Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Luật Khoa tạp chí trân trọng giới thiệu bản dịch Việt ngữ tác phẩm “Bàn về dân chủ” của nhà khoa học chính trị Robert Dahl (Đại học Yale), được dịch giả Phạm Nguyên Trường chuyển ngữ, do Nhà xuất bản Giấy Vụn ấn hành năm 2015.
Bản e-book do NXB Giấy Vụn cung cấp cho Luật Khoa để phát hành lần đầu ra công chúng. Độc giả có thể tải sách theo link dưới đây:
Ngày nay, hầu hết mọi người vẫn đinh ninh rằng người Việt Nam chưa bao giờ được sống trong nền dân chủ. Trong ký ức về lịch sử, đặc biệt là trong 43 năm qua, chỉ có một nước Việt Nam thống nhất được lãnh đạo và điều hành bởi một đảng duy nhất, đảng Cộng sản Việt Nam.
Song có lẽ bạn đọc sẽ ngạc nhiên khi biết rằng ở Việt Nam từng tồn tại một chính quyền có thể được coi là dân chủ. Đó là mười sáu năm dưới chế độ tổng thống ở miền Nam, gồm thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963) và Đệ nhị Cộng hòa (1967-1975).
Dựa vào đâu chúng ta có thể khẳng định như vậy?
Vào thời đó, các quyền căn bản của người dân được đảm bảo và định rõ trong Hiến pháp (cả hai bản năm 1955 và 1967), như quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và tự do lập hội. Không chỉ vậy, các quyền này còn được bảo vệ bởi một tòa án bảo hiến. Nhờ vậy mà người dân miền Nam có thể tham gia vào chính trị.
Quan trọng không kém, chính quyền Cộng hòa Việt Nam được bầu lên thông qua các cuộc bầu cử cạnh tranh giữa các lực lượng khác nhau như Đảng Dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu với khẩu hiệu “Tự do – Dân chủ – Tiến bộ – Phú cường”, hay Đảng Tân Đại Việt và Đại Việt Cách mạng Đảng vốn theo đuổi “chủ nghĩa dân tộc sinh tồn”, cùng nhiều đảng phái khác.
Sự tham gia của người dân và các cuộc bầu cử cạnh tranh chính là hai tiêu chuẩn căn bản để xem xét một chế độ có phải là dân chủ hay không.
Đây cũng là quan điểm thịnh hành nhất ngày nay, được sử dụng để đánh giá các chế độ chính trị, do Giáo sư Robert Dahl đề xuất trong tác phẩm Bàn về dân chủ.
Dân chủ kiểu cũ
Cách đây 2.500 năm trong thế giới Hy Lạp cổ đại, nền dân chủ trực tiếp đã ra đời. Tại đó, người dân trực tiếp tham gia vào công việc cai trị đất nước, mà nổi tiếng nhất phải kể đến là thành Athens.
Nhưng sau khi Athens cùng các thành bang của Hy Lạp cổ đại sụp đổ, thì cả thế giới dần bị chi phối bởi các chính quyền chuyên chế: nào là chế độ phong kiến và quân chủ với những ông vua, chế độ độc tài quân sự được thống trị bởi các tướng lãnh, hay chế độ cộng sản với một đảng cai trị, rồi chế độ phát xít kiểm soát mọi mặt của đời sống xã hội.
Mãi cho tới đầu thế kỷ 19, dân chủ mới quay trở lại.
Nhưng vào lúc đó, quy mô dân số đã quá lớn và diện tích đất nước thì quá rộng, người dân khó lòng trực tiếp tham gia vào mọi vấn đề của quốc gia. Họ bèn ủy quyền cho những người đại diện của mình để quản trị quốc gia nhân danh mình.
Nền dân chủ đại diện ra đời từ buổi ấy.
Năm 1863, ở Nghĩa trang Quốc gia Gettysburg nằm trên cánh đồng giữa tiểu bang Pennsylvania, một bài diễn văn dài chưa tới 300 từ đã được xướng lên và đi vào sử sách. Đó là diễn từ của Tổng thống Abraham Lincoln, nhân lễ tưởng niệm hàng chục ngàn binh lính đã tử vong trong trận đánh khốc liệt nhất của cuộc nội chiến Hoa Kỳ.
Trong bài diễn văn ấy, Lincoln đã vinh danh nền dân chủ rằng: “Chúng ta chính là những người phải hiến dâng mình cho nhiệm vụ lớn còn ở trước mặt … rằng chính quyền của dân, do dân và vì dân, sẽ không bao giờ tàn lụi khỏi mặt đất này.”
Chính ý tưởng này của Lincoln đã được chính quyền Việt Nam lấy cảm hứng mà đưa vào trong điều 2 bản Hiến pháp 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, như một cách tự khẳng định rằng Việt Nam là một nền dân chủ.
Không thể phủ nhận rằng lời diễn thuyết của Lincoln quả thực hào hùng. Thế nhưng nó hãy còn quá mơ hồ để có thể trở thành một chuẩn mực.
