một luật sư thì bạn có thể sẽ phải lưỡng lự đôi chút với từ shall này.
Shall là một động từ khiếm khuyết (modal verb) đặc biệt có nhiều cách hiểu.
Các động từ khiếm khuyết là gì? Đó là những trợ động từ không diễn tả các hành động cụ thể nào, mà diễn tả mức độ nhất thiết (necessity), hay tính khả dĩ (possibility) của một hành động nào đó khác.
Các động từ khiếm khuyết trong tiếng Anh là can, could, may, might, must, ought, shall, should, will, và would.
Trong giới ngôn ngữ học, người ta thường dùng một vài từ chuyên môn để diễn tả muôn vàn sắc thái ý nghĩa của các động từ khiếm khuyết. Hai sắc thái phổ biến nhất của các động từ khiếm khuyết chính là:
Ví dụ, “it may be the case” mang nghĩa “đó có thể là sự thật” (phán đoán không chắc chắn) trong khi “it must be the case” mang nghĩa “đó phải là sự thật” (phán đoán chắc chắn).
Ví dụ, “you may leave now” (chị có thể đi ngay bây giờ – một sự cho phép tùy nghi, chị thích chị vẫn có thể ở lại) đối lập với “you must leave now” (chị phải đi ngay bây giờ – một sự ép buộc, chị không được ở lại).
Shall theo đó có thể hiểu theo hai cách:
Shall nhận thức chính là cách dùng hay xuất hiện trong lời ăn tiếng nói bình dân. Trong khi Shall nghĩa vụ xuất hiện nhiều hơn trên các văn bản pháp luật và tại tòa án.
Gandalf đã có ý nào khi hô “You shall not pass!” trước mặt con quỷ Balrog?
Ý Gandalf đoán định là ông sẽ… chơi tới bến luôn để chặn Balrog nên ông phán đoán rằng Balrog sẽ không qua được cây cầu (“Mi sẽ không qua được đây!”)?
Hay ý Gandalf là có một thứ luật lệ siêu nhiên nào đó cấm đoán Balrog bước qua cây cầu (“Mi không được phép qua đây!”)?
Những người xem phim bình dân sẽ dễ dàng nghĩ ngay theo cách thứ nhất, trong khi các luật gia quen với shall nghĩa vụ có thể sẽ lưỡng lự hơn.
Mối quan tâm của các luật gia thông thường là, khi ai đó nói đến những chuyện “được phép hay không” hay “phải làm cái này” hoặc “buộc làm cái kia”, thì phải đặt câu hỏi phân tích là “phép” đấy từ đâu ra? Từ nguồn uy quyền nào? Nếu có ràng buộc pháp lý/nghĩa vụ ở đây thì ai là bên cưỡng chế?
Có thể nào Gandalf, một người vốn thường khiêm tốn, bất ngờ lại tự coi mình là một nguồn uy quyền tối thượng trước Balrog? Và như vậy ta có thể dịch “You shall not pass!” thành… “Bố đ*o cho mày qua!”?
Với nhiều nhà ngôn ngữ học và nhiều luật gia, việc xác định một shall trong văn bản là Shall nhận thức hay Shall nghĩa vụ là cả một mảng vấn đề pháp lý sâu xa đáng quan tâm.
Như chúng ta đã thấy, có hai cách dịch chữ shall sang tiếng Việt. Tại nhiều nước khác, khi dịch shall trong các văn bản pháp lý tiếng Anh, các dịch giả cũng bối rối khi họ không rõ tình huống nào là Shall nhận thức, còn tình huống nào là Shall nghĩa vụ.
Theo truyền thống tại những nước dùng tiếng Anh, shall từng được dùng rất nhiều trong các văn bản và trong các phân tích pháp luật. Tuy nhiên, shall từ lâu đã bị chính các học giả tiếng Anh bản ngữ phê bình là một từ “đâu cũng có (ubiquitous), kém chính xác (imprecise), và nghe có vẻ hoàng gia (royal sounding)”.
