Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ở khía cạnh cá nhân, tôi không cho rằng vụ án của bác sĩ Hoàng Công Lương là một vụ án lớn và đáng chú ý (có thể dùng từ high-profile) theo tiêu chuẩn của xã hội Việt Nam hiện nay.
Ngay cả khi chúng ta giả dụ và chấp nhận rằng tiêu cực và xét xử theo án bỏ túi tồn tại trong môi trường tư pháp Việt Nam, thì theo lẽ ấy, vụ án của bác sĩ Hoàng Công Lương cũng không thật sự cần án bỏ túi.
Vì sao?
Vì xét về địa vị, vai vế của các bị cáo trong tổ chức bộ máy nhà nước là khá thấp yếu.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc chỉ là giám đốc một công ty y tế cấp tỉnh huyện. Bị cáo Hoàng Công Lương cũng chỉ là một bác sĩ thuộc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (BVĐK Hòa Bình).
Ngay cả những cá nhân có dấu hiệu phạm tội, được nhiều luật sư tham gia vào vụ án cho là cần phải triệu tập và xem xét trách nhiệm, thì cũng chỉ là lãnh đạo một công ty khác cùng với lãnh đạo BVĐK Hòa Bình.
Đó lần lượt là các ông Đỗ Anh Tuấn và ông Trương Quý Dương.
Vậy nên, dù đây là một vụ án chưa từng có tiền lệ với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến đến chín người chết, thiết nghĩ Tòa án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và những bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vốn có thể chiếu đúng luật mà thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình. Công luận nhờ vậy cũng không cần phải tốn giấy mực, hơi sức để bàn về chúng.
Đáng tiếc rằng sự việc không xảy ra như kỳ vọng.
Nhiều phân tích, cũng như tuyên bố của một số chuyên gia hóa học và hiệp hội nghề nghiệp đã khẳng định nước lọc bị độc hại do màng RO không phải là loại nước có thể kiểm tra một là một, hai là hai bằng mắt thường.
Kể cả với chuyên môn của một kỹ sư Hóa, họ cũng cần thời gian và công cụ chuyên dụng để tiến hành. Trong khi đó, bộ khung hướng dẫn có sẵn tại BVĐK Hòa Bình không tồn tại một quy trình nào có sự tham gia của giới chuyên môn ngành Hóa. Và vai trò, nghĩa vụ của bác sĩ Lương cũng không được ghi nhận cụ thể.
Bác sĩ Lương chắc chắn có lỗi khi đã không “hoàn tất” quy trình súc rửa hệ thống lọc bằng việc nhận thông báo bàn giao và các tiểu tiết khác. Nhưng tôi cho rằng lỗi này không có quan hệ nhân quả với hệ quả xảy ra sau đó.
Có thông báo hay không thông báo, nhận biên bản hoàn tất công việc hay không, rõ ràng là BVĐK Hòa Bình vốn không hề có sự chuẩn bị nào với những tình huống tương tự. Mà bằng chứng tốt nhất chính là những lần vệ sinh máy lọc trước đó.
Vấn đề sai phạm của cả một hệ thống, bị đổ lên công ty được nhường thầu (và vẫn được cho phép thực hiện thầu), cùng một vị bác sĩ không có thẩm quyền, không có chuyên môn trong phạm vi vụ việc, nhưng “may mắn” thay đã ký y lệnh sai “quy trình”.
Con vi khuẩn hệ thống này có vẻ, tôi nhấn mạnh chữ có vẻ, cũng lan sang một số cơ quan và cá nhân có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác trong vụ án.
Hiển nhiên, ông Dương, nguyên giám đốc BVĐK Hòa Bình có quyền xuất cảnh vì không phải là bị can, bị cáo của vụ án.
Nhưng chúng ta đang nói đến một hệ thống cơ quan điều tra lừng danh thế giới về tỉ lệ áp dụng biện pháp ngăn chặn trong các vụ án hình sự.
Liên tục nhiều năm, trên 80% vụ án được khởi tố đều được áp dụng biện pháp ngăn chặn nặng nề như tạm giam, trong đó có nhiều vụ không đủ chứng cứ chứng minh khả năng bỏ trốn, tiếp tục phạm tội hay ngăn cản điều tra của cá nhân người bị giữ.
Vậy nên, việc một cá nhân có vai trò và quyền lợi nghĩa vụ liên quan quan trọng như ông Dương được xuất cảnh ra nước ngoài cho đến hết thời gian xét xử là một sự du di hết sức tốt đẹp và hữu nghị so với tính cách “cẩn tắc vô ưu” thông thường của cơ quan điều tra Việt Nam.
