Làm sếp ở Viện Y Dược học Dân tộc TP. HCM từ năm 34 tuổi, ông Huỳnh Nguyễn Lộc, người mới bị Bộ Công an bắt, là một cán bộ ngành y trưởng thành từ phong trào đoàn hội với biệt danh nổi tiếng là "bác sĩ công nhân".
Biểu tình, cho đến ngày nay, vẫn bị xem là vô bổ tại Việt Nam.
Tôi vẫn nhớ cuộc biểu tình đầu tiên của mình. Đó là vào năm 2007, khi giới trẻ còn sử dụng Yahoo! 360, Nokia vẫn chiếm lĩnh thị trường điện thoại di động thế giới, và chiếc Motorola V3, biểu tượng của sự giàu có và thời trang đắt tiền, gần như không thể sử dụng ứng dụng tin nhắn OTA.
Người Việt Nam ở Sài Gòn khi đó bắt đầu trở mình với cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên tại tòa nhà lãnh sự cũ của nước này, tọa lạc trên giao điểm của đường Nguyễn Thị Minh Khai và Phạm Ngọc Thạch.
Tôi “cực đoan” của tuổi 16 cũng có mặt tại thời điểm đó. Về nhà an toàn không vết trầy xước, tôi tự hào vì thông điệp mình đã chuyển tải. Nhưng khi hân hoan chia sẻ kinh nghiệm cho vài người bạn, một người hỏi tôi rằng: “Vậy cuối cùng, biểu tình có làm được gì không?” Tôi mỉm cười (nhằm tỏ vẻ cool ngầu và khinh bỉ theo đúng lứa tuổi) không trả lời, vì chúng tôi không đủ thân để tôi phải dành thời gian giải thích cho bạn những điều quan trọng và chánh trị như thế.
Hơn mười năm sau, tôi bình tâm hơn, có kiến thức hơn, chu du thiên hạ nhiều hơn, tôi vui mừng khi thấy người Việt Nam trên khắp mọi nẻo đường đất nước quan tâm đến chính trị hơn, xuống đường thể hiện quan điểm nhiều hơn. Nhưng người bạn bạc đầu của tôi vẫn còn hỏi tôi câu hỏi xưa cũ đó: Biểu tình thì làm được gì? Và có vẻ sự bảo thủ kiên cường của bạn đã truyền được lửa cho những thế hệ sau tiếp bước. Giới trẻ chia sẻ những tin tức giả như “hai công an bị ném bom xăng chết”, “công ty đuổi 4.000 công nhân” để thể hiện trí khôn tuyệt đỉnh và cách yêu nước với cái đầu lạnh của mình.
Nhưng câu hỏi vẫn còn đó, biểu tình có lợi ích gì? Biểu tình phải chăng chỉ có lợi cho thế lực kích động? Yêu nước thì chỉ cần làm tốt việc của mình?
Đã qua cái tuổi 16 bốc đồng, tôi nghĩ đến lúc mình cần trả lời nghiêm túc những câu hỏi này.
Một cuộc biểu tình chống Dự luật Đặc khu ngày 10/6/2018 ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Biểu tình có mang lại đổi thay?
Đây là một câu hỏi khó về mặt học thuật chính trị. Theo nghiên cứu ‘Do Political Protests Matter?’ của nhóm nhiều tác giả đến từ các trường đại học, viện khắp thế giới như Geneva, Stockholm, Harvard và MIT… cần phải thận trọng khi trả lời câu hỏi này.
Rất khó để nhận ra liệu biểu tình là nhân tố mang lại thay đổi, hay biểu tình chỉ là một trong các biểu hiện của quá trình dài thay đổi. Nhưng sau những phân tích thống kê dài hơn 50 trang về các số liệu của Phong trào Đảng Trà (Tea Party Movement), họ cho là Có.
