‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Một thiếu niên 15 tuổi dùng mạng xã hội để tố cáo bị anh rể bạo hành và ngược đãi trong nhiều năm kèm lời khẩn cầu, em cần hệ thống pháp luật bảo vệ cho mình.
Thế nhưng, trong gần hai ngày sau đó, hình ảnh của em với vết thương trên miệng tuy được các cộng đồng thanh thiếu niên trẻ chia sẻ rộng rãi, nhưng hầu hết hệ thống truyền thông lại chỉ quan tâm đến “sự thật” từ phía người anh rể, một MC của Đài Truyền hình VTV.
Và ở đó, người ta đưa ra các thông tin về hạnh kiểm, về học lực và cả thái độ làm người của em từ phía kẻ bị cáo buộc đã ngược đãi em.
Nếu đọc những thông tin này thì sự ẩn ý của người đưa ra thông tin và cả người truyền đạt là khá rõ: Một thiếu niên với nhân cách như thế thì đáng bị ăn đòn.
Có lẽ quan điểm đó vẫn sẽ tìm được sự ủng hộ trong một xã hội mang nặng tính “tam tòng tứ đức” như Việt Nam.
Tuy nhiên, xét về mặt luật pháp, thì liệu việc một học sinh không giỏi, hạnh kiểm không tốt, và hay cãi lời người lớn có phải là cơ sở để chấp nhận rằng, em ấy bị đánh là “đáng” hay không?
Câu trả lời là Không!
Nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ trẻ em không bị ngược đãi, bạo hành về tinh thần và thể lý được cụ thể hóa trong bộ Luật Trẻ em 2016 tại Việt Nam. Không dừng lại ở đó, Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành vào tháng 5/2017 còn hướng dẫn thực thi bộ luật này một cách chi tiết.
Việt Nam có đến 17 cơ quan và tổ chức chính phủ nhận ngân sách nhà nước để làm công việc bảo vệ trẻ em. Luật Trẻ em 2016 cũng không hề giới hạn chỉ có “con ngoan trò giỏi” mới được bảo vệ.
Luật pháp vốn không phân biệt loại trẻ em nào đáng bị ăn đòn, mà tất cả trẻ em đều phải được đảm bảo về an toàn tâm sinh lý như nhau.
Trẻ em sở dĩ phải được sự quan tâm và bảo vệ của cộng đồng là vì các em vẫn chưa đủ trưởng thành về cả tinh thần lẫn thể lý để có thể tự bảo vệ mình.
Những lỗi lầm của các em, nếu có, phải được giáo dục trên tinh thần giúp đỡ các em trở nên hoàn thiện hơn. Đòn roi và bạo lực từ rất lâu đã được nhiều nhà tâm lý học và chuyên gia giáo dục nhi đồng khẳng định là những phương pháp giáo dục không hiệu quả và cần được loại bỏ khỏi xã hội.
Luật Trẻ em 2016 của Việt Nam cũng mang cùng tinh thần phi bạo lực đối với trẻ em như thế.
Điều 4 Luật Trẻ em 2016 định nghĩa bạo lực trẻ em “là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.”
Điều 6 Luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm các hành vi bạo lực nói trên.
Thế nhưng, về mặt thực thi pháp luật thì rõ ràng vụ việc được nêu trong bài viết này đã chỉ ra những thiếu sót vẫn còn rất cần được thay đổi khi chúng ta nói đến vấn đề bạo hành trẻ em, đặc biệt là khi nó xảy ra trong gia đình, tại Việt Nam.
Nếu theo dõi vụ việc trên mạng, không khó để thấy được sự khác biệt khá rõ trong nhận thức về bạo hành gia đình giữa các thanh thiếu niên và những thế hệ lớn hơn.
Trong đó, cộng đồng người trẻ có vẻ khá đồng thuận trong việc không đồng tình với việc bạo lực có thể được dùng làm phương pháp giáo dục trẻ em.
Đổi ngược lại, phe “người lớn” luôn có những lập luận như cần phải tìm hiểu đúng sai vụ việc trước, cần phải xem có thật sự xảy ra việc bạo hành hay không, có khi lỗi là ở cả hai phía, hoặc kẻ bị cáo buộc có thể bị oan và cần được bảo vệ, v.v.
Chưa kể, có một số quan điểm thì ngầm giả định rằng, chỉ cần em ấy đang ở cùng gia đình thì nhất định được an toàn. Nhưng đây là một trường hợp mà kẻ bị cáo buộc bạo hành là thành viên của gia đình đó, vậy thì lúc này gia đình liệu có còn là nơi có thể bảo vệ được cho em?
Những lập luận nói trên đã vô tình đặt trách nhiệm của em thiếu niên ngang bằng với một người trưởng thành – kẻ bị cáo buộc – mà vô hình trung quên rằng, điều đáng ra phải được đặt cao hơn hết và trước nhất, đó là đảm bảo cho em không tiếp tục gặp nguy hiểm.
