Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ngày 7/6/2018, Maria Ressa, giám đốc điều hành tờ báo online Rappler hàng đầu của Philippines được vinh danh với giải thưởng “Ngòi bút vàng vì Tự do” của Hiệp hội Báo chí và Xuất bản Thế giới. (WAN-IFRA). Nhưng đó chỉ mới là khởi đầu của những ngày khó khăn nhất mà tờ báo này đang đối mặt.
Tin tức độc lập và kỹ thuật số
Maria Ressa từng là phóng viên của hãng tin CNN trong hơn 20 năm sau khi tốt nghiệp đại học Princeton tại Hoa Kỳ và hoàn thành một chương trình thạc sĩ báo chí tại Đại học Philippines Diliman. Bà là một trong những phóng viên kỳ cựu của CNN trong mảng điều tra tại Châu Á, với những điều tra nổi bật về mạng lưới khủng bố và chính trị. Sau khi rời khỏi CNN, bà trở thành lãnh đạo cho mảng tin tức và thời sự của đài ABS-CBN.
Năm 2011, Maria Ressa cùng bạn bè sáng lập trang Facebook tên là MovePH, là tiền thân cho tờ Rappler hoàn chỉnh và chính thức được xuất bản trên mạng năm 2012.
Thời điểm đó, khác với những hãng tin, báo chí và truyền hình địa phương, tờ Rappler chọn internet làm mặt trận thông tin chính của mình trong việc tìm kiếm độc giả. Tờ báo khi đó chỉ có 12 phóng viên, do chính Maria Ressa tự tay lãnh đạo và điều hành. Tờ báo là một trong số ít báo online thực hiện những phóng sự điều tra kỳ công, độc lập cùng với hoạt động kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội liên tục cho người đọc. Ressa được coi như một trong những huyền thoại báo chí của Philippines.
Từ những ngày đầu tiên, nhóm sáng lập tờ Rappler đặt ra những câu hỏi lớn như: Báo chí sẽ thay đổi ra sao? Công dân có thể tham dự thế nào? Điều này nên được sử dụng vì mục đích tích cực và ý nghĩa hơn ra sao? Điều này sẽ khiến nền dân chủ mạnh lên như thế nào?” – Đó chính là những câu hỏi sẽ được trả lời bằng hàng loạt các tuyến bài điều tra giúp Rappler đoạt nhiều giải thưởng báo chí quan trọng trên thế giới.
Là một tờ báo startup, Rappler chọn dữ liệu là một mảng quan trọng trong báo chí. Tờ báo sản xuất nhiều loạt bài điều tra bằng cách sử dụng dữ liệu, công nghệ kết hợp với cách kể chuyện báo chí truyền thống để lý giải những vấn đề chính trị xã hội đang dần thay đổi với sự can thiệp của công nghệ. Định hướng đó sau này sẽ trở thành mảng fact-checking [phối kiểm thông tin] mà tờ báo này sử dụng để chống lại tin giả lan tràn trên chính trường Philippines.
Tháng 3/2017, Học viện Reuters công bố Rappler là một trong bốn hãng tin quốc tế thực sự tạo ra nền tảng thông tin trên mạng và sống được nhờ nội dung.
Cũng trong năm 2017, Rappler chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Phối kiểm Tin tức Quốc tế (IFCN) tại Poynter, một mạng lưới báo chí toàn cầu thúc đẩy tính chính xác trong báo chí bằng hệ thống kỹ thuật phối kiểm tin tức, đặc biệt trong giai đoạn tin tức trên thế giới bị tấn công bởi tin giả chạy trên nền tảng mạng xã hội.
Tại Đông Nam Á, Rappler đã chọn đúng “điểm rơi” khi là kênh truyền thông sử dụng mạng xã hội và internet làm nền tảng tương tác chính vì Philippines trong nhiều năm liên tục là quốc gia có số người dùng tăng trưởng nhanh nhất. Vào tháng 1/2018, trang tin công nghệ TechCrunch công bố website của Rappler là một trong 10 trang web đông độc giả nhất Philippines. Rappler hiện có 3,6 triệu fan trên Facebook.