Trong phong trào Tiếng Anh pháp lý đơn giản mà Anh Cả Lý từng kể, người ta nhìn nhận được tính kém chính xác của shall. Vì vậy, họ vận động thay thế shall bằng các động từ khiếm khuyết mang tính ràng buộc hay cho phép rõ ràng hơn, như must hay may, hoặc sử dụng thì là – to be trong thể hiện tại đơn (is hay are).
Một trong những trường hợp thay thế shall trên diện rộng nhất là ở Nam Phi khi người ta thay bản Hiến pháp năm 1994 bằng bản Hiến pháp năm 1997. Trong khi bản 1994 có 1288 từ shall và không có từ must nào thì bản 1997 lại có đến 414 từ must, 274 từ may và chả có từ shall nào.
Chúng ta có thể nhìn vào ví dụ dưới đây, để thấy khi shall bị thay thế thì ngôn ngữ của Hiến pháp Nam Phi trở nên “trong sáng dễ hiểu” hơn như thế nào:
Bản 1994:
Section 4(1): This Constitution shall be the supreme law of the Republic and any law or act inconsistent with its provisions shall, unless otherwise provided expressly or by necessary implication in this Constitution, be of no force and effect to the extent of the inconsistency.
Dịch:
Điều 4(1): Hiến pháp này sẽ là/phải là luật lệ tối cao của nhà nước Cộng hòa và bất kỳ luật hay đạo luật nào mâu thuẫn với Hiến pháp này thì, trừ phi có quy định rõ ràng khác hay thông qua sự ngầm hiểu nhất thiết từ nội dung Hiến pháp này, sẽ là/phải là vô hiệu lực trong phạm vi của sự mâu thuẫn đó.
Bản 1997:
Section 2: This Constitution is the supreme law of the Republic; law or conduct inconsistent with it is invalid, and the obligations imposed by it must be fulfilled.
Dịch:
Điều 2: Hiến pháp này là luật lệ tối cao của nhà nước Cộng hòa; luật lệ hay hành vi nào mâu thuẫn với Hiến pháp này là vô hiệu lực, và mọi nghĩa vụ hiến pháp này áp đặt phải được thực hiện.
Nghe gọn gàng mà chắc chắn hơn nhỉ? Nếu hiểu Shall theo nghĩa shall nhận thức – “sẽ là” thì chả biết bao giờ nội dung bản Hiến pháp này mới bắt đầu là luật lệ tối cao, là có hiệu lực.
Tuy nhiên, hóa ra must với may cũng có những điểm ‘không rõ ràng’ khá lý thú của riêng chúng à nha!
Must và may: đều ràng buộc mạnh mẽ?
Chúng ta đã thấy trong ví dụ phần trên rằng thông thường must có nghĩa ràng buộc hay cấm đoán mạnh mẽ, trong khi may được hiểu là sự cho phép, hay sự ban phát một quyền năng cụ thể nào đó mà người có quyền năng đó được tùy nghi sử dụng.
Trong một nghiên cứu thú vị, học giả Ross Charnock giải thích rằng luật án lệ Thông luật Anh (tức là luật hình thành qua các án lệ, tức là các phán quyết xử lý vụ việc cụ thể của các thẩm phán người Anh đời trước được các thẩm phán đời sau tuân theo) có một quan điểm thú vị về vai trò của may: trong một số tình huống cụ thể, may có thể có vai trò như must!
Trong án lệ Julius kiện Giám mục thành phố Oxford năm 1880 của Anh, một bác người Anh tên Julius phát hiện ra vị linh mục trong khu của ông tùy tiện thực hiện những thay đổi lễ nghi nhà thờ, đồng thời sử dụng thánh y (y phục của giới chức trong nhà thờ) một cách trái phép.