Là một phong trào theo định hướng tự do bảo thủ (conservative libertarian) nhằm chống lại sưu cao, thuế nặng, toàn cầu hóa và các chính sách cấp tiến khác, Tea Party Movement – được truyền cảm hứng từ Boston Tea Party 1773, giúp tăng lượng phiếu bầu cho Đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử nghị viện kế tiếp sau đó, đẩy mạnh sức ép và tăng khả năng các chức danh nhà nước do Đảng Dân chủ nắm giữ phải từ bỏ nhiệm kỳ sớm. Không chỉ vậy, quy mô và tần suất biểu tình tạo nền tảng cho mạng lưới hoạt động cơ sở của một ý thức hệ chính trị, mở rộng quy mô nhận tài trợ, tăng cường khả năng quản trị tài chính – minh bạch của các tổ chức chính trị cơ sở và từ đó củng cố niềm tin chính trị của người tham gia.
Với những thành quả tốt đến như vậy, không có gì bất ngờ khi đảng cầm quyền duy nhất của một quốc gia sẽ dùng mọi cách để hạn chế quyền biểu tình. Biểu tình giúp cho người dân có ý thức chính trị hơn, giúp họ có môi trường trao đổi để tăng cường tri thức chính trị hơn, giúp họ học tập cách tổ chức và quản trị hội nhóm, giúp các lý tưởng được xây dựng và hoàn thiện…
Nói một cách thực dụng, biểu tình giúp các lực lượng đối kháng trong xã hội trưởng thành, giúp đa nguyên tư tưởng (mà chưa nói đến đa nguyên chính trị) khả dĩ. Đây là điểm có lợi cho giới đối lập, nhưng không có lợi cho chính quyền mong muốn kiểm soát xã hội.
Các cuộc biểu tình ròng rã của hàng triệu người Hàn Quốc cuối năm 2016, đầu năm 2017 đã làm Tổng thống nước này, bà Park Geun-Hye, mất ghế. Ảnh: Getty.
Nhưng như vậy thì có lợi gì cho những người dân thường chỉ mong muốn được sống yên ổn và làm giàu?
Bạn là tiểu thương? Cái sạp nho nhỏ trong chợ mà bạn đã đóng thuế phí đầy đủ có khả năng tăng giá, bản thân cái chợ đó có thể được trao cho một ‘nhà đầu tư chiến lược’ nào đó để xây dựng nhà hàng khách sạn.
Bạn là giáo viên? Trường học có thể kỷ luật sa thải bạn vì làm mích lòng hiệu trưởng, vì bạn tố cáo tiêu cực, hay đơn giản là họ có thể tinh giản biên chế bạn vì nhiều lý do “trong ngành mới hiểu”.
Bạn là doanh nhân? Những “phái đoàn” viếng thăm ngày đêm không kể sẽ đe doạ đến sự tồn tại của kế sinh nhai cho gia đình bạn.
Bạn là nhà nghiên cứu khoa học? Bạn không thể nghiên cứu cho ra lẽ những gì nhà nước cấm, bạn bị đánh giá bởi những người thiếu năng lực hơn bạn.
Bạn là phụ nữ? Bạn sẽ làm gì với bạo hành và xâm phạm tình dục thường xuyên trong một xã hội Á Đông như Việt Nam?
Tất cả chúng ta đều cần cộng đồng, cần mạng lưới xã hội và sự đa nguyên chính trị. Sống dựa vào một khung xã hội có vấn đề, ai cũng có thể sống qua ngày, nhưng chúng ta không ai chỉ muốn tồn tại cả. Đầu tư vào quyền biểu tình, ủng hộ quyền biểu tình, hay ít ra không phản ứng cực đoan trước những người đủ can đảm để biểu tình là cách tốt nhất để con người trong xã hội chính trị hiện đại tạo ra lưới an toàn xã hội cho chính mình, để khi bất công xảy đến, chúng ta vẫn thở phào nhớ rằng mình tự do, mình vẫn luôn có một thế giới đa nguyên hậu thuẫn.