Khi một nạn nhân vẫn còn là trẻ vị thành niên, đã lên tiếng rằng mình bị ngược đãi và bạo hành, thì nghĩa vụ chung của cơ quan điều tra, tổ chức xã hội và cả của cộng đồng là phải bảo vệ sự an toàn cho người bị hại.
Hình thức thông dụng nhất trên thế giới, là cơ quan bảo vệ trẻ em phải lập tức cách ly được nạn nhân khỏi môi trường bị cáo buộc là đã gây ra thương tích cho em, kể cả khi nơi đó là chính gia đình của em.
Đây không phải là lúc để đưa ra nguyên tắc “nghi ngờ hợp lý” để bảo vệ cho bất kỳ ai bị cáo buộc hoặc bị tình nghi đã gây ra thương tích cho nạn nhân.
Nguyên tắc nghi ngờ hợp lý được dùng ở tòa án với quan tòa và bồi thẩm đoàn. Đó là nghĩa vụ chứng minh của bên công tố, rằng người bị cáo buộc đã làm ra hành vi cấu thành tội phạm mà không có bất kỳ nghi ngờ hợp lý nào có thể tồn tại được nữa.
Ngoài ra, đúng là mỗi một người bị cáo buộc với một tội danh thì còn được hưởng quyền lợi của nguyên tắc “suy đoán vô tội,” tức là họ được giả định là vô tội cho đến khi bên công tố chứng minh họ có tội. Ở đây, không ai khẳng định kẻ bị cáo buộc đã vi phạm pháp luật mà chúng ta đang nói đến thái độ của cộng đồng đối với nạn nhân.
Vấn đề ai là kẻ đánh em sẽ giao lại cho cơ quan điều tra, còn trong phạm vi bài viết, tôi sẽ cho rằng em là một nạn nhân vì vết thương được đăng trên mạng, theo tôi, không phải là kiểu em “tự té” gây ra.
Mà một nạn nhân vốn không bao giờ có nghĩa vụ phải chứng minh điều gì cả.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em (Convention on the Rights of the Child) vào năm 1990.
Nghị định 56/2017/NĐ-CP dành hẳn Chương 3 để quy định công tác hỗ trợ trẻ em đối diện nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tức là chỉ cần xác định có “nguy cơ” trẻ em có thể đối mặt với hành vi bạo lực là các em sẽ được bảo vệ. Luật không yêu cầu các em phải chứng minh là đã bị bạo hành rồi thì mới nhận được sự bảo vệ của chính quyền và các tổ chức xã hội.
Chiếu theo nội dung của nghị định, ngày 6/12/2017, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã được thiết lập và đưa vào sử dụng. Theo đó, tổng đài sẽ “tiếp nhận thông báo, tố giác từ bất kỳ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân” về các hành vi và nguy cơ xâm hại hoặc bạo lực đối với trẻ em.
Thế nhưng, rõ ràng là sau gần ba thập niên tham gia công ước quốc tế với một khung pháp luật khá chi tiết và rõ ràng, cùng 17 tổ chức bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam, mà một tiếng kêu cứu ngay tại lòng thủ đô Hà Nội với hàng trăm ngàn lượt chia sẻ trên các diễn đàn thanh thiếu niên và mạng xã hội lại phải đợi đến gần ba ngày sau mới được cơ quan chức năng chú ý đến và có hành động.
Điều này cho thấy chúng ta vẫn chưa có một hệ thống đủ tốt để thực sự thi hành các điều luật và nghị định bảo vệ trẻ em, khi mà các thông tin nói trên vẫn chưa có được một kênh truyền tải đủ rộng và có sức lan tỏa.
Những thông tin về các cơ quan chức năng, đường dây nóng, số tổng đài chống bạo hành, v.v. vốn nên được phổ cập đến người dân một cách rộng rãi hơn. Nhà trường và thầy cô cũng nên được hướng dẫn sử dụng các thông tin này một cách có hiệu quả hơn khi nghi ngờ học sinh của mình có thể bị ngược đãi hay bạo hành.
Mặt khác, các kiến thức về chống bạo hành và ngược đãi trẻ em tại Việt Nam phải được đảm bảo là đã đến được với những người cần nó nhất: Chính là các trẻ vị thành niên.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng và những tổ chức bảo vệ trẻ em cần phải vào cuộc càng sớm càng tốt vì mỗi giây phút trôi qua sẽ là thêm một giây mà tinh thần và thể xác của nạn nhân có thể bị tiếp tục xâm hại.
Hãy bảo vệ trẻ em trước các mối nguy cơ tiềm ẩn của bạo hành và ngược đãi, rồi hẵng đưa các quan điểm đạo đức ra bàn luận đúng sai.