Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
“Đồ đồng bóng ẻo lả!”
“Thứ dân núi mọi rợ!”
“Con Bắc Kỳ hai nút!”
Ai trong số chúng ta cũng ít nhiều từng nghe thấy những lời miệt thị không cách này thì kiểu khác. Người ta khinh khi nhau từ giới tính, sắc tộc, vùng miền, cho tới lối sống cá nhân, quan điểm chính trị, niềm tin tôn giáo.
Rõ là họ sống trong cùng một xã hội. Họ hít cùng một bầu không khí, thụ hưởng cùng một nền giáo dục, và sống dưới cùng một hệ thống pháp luật. Vậy tại sao có những người lại mang thái độ độc tài hơn và hành xử áp chế hơn kẻ khác?
Khi được hỏi câu này, ta thường trả lời một cách chung chung với phong thái “thuận theo ý trời” rằng “ừ thì mỗi người một tính mà”.
Nhưng thử đào sâu vấn đề, thì tính cách cá nhân của mỗi người – hay nhân cách – rốt cuộc là gì và nó đến từ đâu?
Xa hơn nữa, làm thế nào để hiểu về nhân cách, không chỉ ở mức độ từng cá nhân, mà còn ở cấp độ xã hội?
Nước Đức dưới thời Phát xít là một ví dụ của xã hội độc tài bị đẩy tới tột cùng. Những người Đức Quốc xã không đơn thuần là châm chọc hay gây gổ với những ai có gốc gác Do Thái. Họ đẩy cả triệu người vào trại tập trung Auschwitz và giết trọn trong các phòng hơi ngạt “có thể xử lý hai ngàn người một lúc” (theo lời khai của Rudolf Hess, trưởng trại Osvenzim, tại phiên tòa ở Nürnberg).
Song câu chuyện không dừng lại ở những chính quyền toàn trị trong quá khứ xa xôi như Đức Quốc xã, Liên bang Xô viết, hay Trung Hoa dưới thời Mao.
Việt Nam ngày nay, với hàng trăm gia đình người Thượng theo đạo Tin Lành đang phải trốn chạy sang Thái Lan do bị đàn áp tôn giáo, hàng chục người bất đồng quan điểm chính trị bị bỏ tù, tự do báo chí bị kiểm duyệt tới nỗi đứng gần chót bảng thế giới, hoàn toàn hợp với danh xưng chính quyền chuyên chế.
Có gì liên quan giữa lối hành xử này của chính quyền và những lời miệt thị trên kia? Câu trả lời nằm trong cuốn Nhân cách độc tài, xuất bản năm 1950, của triết gia người Đức Theodor Adorno cùng các cộng sự Else Frenkel-Brunswik, Daniel Levinson, và Nevitt Sanford, đến từ trường phái Frankfurt.
Adorno, một nhà Marxist
Tháng Bảy năm 2011, cả thế giới rúng động vì một vụ khủng bố kép ở Na Uy làm 93 người chết.
Kẻ giết người là Anders Breivik. Trước khi kích nổ tòa nhà trung tâm ở Oslo, Breivik đăng tải lên mạng một bản cương lĩnh dài 1511 trang với tên gọi “2083 – Tuyên ngôn độc lập Âu châu”.
Trong đó, Breivik tuyên chiến với những thứ như Hồi giáo, chủ nghĩa Marxist, và trường phái Frankfurt. “Những khái niệm này đã phá hủy mọi cấu trúc bảo vệ xã hội châu Âu, đặt nền móng cho việc Hồi giáo hóa châu Âu”, Breivik viết khi nhắc tới cuốn Nhân cách độc tài của Adorno cùng các cộng sự.
Rốt cuộc trường phái Frankfurt của Adorno có gì ghê gớm mà khiến kẻ giết gần cả trăm người là Breivik phải hoang mang lo lắng đến vậy?
Đó là một trường phái cánh tả cấp tiến giàu sức ảnh hưởng ở châu Âu vào thế kỷ 20. Cơ quan khởi xướng trường phái này là Viện Nghiên cứu Xã hội ở Frankfurt (Đức) do những người theo chủ trương Marxist lập ra năm 1923. Trường phái này lấy các phân tích xã hội của Marx cùng thuyết phân tâm học của Freud làm tư tưởng cốt lõi, nhằm tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề mà chủ nghĩa tư bản hiện đại gây ra.
Ngày lá cờ hình chữ vạn được kéo lên nóc nhà tòa thị chính Berlin năm 1933, các văn phòng của viện nghiên cứu này bị lục soát toàn bộ và buộc phải đóng cửa. Các nhà nghiên cứu phải lánh sang Mỹ để chạy trốn Đức Quốc xã, trong số đó có Adorno.