Đến đây, tôi không dám bình luận sâu hơn về tình tiết và các quy phạm pháp lý được áp dụng.
Cái lớn hơn phía sau những tranh cãi pháp lý và thực chứng chứng cứ của vụ án y tế này, là một nhắc nhở cho người dân Việt Nam nhớ rằng, họ không cần phải là nạn nhân của một dự án ngàn tỉ để có thể bị chèn ép.
Họ không nhất thiết phải xảy ra tranh chấp với những vị tai to mặt lớn, quan tỉnh, quan trung ương để cảm nhận được sự bất công trong xã hội Việt Nam.
Người dân Việt Nam đã phải chịu đựng sự bất công ngay từ những thứ nhỏ nhặt nhất trong đời sống xã hội, khi kẻ mà họ phải đối đầu chỉ là những ông lý, ông xã, hay ông lính lệ cỏn con.
Theo như cách nói của TS. Trần Kiên, vụ án cũng không phải án ‘chính trị chính em’ ghê gớm để có án chỉ đạo hay án bỏ túi. Nhưng cái cách mà phiên tòa diễn ra cũng mang vẻ như đang bảo vệ cho ai đó và cố tình khép tội cho bị cáo, thay vì tìm ra sự thật của vụ án.
Đây mới thật sự là vấn đề của mô hình chính trị và bảo vệ công lý tại Việt Nam.
Từ những sai phạm nhỏ nhoi không bị trừng phạt của các cảnh sát giao thông nhận xấp giấy giống tiền. Từ việc tố cáo sai phạm giáo dục rất dễ xử lý nhưng lại khiến thầy Đỗ Việt Khoa bị đáp trả bằng trù dập và đe dọa. Từ những tranh chấp đất đai ở cấp độ làng xã bị khép vào khung tội chính trị, phản động, v.v.
Đấy mới chính là thứ khiến đại đa số người dân Việt Nam không còn niềm tin vào hệ thống chính trị Việt Nam.
Không hẳn lúc nào cũng là những sai phạm trăm tỉ, ngàn tỉ của vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thành viên Bộ Chính trị xa xôi, mà là những bất công đời thường. Khi người dân bị giới quyền lực cấp cơ sở chèn ép và pháp luật không thể trừng phạt những kẻ gây ra sai phạm, dù nhỏ nhoi.
Thứ lỗi ấy không phải là lỗi của một vài cá nhân, của suy thoái đạo đức cách mạng, mà là cái lỗi của toàn hệ thống. Sự yếu kém của hệ thống khiến cho cho những kẻ nhỏ bé nhất trong bộ máy chính quyền có quyền làm thứ mà họ thích, đánh đổi bằng bất công xã hội dâng cao.
Có ý kiến cho rằng người Việt Nam lại đang lên đồng, đang xử thay Tòa án. Tôi không đồng tình với quan điểm này.
Tôi cho rằng dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc có tính cam chịu cao nhất hành tinh, đặc biệt khi họ có tranh chấp với chính quyền.
Xui thay cho Tòa án tỉnh Hòa Bình, là vụ án này gây ra cái chết cho đến chín người. Đồng thời việc luật sư của các bị cáo sử dụng các công cụ xã hội một cách hiệu quả đã giúp mở rộng đường thông tin của vụ án đến công chúng. Các ý kiến của chuyên gia y tế, chuyên gia hóa học cũng được chia sẻ một cách rộng khắp.
Chính sự tự do của không gian mạng xã hội tại Việt Nam đã khiến cho các ý kiến cực đoan bị cộng đồng phản biện và loại bỏ.
Đến cuối cùng, điều mà người dân Việt Nam mong muốn có được mỗi khi bị buộc phải lên tiếng cũng chỉ vỏn vẹn là hai chữ công lý. Nhưng đó có lẽ là thứ họ đã không còn tin rằng hệ thống Tòa án Việt Nam hiện nay vẫn có năng lực đáp ứng.
Tôi thích cách ẩn dụ của hình ảnh “cái lò” trong cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động.
Vì cái lò cuối cùng chỉ đứng tại chỗ, vô giác vô tri. Củi tươi hay củi khô, muốn đốt được cũng cần người đốn củi. Nhưng một khi cả khu rừng mắc bệnh, trở thành một thứ rừng thiêng nước độc đủ sức giết cả người đốn và đốt củi, thì cái lò cũng trở thành tàn tích mà thôi.