Mượn ngôn từ của nhà lý thuyết chính trị và quyền con người Hannah Arendt, một buổi biểu tình, một cuộc mít-tinh quan trọng không chỉ ở chỗ chúng phản đối luật gì, phản đối chính sách thế nào. Điều quan trọng là chúng tạo ra không gian chung nơi công dân tạo lập và duy trì thể trạng con người của mình như một thực thể chính trị, nhắc nhở rằng mình có chủ quyền công dân, hành động cùng nhau và quan tâm đến nhau. Biểu tình là nơi xây dựng và tưởng tượng ra một thế giới mới, một xã hội mới khác với cái thực tế chính trị mà cộng đồng này đang phải chịu đựng.
Người dân phố Đê La Thành, Hà Nội, biểu tình phản đối việc thu hồi đất, giữa năm 2018. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Cơi nới trần tự do
Vì những mục tiêu trên, biểu tình đôi khi rất phiền toái. Tôi gọi đó là thẩm quyền văn hóa của biểu tình. Biểu tình tuyên truyền những thông điệp lạ lẫm, những ý tưởng mới mẻ để thách thức thực trạng. Chúng khiến những công dân chỉ muốn sống yên lành bối rối, chúng phá vỡ những bong bóng cô lập mà nhiều thị dân bấu víu vào để có cảm giác an toàn và êm ấm. Biểu tình có thể định hướng dư luận. Nếu không thể định hướng dư luận, biểu tình thay đổi thói quen và ngôn ngữ chính trị của toàn bộ xã hội.
Báo chí Hoa Kỳ không nói nhiều đến khoảng cách thu nhập trước khi Chiếm lấy phố Wall trở thành một phong trào biểu tình toàn quốc. Trước đó, người dân cũng ít nghĩ đến con số 99% như một cách cá nhân hóa bất bình đẳng xã hội dâng cao trong xã hội Hoa Kỳ.
Tại Việt Nam, có lẽ sẽ ít báo nào nói đến Trung Quốc nếu những cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2007, 2008, 2011 không nổ ra. Người dân cũng sẽ ít nhắc đến chủ nghĩa bành trướng Trung Hoa năm 1979 hay trận Gạc Ma năm 1988 để nhắc nhở thế hệ sau về một quốc gia láng giềng mưu mô và xấu tính.
Hiển nhiên, thẩm quyền văn hóa của biểu tình không phải là tuyệt đối. Thay đổi chủ kiến của con người là rất khó, và đôi khi, biểu tình chỉ càng khiến những người có sẵn quan điểm bất đồng với thông điệp biểu tình trở nên cực đoan hơn. Sẽ có lúc họ chủ động phản bác và chống lại những thông điệp biểu tình – như cách mà nhiều bạn trẻ, sinh viên, thực tập sinh đài truyền hình dạy dỗ người khác. Nhưng điều đó, tôi cho cũng không hẳn xấu. Sự tích cực trao đổi thông tin về một vấn đề cũng là điều mà biểu tình mang lại.
Sự trao đổi thông tin có thể không nhằm ủng hộ cuộc biểu tình, nhưng chúng đẩy ngưỡng chịu đựng xung đột của xã hội lên một tầm cao mới.
Vào những năm 1990, dân thường đến mơ cũng không nghĩ đến việc phê bình chính phủ hay tố cáo tiêu cực. Các cuộc biểu tình đất đai nhỏ lẻ nổ ra khắp cả nước khiến cho việc phê bình trở nên bình thường và chấp nhận được, và ai cũng nghĩ chúng cần được pháp luật bảo vệ.
Vào những năm 2000, chủ trương đầu tư và thành lập các khu kinh tế có yếu tố nước ngoài như Trung Quốc đều được cho là vấn đề của chính phủ, của giới tinh hoa. Sau chuỗi các sự kiện biểu tình chống Trung Quốc, các chuyên gia và người dân trở nên thoải mái hơn khi đưa ra quan điểm về Bauxite, về dự án đường sắt Hà Nội, về đặc khu… Ít ra họ cũng không xuống đường làm loạn, nhỉ?