Maria Ressa phỏng vấn Tổng thống Philippines Ninoy Aquino, tháng 6/2016. Ảnh: Joseph Vidal / Malacañang Photo Bureau.
Cuộc chiến chống ma túy và mặt trận trên mạng
Năm 2016, cuộc bầu cử tổng thống tại Philippines diễn ra. Đó cũng là bước ngoặt quan trọng với báo chí Philippines và Rappler. Khi ấy, Maria Ressa mời 5 ứng cử viên tranh cử tổng thống đến một diễn đàn đối thoại do tờ Rappler tổ chức.
Tuy nhiên, ngày hôm đó, chỉ có một mình ông Rodrigo Duterte xuất hiện trước đám đông khán giả đang chờ đợi những ứng cử viên thể hiện. “Sân khấu là của ông,” bà nói với ứng cử viên Duterte khi đó.
Trong hai giờ kế tiếp, ông Rodrigo Duterte trả lời những câu hỏi mà bà Ressa nêu từ những độc giả trên mạng xã hội. Cuộc gặp gỡ tại diễn đàn Rappler sau này được báo chí đánh giá là cực kỳ quan trọng, vì nó đem lại cơ hội cho ông Duterte được thể hiện bản thân mình và tạo ấn tượng trước những cử tri Philippines trước kỳ bầu cử, trong khi những ứng cử viên khác không xuất hiện. Cuộc đối thoại giữa bà Maria Ressa và Duterte được phát trên 200 báo đài toàn Philippines và 40 trường đại học khắp cả nước.
Hãng tin Bloomberg nhận định: “Diễn đàn của Ressa đã giới thiệu Duterte tới thế hệ trẻ người Philippines trên chính nền tảng mà họ sử dụng,” – khi ấy 97% dân số Philippines có mặt trên mạng xã hội Facebook. Và vị ứng cử viên này nhanh chóng nhận ra tiềm năng của mạng xã hội, có thể đưa ông đến với lá phiếu của người dân ra sao. Tại Philippines, nơi 97% số người sử dụng internet có tài khoản mạng xã hội Facebook, Tổng thống Duterte đã biến Facebook thành một vũ khí tuyên truyền hình ảnh.
Tờ Bloomberg News mô tả Duterte đã thuê những chiến lược gia từ chính Facebook, tập trung ở khách sạn Peninsula Mania Hotel và huấn luyện cho các nhân viên trog chiến dịch tranh cử của Duterte giúp ông biến đổi từ hình ảnh một người ít xuất hiện trên mạng, tạo ra một đội quân Facebooker và blogger khắp thế giới. Họ giúp ông có được dấu mark màu xanh chính chủ, huấn luyện cách sử dụng nội dung để thu hút người theo dõi.
Chiến dịch mạng xã hội của Duterte tạo ra một bộ máy chưa từng có tiền lệ so với các ứng cử viên khác năm 2016, chia thành bốn nhóm: ba nhóm ở Philippines, tùy theo vị trí địa lý, và một nhóm nhắm tới công nhân Philippines đang làm việc ở nước ngoài. Chiến dịch này tung ra thông điệp mỗi ngày, rải các nội dung khắp nơi trên mạng xã hội sử dụng tài khoản Facebook thật và giả, có hàng trăm tài khoản Facebook kiểu này có hàng ngàn followers.
Nhóm hoạt động tranh cử của Duterte còn đăng cả tin giả như “Ngay cả Giáo hoàng Francis cũng ngưỡng mộ Duterte”, không khác gì với hình mẫu của tổng thống Donald Trump trong việc sử dụng tin giả để thao túng báo chí thời tranh cử. Duterte chiếm nội dung đến 64% các đối thoại của cư dân mạng Philippines trên mạng xã hội này vào một tháng trước kỳ bầu cử. (9)
Ứng cử viên Duterte (phải) trong diễn đàn đối thoại của Rappler, tháng 1/2016. Ảnh: Rappler.