Trong tác phẩm Chủ nghĩa Tư bản, Chủ nghĩa Xã hội, và Dân chủ ra đời năm 1942, nhà khoa học chính trị Schumpeter cho rằng dân chủ là một phương tiện để người dân trao quyền cho các cá nhân thông qua bầu cử.
Quan điểm mang tính kỹ thuật và thực nghiệm của Schumpeter trở nên phổ biến trong suốt các thập kỷ sau đó, đánh bại những định nghĩa thuần túy, không tưởng theo kiểu khẩu hiệu thời thượng vốn tồn tại từ thời Abraham Lincoln.
Bởi làm sao chúng ta có thể cân đong đo đếm được một chính quyền có phải của dân (dân kiểm soát), do dân (dân thành lập), và vì dân (phục vụ dân) hay không, để mà gọi nó là một nền dân chủ?
Thế kỷ 21 không còn là lúc để chúng ta dựa vào những áng văn trác tuyệt, những tuyên bố hào hùng, hay những suy nghiệm mông lung để mà đánh giá một nền dân chủ.
Tiêu chuẩn mới trong kỷ nguyên mới
Giờ đây, các tiêu chuẩn mới về dân chủ bắt đầu được phổ biến rộng rãi, nhưng cũng gây ra không ít hiểu nhầm.
Khá nhiều người vẫn quen đánh đồng dân chủ với bầu cử, chẳng hạn như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với phát biểu “dân chủ đến thế là cùng” nhờ “quy trình bầu cử thực hiện đúng theo quy chế”.
Đây là cách nhìn nhận sai lệch và phiến diện. Một cuộc bầu cử dù có 100% người dân đi bầu chăng nữa, cũng không đủ để làm nên dân chủ.
Trong thế giới hiện đại ngày nay, các nhà quan sát sử dụng các tiêu chuẩn cụ thể để xem xét đâu là một nền dân chủ. Các tiêu chuẩn này được tham chiếu chủ yếu từ cuốn Bàn về dân chủ của nhà khoa học chính trị Robert Dahl.
Robert A. Dahl, giáo sư danh dự tại Đại học Yale, là người rất có ảnh hưởng trong lĩnh vực Khoa học chính trị. Ông được biết đến nhiều nhất với tác phẩm Ai là kẻ cai trị ra mắt năm 1961, Chính trị đa tâm năm 1971, và Bàn về dân chủ năm 1998. Cả ba tác phẩm đều mạnh mẽ ủng hộ cho chủ thuyết đa nguyên.
Bên cạnh việc nghiên cứu về dân chủ, Robert Dahl còn nỗ lực thúc đẩy “dân chủ hóa” trong từng không gian nhỏ hẹp.
Chính ông đã cố gắng tạo nên một môi trường học thuật dân chủ hơn tại Đại học Yale, đặc biệt trong những cuộc nổi dậy của sinh viên trong thập niên 1960.
Năm 1965, Dahl dẫn đầu một ủy ban trao cho sinh viên quyền đề xuất nhiệm kỳ đối với các giảng viên. Vài năm sau, ông chủ trì một ủy ban khởi động chương trình học dành cho các sinh viên người Mỹ gốc Phi. Ông đã dành cả đời mình để cổ xúy cho dân chủ từ tháp ngà ra đời thực.
Quan điểm về dân chủ của Dahl chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Schumpeter. Theo Schumpeter, nền dân chủ thể hiện qua việc các lãnh đạo phải được tuyển lựa thông qua những cuộc bầu cử định kỳ và công bằng, trong đó các ứng viên tự do cạnh tranh để giành phiếu bầu, và hầu hết những người trưởng thành đều phải có quyền bầu cử.
Như vậy, dân chủ buộc phải có sự cạnh tranh và sự tham gia, đây chính là điều mà Dahl nhấn mạnh trong chế độ dân chủ thực tiễn.
Theo Dahl, có sáu tiêu chí tối thiểu cho một chế độ dân chủ đại diện hiện đại:
Sáu tiêu chí này của Dahl nhằm đảm bảo “hai chiều kích dân chủ”: sự tham gia của người dân và bầu cử cạnh tranh. Đây chính là khuôn khổ định hình nên thước đo dân chủ hiện đại, nhằm phân tích xem một quốc gia dân chủ ở mức độ nào, và nó đang trở nên dân chủ hơn hay kém dần đi theo thời gian.
Dân chủ ngày nay
Khá dễ để phân loại Việt Nam khi mà chúng ta chỉ thỏa mãn tiêu chí đầu tiên của Robert Dahl. Dựa theo các tiêu chuẩn này, chúng ta hãy thử xem xét một vài trường hợp phức tạp hơn trên thế giới.
Singapore là một quốc gia đa đảng, nhưng có phải là một nền dân chủ hay không? Rõ ràng các cuộc bầu cử của nó không được tổ chức một cách công bằng và tự do, khi đảng cầm quyền Hành động Nhân dân PAP luôn kiểm soát tiến trình bầu cử để có lợi cho chính nó. Thậm chí, tại Singapore, người dân sẽ bị kết tội nếu chỉ trích chính quyền, hay nói những điều mà chính quyền cho là “đe dọa an ninh quốc gia”.