Sự hiện diện cực đoan của Đức Quốc xã đã trở thành trung tâm thảo luận cho các nhà triết học và các nhà xã hội học Frankfurt đang tị nạn tại Mỹ. Tại sao một thứ tư tưởng độc hại như vậy có thể tồn tại và thắng thế? Đâu là nguồn cơn tạo nên một chính quyền toàn trị được người dân ủng hộ? Làm thế nào để khu trừ nó và tái lập một xã hội tốt lành?
Những câu hỏi này đã dẫn dắt cuộc khảo sát tâm lý xã hội học của Theodor Adorno (1903 – 1969) cùng các cộng sự hồi cuối những năm 1940, từ đó cho ra đời trước tác Nhân cách độc tài.
Lý giải về chính quyền chuyên chế
George Orwell thích lý giải lối vận hành của chính quyền chuyên chế bằng cách mổ xẻ các biện pháp tuyên truyền, như kiểm soát ngôn ngữ, thao túng lịch sử, gieo rắc nỗi sợ hãi, v.v… trong cuốn tiểu thuyết 1984 của mình.
Aldous Huxley hư cấu hóa cái cách mà chính quyền thôi miên tâm trí hòng kiểm soát hành vi của các cá nhân trong Thế giới mới mỹ lệ (Brave New World).
Carl Friedrich và Zbigniew Brzezinski, trong Chế độ toàn trị và chuyên chế, đã khám phá những đặc điểm của một chính quyền buộc con người phải tuân phục.
Riêng Adorno cùng các cộng sự tiếp cận theo một cách hoàn toàn khác.
Ông không nhắm tới phân tích cái chính thể đang hành xử độc tài bằng những biện pháp tuyên truyền mị dân. Ông đặt ra một lý giải đầy tính thách thức: nhân cách độc tài của người dân đã vô thức cho phép kẻ khác “mị” họ.
Tại sao đông đảo các cá nhân lại để bản thân bị quyến rũ bởi một kẻ độc tài như Hitler? Adorno trả lời rằng: Vì vốn dĩ các cá nhân ấy mang trong mình một “nhân cách độc tài tiềm ẩn”, và đó là suối nguồn đã đưa chính quyền chuyên chế lên ngôi.
Nhân cách độc tài biểu hiện như thế nào?
Con người độc tài, theo Adorno, là một hỗn hợp trộn lẫn những điều mâu thuẫn.
Họ có lý tính của một con người văn minh, nhưng lại giữ trong mình những niềm tin phi lý. Họ hăng hái theo đuổi những quan điểm thống trị trong xã hội, trong khi một mực khăng khăng rằng họ chỉ đang hành động bằng tư tưởng của chính mình.
Họ đam mê những thứ “mạnh mẽ” và “lớn lao”. Họ tôn trọng và phục tùng những ai có uy quyền. Họ ám ảnh với địa vị, thứ hạng, và thân thế.
Đối với họ, con người là các đối tượng giản đơn chứ không phải là các cá nhân riêng biệt, và thế giới trong mắt họ chia thành “chúng ta” và “chúng nó”.
Bởi vậy, họ tung hô và phấn khởi trung thành với nhà lãnh đạo mà họ coi là vĩ nhân, cùng lúc đó họ khinh miệt và hung hăng gây hấn với các nhóm thiểu số mà họ cho là kém cỏi.
Bất chấp những mâu thuẫn này, họ vẫn một mặt sôi sục bảo vệ ‘nhân cách’ của mình, mặt khác lại phủ phục trước quyền uy như một phản xạ không có điều kiện.
Đây không phải là những lời võ đoán giáo điều.
Adorno cùng các cộng sự của mình đã dành ra ba năm để tiến hành hàng loạt các cuộc phỏng vấn ở California và Washington DC với mọi tầng lớp xã hội, từ sinh viên cho tới người có của, từ cựu chiến binh cho tới tù nhân, từ giới cổ xanh cho tới cổ cồn trắng, ở những ngóc ngách xã hội như Câu lạc bộ Rotary hay trại giam San Quentin.
Trên cơ sở thực nghiệm này, nhóm tác giả tính điểm theo những câu hỏi đo lường chủ nghĩa bài Do Thái (antisemitism), chủ nghĩa vị chủng (ethnocentrism) và chủ nghĩa bảo thủ kinh tế chính trị (politico-economic conservatism), theo một “thang đo F” – với chữ F được viết tắt từ thuật ngữ pre-fascist personality (nhân cách tiền phát xít).
Adorno cùng các cộng sự của mình kết luận rằng, khác với tổ tiên sống vào thời đại man rợ, thì ngày nay con người độc tài hiện đại nhận thức được các nguyên tắc dân chủ và cũng tỏ ra nhiệt tình ủng hộ dân chủ. Vấn đề là, họ lại vô thức trở nên phi dân chủ trong tầm nhìn và trong cả thái độ ẩn sâu bên trong.
Sự vô thức ấy đến từ đâu?
Mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân của nó.
Adorno còn được gọi là Teddy, đứa con duy nhất của một gia đình quý tộc, có cha điều hành một hãng buôn rượu vang và mẹ là ca sỹ chuyên nghiệp. Cậu bé Teddy vốn là một nghệ sỹ dương cầm được đào tạo bài bản. Mười hai tuổi cậu đã chơi được những bản giao hưởng phức tạp của Beethoven. Thậm chí Teddy còn được gia đình lên kế hoạch để trở thành một nhà soạn nhạc.
Nhưng khi đứng trước cảnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan quét qua nước Đức trong thời Thế chiến thứ Nhất, chàng trai trẻ đã sục sôi ý chí phản kháng. Được truyền cảm hứng từ những tác phẩm Marxist như Tinh thần Không tưởng của Ernst Bloch, Adorno tin rằng các nhà trí thức nên hợp tác với nhau để thay đổi xã hội. Ông rẽ sang nghiên cứu triết học, theo học triết gia nổi tiếng Hans Cornelius, rồi làm việc cùng Viện Frankfurt. Vậy là, ông hầu như đã dứt bỏ con đường âm nhạc mà gia đình vạch sẵn.
Hơn ai hết, Adorno hiểu rõ những ép buộc và đòi hỏi từ phía gia đình tác động tới tâm lý của con người nhiều tới mức nào.
“Nhân cách” trong quan điểm của Adorno, với nghĩa cấu trúc tâm lý quyết định hành vi, không phải là thứ mới sinh ra đã có. Mà trái lại, nó được hình thành từ nền giáo dục gia đình.
Adorno lý giải rằng, việc nuôi dạy con cái quá nặng nề bằng những biện pháp trừng phạt đã khiến cho lũ trẻ cảm thấy giận dữ nhưng không thể làm gì được. Song bởi sợ hãi nên lũ trẻ không thể trực tiếp đối đầu với cha mẹ chúng.
Không chỉ vậy, những trải nghiệm thời thơ ấu đã khiến cho những đứa trẻ vô thức sợ phải phơi bày sự thiếu thốn tình cảm không được toại nguyện của mình. Chúng một mặt thấy bản thân yếu đuối, song mặt khác lại căm ghét sự yếu đuối ấy.
Thì chúng có thể làm gì khác ngoài việc găm giữ trong mình một tâm lý oán thù và sẵn sàng trút nó lên những chỗ an toàn hơn, tức là những kẻ yếu hơn? Cùng lúc đó, trong chúng nảy sinh một khát khao về sức mạnh, khiến chúng ngưỡng mộ và tôn thờ những ai mạnh mẽ và quyền uy hơn chúng.
Quá trình nuôi dưỡng khắc nghiệt bằng những nguyên tắc nghiêm ngặt của các bậc cha mẹ, vì vậy, đã hình thành nên nhân cách độc đoán ăn sâu trong đứa trẻ, theo Adorno và các cộng sự. Khi trưởng thành, những đứa trẻ này vẫn mang theo thái độ độc tài: họ sẽ trút nỗi thù địch lên những nhóm yếu thế hơn mình, và ngưỡng vọng các nhà lãnh đạo đầy quyền năng.
Qua nghiên cứu của mình, nhóm tác giả khẳng định rằng chính môi trường giáo dục gia đình đã hình thành nên nhân cách độc đoán của các cá nhân – chỗ dung dưỡng cho các chính quyền chuyên chế khởi sinh và thống lĩnh.
Chuyện ngoài lề: Adorno bị công kích
Kỳ thực, khi Adorno cùng các cộng sự viết cuốn Nhân cách độc tài đã không hề nghĩ tới Trung Quốc, Việt Nam, hay Bắc Triều Tiên, những nhà nước Marxist độc tài hơn bất cứ kiểu nhà nước nào khác.
Vậy hóa ra một người theo học thuyết Marx – thứ đã làm nảy sinh các nền cộng sản chuyên chế nhất địa cầu – lại đi bàn về nhân cách độc tài bên Âu Mỹ?
Song, cái chuyện sách Nhân cách độc tài bị các diễn đàn mua bán sách như Amazon cho đầy những điểm hạng bét (một sao) không chỉ vì Adorno là một người Marxist.
Khó có một người Âu Mỹ nào ưa nổi cái câu “mục đích của jazz là tái tạo cơ học cho một khoảnh khắc đã thoái lui, một biểu tượng bị cắt thiến”. Adorno đã dè bỉu về thứ nhạc jazz “thần thánh” của họ như vậy cơ mà. Adorno cũng chê bai phim ảnh rằng “chúng ta có thể dành ra hai tiếng để phiêu lưu theo một cuộc xâm lược ngoài hành tinh – trong khi lại không chú tâm tới thiên tai thực sự của thế giới.”
Không những thế, ông còn gọi Walt Disney là “người đàn ông nguy hiểm nhất ở Mỹ”.
Mấy quan điểm nghe có vẻ trái khoái này đã trở thành mục tiêu để thiên hạ tấn công Adorno. Điểm thú vị ở đây là ông trở thành nạn nhân của chính thứ mà ông nghiên cứu: nhân cách độc tài.
Không thể phủ nhận, đây quả là minh chứng rõ ràng về sự hiện diện của tính độc tài trong xã hội: người ta không chấp nhận nổi bất cứ thứ gì trái ý họ.
Giải pháp nào khu trừ nhân cách độc tài
Chứng kiến và đồng thời là nạn nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng chính trị do Đức Quốc xã gieo rắc, Adorno e sợ rằng nước Đức quê hương ông không phải là trường hợp duy nhất gánh chịu cơn khổ nạn này.
Bởi đối với Adorno, tất cả những ai tiềm ẩn nhân cách độc tài đều có thể sẵn sàng đi theo tiếng gọi của tên bạo chúa bất cứ lúc nào, nên xã hội phương Tây và Mỹ cũng có thể trở thành những nạn nhân tiếp theo.
Trên thực tế, Adorno cùng các cộng sự tuyên bố rằng nhân cách độc tài kỳ thực đang tồn tại ở khắp nơi, chẳng qua là theo những cách tinh tế hơn so với Đức Quốc xã.
Giải pháp cho viễn cảnh u ám này là gì? Câu trả lời đáng buồn của nhóm tác giả là: Ta chẳng có hy vọng gì nhiều để thay đổi một thứ tâm lý đã bén rễ, khi mà nó găm sâu vào trong cấu trúc tính cách con người.
Song nói vậy không có nghĩa là thế giới đã đến ngày diệt vong.
Tuy không thể thay đổi được những chuyện đã rồi, song Adorno cùng các cộng sự cho rằng ta có thể thay đổi lối nuôi dạy con cái để không còn sản sinh ra những nhân cách độc tài như thế hệ cũ nữa. Nhìn chung, giải pháp của nhóm tác giả là chống độc tài trong nuôi dạy con cái, tạo ra một xã hội cởi mở hơn để nhân cách độc tài không còn tìm thấy nguồn sống cho nó, và áp dụng trị liệu tâm lý trên quy mô lớn.
Adorno và nhóm của ông đã gửi kết quả nghiên cứu và thang đo của mình đến tất cả các trường học ở Tây Đức. Đối với các tác giả, tâm lý trị liệu không phải là một thứ xa xỉ chỉ dành cho giới trung lưu. Nó phải được áp dụng cho tất cả mọi người trong xã hội, và tầm quan trọng của nó phải được đặt đúng chỗ để tạo nên một bước thay đổi tiên phong.
Các tác giả của Nhân cách độc tài cũng tin tưởng rằng khuynh hướng dân chủ ngày càng đi lên sẽ bảo vệ xã hội chống lại chủ nghĩa cực đoan chính trị. Theo các tác giả, “khuynh hướng độc tài là sản phẩm của toàn thể xã hội và chỉ được thay đổi khi xã hội đó thay đổi”.
Đánh giá
“Nếu bạn muốn hiểu thời đại Trump, hãy tìm đọc trường phái Frankfurt” – đó là một cái tít rất mời gọi của cây bút Sean Illing trên Vox. Nói một cách trực diện hơn thì, nếu bạn muốn hiểu thời đại Trump, hãy tìm đọc Nhân cách độc tài của Theodor Adorno cùng các cộng sự.
Nhưng liệu cuốn sách có chân xác một cách tuyệt đối để đem ra phân tích mọi câu chuyện độc tài trong xã hội?
Chỉ bốn năm sau khi xuất bản, Nhân cách độc tài đã bị các nhà tâm lý học nổi tiếng thời đó là Richard Christie và Marie Jahoda chỉ trích mạnh mẽ. Họ xuất bản cuốn Nghiên cứu về Phạm vi và Phương pháp của Tác phẩm Nhân cách Độc tài, qua đó đả phá cả quan điểm chính trị lẫn phương pháp luận của Adorno cùng các cộng sự.
Họ đưa ra ba quan điểm chính. Thứ nhất, phong cách nuôi dạy con cái hà khắc không phải lúc nào cũng tạo ra những đứa trẻ độc tài. Thứ hai, định kiến chưa hẳn đã là độc tài. Thứ ba, nhóm tác giả không giải thích được tại sao mọi người lại định kiến với một số nhóm người nhất định chứ không phải các nhóm khác.
Thêm vào đó, nhà xã hội học J.J. Ray cho rằng, trong khi các nhà khoa học xã hội thời hậu chiến tìm kiếm mối tương quan giữa chủ nghĩa độc tài và nhiều biến số như tầng lớp xã hội, tôn giáo, ý thức hệ, thì Adorno lại chẳng quan tâm gì tới hoàn cảnh kinh tế xã hội đặc thù vào buổi ấy – vốn đóng một vai trò không thể phủ nhận.
Đó là những phản biện đáng xem xét đối với Nhân cách độc tài của Adorno và các cộng sự.
Song, cần biết rằng cụm từ Nhân cách độc tài của nhóm Adorno đã trở thành một thuật ngữ chính trong các nghiên cứu về chính trị độc tài. Cuốn sách được đem ra thảo luận ở hầu như bất cứ nơi nào bàn tới vấn đề tả hữu và phát xít.
Sức ảnh hưởng của nó được lan truyền không chỉ nhờ những lời tán dương, những câu trích dẫn, mà còn nhờ hàng chục tác phẩm sinh ra chỉ để phản biện. Nhân cách độc tài đã trở thành trung tâm tranh luận của ngành tâm lý xã hội học trong suốt hai thập kỷ từ 1950 tới 1970.
Đến thế kỷ 21 ngày nay, sự nổi lên của phe cánh hữu và sự ủng hộ của đám đông quần chúng đối với giới này đã khiến các học giả, lại một lần nữa, đem Nhân cách độc tài đặt ra giữa mâm để mổ xẻ.
Nhất là khi, nhiều chính khách trong môi trường chính trị bảo thủ ngày nay có những tuyên bố đầy tính độc tài y hệt những gì Adorno và các cộng sự đã tiên liệu năm xưa.
Vài câu hỏi giúp xác định bạn có đang mang một nhân cách độc tài tiềm ẩn
Theo Adorno và cộng sự, nếu bạn đồng ý với những tuyên bố sau đây, bạn có thể chưa thể hiện ra mình là một kẻ độc tài ngay lúc này, nhưng khi được kêu gọi bạn sẽ gia nhập vào binh đoàn phát-xít:
(1) Trường học quá chú trọng tới những thứ mang tính trí óc và lý thuyết, mà chưa chú tâm vào các vấn đề thực tiễn và về những đức hạnh chân thật.
(2) Đồng tính luyến ái là một dạng tội lỗi cực kỳ đồi bại và phải bị trừng phạt nặng nề.
(3) Sự vâng phục và tôn trọng quyền lực là những đức tính quan trọng nhất mà trẻ em nên học.
(4) Bất kể bề ngoài đàn ông tỏ ra như thế nào, họ cũng chỉ quan tâm đến phụ nữ vì một lý do duy nhất: tình dục.
(5) Sẽ tốt hơn nếu mọi người nói ít hơn và làm việc nhiều hơn.
(6) Có những điều quá riêng tư hoặc cá nhân để có thể chia sẻ ngay cả với những người bạn thân nhất.
(7) Có những hành động phi Mỹ (un-American) một cách trắng trợn tới nỗi, khi các quan chức có trách nhiệm không chịu thực hiện các bước đi thích hợp, thì các công dân tỉnh táo cần phải tự ra tay thi hành luật pháp.
(8) Không một lời lăng mạ nào đến danh dự của chúng ta nên được dung thứ.
(9) Mỗi người cần có một niềm tin sâu sắc về một đấng siêu nhiên nào đó cao hơn bản thân mình, để trao cho đấng siêu nhiên ấy lòng trung thành tuyệt đối và toàn thể các quyết định của mình mà không hề nghi vấn.