Tháng 5/2016, ông Rodrigo Duterte đắc cử và trở thành tổng thống Philippines. Cuộc chiến chống ma túy mà ông tuyên bố sau đó sẽ đi cùng với cuộc chiến tấn công vào tự do báo chí – mà Rappler là một trong những thành trì đầu tiên Duterte sẽ đụng tới. Những dư luận viên, người dẫn dắt ý kiến được sử dụng để tấn công những chính trị gia đối lập, nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền. Những account có cảm tình với Duterte được gọi là “Duterte Die-Hard Supporters”.
Rappler sớm nhận thấy “mặt trận” online đã trở thành chiến trường gây chia rẽ người dân Philippines trong cuộc chiến chống ma túy ra sao. Maria Ressa và các phóng viên điều tra của bà dành nhiều tháng để thực hiện những phóng sự điều tra cho thấy rõ gương mặt của cuộc chiến chống ma túy, cũng như cuộc chiến thông tin trên không gian mạng ra sao. Nhiều bài viết của Rappler sau này tiết lộ những tài khoản của các nhân vật quan trọng trong chính quyền thân hữu với tổng thống Duterte chính là nguồn phát đi các tin giả hủy hoại uy tín đối thủ chính trị, cũng như ngầm ý tạo ra đồng thuận trong cộng đồng khi kết tội ai đó.
Tờ Rappler và Maria Ressa từng công bố một trong những blogger nổi tiếng nhất Philippines tên Mocha Uson với 5 triệu fan, đã đăng một thông tin nói thượng nghị sĩ Leila M. de Lima là “tên trùm ma túy số một đã bị bắt” – khi nghị sĩ này bị bắt giam vì bà là người công khai chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của Duterte. Chưa có phán quyết của tòa án, không có bằng chứng, nhưng những post trên mạng xã hội từ những tài khoản nổi tiếng ủng hộ Duterte đã thành công khi thuyết phục người đọc tin vào những luận tội trên mạng mà nhóm thân hữu của ông đưa ra.
Khi Rappler đăng phóng sự điều tra “Cuộc chiến tuyền truyền: Vũ khí hóa mạng Internet”, lãnh đạo tờ Rappler nói bà nhận được một cơn lốc những tin nhắn thù địch như “Hãy để yên cho tổ quốc tao!!!! ĐỒ ĐIẾM!!!”, “tôi muốn Maria Ressa bị hiếp liên tục đến chết”… – Bà nhận được gần 90 tin nhắn dọa giết, hiếp trong mỗi giờ. Các phóng viên của tờ báo bị đe dọa và tấn công trên mạng. Phóng viên Pia Ranada [ phóng viên mảng chính trị phụ trách tường thuật về Duterte] mô tả cô trở thành một hình ảnh meme lan truyền đầy trên mạng xã hội ở Phillipines, bị giễu cợt và sỉ nhục trên internet, với nhiều đe dọa ác ý nhắm vào cô.
Đội ngũ Rappler đang trở thành những người tiên phong bảo vệ tự do báo chí ở Philippines. Ảnh: Rappler.
Theo đuổi báo chí độc lập
Cuộc chiến ma túy của tổng thống Rodrigo Duterte đã thay đổi rất nhiều bộ mặt báo chí Philippines, đặc biệt với số phận tờ Rappler. Là một trong những tờ báo công khai phản đối chiến dịch này, Rappler thực hiện hàng loạt các bài viết về số phận nạn nhân, nạn nhân là thiếu niên không qua xét xử, người bị giết và cảnh sát dựng hiện trường giả, một số phỏng vấn của các cựu sĩ quan cảnh sát thú nhận họ dựng hiện trường giả sau khi giết người ra sao, giá cả mà cảnh sát được trả khi giết một người “tình nghi” mua bán ma túy. Một số loạt bài nổi tiếng của Rappler trong giai đoạn này có thể kể đến như “Impunity Series” (loạt phóng sự: Tội ác không bị trừng phạt) hoặc “In the name of father” (Loạt phóng sự: “Dưới bóng cha”), với hình ảnh một cuộc chiến chống ma túy đẫm máu, không qua xét xử và sự lộng hành của hệ thống cảnh sát chống ma túy.