Những thứ trên có thể được gọi là thẩm quyền gây rối (disruptive power) của biểu tình. “Gây rối” hiển nhiên ở đây không phải là đập phá, là giết chóc, nhưng chúng có thể gây ra tình cảnh không thoải mái cho những người chấp thuận và ủng hộ sự tồn tại của status quo – thực trạng xã hội.
Sinh viên trong Phong trào Quyền Dân sự (Civil Rights Movement) ở Hoa Kỳ thường dùng biện pháp tọa kháng – sits in – trong các nhà hàng phân biệt chủng tộc để gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, tăng chi phí hoạt động cho đến khi những nhà hàng này chấp nhận hủy bỏ chính sách phân biệt của họ. Gần đây, nhiều tài xế xe bus ở Nhật và Úc cũng đình công bằng cách không nhận tiền vé từ hành khách.
Đúng, những vấn đề trên gây ra thiệt hại cho nền kinh tế, gây ra ảnh hưởng cho nhiều người không liên quan, nhưng chúng khẳng định chiều sâu mong muốn của người biểu tình và tính nghiêm trọng của loại xung đột. Trên cơ sở đó, thẩm quyền gây rối của biểu tình là một phép thử không thể hoàn hảo hơn để đánh giá chính quyền, qua cách họ trả đũa những người biểu tình.
Liệu chính quyền sẽ tôn trọng pháp luật? Liệu chính quyền có chấp nhận đối thoại? Liệu chính quyền có thật sự quan tâm đến ý nguyện và lý do khiến người dân phải xuống đường?
Đây là những câu hỏi mà theo tôi, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã thất bại thảm hại trong việc trả lời khi tiến hành bố ráp và bắt bớ ngay cả những người dân vô can, vô tình đi ngang tầm ngắm vào ngày 17/6 vừa qua.
Những cuộc biểu tình có hội tụ đủ năng lực kiến tạo tri thức và tổ chức đối lập, thẩm quyền văn hóa và thẩm quyền gây rối là những cuộc biểu tình thay đổi quốc gia – thế giới. Tea Party Boston là khởi nguyên của Cách mạng Hoa Kỳ, cuộc tuần hành Muối của Gandhi là khởi đầu cho công cuộc chống lại chủ nghĩa đế quốc Anh của người Ấn, cuộc biểu tình Đám cháy Triangle Shirtwaist 1911 là nền tảng để công nhân Hoa Kỳ nhận được các nhượng bộ pháp lý như quyền về tiền lương tối thiểu và quyền đàm phán với nhà tuyển dụng thông qua liên đoàn lao động, thời điểm mà Xô-viết còn chỉ là mong ước của một vài chàng trai trẻ.
Yêu nước không chỉ là làm tốt việc của mình. Yêu nước còn là yêu cầu chính phủ phải làm tốt việc của họ.
Một ngư dân không thể đánh cá nếu biểu và môi trường sống của họ bị ô nhiễm, một doanh nhân có tâm không thể cứ cấn trừ chi phí “bôi trơn” bằng những loại hóa chất giết người nhằm hạ giá thành sản phẩm. Khi chính phủ rõ ràng không làm tốt việc của mình; khi họ buộc người dân không thể làm tốt việc của mình; khi họ đe dọa, khủng bố người dân; khi công việc của chính phủ không phải là kiến thiết và xây dựng quốc gia, mà bảo vệ tham nhũng và kỳ vọng kiểm soát được việc người dân nghĩ gì, viết gì… thì tôi không nghĩ chỉ làm tốt việc của mình là yêu nước.
Chiếm Phủ Khâm sai 1945 cũng là biểu tình. Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 đẫm máu thế nào cũng là từ biểu tình. Trừ khi chính quyền thực sự coi người dân là kẻ thủ, những cuộc biểu tình của nhân dân sẽ không bao giờ có mục tiêu lật đổ trật tự xã hội. Biểu tình, cuối cùng, chỉ là cách để phản bác sự đồng thuận cam chịu chung rằng, chúng ta không còn lựa chọn nào khác.