Ở Thái Lan, tuy người dân bầu lên chính quyền, song thực quyền vẫn nằm trong tay quân đội và hoàng gia. Khi lực lượng này không ủng hộ chính quyền dân bầu, thì nó có thể tiến hành đảo chính lật đổ. Điều đó có nghĩa là người dân không có quyền tự chủ trong chính trị.
Cộng hòa Nam Phi suốt nửa sau của thế kỷ hai mươi cũng không được coi là dân chủ thực sự. Theo chính sách apartheid, các quyền của người da màu không được thừa nhận tương đương như người da trắng, bất chấp việc nó có đa đảng và bầu cử tự do, như vậy nó không thỏa mãn được tiêu chí thứ sáu của Dahl.
Hoặc như chính phủ mới lên của Hungary đã bóp nghẹt truyền thông tự do của nước này để tự dựng lên một đế chế riêng – nổi tiếng nhất là vụ tờ Népszabadság bị buộc đóng cửa sau khi phanh phui các bê bối của giới chức cầm quyền. Hành động này xâm phạm nghiêm trọng tới quyền tự do biểu đạt. Do vậy, có thể thấy chất lượng dân chủ của Hungary đang ngày càng suy giảm và có khuynh hướng quay ngược lại chế độ độc tài.
Nếu như Thủ tướng Anh Winston Churchill tuyên bố rằng “dân chủ là thể chế chính quyền tệ hại nhất, nếu không tính tới các kiểu thể chế khác”, thì Robert Dahl cũng có quan điểm tương tự.
Mặc dù Bàn về dân chủ của Robert Dahl dành riêng bốn chương để bàn về nền dân chủ lý tưởng, song ông biết rằng nó vẫn chỉ là câu chuyện “viễn tưởng”. Bên cạnh việc phê phán những thiếu sót của các nền dân chủ hiện hành, Dahl cho rằng dù sao thì dân chủ vẫn là hệ thống quản trị tốt nhất trong thực tế.
Tuy nhiên ông không áp đặt các chuẩn mực dân chủ một cách khiên cưỡng.
Đối với Dahl, lý tưởng dân chủ có thể được theo đuổi qua nhiều cơ chế.
Nếu như nước Mỹ theo chế độ tổng thống thì nước Anh theo mô hình đại nghị, và hệ thống bầu cử ở cả hai nước này đều đại diện theo đa số. Trong khi đó, tại phần đa các nước Bắc Âu, người dân bầu chọn ra người đại diện theo tỷ lệ. Tất cả các nước này đều được coi là dân chủ. Điều này cho thấy dân chủ có thể thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau, tùy vào văn hóa chính trị ở mỗi quốc gia.
Phê phán và ảnh hưởng
Bàn về dân chủ của Dahl không phải là một câu chuyện phiêu lưu về dân chủ qua các thời kỳ lịch sử như Làn sóng dân chủ hóa thứ ba của Samuel Huntington, cũng không là một lời cổ xúy cuồng nhiệt như trong Lẽ thường của Thomas Paine, hay một cuộc dạo chơi cùng các thiết chế chính trị dân chủ như Nền dân chủ Mỹ của Alexandre Tocqueville.
Có thể coi Bàn về dân chủ là một cuốn sổ tay đơn thuần. Ở đó, Dahl làm rõ từng thuật ngữ vốn hay bị hiểu nhầm và dùng sai, như “cộng hòa”, “dân chủ”, “đại diện”, “hệ thống đa nguyên”. Dahl cũng phác thảo các vấn đề khác nhau một cách gọn gàng để những người mới làm quen với khái niệm “dân chủ” có thể dễ dàng tiếp cận.
Vì Bàn về dân chủ tập trung nhiều vào các định nghĩa, nên nó đã không đề cập tới tiến trình dân chủ hóa với các câu chuyện thực hành dân chủ cụ thể. Dahl cũng bỏ sót các nền dân chủ châu Á, trong khi dành phần lớn mối quan tâm cho kinh nghiệm dân chủ ở Tây phương, từ Hy Lạp cổ đại cho tới Âu Mỹ ngày nay.
Dù vậy, các phân tích mang tính kỹ thuật của Dahl đã trở thành nguồn khảo cứu đáng giá cho các nhà nghiên cứu chính trị thực tiễn.
Các học giả ngày nay có thể so sánh và đối chiếu các nền dân chủ thông qua ba hệ thống đánh giá chính: Hệ thống DD (Democracy – Dictatorship), hệ thống Polity IV, và hệ thống Freedom House. Cả ba thước đo này đều dựa trên quan điểm “hai chiều kích” của Dahl – là tham gia và cạnh tranh.
Có thể thấy, quan điểm của Dahl đã trở thành khuôn khổ chính yếu cho các thước đo dân chủ.