Julius muốn Giám mục thành phố Oxford ‘xử lý’ vị linh mục kia nhưng vị giám mục này lại từ chối vì không muốn làm ô danh những người có liên quan, và cũng không muốn nhà thờ trở thành đề tài dị nghị trong công luận.
Julius bèn tìm hiểu luật lệ và phát hiện ra trong Đạo luật về Kỷ luật trong nhà thờ năm 1840 (vâng, Anh quốc là một nước vừa có truyền thống công giáo, vừa có truyền thống tôn trọng pháp luật lâu đời!) có điều khoản nói rằng:
Trong các vụ việc mà viên chức nhà thờ bị cáo buộc vi phạm các luật về tôn giáo/giáo sĩ (ecclesiastical laws), thì vị giám mục trong khu vực được phép tùy nghi tiến hành ‘xử lý’ người vi phạm kia.
Julius (chả hiểu có thù riêng gì với ông linh mục làm việc linh tinh kia không!) cho rằng, tuy luật ghi vị giám mục có quyền tùy nghi chọn xử lý kỷ luật hay không, song nội dung luật phải được hiểu là vị giám mục có nghĩa vụ phải tiến hành xử kỷ luật, tức là ở đây không chỉ có một discretion (khả năng tùy nghi) mà còn có một duty (nghĩa vụ), và tức là vị giám mục must – phải tiến hành xử lý kỷ luật.
Cho dù chính từ may không được sử dụng trong nội dung Đạo luật về Kỷ luật trong nhà thờ năm 1879, các thẩm phán người Anh vẫn đã đồng ý xem nội dung này trên thực tế đang ban cho vị giám mục khu vực một discretion hay một “may”: một quyền được chọn có nên xử lý kỷ luật một vi phạm luật lệ hay không.
Trên nền tảng đó, các thẩm phán Tòa tối cao của Anh đã bất ngờ… đồng ý với bác Julius nghiêm khắc như “sao đỏ”. Tòa nói:
“… Khi mà một quyền năng (power) được trao cho một vị công chức với mục đích phục vụ lợi ích của một nhóm người cụ thể được xác định trong nội dung luật lệ, và luật lệ đó cho họ quyền yêu cầu việc thực thi quyền năng kia, thì quyền năng kia phải được thực thi, và tòa án sẽ yêu cầu nó phải được thực thi.”
Tức là tuy luật chỉ ban một quyền năng nhất định thông qua “may”, tuy nhiên mục đích của sự tồn tại của quyền năng đó lại là để đảm bảo quyền hợp pháp (legal right) cho một nhóm người cụ thể, thì “may” phải được hiểu là “must”: người được ban quyền năng phải thực thi quyền năng đó để bảo vệ quyền lợi cho nhóm người cụ thể kia.
Vị giám mục thành phố Oxford không được phép “tránh voi chẳng xấu mặt nào” vì “đại cục”. Hoàn cảnh vụ việc có liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cho các giáo dân trong khu vực (quyền được thấy rằng luật lệ tôn giáo được tôn trọng bởi chính các chức sắc giáo sĩ, quyền được thấy rằng lễ nghi được bảo đảm uy nghiêm, quyền được cảm thấy yên tâm rằng mọi thứ vẫn đúng quy củ v.v.).
Vậy nên, vị giám mục “must” xử lý vi phạm của vị linh mục kia, chứ không thể vin vào nội dung câu chữ luật lệ có tác dụng pháp lý cho ông ta quyền “may” để mà thoái thác.
Bài học cho tất cả chúng ta rút ra là, nội dung sắc thái ý nghĩa của các động từ khiếm khuyết phụ thuộc khá nhiều vào ngữ cảnh (context), chứ không chỉ tùy thuộc vào các định nghĩa cứng nhắc nào đó về bản thân các động từ này.
Đặc biệt trong các tình huống pháp lý, tốt nhất hạn chế dùng shall. Dĩ nhiên, trừ phi bạn là một vị pháp sư ‘bá đạo’ mà nhân ái!
Tài liệu tham khảo: