Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những người quyền lực nhất thế giới năm 2018.
Đứng đầu danh sách chính là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping), trên cả Vladimir Putin và Donald Trump.
Hồi tháng 3 vừa rồi, cơ quan lập pháp của Trung Quốc đã thay đổi hiến pháp để bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ của chủ tịch nước. Tập Cận Bình, giờ đây, khả năng cao sẽ trở thành chủ tịch trọn đời. Trung Quốc còn đưa cả “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới” vào trong hiến pháp, một vinh dự chưa ai có được kể từ thời Mao.
Sau khi Mao Trạch Đông – Mao Zedong, nhà lãnh đạo độc tài cá nhân khét tiếng của Trung Quốc – qua đời hồi năm 1976 ở tuổi 82, những người kế nhiệm ông đã khéo léo thiết kế một hệ thống chính trị mới với ý đồ ngăn chặn một nhà độc tài khác nổi lên trong tương lai.
Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) khi ấy cho rằng “Sự tập trung quyền lực quá mức có thể gây ra lối cai trị tùy tiện của các cá nhân, làm tổn hại tới sự lãnh đạo tập thể.” [1]
Họ Đặng và các cộng sự đã đặt ra giới hạn nhiệm kỳ, tuổi nghỉ hưu bắt buộc, ủy quyền từ Đảng Cộng sản Trung Quốc cho các cơ quan chính phủ thuộc Quốc vụ viện, và bắt đầu tổ chức các cuộc họp thường kỳ của các tổ chức thuộc đảng. Tất cả những động thái này nhằm phân cấp quyền lực và kiểm soát quyền lực độc tài.
Tuy nhiên, ngày nay, sau hơn 30 năm lãnh đạo tập thể, Tập Cận Bình đang đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ độc tài cá nhân.
Nhờ đâu mà Tập có thể làm được điều đó?
Dưới đây là sáu yếu tố chính mà giáo sư Susan L. Shirk của trường Chính sách và Chiến lược Toàn cầu tại Đại học California đã chỉ ra, trong bài báo “Quay lại nền cai trị độc tài” đăng trên Tạp chí Dân chủ hồi tháng 4 vừa qua.
Thông qua việc thiết lập các quy định hưu trí và nhiệm kỳ giới hạn trong Đảng, nhà nước, và quân đội, Đặng Tiểu Bình đã tạo ra cho Trung Quốc một hệ thống chuyển giao quyền lực nhịp nhàng.
Tuy nhiên, lại không có văn bản nào quy định chuyện trao quyền ở các ghế chóp bu trong đảng. Cả Hiến pháp lẫn bất kỳ văn bản nào khác đều không cố định tuổi nghỉ hưu hoặc giới hạn nhiệm kỳ cho các uỷ viên Trung ương, Bộ Chính trị, và Ban Thường vụ Bộ Chính trị, hoặc cho tổng bí thư. [2]
Thay vào đó, tuổi nghỉ hưu cho các nhà lãnh đạo đảng đã được linh hoạt hạ xuống theo thời gian như một chiến thuật nhằm loại bỏ các đối thủ.
Năm 1997, ngay khi Đặng Tiểu Bình qua đời, Chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) đã loại bỏ Kiều Thạch (Qiao Shi) bằng cách siết tuổi nghỉ hưu cho các quan chức Bộ Chính trị là 70 tuổi. Tuổi nghỉ hưu của các quan chức Bộ Chính trị lại một lần nữa giảm xuống còn 68 tuổi vào năm 2002, khi Giang muốn ép Lý Thụy Hoàn (Li Ruihuan, lúc đó cũng vừa 68 tuổi) phải rời khỏi Ủy ban Thường vụ.
Kể từ lúc đó, con số 68 trở thành tuổi nghỉ hưu ngầm được tuân theo, nhưng lại không có một luật thành văn nào quy định rõ ràng vậy cả.
Tới thời Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao), các cố vấn đã hy vọng rằng Hồ sẽ đưa ra giới hạn hai nhiệm kỳ cho tổng bí thư vào trong Hiến pháp để phù hợp với giới hạn mà Hiến pháp Trung Quốc áp đặt lên chủ tịch nước, nhưng ông đã không làm điều đó.
Giờ đây, Hiến pháp Trung Quốc đã được sửa đổi để xóa bỏ luôn cả giới hạn hai nhiệm kỳ của chủ tịch nước, bởi vốn dĩ không có quy tắc nào ngăn cản tham vọng cai trị của Tập Cận Bình.
Phải thừa nhận rằng Đặng Tiểu Bình đã nỗ lực củng cố các thiết chế của đảng và biến việc chuyển giao quyền lực định kỳ trở thành một điều bình thường.
Song, ngay cả khi từ bỏ các chức vụ chính thức, họ Đặng vẫn là nhà lãnh đạo trên thực tế cho đến khi ông qua đời vào năm 1997.
Ảnh hưởng của một lãnh đạo cấp cao về hưu tuy đã giảm dần kể từ thời của Đặng, song vẫn còn ghê gớm. Lối can thiệp của Giang Trạch Dân trong các vấn đề nhân sự dưới thời Hồ Cẩm Đào đã bị đổ lỗi như một nguyên nhân gây ra nạn tham nhũng cấp cao trong chính phủ, quân đội và đảng.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo về hưu cũng có thể có những ảnh hưởng tích cực.
Những ràng buộc không chính thức giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu về hưu và đang tại vị, cũng như giữa người lãnh đạo hiện tại và người kế nhiệm, có thể giúp kiểm soát khuynh hướng độc tài. Đồng thời họ cũng phải chia sẻ quyền lực cho nhau, giữ cho các phe phái chi phối lẫn nhau.
Nhưng Tập Cận Bình thì không.
Đặng Tiểu Bình đã mất từ năm 1997. Giang Trạch Dân nay đã 91 tuổi và không còn thấy bóng dáng trên chính trường. Hồ Cẩm Đào, một nhân vật nổi bật hơn Giang, đã không thể hiện được sức ảnh hưởng tới đường hướng của Tập. Hơn nữa, Trung Quốc hiện giờ chưa hề có người kế nhiệm nào được chỉ định sẵn để Tập phải chia sẻ quyền lực.
Như vậy, tình trạng mất kiểm soát lẫn nhau giữa các thế hệ lãnh đạo đã mở rộng đường cho họ Tập thiết lập kiểu độc tài cá nhân.
Năm 1989, những người biểu tình phản đối lạm phát và tham nhũng đã xuống đường tại hơn 130 thành phố trên khắp Trung Quốc.
Trong lúc loay hoay tìm cách đối phó, các nhà lãnh đạo của đảng đã bị chia rẽ trong nội bộ. Một vài lãnh đạo kêu gọi đối thoại để giải quyết mối quan tâm của người biểu tình, trong khi những người khác ủng hộ đường lối cứng rắn. Tình trạng bất ổn và chia rẽ công khai đã đẩy hệ thống chính trị đến bờ vực sụp đổ. Cuối cùng, đảng đã sống sót chỉ vì quân đội tuân theo mệnh lệnh của Đặng Tiểu Bình và sử dụng vũ lực đàn áp những người biểu tình ở Thiên An Môn (Tiananmen).
Các nhân vật có ảnh hưởng của đảng đã đổ lỗi rằng, chính do Đặng đã ủy quyền và phân cấp quyền lực một cách thiếu thận trọng, nên mới gây ra chia rẽ trong đảng và khó đưa ra quyết định.
Sau cuộc khủng hoảng, tổng bí thư Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) bị quản thúc tại gia vì đã cư xử mềm mỏng với người biểu tình và đòi cải cách chính trị. Lúc này, nhà lãnh đạo trên thực tế là Đặng tiểu Bình đã đề đạt Giang Trạch Dân làm tổng bí thư. Không chỉ vậy, Đặng còn tạo điều kiện cho Giang nắm cả ba chức vụ hàng đầu, nhằm dễ bề đối mặt với các biến cố chính trị.
Để tránh tình trạng xảy ra thêm một “Thiên An Môn” nữa, cách làm mà Tập chọn chính là ngày càng tập trung quyền lực về tay mình và trở thành một nhà độc tài cá nhân, theo đúng con đường quyền lực mà Giang đã vạch sẵn.
Ngay cả khi gầy dựng đảng nhằm thể chế hóa sự cai trị của nó, Đặng Tiểu Bình vẫn không bao giờ bước qua một lằn ranh: “Không phân quyền kiểu phương Tây.” [3] Điều này có nghĩa là lộ trình thể chế hóa đã chịu một giới hạn có sẵn ngay từ đầu.
Ngày nay, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã thông qua nhiều quy định hơn, và các nhà lập pháp của họ chịu trách nhiệm nghiêm túc hơn trước đây. Nhưng cơ quan lập pháp quốc gia của Trung Quốc vẫn nằm dưới sự thống trị của đảng.
Các tòa án vẫn hoạt động dưới các cơ quan đảng. Bộ máy trung tâm của đảng bổ nhiệm các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Thành thử, cả hai tổ chức này đều không có quyền hạn kiểm soát đối với các lãnh đạo của đảng.
Nhờ vậy, Tập Cận Bình không hề chịu sự kiểm soát nào ngoài đảng, và môi trường chính trị này chính là một không gian thuận lợi để Tập ung dung thiết lập nền độc tài cá nhân của mình.
Vậy còn các thiết chế trong đảng thì sao?
Theo Hiến pháp, Ban chấp hành Trung ương có thẩm quyền chính thức trong việc bầu ra Bộ Chính trị, Uỷ ban Thường vụ và Tổng bí thư, khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu phải chịu trách nhiệm với tầng lớp chính trị chóp bu thuộc ủy ban này.
Nhưng cần phải lưu ý rằng, hệ thống chính trị của Trung Quốc giống như một hệ thống phân cấp, trong đó các lãnh đạo cao nhất của đảng sẽ chỉ định các quan chức cấp dưới của đảng, chính phủ và quân đội.
Vấn đề nhập nhằng là tất cả các thành viên của Ban chấp hành Trung ương này đều kiêm nhiệm các chức vụ khác trong đảng, chính phủ hoặc quân đội – và những chức vụ này có được lại là nhờ các lãnh đạo đảng đã bổ nhiệm.
Với tình trạng nhập nhằng quyền lực như vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi Tập Cận Bình trở thành một nhà độc tài cá nhân nhờ không phải chịu bất kỳ sự kiểm soát nào trên thực tế.
Theo tuyên bố của Đại hội Đảng năm 2007 dưới thời Hồ Cẩm Đào, lãnh đạo tập thể là “một hệ thống phân chia trách nhiệm giữa các nhà lãnh đạo cá nhân, trong nỗ lực ngăn chặn sự ra quyết định tùy ý của một lãnh đạo hàng đầu đơn lẻ”. [4]
Hồ đã thiết lập các chương trình như đề bạt theo năng lực, thử nghiệm kiểu quản trị dân chủ nội bộ Đảng, và nghiên cứu mô hình Việt Nam về cách phân chia các vị trí cao nhất cho các nhà lãnh đạo khác nhau chứ không dồn hết vào tay một người.
Tuy nhiên, kết quả của Hồ đã gây thất vọng hoàn toàn: Cải cách kinh tế bị đình trệ trong khi các chính sách chủ chốt trong nước và nước ngoài lại phối hợp kém và thay đổi thất thường. Cùng lúc đó, nạn tham nhũng ồ ạt, trong khi hệ thống phi tập trung quyền lực đã dung dưỡng cho các chính trị gia cấp cao không bị trừng phạt.
Chính “di sản” này của Hồ đã khiến cho công chúng háo hức hoan nghênh Tập có thể tập trung quyền lực như một nhà độc tài cá nhân để thực hiện chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”.
Không những vậy, mô hình lãnh đạo tập thể đã rạn nứt ngay trước thời khắc Tập nhậm chức hồi năm 2012. Bạc Hy Lai (Bo Xilai), bí thư Thành ủy Trùng Khánh đồng thời là một ủy viên Bộ Chính trị, đã bị các nhà lãnh đạo trung ương triệt hạ. Chuyện này phơi bày rõ ràng sự chia rẽ trong nội bộ đảng.
Đó là thời khắc mà nhu cầu cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhằm thống nhất đảng đã lên cao hơn bao giờ hết.
Và nhà lãnh đạo đó chính là Tập Cận Bình.