Ngày 15/1/2018, chính phủ Philippines quyết định thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh của Rappler. Trong diễn văn trước Quốc hội vào ngày 24/7/2017, Tổng thống Duterte cáo buộc Rappler “hoàn toàn do người Mỹ sở hữu”. Trước đó, ông nhiều lần cáo buộc tờ báo tung “tin giả” theo cùng phong cách tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cáo buộc các tờ báo không thân thiện với ông. Cách làm “rút giấy phép” có thể sẽ là “án tử” cho một tờ báo của Philippines, vì Hiến pháp nước này quy định các tổ chức truyền thông đại chúng phải do người Philippines sở hữu 100%.
Chủ tịch hội đồng quản trị của tờ báo, bà Maria Ressa phát biểu: “Đây là khoảnh khắc chúng tôi tuyên bố mình sẽ đứng về phía tự do báo chí”. Tờ báo công bố một cuộc gây quỹ từ chính người đọc để tiếp tục hoạt động báo chí độc lập và không bị thao túng bởi những áp lực mà chính phủ Philippines tấn công vào thành trì của nội dung mà họ bảo vệ. Chỉ trong hơn 10 ngày tổ chức gây quỹ, tờ báo đã đảm bảo được hơn 50% kinh phí cho hoạt động nội dung trong năm kế tiếp của họ, cho thấy độc giả Philippines và quốc tế ủng hộ con đường báo chí độc lập mà tờ báo này theo đuổi.
Cuộc chiến để bảo vệ tự do trong tường thuật của Rappler vẫn còn rất dài. Tháng 3/2018, Cục Thuế Philippines (Bureau of Internal Revenue) khởi tố Công ty Rappler Holdings Corp vì tội trốn thuế, với 133 triệu Peso.
Tờ báo và cá nhân bà Maria Ressa và một số phóng viên của Rappler cũng bị kiện vì tội phỉ báng trên mạng về một bài viết… từ 5 năm trước.
Nhiều nhà phân tích cho biết Rappler có thể dễ dàng chuyển hẳn hoạt động của công ty ra nước ngoài để tiếp tục thực hiện các giá trị báo chí mà họ theo đuổi, nhưng từ những khó khăn từ đầu năm 2018, Rappler và những người thực hiện nội dung tờ báo vẫn tiếp tục chọn trụ vững tại Philippines và thực hiện những loạt bài điều tra, những tường thuật thời sự quan trọng mà người dân cần đến khi phải ra quyết định với những biến động chính trị mà chính phủ Duterte đang tạo ra ở quốc gia này.
Phóng viên Pia Renada nói: “Công chúng có thể giúp [báo chí] bằng cách lên tiếng, thể hiện sự ủng hộ của họ cho tự do báo chí. Bạn có thể làm điều này bằng cách đăng tải trên mạng hoặc tương tác với mọi người khi thảo luận vấn đề. Bạn có thể giúp bằng cách phản biện trước tuyên truyền của chính phủ và giữ đầu óc tỉnh táo khi newsfeed của bạn bị bao vây bởi những thông tin đó. Đây là cuộc chiến của thế hệ chúng ta, cuộc chiến của thế hệ trẻ. Cuộc chiến này không phải của riêng Rappler, đó là cuộc đấu tranh cho lý tưởng mà ta hướng tới, mà bất cứ công dân yêu tự do nào cũng nên hướng tới.”